Trái đất, môi trường và khí hậu - ngôi nhà và tài sản chung của chúng ta - đang bị tổn thương rộng khắp bởi hàng loạt thiên tai và biến động chưa từng có. Nhân loại cũng vừa trải qua một đại dịch toàn cầu khủng khiếp khiến tất cả các nước, các dân tộc chấn động, từ tầm vĩ mô đến các vấn đề xã hội, kinh tế, đời sống và sức khỏe của mỗi cá nhân. Còn hiện tại, giữa khi thế giới nỗ lực tìm cách tạo dựng cuộc sống "bình thường mới" sau đại dịch Covid-19, tình hình thế giới lại diễn ra nhiều căng thẳng, xáo trộn, bất an...
Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Nguồn: BỘ NGOẠI GIAO
Bối cảnh ấy đòi hỏi các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, xác định lại chiến lược và sách lược ngoại giao của mình để thích nghi với cục diện mới, hạn chế rủi ro và tranh thủ cơ hội cho lợi ích quốc gia dân tộc. Việt Nam chúng ta cũng không phải ngoại lệ.
Nhìn lại đường lối, chủ trương và biện pháp ngoại giao của Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới (năm 1986), đối chiếu giai đoạn kháng chiến và thập niên đầu sau chiến tranh, có thể khái quát một số nguyên tắc, phương châm xuyên suốt giúp chúng ta hiểu và đánh giá đúng đặc thù ngoại giao Việt Nam ngày nay, đó là:
Thứ nhất, luôn giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ, thượng tôn lợi ích quốc gia dân tộc trong đường lối và hoạt động ngoại giao, đối ngoại nói chung: Chúng ta đã thể hiện kim chỉ nam hành động ở thời kỳ căng thẳng Xô-Trung trong Chiến tranh Lạnh, cũng như suốt những năm đàm phán với Hoa Kỳ cho Hiệp định Paris (1968-1973).
Thứ hai, chủ trương tập hợp lực lượng ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đây là một thành công nổi bật, có thể nói là điển hình của ngoại giao Việt Nam từ trước đến nay, giúp lý giải một số thành công của Việt Nam trong thế kỷ này.
Thứ ba, một trong những phương thức của ngoại giao Việt Nam từ thời kháng chiến là phát huy kênh đối ngoại nhân dân rất thành công, bổ trợ cho ngoại giao nhà nước, tăng sức mạnh của chúng ta trong đàm phán với Hoa Kỳ. Nhờ tập hợp lực lượng và hoạt động đối ngoại nhân dân, chúng ta đã thực hiện được thành công phương châm thêm bạn, bớt thù.
Thứ tư, qua những bối cảnh, tình huống phức tạp, những thách thức thăng trầm của mặt trận đối ngoại từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, một đặc tính nổi bật của ngoại giao Việt Nam là tính chất đáng tin cậy, có trước có sau với bạn bè truyền thống, những bên đã giúp đỡ Việt Nam, nhân dân Việt Nam qua các giai đoạn cam go, thử thách.
Nhìn lại tám thập niên qua, Việt Nam và ngoại giao Việt Nam đã biết đón và tận dụng thời cơ, đặc biệt thể hiện qua "bài học kinh điển về nghệ thuật đàm phán nói riêng và nghệ thuật ngoại giao đặc sắc Việt Nam nói chung", như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phân tích trong bài "Đôi điều suy ngẫm về Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam", đó là bốn bài học chữ K: Kết hợp-Kiên định- Kiên trì-Khôn khéo (1) (2).
Ngày nay, Việt Nam đã vươn lên đạt vị thế của một quốc gia tầm trung, với những cơ hội và cả những yêu cầu, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế gắn liền với vị thế này. Vậy thì trong cục diện mới, ngoại giao Việt Nam cần phải rút những bài học gì, vận dụng những phương thức thành công cho đến nay như thế nào, điều chỉnh chủ trương và biện pháp nhằm củng cố và tiếp tục nâng cao thế và lực của Việt Nam trong thế giới biến động, nhiều thử thách như hiện nay và thời gian tới?
Trong một thế giới bất định, khó dự đoán như hiện tại, Việt Nam lại được cảm nhận rộng rãi (bởi các cường quốc, các đối tác phát triển, các nước đang phát triển, các nước nhỏ cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực khác nhau) như một thành viên cộng đồng quốc tế đáng tin cậy (reliable) với chính sách đối ngoại kiên định, nhất quán có thể dự đoán (predictable), những tính chất quý báu và thiết yếu.
Nhờ đó, Việt Nam được đăng cai những hội nghị cao cấp quốc tế, từ Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ (1997), đến Thượng đỉnh APEC (2017), được giữ vị trí Tổng Thư ký ASEAN (2013-2017) và hai lần được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2007-2008 và 2020-2021, lần sau với số phiếu 192/193).
Ngoại giao Việt Nam cũng đặc biệt thể hiện thế chủ động trong vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm của tổ chức khu vực ASEAN cũng như tổ chức toàn cầu Liên hợp quốc, kiên trì học hỏi, rút kinh nghiệm và xây dựng năng lực của đội ngũ, để đạt đến một thế cho phép nâng cao vai trò đóng góp cho các tổ chức đa phương, có thể chủ động đề xuất sáng kiến. Đơn cử, trong khuôn khổ ASEAN, chúng ta đã triệu tập tại Hà Nội năm 2010/Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ADMM mở rộng thành ADMM+, với sự tham gia của tám nước đối tác. Thí dụ khác, Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021) đã thúc đẩy bảo trợ cho Nghị quyết 2573 về hoạt động nhân đạo, bảo vệ hiệu quả dân thường trong điều kiện chiến tranh. Một biểu hiện nổi bật gần đây nhất là việc ta cử hai đoàn cứu trợ nhân đạo đến Thổ Nhĩ Kỳ, tham gia cứu trợ tìm kiếm nạn nhân thảm kịch động đất.
Đến thời điểm này, có thể nói ngoại giao Việt Nam đang tiến tới phương thức ngoại giao tổng lực, tiếp tục mở rộng phương diện tiếp cận khắp năm châu, từ siêu cường đến những quốc đảo nhỏ bé; kết hợp ngoại giao song phương với các nước và đa phương với các tổ chức quốc tế toàn cầu và khu vực; phối kết các kênh đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân. Đồng thời, sự liên kết giữa phát triển kinh tế-xã hội trong nước và thương mại rộng mở, song song tăng trưởng đều đặn với chính sách và biện pháp ngoại giao… càng tạo cho thế đứng của Việt Nam vững chãi trong hội nhập quốc tế.
Một minh họa ngoạn mục cho phương thức ngoại giao tổng lực là "ngoại giao vaccine", hướng đi đã giúp cho Việt Nam thoát khỏi thử thách khủng khiếp của bệnh dịch thế kỷ này. Đến khi Nhà nước Việt Nam xác định dứt khoát không thể có giải pháp triệt để hiệu quả nào ngoài kịp thời tiêm vaccine toàn dân, các thành phần các cấp của bộ máy nhà nước, kể cả các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài cùng các doanh nhân, đã chung tay nỗ lực tìm kiếm, đặt mua, vận động các nước và các tổ chức quốc tế đóng góp, hoặc thuận lợi hóa việc tìm kiếm đặt mua và tiếp nhận vaccine. Mặt trận Tổ quốc cũng vận động công chúng đóng góp tài chính để Nhà nước có điều kiện đặt mua vaccine kịp thời. Trên hết, Việt Nam không chỉ ủng hộ và thúc đẩy các cơ chế chia sẻ vaccine trên trường quốc tế, mà cũng sẵn sàng chuyển giao một khối lượng không nhỏ các thiết bị, vật tư y tế thiết yếu. Dư luận quốc tế, do đó, đã ghi nhận sự chủ động, năng động, "sáng tạo" của Việt Nam trong chiến dịch "ngoại giao vaccine".
Ở bình diện khác, cũng cần nêu bật vai trò của các doanh nghiệp lớn trong việc vừa quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, vừa góp phần xây dựng hình ảnh đối ngoại của Việt Nam. Chẳng hạn, Trường đại học FPT đón nhận nguyên một lớp 40 sinh viên Nigeria (nơi Tập đoàn FPT có đầu tư kinh doanh) sang học ở Việt Nam; hay việc Tập đoàn Viettel ở Mozambique triển khai chương trình CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), qua chương trình trang bị phương tiện tiếp cận internet đến các trường ở nông thôn nước này.
Cuối cùng, không thể không nhấn mạnh: phong cách ngoại giao Việt Nam hình thành và phát triển với thời gian và bước tiến của đất nước-dân tộc, từ dấu ấn di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ngoại giao tổng lực ngày nay là đa chiều (song phương, đa phương), đa lĩnh vực (chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa), đa kênh (nhà nước, quốc hội, nhân dân), đa chủ thể (tổ chức, nhóm, cá nhân) và đa hình thức (từ biện pháp ngoại giao chính thống đến giao lưu, trao đổi không chính thức, v.v). Phong cách ngoại giao ấy đã và đang tiếp tục phát huy tác động tích cực: Vừa chủ động, vững chãi, đáng tin cậy trong thực hiện trách nhiệm quốc tế, vừa không ngừng "thêm bạn bớt thù", giúp cho đất nước tiếp tục hội nhập quốc tế thành công, tạo cơ sở để phát triển bền vững.
Từ khi điều kiện đất nước còn gian khó, Việt Nam đã chung tay góp sức, sát cánh cùng các nước anh em và bạn bè quốc tế trong công cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Theo chặng đường phát triển, với thế và lực mới, Việt Nam tiếp tục tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân đạo quốc tế, theo nhiều hình thức. Là đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh và vẫn còn phải chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh nên hơn ai hết, Việt Nam đề cao ý nghĩa của việc tôn trọng các giá trị cốt lõi của Luật Nhân đạo quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới sớm gia nhập để trở thành thành viên của nhiều điều ước trong lĩnh vực Luật Nhân đạo quốc tế, thí dụ các công ước Geneve về bảo hộ nạn nhân chiến tranh; những ảnh hưởng của các điều ước quốc tế về nhân đạo trong trật tự pháp luật quốc gia; việc di cư bất hợp pháp và những vấn đề pháp lý nhân đạo được đặt ra. Không chỉ cử quân nhân tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại các khu vực có chiến tranh hay xung đột, theo diễn biến ngày càng khắc nghiệt của tiến trình biến đổi khí hậu, Việt Nam còn tích cực gia nhập các cơ chế hợp tác cứu hộ, cứu nạn quốc tế, như "Hiệp định về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN", cũng như "Quy trình hoạt động chuẩn về cứu trợ thảm họa và phản ứng khẩn cấp" của khu vực. Thiết thực và cụ thể, dù ít dù nhiều, hầu như bất kỳ thảm họa nào xảy ra trên thế giới, Việt Nam cũng đều có những chuyến hàng hỗ trợ trực tiếp trên tinh thần "lá lành đùm lá rách", như: Viện trợ nhân đạo cho nhân dân Iraq khắc phục hậu quả chiến tranh năm 2003; ủng hộ nhân dân Nhật Bản sau thảm họa kép Fukushima năm 2011 số tiền tương đương 7,783 triệu USD cùng các nhu yếu phẩm; hay cả đất nước chung tay chia sẻ với "người anh em" Cuba, sau hỏa hoạn kho chứa dầu năm 2022... |
(1) Báo Thế giới và Việt Nam, ngày 17/1/2023.
(2) Có thể tham khảo bài "Một số nét đặc sắc của ngoại giao Việt Nam qua các thời kỳ" (Tôn Nữ Thị Ninh) - Báo Thế giới và Việt Nam 22/7/2015.
TÔN NỮ THỊ NINH
Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh
Theo Báo Nhân Dân
Thanh Huyền (st)