Cách đây 36 năm, tại trụ sở UNESCO ở Paris, Khoá họp lần thứ 24 của Đại hội đồng UNESCO đã ra Nghị quyết vinh danh Bác Hồ kính yêu của chúng ta là “Anh hùng Giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất”.

dai su hoa binh
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các nhà báo quốc tế

Việc ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với nhân dân tiến bộ trên thế giới. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp, cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân Việt Nam và thế giới; đồng thời tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, bản sắc văn hóa và khát vọng của Người và dân tộc Việt Nam về một thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc. Tư tưởng, giá trị nhân văn, đạo đức và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức lôi cuốn, khích lệ các dân tộc bị đô hộ, đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do, công lý và tiến bộ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đại sứ hòa bình và hữu nghị của nhân dân thế giới, là cầu nối “mang tình anh em của nhân dân ta đến nhân dân nước bạn và đưa tình anh em nước bạn chuyển lại cho đồng bào ta”.

Việt Nam, một đất nước liên tục trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, là quốc gia hơn ai hết hiểu thế nào là giá trị của hòa bình. Với truyền thống hòa hiếu, hữu nghị, người Việt luôn tìm cách gìn giữ hòa bình, tránh chiến tranh và chỉ buộc phải chấp nhận chiến tranh khi giới hạn cuối cùng là chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc bị xâm phạm. Tinh thần ấy không bao giờ ngừng tắt mà nó luôn có sức thôi thúc, lan tỏa trong đời sống con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa tinh thần ấy trên hành trình đi tìm đường cứu nước và phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp lãnh đạo đất nước đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, vì tiến bộ và hòa bình của nhân loại.

Năm 1911, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc. Với một sự nhạy cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành sang nước Pháp, đến tận châu Âu, Người đi để mở rộng tầm mắt, nhìn ra các chân trời, đã đi không biết qua bao nhiêu nơi, qua các biển lớn, các xứ sở. Người làm rất nhiều nghề, những nghề lao động chân tay lam lũ bị khinh rẻ, vừa làm vừa tự học không ngừng. Chính vì thế, Người đã nhìn thấy từ châu Á, châu Phi đến châu Âu, châu Mĩ, ở đâu con người cũng là một, ở đâu sự đói khổ, sự cùng khốn, sự nhục nhã của con người cũng là một, ở đâu cũng có những con người lao động bị bóc lột, bị lừa dối, bị chà đạp, bị giết chóc, nhất là những người nô lệ ở các dân tộc thuộc địa. Đối với Người, một người dân mất nước, bị nô lệ thì giá trị tinh thần lớn nhất là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó chính là sự đồng cảm đầu tiên của Người về các dân tộc thuộc địa, của nhân dân lao động trên toàn thế giới, để rồi hình thành nên tư tưởng độc lập cho dân tộc mình đồng thời là độc lập cho tất cả các dân tộc; giải phóng dân tộc để giải phóng xã hội và giải phóng loài người. Hoà bình và phát triển là khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân, là đích đến của nhân loại.

Trong suốt những năm đầu hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi nhiều nước, kết bạn với nhiều người của các dân tộc trên thế giới, đã gặp gỡ hàng trăm nhân sỹ, danh nhân, tham gia các diễn đàn, lập hội, viết báo, viết sách, phản ánh về nỗi thống khổ của nhân dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc thuộc địa, tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc. Người cho rằng ở đâu đế quốc tư bản thực dân cũng dã man, tàn bạo, cũng đầy rẫy những quan hệ phi nhân tính, ở đâu những người lao động nghèo khổ, bần cùng cũng là bạn bè, anh em, đồng chí của nhau. Đi đến đâu, Người cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế không chỉ là sự giản dị, khiêm tốn, giàu lòng vị tha, mà còn là trí tuệ uyên bác, tầm nhìn sâu rộng, lý tưởng và hoài bão cao đẹp “hiến dâng tất cả cho Tổ quốc, cho nhân dân”, cho một “thế giới đại đồng”. Bè bạn năm châu khâm phục và đánh giá cao về Người. Nhà báo Liên Xô: Ô-xip Man-den-xtan trong bài “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai…Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”. Văn hoá của tương lai mà Ô-xip Man-den-xtan nói đến chính là Văn hoá hoà bình Hồ Chí Minh. 56 quốc gia Người đã đến là minh chứng cho tinh thần quốc tế cao cả, là cầu nối cho tình hữu nghị và hòa bình khắp năm châu. Hình ảnh của Người được ngưỡng mộ, kính trọng, lan tỏa khắp thế giới: 35 tượng đài, 11 khu tưởng niệm được xây dựng; 20 con đường, đại lộ và nhiều trường học được đặt tên Người. Ở một số nước xuất hiện môn “Hồ Chí Minh học”. Nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, sinh viên chọn Hồ Chí Minh làm đề tài nghiên cứu, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời để ngợi ca về Người…Romesh Chandra, Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới nói rằng: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản đồ sộ về hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Ngay sau khi nước Việt Nam giành lại được độc lập, tự do, với cương vị là Chủ tịch nước, Người đã thay mặt nhân dân Việt Nam, chìa bàn tay hữu nghị, hòa bình với toàn thế giới: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai. Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam”. Đối với nước Pháp mặc dù là nước đã đặt ách thống trị tàn bạo lên dân tộc Việt Nam, nhưng đối với Người, việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng. Ngay cả khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ đất nước, Người vẫn tìm mọi cách nhằm cứu vãn hòa bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho Chính phủ và nhân dân Pháp, cho tướng lĩnh, binh sĩ quân đội Pháp và những kiều dân Pháp ở Việt Nam, cho các chính phủ, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa và nhân dân các nước, vừa tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, vừa kêu gọi đàm phán hòa bình bởi “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó, chúng tôi đều quý như nhau”. Khi sang thăm nước Pháp, tại khu di tích lịch sử ở Noóc-man-đi, chính tay Bác đã ném đi những trái mìn, bịt miệng khẩu đại bác với dụng ý nói lên ý chí và tinh thần quyết tâm giữ gìn hòa bình, kiên trì ngăn chặn chiến tranh. Đó cũng là thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam gửi tới nhân dân Pháp và những người cầm quyền nước Pháp lúc đó, khẳng định tư tưởng yêu chuộng hòa bình củadân tộc Việt Nam. Cuộc đàm phán ở Pháp bế tắc, trong một cố gắng cuối cùng, đêm 14/9/1946 Bác ký với Pháp tạm ước chịu nhiều nhân nhượng từ phái ta để cứu vãn hòa bình. Trong cuốn hồi ký: “Chuyện một nền hòa bình bị bỏ lỡ”, ông Xanh-tơ-ni viết: “Quả thật đáng tiếc nước Pháp đã không đánh giá đúng tầm cỡ ông Hồ Chí Minh, không hiểu nổi vai trò của ông và sức mạnh ông có trong tay”. Nhà sử học Xô viết Cobilets viết: “Hồ Chí Minh nhà yêu nước vĩ đại Việt Nam đã chân thành giơ bàn tay hữu nghị cho nhà yêu nước vĩ đại Pháp Đờ-gôn, nhưng Đờ-gôn đã không nắm lấy bàn tay ấy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách ngăn chặn xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Năm 1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang trên đà thắng lợi, phong trào hòa bình thế giới phát triển mạnh, Hội đồng hòa bình thế giới được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam nhằm góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình của Việt Nam và mở rộng quan hệ với phong trào hòa bình thế giới. Đây là một trong những tổ chức nhân dân đầu tiên của Việt Nam do đích thân Bác Hồ là Chủ tịch danh dự đầu tiên. Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc củng cố tinh thần đoàn kết của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân Việt Nam và kêu gọi những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, bảo vệ công lý, chống chiến tranh xâm lược.

Trước những biến động về tình hình quốc tế mới, đặc biệt là hành động hiếu chiến của đế quốc Mỹ cùng các âm mưu thủ đoạn của chủ nghĩa thực dân mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn kiên định lập trường trước sau như một: “Về quan hệ quốc tế, chúng tôi luôn luôn trung thành với chính sách hòa bình và hợp tác giữa các nước trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình”. Xuất phát từ tư tưởng mong muốn hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố gắng bằng nhiều con đường, hy vọng làm thức tỉnh lương tri của những người trong bộ máy điều hành nước Mỹ. Người trực tiếp viết thư gửi các chính giới Mỹ, kêu gọi nhân dân Mỹ hãy cùng với nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh đòi chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với nhân dân Mỹ, những người cũng đang là nạn nhân đau khổ của cuộc chiến tranh này. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “nhân dân Việt Nam không bao giờ nhầm lẫn nhân dân Mỹ yêu chuộng công lý với những chính phủ Mỹ đã phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam”. Giới cầm quyền Mỹ đã nhiều lần nhận được thông báo về thiện chí hòa bình của Hồ Chí Minh, nhưng họ đã đáp lại bằng việc tăng cường và mở rộng diện đánh phá miền Bắc, đưa thêm quân vào chiến trường miền Nam. Tiếng nói chính nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ đồng tình và chính họ đã tạo nên những làn sóng đấu tranh liên tục chống chính quyền Mỹ, đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Trong bức thư chúc mừng nhân dân Mỹ nhân dịp đầu năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự quý trọng tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam với nhân dân Mỹ; hoan nghênh và cảm ơn nhân dân Mỹ đã đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, dù đang lâm bệnh nặng, trong lá thư viết trả lời Tổng thống Mỹ R.Níchxơn ngày 25/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thực sự”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hòa bình là lợi ích của tất cả các dân tộc, do đó phải đấu tranh cho hòa bình trên thế giới được bền vững, giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước nhà. Vì thế, trong suốt thời gian lãnh đạo đất nước, Người luôn xây đắp tinh thần quốc tế trong sáng. Người đã dành những tình cảm thắm thiết với mọi dân tộc trên thế giới, luôn luôn ủng hộ những cuộc đấu tranh yêu nước và cách mạng bất cứ ở đâu, quan tâm chí tình tới bạn bè quốc tế, chăm sóc ân cần mọi số phận con người bằng những việc làm cảm động và thiết thực. Người là hiện thân của tinh thần “Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em”, hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng, cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Người khởi xướng và kết nối mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào - Campuchia, ba nước trên bán đảo Đông Dương chung một chiến hào, đoàn kết, kiên cường đánh đuổi hai đế quốc Pháp và Mỹ. Đón đoàn cấp cao Lào thăm Việt Nam tháng 3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em... Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”.Người đã dựa vào sự am tường của mình về văn hóa Trung Hoa, đã vận dụng kinh nghiệm ngoại giao của ông cha ta trong cách ứng xử với Trung Quốc, để vừa bày tỏ sự tôn trọng tới lãnh đạo Trung Quốc, vừa đồng thời khéo xử lý quan hệ Việt - Trung trong mối quan hệ với các nước lớn khác. Nhờ vậy mà Người đã tranh thủ được ở mức cao nhất sự ủng hộ tinh thần và vật chất to lớn của chính phủ và nhân dân Trung Quốc dành cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Trong thông điệp gửi cho nhân dân Ấn Độ, Người nhấn mạnh: “Nhân dân hai nước chúng ta đã có những quan hệ anh em từ lâu đời. Nền văn hóa và đạo Phật của Ấn Độ đã truyền sang Việt Nam từ thời cổ. Dưới ách thống trị của thực dân, quan hệ giữa hai nước chúng ta bị gián đoạn trong một thời kỳ. Nhưng tình hữu nghị cổ truyền luôn luôn gắn bó hai dân tộc chúng ta”. Người kêu gọi phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ, yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của dân tộc ta. Và cả loài người tiến bộ đứng về phía Việt Nam, kề vai, sát cánh bên Người, đoàn kết với nhân dân ta trên trận tuyến đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng nước nhà. Người là “biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” (UNESCO).

Trong trái tim nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ kiệt xuất, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, người đồng chí, người thầy kính yêu, người bạn thân thiết. Trong Điếu văn đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sầm Nưa ngày 5/9/1969, Cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào nói: “Đối với cách mạng Lào chúng ta, đồng chí Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo cho Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Lào trước đây, cũng như sau này cho Đảng Nhân dân Lào khi Đảng đã được thành lập. Đồng chí trực tiếp giúp cho chúng ta những ý kiến quan trọng về chiến lược, sách lược, về phương thức hoạt động. Nhờ đó mà trong tình thế vô cùng gay go, gian khổ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra sức vận động quần chúng, tổ chức và lãnh đạo nhân dân Lào đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay mình, tuyên bố nền độc lập của Lào ngày 12/10/1945. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp đỡ tận tình cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân ta... Đồng chí Hồ Chí Minh đã chú ý hướng dẫn việc chuyển hướng trọng tâm hoạt động trong từng thời kỳ, việc xây dựng cơ sở nhân dân, phát động quần chúng nông dân, xây dựng các khu căn cứ kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, mở rộng mặt trận thống nhất, xây dựng Đảng Mác- Lênin chân chính, nhất là vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng và có năng lực công tác”.

Người đã “trở thành một bộ phận của huyền thoại khi còn sống” trong lòng nhân loại. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ, chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng không phai trong lòng nhân dân Ấn Độ. Người đã chiếm trọn trái tim của người dân Ấn Độ ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, bởi sự hòa nhã, thân ái và khiêm nhường. Hàng nghìn người dân Ấn Độ đổ ra đường chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đoàn xe của Người đi qua và rất nhiều người đã khóc khi nhìn thấy Người. Thủ tướng Ấn Độ Neru từng nói: “Chúng ta được tiếp xúc với một người, người ấy là một phần lịch sử của châu Á”. Trong chuyến thăm nước Đức, vào khoảng 22h ngày 17/7/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dạo với vợ chồng Thủ tướng Đức Ôttô và Johana trên đường phố Berlin, khi người dân nhận ra và xúm lại, vây quanh, Bác đã bắt tay từng người rồi hỏi chuyện một đôi nam nữ trẻ tuổi bằng tiếng Đức: “Các cháu có biết không, sang đến đây Bác mới biết mình là người giàu nhất nước Đức này?”, Người giơ tay chỉ và nói: “Các cửa hàng lớn đều đề tên HO là của Bác! (HO tiếng Đức là viết tắt tên cửa hàng quốc doanh)”. Nhà thơ Đức Vili Xanbao đã viết: “Trong tầm nhìn của Bác, không những cho thấy Người là nhà Quốc tế đáng kính phục mà còn là nhà văn hóa lớn, giàu tình thương yêu nhân loại”.

Hòa bình và nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó là phải gắn liền độc lập dân tộc với đoàn kết quốc tế; lấy tinh thần thiện chí, hòa bình để giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng, trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc với lợi ích các nước trong khu vực và lợi ích chung của nhân loại tiến bộ. Tư tưởng đó đang trở thành xu hướng phát triển và giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới trong thời đại ngày nay. Cùng với quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đó là sự kết hợp, kế thừa và phát huy những triết lý truyền thống ngoại giao của ông cha ta về độc lập, tự chủ, hòa hiếu, chính nghĩa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc… dưới ánh sáng mang tầm thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh./.

Phan Thủy

Theo khuditichkimlien.gov.vn

Thanh Huyền (st)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nghị quyết của UNESCO về việc tôn vinh Hồ Chí Minh, 1990.
  2. J.Xanhtơni: Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ, Nxb Công an nhân dân, H.2004
  3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
  4. Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb CTQG, H.2010.
  5. Viện quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác Ngoại giao, Nxb Sự thật, H.1990
  6. Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế, Nxb Thông tấn 2011.
  7. Những công trình mang tên Hồ Chí Minh trên khắp thế giới. Báo điện tử Chính phủ, 2017.

Bài viết khác: