Để nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, thực tiễn đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn Đảng phải đồng loạt vào cuộc; quyết liệt thay đổi tư duy và phương thức ban hành, vận hành nghị quyết ở các cấp.

Nghị quyết cần ngắn, rõ, đúng

Một con số khá trăn trở thông qua điều tra xã hội học được tiến hành ở 23 đảng bộ xã, phường, thị trấn thuộc 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên cho thấy: Khi đặt ra câu hỏi: “Nghị quyết của tổ chức đảng các cấp hiện có quá dài?” thì 72% đảng viên được hỏi chọn phương án “dài”; 21% đảng viên chọn phương án “quá dài”.

Với câu hỏi: “Nghị quyết dài thì gây khó gì cho cơ sở trong quán triệt, triển khai?” thì có hơn 65% đảng viên trả lời: Nghị quyết dài là không cần thiết; gây khó cho học tập, quán triệt; khó xác định các trọng tâm, trọng điểm lãnh đạo. Phần lớn ý kiến cho rằng, cũng một vấn đề, nội dung được nghị quyết đề cập, nhưng nếu đề cao trách nhiệm hơn thì những người xây dựng nghị quyết hoàn toàn có thể thể hiện ngắn gọn và dễ hiểu hơn nhiều. Do đó, hơn 99% đảng viên được khảo sát nêu đề xuất: Nghị quyết của tổ chức đảng hiện nay cấp thiết phải ngắn gọn lại, dung dị, dễ hiểu, dễ triển khai.

nghi quyet bai 5
Tranh của Phạm Hà.

Thực tế cho thấy, không ít nghị quyết của tổ chức cơ sở đảng; nhất là ở cấp chi bộ lại dành dung lượng khá lớn để đánh giá tình hình thế giới, khu vực, trong nước và dự báo những vấn đề rất ít liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và đặc thù công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở cấp mình, tổ chức mình. Có chi bộ ban hành nghị quyết một cách cầu toàn, vấn đề nào cũng đề cập, nội dung nào cũng “đá” một ít, như để khẳng định: Tổ chức đảng phải lãnh đạo toàn diện mọi mặt công tác và điều đó phải được thể hiện trong nội dung nghị quyết. Qua công tác tổng hợp cho thấy, các nghị quyết ở đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn thường có dung lượng từ 8 đến 10 trang A4 (có nơi ngắn gọn khoảng 6 trang A4) - dung lượng như vậy là quá dài. Điều đó cho thấy, những người chuẩn bị, xây dựng nghị quyết vốn đã rất vất vả, thế nhưng những người quán triệt, đọc, học càng vất vả hơn.

Nhiều cán bộ cơ sở dẫn lại câu chuyện viết nghị quyết và các văn kiện Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Theo đó, khi trực tiếp biên soạn các văn kiện, văn bản, nghị quyết quan trọng, có tính chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện hết sức ngắn gọn, súc tích. Ví như, Chánh cương vắn tắt của Đảng chỉ có 265 từ; Sách lược vắn tắt của Đảng: 251 từ; Tuyên ngôn Độc lập: 1.085 từ; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: 205 từ; Di chúc hơn 1.000 từ... Ngắn và gọn là thế nhưng văn bản nào của Người khi ban hành cũng đều được đông đảo quần chúng tiếp nhận, quyết tâm thực hiện, tạo nên các cao trào cách mạng mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngắn gọn, súc tích là bởi Người luôn bám sát mục đích cao nhất là nhằm tuyên truyền, lãnh đạo, giáo dục, giác ngộ cán bộ, quần chúng. Người chỉ rõ: “Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán: “Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy, tốn mực, mất công người xem”.

Trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng của Trung ương luôn quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, ban hành nghị quyết ở tất cả các cấp; tập trung vào đổi mới việc xây dựng nghị quyết ở cấp cơ sở theo hướng ngày càng đi vào thực chất, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ triển khai. Thế nhưng, tinh thần đó qua các cấp chưa được quán triệt đầy đủ; trong khi công tác kiểm tra, bồi dưỡng, chỉnh huấn... còn nhiều yếu kém, có nơi còn “bỏ ngỏ”. Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến cán bộ, đảng viên và quần chúng ngại học nghị quyết, sinh ra tắc trách, khó triển khai thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống thì khâu đầu tiên, cấp thiết hiện nay là phải đổi mới phương thức xây dựng nghị quyết, nhất là ở cấp cơ sở. Các cấp cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, quyết liệt đổi mới một cách căn bản việc xây dựng nghị quyết theo hướng ngắn gọn, thực chất, sát thực tế; quyết liệt chống “bệnh ôm đồm”, dài dòng trong thể hiện văn phong nghị quyết. Việc làm đó cần được tiến hành đồng bộ, mạnh mẽ, kết hợp giữa hướng dẫn với kiểm tra, uốn nắn; tạo một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong hệ thống tổ chức đảng. Từng cấp ủy nêu cao trách nhiệm trong thảo luận, quyết nghị các chủ trương, giải pháp lãnh đạo; nhưng cũng đồng thời đặt ra những yêu cầu cao về dung lượng nghị quyết, tất yếu phải “gọt bỏ”, “gọt bớt” những nội dung, câu từ dài dòng, hoa mỹ, sáo rỗng. Để làm được phần việc này, 22/22 chuyên gia khoa học (nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân tiếp cận, phỏng vấn phục vụ tổ chức tuyến bài này) có chung mong muốn: Trung ương phải có trách nhiệm làm trước, làm gương và đề ra các quy tắc, quy định bắt buộc về thể thức, dung lượng nghị quyết để tổ chức đảng các cấp học tập, làm theo và nghiêm túc thực hiện đồng bộ trong toàn Đảng.

Với những người có trách nhiệm trực tiếp soạn thảo nghị quyết, phải luôn khắc nhớ sâu sắc lời phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Viết làm gì dài dòng và rỗng tuếch như thế? Chỉ có một cách trả lời: Là quyết không muốn cho quần chúng xem. Vì đã dài lại rỗng, quần chúng trông thấy đã lắc đầu, ai còn dám xem nữa? Kết quả chỉ để cho những ai vô công rồi nghề xem, và người xem cũng mắc phải thói xấu như người viết”.

Đổi mới cách xây dựng nghị quyết của tổ chức đảng ở cơ sở không chỉ là việc cải cách hành chính trong Đảng mà cao hơn là một giải pháp quan trọng để Đảng ta mạnh lên từ cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Cũng bởi thế mà phần việc này thuộc sứ mệnh, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, nhất là việc ban hành các hướng dẫn về thể thức, bố cục, dung lượng nghị quyết.

Quyết liệt tinh giản nghị quyết

Khảo sát tại Đảng bộ tỉnh Yên Bái cho thấy, địa phương này đã, đang và tiếp tục tập trung lãnh đạo đổi mới việc ban hành nghị quyết theo hướng sát, đúng với cơ sở và nghị quyết chỉ được ban hành khi thực tiễn đòi hỏi phải có chủ trương lãnh đạo thì hoạt động của hệ thống chính trị mới đạt hiệu quả.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, để có những nghị quyết cấp thiết, cần kíp thì khâu xác định nội dung, xây dựng, ban hành phải chuẩn bị hết sức chu đáo. Tinh thần chung của các cấp ủy thuộc Đảng bộ tỉnh Yên Bái là nghị quyết được ban hành phải có nội dung thật sát, đúng với thực tiễn. Khảo sát 4 đảng bộ địa phương và 3 đảng bộ cơ quan (ban, sở, ngành) trực thuộc Đảng bộ tỉnh Yên Bái cho thấy, bài học thấm thía là: Để có nghị quyết đúng, trúng thì cấp ủy đảng phải nắm, hiểu và biết rõ thực tiễn (nhất là cơ sở) đang thiếu gì, đang cần gì, muốn có gì; lòng dân có thuận không; điều kiện hiện thực nghị quyết có bảo đảm không. Vì vậy, cần nhất quán kết hợp chặt chẽ giữa cặp phạm trù “ý Đảng, lòng dân” với “lòng dân, ý Đảng” trong hoạch định đường lối, chủ trương lãnh đạo. Thậm chí, trong nhiều trường hợp phải đặt “lòng dân” lên trên “ý Đảng”, lấy “lòng dân” làm căn cứ xác lập “ý Đảng”.

Lý giải về vấn đề này, đồng chí Hoàng Việt, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn (Yên Bái) cho rằng, hiện nay vẫn còn rất nhiều nghị quyết, văn bản có nội dung khá chung chung, chỉ là sự cộng gộp của những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo có tính chất logic (văn bản) mà thiếu chất liệu thực tiễn, do đó khi triển khai, tổ chức cơ sở đảng gặp không ít khó khăn vì giữa nội dung nghị quyết với thực tế cuộc sống còn một khoảng cách quá lớn, quá xa!

Tại Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, tổ chức đảng các cấp nơi đây đang nhất quán tinh thần “ban hành càng ít nghị quyết càng tốt”. Kết quả khảo sát cho thấy, ở cấp đảng bộ huyện, thành phố, ban chấp hành, ban thường vụ huyện ủy chỉ ban hành từ 2 đến 4 nghị quyết nhiệm kỳ có tính chất chuyên đề. Đối với các nghị quyết do Trung ương Đảng, Bộ Chính trị ban hành, các đảng bộ từ cấp huyện, thành phố trở xuống chỉ xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo tổ chức thực hiện; triệt để khắc phục tình trạng “nghị quyết mẹ đẻ ra nghị quyết con”, hoặc ban hành "nghị quyết chồng lên nghị quyết". Ở cấp đảng bộ xã, phường, thị trấn hạn chế tối đa việc ban hành nghị quyết; cấp chi bộ thôn, xóm, khu dân cư chỉ có kết luận hoặc kế hoạch thực hiện nghị quyết cấp trên...

Để giải bài toán cùng lúc cơ sở phải quán triệt, triển khai nhiều nghị quyết, văn bản khác nhau, một số đảng bộ cấp huyện, thị xã, thành phố có cách làm khá mới là tiến hành “lược hóa” nghị quyết. Theo đó, những người có trách nhiệm sẽ lựa chọn nội dung cần thiết gắn với địa phương rồi “lược hóa” nghị quyết thành những nội dung dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện; hoặc kết hợp tinh thần của một số nghị quyết vào một “nghị quyết dùng chung” (hay văn bản cụ thể) để tổ chức đảng cấp xã, phường, thị trấn... dễ quán triệt, triển khai, vận dụng. Tất nhiên, phần việc này đòi hỏi công sức, trí tuệ và sự dấn thân của cán bộ cấp huyện, thị xã, thành phố... nếu không muốn tinh thần nghị quyết bị méo mó, nội dung bị rơi rớt, thiếu toàn diện.

Để lượng hóa nghị quyết các cấp, đảng bộ nhiều huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có xu hướng quy con số phần trăm (%) về con số cụ thể trên thực tế gắn với địa bàn. Ví dụ như nghị quyết Trung ương hoặc cấp tỉnh xác định phải giảm 5% hộ nghèo/năm thì về đến cấp huyện, cấp xã phải cụ thể 5% ấy tương ứng với bao nhiêu hộ trên địa bàn; thực hiện số lượng ấy bằng cách nào; giao những người nào phụ trách, đầu mối nào thực hiện để bảo đảm mọi chỉ tiêu được hoàn thành. Thực tế cho thấy, đây là cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các cấp dễ quán triệt, vận dụng, biết rõ đầu việc cần tập trung sức lãnh đạo. Đây cũng là lời giải khắc phục tình trạng “trăm chủ trương đổ đầu cơ sở”, gây lúng túng và làm giảm hiệu lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.

Từ kết quả khảo sát ở nhiều đảng bộ địa phương cho thấy, đội ngũ cán bộ cơ sở kiến nghị các cấp chỉ nên ban hành nghị quyết khi thật sự cấp thiết, cấp bách; cần quyết liệt đấu tranh, khắc phục triệt để hiện tượng “nghị quyết chồng lên nghị quyết”, “nghị quyết mẹ đẻ ra nghị quyết con”, ban hành “nghị quyết 0 đồng”; đẩy lùi các hiện tượng học tập nghị quyết thiếu thực chất, đối phó, học vẹt... Cùng với đó, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thời gian tới cần được cơ quan chức năng Trung ương, nhất là các ban đảng tập trung tháo gỡ cho bằng được “điểm nghẽn” khi có quá nhiều nghị quyết cùng lúc triển khai về cơ sở, gây ách tắc, chồng lấn hoặc phân tán sự tập trung sức lãnh đạo của tổ chức đảng.

Tất cả những vấn đề đó cần được chuẩn hóa, triển khai thống nhất trong toàn Đảng mới có thể tạo bước chuyển biến thực chất, hiệu quả trong việc ban hành, triển khai thực hiện nghị quyết. Đây cũng là giải pháp đúng đắn để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII.

THAY LỜI KẾT

Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả thì còn rất nhiều phần việc phải được tiến hành đồng bộ, căn cơ, theo đúng quy trình, các khâu, các bước. Thế nhưng, thực tiễn đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, cấp bách, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng bằng nghị quyết, mà sâu xa hơn là làm giảm vị thế, sứ mệnh, năng lực lãnh đạo của Đảng cầm quyền.

Do đó, mỗi tổ chức đảng và toàn Đảng phải nghiêm khắc nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện, sớm khắc phục hạn chế, vướng mắc, tạo sự đồng thuận quyết tâm cao trong triển khai nghị quyết của Đảng ở các cấp theo tinh thần “chủ trương 1, giải pháp 10, quyết tâm phải 20” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ.

 

“Khi đã có nghị quyết thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi khó khăn”. (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

 

“Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản của Đảng theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tính dự báo cao, bám sát thực tiễn. Chỉ ban hành văn bản mới khi thật sự cần thiết. Tiếp tục hoàn thiện quy định về ban hành văn bản của Đảng; khắc phục tình trạng ban hành văn bản không sát với thực tiễn, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, không rõ trách nhiệm, thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện”. (Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”)

Nhóm PV Báo QĐND

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: