Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Đại đoàn kết toàn dân/đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là một giá trị tinh thần, một truyền thống quý báu được hun đúc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhờ có đại đoàn kết toàn dân tộc mà đất nước Việt Nam trường tồn, chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, dịch bệnh, khó khăn… Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” .

dai doan ket
Tranh minh họa. (Nguồn: mattran.org.vn)

Đại đoàn kết làm nên sức mạnh của dân tộc

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết chính là sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi” và “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”[1]… Cho nên, dù là “đại đoàn kết toàn dân”/“đại đoàn kết toàn dân tộc”/“đoàn kết dân tộc”/“toàn dân tộc ta đoàn kết”… thì đó cũng chính là “trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”[2] và “trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”[3] để giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Hiểu một cách cụ thể nhất, thì đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đại đoàn kết tất cả các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, ở miền xuôi hay miền núi, người Việt Nam hay kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài… thành một khối vững chắc trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản. Song cũng theo Người, thì đại đoàn kết toàn dân tộc không đơn giản chỉ là tổ chức, tập hợp lực lượng, mà cao cả hơn thì “đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”[4], bởi đó là điều kiện sống còn đối với sự nghiệp cách mạng; đồng thời cũng là nhiệm vụ hàng đầu, vừa cấp bách vừa thường xuyên, liên tục cần phải thực hiện nghiêm túc.

Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa xuất phát từ những đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng, vừa là đòi hỏi tự thân của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng, cho nên, trong bất kỳ thời điểm nào, hoàn cảnh nào việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng được chú trọng thực hiện. Vì thế, kiên cường trong hành trình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi kiếp lầm than cũng như trong 30 năm trường kỳ tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1945-1975), khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam không chỉ được xây dựng, củng cố, bồi bắp bằng tinh thần và ý chí: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, Chỉ có một ý chí: Quyết không chịu mất nước, Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”[5], mà còn ngày càng được phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ dừng lại ở việc lấy lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động làm nền tảng, kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, bộ phận và toàn cục, giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế, mà còn phải được định hướng bởi một đường lối chính trị đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời cũng phải luôn luôn phòng, chống khuynh hướng cô độc, hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc thì nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mới được củng cố, bền vững và phát huy được sức mạnh. Cho nên, mỗi khi phải đối diện với khó khăn, thử thách như đất nước gặp nạn ngoại xâm, hay một vùng của đất nước gặp lũ lụt, hạn hán, thiên tai, bão giông, dịch bệnh, nhất là trong đại dịch Covid-19 những năm qua… thì lại thêm một lần nguồn sức mạnh đại đoàn kết của giang sơn, gấm vóc Việt được nhân lên bởi những con người chân thành trong nghĩ suy và hành động; yêu nước bằng nhiệt huyết, trái tim ấm nóng, tấm lòng rộng mở và bản lĩnh kiên cường; bao dung, nhân ái và sẵn sàng sẻ chia… cùng tụ lại như “dải Trường Sơn hùng vĩ”, như “biển Đông dạt dào sóng vỗ”…

Kiên trì thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước

Thực tế cho thấy, 48 năm sau ngày miền Nam được giải phóng, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, với một đường lối chính trị đúng đắn, một chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc nhất quán, xuyên suốt theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy tụ được mọi người dân Việt Nam yêu nước chân chính, mọi nguồn lực “con Lạc cháu Hồng” dù đang sinh sống ở trong nước hay định cư ở nước ngoài trên cơ sở trân trọng và phát huy những yếu tố tương đồng, thống nhất để giải quyết các yếu tố khác biệt, mâu thuẫn một cách phù hợp; để cùng góp sức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm vì “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” ở mọi nơi và mọi lúc”[6]. Thực tế cũng cho thấy, một đất nước Việt Nam đã, đang và ngày càng hồi sinh sau những năm dài chiến tranh, từng bước vươn mình trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và trên trường quốc tế chính là nhờ đã quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc được tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Mẫu số chung của khối đại đoàn kết dân tộc theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là mỗi người dân đều có quyền được sống, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc; là sự chung sức, đồng lòng vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, nhân dân được sống trong ấm no, hạnh phúc... Cho nên, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay chính là sự liên kết, gắn bó tất cả các thành viên các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi giới, mọi lứa tuổi, ở mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác, người đã nghỉ hưu… trong đại gia đình dân tộc Việt Nam (dù sống trong nước hay ở nước ngoài) thành một khối vững chắc, ổn định, lâu dài trên tinh thần xóa bỏ thành kiến, thật thà đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ để cùng phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

Trong khối đại đoàn kết đó, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt, đông đảo nhất, đồng thời là cơ sở vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua khối liên minh này, Đảng, Nhà nước tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân lao động khác tham gia quản lý nhà nước, làm chủ xã hội, làm cho lợi ích giai cấp gắn chặt với lợi ích dân tộc để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đó chính là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Vì thế, có thể khẳng định rằng, khi chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, giang sơn gấm vóc Việt Nam càng cần phải “không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta”[7] như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định, mà cụ thể là cần lắm những người có tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân, song cũng đồng thời kiên quyết phê phán, phản đối và bác bỏ những luận điệu phản động nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và cũng vì thế, để củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì hơn bao giờ hết, cần phải chú trọng thực hiện “đoàn kết tất cả những người thật sự yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, không phân biệt họ thuộc đảng phái nào, tôn giáo nào, tầng lớp nào và quá khứ họ đã hợp tác với phe nào. Trên nền tảng vững mạnh là lực lượng vô địch của tối đại đa số nhân dân ta (tức là giai cấp công, nông), với một cương lĩnh rộng rãi và một chính sách đúng đắn, với sự đoàn kết nhất trí của tất cả những người xứng đáng là con Lạc cháu Hồng”[8] như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Đồng thời, phải chủ động nhận diện và bác bỏ các luận điệu phản động, nhân danh dân chủ, nhân quyền, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… vừa xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân các vùng miền với nhau; giữa đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số anh em, giữa đồng bào và kiều bào ta đang cư trú ở nước ngoài mà các thế lực thù địch tung lên mạng xã hội./.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.119

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.244

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.376

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.244

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.178-179

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.513

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.65-66

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.119-120

Văn Thị Thanh Mai

Theo Hochiminh.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: