Là hình mẫu của lớp cán bộ lãnh đạo tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung được biết đến với phong cách gần gũi, sâu sát, tỉ mỉ, cụ thể và tác phong làm việc khoa học, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Trong quá trình công tác, trên các cương vị khác nhau, mặc dù bộn bề công việc, song Trung tướng Phạm Quốc Trung vẫn luôn sắp xếp một cách khoa học để vừa hoàn thành nhiệm vụ theo cương vị, chức trách; vừa có thời gian để quan tâm, động viên cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc quyền.

trung tuong
Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.

Là người con của quê hương Yên Mô, Ninh Bình, nguyên là Tư lệnh Binh chủng Hóa học Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị, trong suốt quá trình làm việc, thực hiện lời dạy của Bác: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, Trung tướng Phạm Quốc Trung luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức, lối sống, lập trường tư tưởng kiên định, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đoàn kết, thống nhất cao, vượt qua mọi khó khăn, cùng cán bộ, chiến sĩ tại nơi công tác hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Được cán bộ, chiến sĩ kính trọng gọi là vị Tướng “đa tài”, Trung tướng Phạm Quốc Trung không chỉ giỏi về quân sự, giỏi về chính trị mà còn khả năng sử dụng thành thạo tiếng Nga, tiếng Anh; đặc biệt là tâm hồn thi sĩ và khả năng cảm tác thơ.

Sau những giờ phút say sưa với công việc, Trung tướng Phạm Quốc Trung vẫn dành khoảng riêng trong đời sống tâm hồn để ứng tác những vần thơ dành tặng người thân và đồng đội, để “Những mơ ước tuổi xanh/ Theo nhịp chân hành khúc/ Học và làm theo Bác/ Bao đổi mới mỗi ngày”. Thơ ông sử dụng những ngôn từ nồng ấm, dung dị mà chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc của một vị tướng giàu tình cảm. Ông làm thơ chưa nhiều và không nhận mình là nhà thơ, mà chỉ là người yêu thơ. Thơ ông đến rất tự nhiên, từ những lúc lắng lòng nhất, xúc động nhất nên rất dễ “neo” vào tâm hồn người đọc, nhất là với cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các đơn vị mà ông đã từng công tác.

Tính đến nay, Trung tướng Phạm Quốc Trung đã sáng tác hàng chục bài thơ giàu cảm xúc, trong đó nhiều bài thơ đã được phổ nhạc thành những ca khúc, tiêu biểu như Bài “Những giáo án vàng” ca ngợi sự hy sinh anh dũng của 22 Anh hùng Liệt sỹ - những học viên của Trường Sĩ quan Chính trị trong chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc.

Gần đây, trong lần trở về thăm Binh chủng Hóa học, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống Binh chủng (19/4/1958 - 19/4/2023), Trung tướng Phạm Quốc Trung đã cảm tác nên bài thơ “Niềm tin mùa Xuân” để tri ân lịch sử, ngợi ca những hy sinh và chiến công thời bình; đồng thời động viên, truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai của Bộ đội Hoá học.

Niềm tin mùa Xuân

Lại được về với Binh chủng thân thương

Dưới bóng xoài xanh sau mấy mùa giãn cách

Bên những tấm lòng thuỷ chung, son sắt

Chia sẻ ngọt bùi, cùng viết khúc hoan ca

 

Thăm Bảo tàng, nhớ huyền thoại năm xưa

Đường Yên Phụ khói giăng che nhà máy

Súng lửa thiêu bao đồn thù bốc cháy

Giữa chiến trường dâng hiến tuổi xuân xanh

Được gặp đây những dũng sĩ thời bình

Dấu chân in trên mọi miền đất nước

Mang mầm sống nhuộm xanh vùng “đất chết”

Đưa gió lành ru ngon giấc em thơ

 

Ánh hào quang từ trang sử hôm qua

Lấp lánh soi chân dung người Lính Hoá

Chặng đường xa dẫu bộn bề gian khó

Lời thề dưới cờ đâu dễ nhạt phai

 

Ta ấm lòng nhìn lớp trẻ hôm nay

Trung thành, tự tin, tràn đầy nhiệt huyết

Theo cha anh, khúc quân hành bước tiếp

Căng gió cánh buồm kiêu hãnh vươn xa

 

“Sáu nhăm” năm, bao thế hệ đi qua

Gặp nhau đây trao nụ cười đằm thắm

Xiết chặt tay cùng niềm tin gửi gắm

Bên hàng xoài dưới nắng ấm xuân sang.

                          Trung tướng Phạm Quốc Trung                 

 

Thông qua từng vần thơ, Trung tướng Phạm Quốc Trung đã chia sẻ, động viên, giáo dục cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ mộc mạc mà dễ hiểu. Có lẽ vì vậy mà ở mỗi đơn vị công tác, hình ảnh của Trung tướng vẫn luôn gần gũi, tình cảm… trở thành tấm gương sáng cho mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ học tập, noi theo, đúng như Đại tá Trần Phú Mừng (cán bộ Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị) đã viết về ông trong bài thơ "Người thầy nâng tầm mái trường":

“Đời binh nghiệp Anh đã trải bao nơi

Tướng Tư lệnh nay là Thầy Hiệu trưởng

Tấm lòng trung theo tháng ngày vững bước

Thơm sáng thêm danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trần Duy Hưng (Tổng hợp)

Bài viết khác: