Một tháng sau khi quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi đất nước vào đầu Xuân Kỷ Dậu 1789, anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã có sắc chỉ đề: “Ngày 16 tháng Hai niên hiệu Quang Trung thứ hai” gửi về cho xã Hy Cương ở chân núi Hùng với lời mở đầu viết: “Nay trẫm theo mệnh trời, giữ việc giáo hóa, xét theo điển cũ thờ tự, chuẩn cho xã này được làm dân hộ nhi, ban xuống cho hợp hành ân điển, làm trưởng tạo lệ như xưa”.
1. Một tháng sau khi quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi đất nước vào đầu Xuân Kỷ Dậu 1789, anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã có sắc chỉ đề: “Ngày 16 tháng Hai niên hiệu Quang Trung thứ hai” gửi về cho xã Hy Cương ở chân núi Hùng với lời mở đầu viết: “Nay trẫm theo mệnh trời, giữ việc giáo hóa, xét theo điển cũ thờ tự, chuẩn cho xã này được làm dân hộ nhi, ban xuống cho hợp hành ân điển, làm trưởng tạo lệ như xưa”.
Cụ thể đến từng chi tiết về kiến trúc và đồ thờ trên núi Hùng, sắc chỉ viết tiếp: “Các tòa cung điện: Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, cho đến chùa, miếu, giếng, đền rồi đến Hậu thượng đường, các cổng nghi môn, các vật: Kiện nghi vệ, tế khí, kiệu rồng, tán, biển, cờ, trống giữ nguyên như cũ”.
Những chế độ, chính sách liên quan đến việc thờ phụng cũng được sắc chỉ viết rõ: “Phàm binh phận, hộ phận, tiền gạo tô dung, thuế điền, thuế cửa đình, các khoản thuế lệ tự đến phát sinh, cùng vật tế thờ, chuẩn giao cho viên giám tri điện được kế tập, để cùng dân xã (Hy Cương) này thu nhận, chiếu theo công việc mà tế tự, cho đến các việc bồi dưỡng, đắp đê lộ, các khoản đề ra trong các dịch vụ mua sắm vật dụng, luân chuyển phục dịch trong các đình tạ, rau dưa lương tiền, đều được miễn trừ, nhằm tỏ rõ thịnh ý tại bản đền”.
Còn đây là mệnh lệnh về việc tổ chức lễ hội: Sinh thời, kỵ thời (của Vua Hùng), cùng ngày nhập kỵ hằng năm, cho được mở hội lệ xướng ca, múa rối, kéo co. Ngày sóc vọng, tứ thời bát tiết, lo sửa lễ vật, tế theo nghi thức. Còn việc tu sửa miếu điện, phải chăm lo cẩn thận, cốt tiện phụng sự, khiến mạch nước dài lâu, núi sông trường tồn.
Và thật quý giá là sự xác định chủ đề tín ngưỡng, cùng lý do và căn nguyên của việc Quang Trung Nguyễn Huệ đặc biệt ân tứ cho xã Hy Cương: Do xã này là ấp sở tại của họ Việt Thường thời cổ, trước vẫn là dân trưởng tạo lệ, hộ nhi, Trung Nghĩa hương nối đời hương đèn, phụng thờ Hùng Vương Sơn Thánh Tổ, Nam Thiên Đại Bảo Tiền Hoàng đế, khởi dựng cơ đồ, thủy tổ Nam Việt, (cùng với) Đại Thánh Đột Ngột Cao Sơn và 18 vị thánh vương họ Hùng nước Việt cổ, nối truyền danh hiệu, trải hàng nghìn năm, mạch thọ trường tồn, hưởng nguồn từ đó.
Văn bản “sắc chỉ” của Quang Trung Nguyễn Huệ có niên đại cuối thế kỷ 18 này được tìm thấy trong “Hồ sơ tư liệu Hán Nôm Đền Hùng và phụ cận”, lưu trữ ở Bảo tàng Hùng Vương, đã cắm một cột mốc quan trọng trên tiến trình thực hành tín ngưỡng Giỗ Tổ Hùng Vương ở Khu di tích Đền Hùng, đánh dấu sự thể: Cho đến năm 1789, Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn còn ở quy mô và cấp độ địa phương nhưng đã được nhà nước phong kiến (cụ thể là triều đình Tây Sơn của vua Quang Trung) công nhận, khuyến khích, cho hưởng nhiều ưu đãi, với mục đích và lý do: “Khiến cho mạch nước được dài lâu, núi sông trường tồn”, tức thị: Có ý nghĩa và giá trị quốc gia, dân tộc.
Rước kiệu truyền thống - nghi lễ quan trọng mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.
Ảnh do Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ cung cấp
2. Đến đầu thế kỷ 20, trong phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, nhiều chí sĩ-sĩ phu đã nhìn thấy ở Đền Hùng một nguồn lực cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cho nên, cụ Ngô Quang Đoan mới hành hương lên Đền Hùng để day dứt câu hỏi:
Tinh linh phảng phất, Lăng còn đó
Đất nước tan tành, Tổ biết không?
Còn cụ Dương Bá Trạc thì:
Một dải non sông đầm máu
Cuốc (quốc)
Muôn năm cơ nghiệp tủi nòi Rồng
Quốc hồn vơ vẩn đi đâu tá?
Hỏi núi Hùng kia có biết không?
Những “dẫn luận” ấy, tất dẫn đến sự thể vang lên ở Đền Hùng lời khẩn nguyện:
Cầu khẩn xin cho soi xét lại
Mau mau cứu vớt giống Tiên Rồng!
Đền Hùng và Lễ hội Giỗ Tổ từ đây được thiêng hóa để thành một động lực trong sự nghiệp cứu nước. Và ảnh hưởng ngay cả đến nhiều chức sắc người Việt trong bộ máy chính quyền bù nhìn-tay sai lúc bấy giờ trong việc tu bổ, nâng cấp kiến trúc, cảnh quan và Lễ hội Đền Hùng. Văn bia “Hùng Vương từ khảo” ở đền Thượng trên núi Hùng viết: “Trước đây, ngày quốc tế (lễ tế cấp quốc gia) lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định lấy mồng 10-3 hằng năm làm ngày quốc tế, tức: Trước ngày húng nhật của Vua Hùng một ngày. Còn ngày giỗ 11-3 thì do dân sở tại làm lễ”.
Vậy là, Giỗ Tổ Hùng Vương lúc này đã được nâng cấp: Vẫn có phần do “dân sở tại” (tức xã Hy Cương) đảm nhiệm, nhưng phần chính yếu (vào mồng 10 tháng Ba âm lịch) là do nhà nước phong kiến (triều Nguyễn) chủ trì với những điều lệ được khắc ghi vào bia “Hùng miếu điển lệ bi” như sau:
“Bộ Lễ chuẩn nghị: Hằng năm, cứ đến ngày 10-3, Nhà nước định nhật kỳ ngày “quốc tế” về sửa lễ tại Công quán. Làm lễ cúng tế tại đền Thượng vào giờ Tỵ. Lễ vật là “tam sinh”. Quan tỉnh duyệt lễ trước ngày 9-3. Tiền sắm lễ, mỗi năm nhà nước cấp 100 đồng bạc”.
Được “tháo khoán” (khích lệ, nâng cấp) như thế, nhân dân nô nức tìm đến tôn tạo Đền Hùng. Năm 1917, bà chủ cửa hàng Đồng Thuận ở Hà Nội là Phạm Thị Thạnh, công đức xây dựng tòa cổng đền hoành tráng với 4 chữ đề: “Cao sơn cảnh hành” (Lên núi cao nhìn xa rộng) như đến nay vẫn còn. 18 cấp, 525 bậc dẫn từ cổng đền lên đền Thượng, kinh phí làm đường hết 1.000 đồng bạc, cũng do bà chủ hiệu Nghĩa Lợi là Lê Thị Trai ở Hà Nội cung tiến.
Một cột mốc quan trọng nữa, đã được dựng trên tiến trình Giỗ Tổ Hùng Vương, ở lát cắt thời gian đầu thế kỷ 20 là như vậy.
100 con Lạc cháu Hồng rước cờ hội tụ về Đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ.
Ảnh do Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ cung cấp.
3. Ở lễ Giỗ Tổ đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng, đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã từ Thủ đô Hà Nội lên dâng hương ở Đền Hùng, cùng với một lá cờ đỏ sao vàng và một thanh kiếm, ngụ những ý tứ thật sâu sắc: Cáo yết cùng tổ tiên dân tộc rằng, đất nước đã giành lại được độc lập và sẵn sàng kháng chiến giữ nước.
Ngày 19-9-1954, cuộc trường kỳ kháng chiến vừa thành công, trên đường từ Chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội sắp được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ với Đại đoàn Quân Tiên Phong để nói lời tuyên ngôn bất hủ, lần đầu tiên tổng kết hai truyền thống và nhiệm vụ lịch sử song hành của dân tộc là: Dựng nước và giữ nước; đồng thời cũng là lần đầu tiên khẳng định vị thế cùng công lao của các Vua Hùng là tổ dựng nước của dân tộc qua lời căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
4. Bác Hồ còn có lần thứ hai lên thăm Đền Hùng vào ngày 19-8-1962 dâng hương viếng Tổ ở đền Hạ vào lúc 9 giờ sáng. Khi mọi người sợ Bác mệt, mời Bác xuống núi, Người đã nói: “Leo núi phải lên đến đỉnh. Cũng như người làm cách mạng, không được bỏ nửa chừng. Đã đi, phải tới đích”. Và khoảng 11 giờ trưa lên tới đền Thượng, trước khi ra về, Bác còn căn dặn: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan”.
Đó là vì, từ ngày 18-2-1946, Bác đã ký ban hành Sắc lệnh số 22C/SL về những ngày nghỉ Tết, ngày kỷ niệm lịch sử và ngày lễ tôn giáo, trong đó quy định: Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng Ba âm lịch là ngày kỷ niệm lịch sử của quốc gia.
Cho nên, năm 1999, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết về việc tổ chức các ngày lễ lớn vào năm 2000, trong đó, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng Ba âm lịch sẽ được tổ chức như một “biểu tượng của giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam, thể hiện sức mạnh và niềm tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết, truyền thống uống nước nhớ nguồn và bản sắc văn hóa của nhân dân ta”.
Vì thế, năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Luật số 84/2007/QH11 sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động quy định về việc người lao động được nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm để đồng bào cả nước cùng hướng về đất Tổ, nhớ về ngày Giỗ Tổ chung của dân tộc, tri ân công lao của các Vua Hùng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử đền Hùng (ở thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao và huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) là Di tích quốc gia đặc biệt.
Ngày 6-12-2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một cột mốc lớn nữa, ở thời hiện đại, đã hình thành trên tiến trình Giỗ Tổ Hùng Vương./.
Nhà sử học LÊ VĂN LAN
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền(st)