Báo chí cách mạng có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và luôn được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Để phát huy vai trò quan trọng của báo chí, Đảng ta luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, trong đó nhấn mạnh vai trò của báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với phát huy sức mạnh, quyền làm chủ của nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước, nâng cao quyền làm chủ của nhân dân
Kể từ khi ra đời đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc, cũng như sự lớn mạnh của Đảng, với thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Báo chí cách mạng Việt Nam vừa là công cụ đắc lực để tuyên truyền, vừa định hướng cho việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng vào thực tiễn ở từng chặng đường cách mạng của đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam còn có sứ mệnh tuyên truyền công cuộc đổi mới và phát triển đất nước; đồng thời, là vũ khí sắc bén bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ và nhân dân, đấu tranh với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn với phát huy sức mạnh, quyền làm chủ của nhân dân.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan các sản phẩm báo chí trưng bày tại Hội Báo toàn quốc năm 2023.
Ảnh: TTXVN.
Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và trong quá trình trưởng thành suốt gần một thế kỷ qua đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những cống hiến to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam có được chính là do đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về tính đảng và tính nhân dân của báo chí. Trên tinh thần đó, báo chí cách mạng mới có đường lối chính trị đúng, và khi có đường lối chính trị đúng thì các nội dung và hình thức thể hiện của báo chí mới đúng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Là Người đặt nền móng cho sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam, làm tiền đề cho sự sáng lập một chính đảng cách mạng ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến việc quán triệt tính đảng gắn với tính nhân dân của báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”(1). Nhấn mạnh đến tính nhân dân của báo chí, Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”(2); do đó, để phục vụ tốt nhân dân, thì cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng; viết để phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ sự nghiệp cách mạng. Báo chí cách mạng Việt Nam luôn tuân thủ vai trò và trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, lấy việc phục vụ nhân dân làm tiêu chí cao nhất cho hoạt động, suy rộng ra là phục vụ mọi công việc của Đảng, của đất nước. Người chỉ rõ: “Không riêng gì viết sách viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”(3).
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tính nhân dân, dân tộc và tính đảng của báo chí cách mạng luôn được đặt trong một chỉnh thể, có mối quan hệ biện chứng. Nói cách khác, việc nhấn mạnh đến tính đảng là cơ sở để khẳng định về tính nhân dân của báo chí cách mạng Việt Nam. Từ bản chất cách mạng của báo chí cách mạng Việt Nam, được quy định bởi tính đảng và tính nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tới yêu cầu mang tính nguyên tắc, cụ thể là: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”(4), và vì “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”(5). Như vậy, tính nhân dân cùng với tính đảng luôn là nội dung căn bản nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhấn mạnh đến việc nâng cao tính đảng của báo chí cách mạng, trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: “Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: 5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây: Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều”(6). Cùng với việc khẳng định tính nguyên tắc của báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu yêu cầu mang tính chỉ đạo đối với những người làm báo: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”(7).
Cùng với việc nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, Người cũng chỉ rõ, báo chí phải luôn gắn với sự nghiệp cách mạng thế giới. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tính đảng, tính nhân dân còn gắn kết với tinh thần của chủ nghĩa quốc tế cao cả. Chỉ ra vai trò của báo chí trong thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc gắn với hưởng ứng phong trào đấu tranh cho hòa bình thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, báo chí cần tham gia tuyên truyền “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(8), vì thế mà: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”(9). Như vậy, nói một cách khái quát, đường lối chính trị đúng đắn đã định hướng về nội dung và hình thức thể hiện của báo chí cách mạng, cũng như định hướng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm báo có bản lĩnh của người làm công tác tư tưởng của Đảng, phục vụ nhân dân, bảo vệ lợi ích dân tộc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Phát huy vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước, nâng cao quyền làm chủ của nhân dân trong giai đoạn hiện nay
Gần 98 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam là vũ khí sắc bén, là một “binh chủng” hùng mạnh của công tác tư tưởng, là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Báo chí cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân qua từng chặng đường cách mạng. Nói cách khác, lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam gắn bó mật thiết với sự ra đời và trưởng thành của Đảng ta, với sự phát triển không ngừng của cách mạng Việt Nam trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, cũng như trong thời kỳ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, đạt nhiều thành tựu to lớn, đưa đất nước không ngừng phát triển.
Với sự lớn mạnh của các cơ quan báo chí, đến nay cả nước có gần 800 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo ( 68 báo trung ương, 74 báo địa phương, 112 báo có phiên bản điện tử); 612 tạp chí (520 tạp chí trung ương, 92 tạp chí địa phương, 98 tạp chí có phiên bản điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 tạp chí điện tử). Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, toàn diện cả về số lượng và chất lượng, luôn bám sát vào thực tiễn phát triển đất nước. Về số lượng, cơ quan báo chí không ngừng tăng lên, cùng với sự gia tăng về số đầu báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, ấn phẩm, chương trình. Về chất lượng, nội dung, hình thức, công nghệ in, truyền tải thông tin ngày càng nâng lên; qua đó, mở rộng phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng. Đặc biệt, số lượng nhà báo và những người làm việc trong các cơ quan báo chí cũng tăng lên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao hơn trước. Cùng với đó, số lượng công chúng báo chí, nhất là ở nước ngoài cũng tăng theo. Các điều kiện về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật báo chí từng bước được nâng lên. Đây chính là cơ sở cho sự phát triển lớn mạnh của báo chí, để phát huy vai trò và sự ảnh hưởng xã hội của báo chí đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, đặc biệt là đối với công cuộc xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Xuất phát từ thực tiễn phát triển đất nước thời kỳ đổi mới, Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 1-8-2007, của Hội nghị Trung ương 5 khóa X, “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cùng với tinh thần đó, Nghị quyết số 04/NQ-TW, ngày 30-10-2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”” tiếp tục nhấn mạnh: Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền(10).
Đặc biệt là, trước những đòi hỏi của nhiệm vụ cần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, trong những năm qua, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương luôn nỗ lực, tập trung tìm tòi phương thức thể hiện, nâng cao hiệu quả tác động của báo chí đối với việc tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Mặc dù đây là một lĩnh vực rất khó, không chỉ ở nội dung, mà cả về hình thức truyền tải, song báo chí luôn phát huy tốt vai trò và chức năng để tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả về chủ đề xây dựng Đảng và Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đó là: Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Báo chí còn đề cập một số vấn đề có tính thời sự, như đổi mới công tác đánh giá cán bộ, vấn đề kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền; tạo cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; cách lựa chọn người có đức, có tài; những mô hình mới thực hiện thí điểm cần tổng kết để áp dụng trên diện rộng,...
Để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, báo chí cách mạng Việt Nam cần luôn đi sâu vào phản ánh những nội dung về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; phát huy hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, theo những nội dung sau:
Một là, đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, thông qua chức năng định hướng thông tin và dư luận, báo chí phải luôn kịp thời, nhạy bén trong công tác tuyên truyền, cổ động, định hướng cho nhiệm vụ không ngừng đổi mới tư duy, nhất là tư duy lý luận, tư duy khoa học trong nhận thức những vấn đề quan trọng có liên quan đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và nhiều vấn đề nóng bỏng đang đặt ra ở trong nước, đặc biệt là sự xuyên tạc, bóp méo sự thật, thù địch của các thế lực phản động về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, càng đòi hỏi báo chí phải phát huy mạnh mẽ vai trò sắc bén của “thanh bảo kiếm” trên “mặt trận tư tưởng”, để chống các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ vững chắc chế độ chính trị.
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một sự kiện. Nguồn: nhandan.vn
Hai là, báo chí góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ vừa “xây”, vừa “chống”. Trong thời gian qua, báo chí luôn tích cực phê phán, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dao động niềm tin, lý tưởng, tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Xuất phát từ lập trường, quan điểm, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thời gian tới, báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục đi sâu phân tích, lý giải sắc bén, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của các hiện tượng trên; đồng thời, đề xuất các giải pháp mang tính căn bản và đồng bộ, góp phần tham vấn với Đảng, Nhà nước nhằm khắc phục kịp thời những thiếu sót trong hoạch định chính sách; trong cơ chế quản lý, điều hành; trong kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ; trong rèn luyện, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, để góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Hơn nữa, báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò của một kênh thông tin quan trọng, góp phần tham vấn trong đổi mới phương pháp tư duy, đổi mới nội dung, đổi mới phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị.
Ba là, cùng với xây dựng Đảng, báo chí cần đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Một số vấn đề, như phát huy vai trò quản lý của Nhà nước ở mọi phương diện của đời sống xã hội, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa... là những nội dung rất quan trọng mà báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục kịp thời đi sâu phân tích, phản ánh, thể hiện vai trò phản biện xã hội để chỉ ra cả mặt tích cực cũng như hạn chế; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý xã hội của Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay.
Bốn là, báo chí góp phần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Về bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”(11). Tư tưởng này của Người cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với báo chí, để nhân dân phát huy được vai trò làm chủ của mình theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Để phát huy hiệu quả vai trò làm chủ của nhân dân, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013”(12). Thực hiện nhiệm vụ đó, có vai trò rất quan trọng của báo chí và đội ngũ những người làm báo Việt Nam.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, thực hiện mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với phát huy sức mạnh, quyền làm chủ của nhân dân luôn đòi hỏi phải không ngừng phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, cũng như của toàn xã hội; trong đó, báo chí có vị trí và vai trò quan trọng. Báo chí cách mạng Việt Nam muốn thực sự phát huy tốt vai trò của mình, thì luôn phải quán triệt sâu sắc nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về nền báo chí cách mạng. Đây không chỉ là cơ sở lý luận, mà còn là phương pháp luận khoa học mang tính chỉ đạo, để báo chí cách mạng Việt Nam hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình./.
------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 166
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 102
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 668
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 168
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 167
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 102
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 166
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 171
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 540
(10) Xem: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 38 - 39
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 374
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 71
PGS, TS PHẠM MINH SƠN
Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Theo https://www.tapchicongsan.org.vn
Thanh Huyền (st)