Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Hơn 90 năm ra đời và phát triển, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước và nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị áp bức, bóc lột, nay cuộc sống của người dân đã ấm no, hạnh phúc và như lời khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

mãi khac ghi niem tin vao dang
Ảnh minh họa.

Thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong kháng chiến chống Pháp từ 19-12-1946 hầu hết những người tham gia công cuộc cách mạng và kháng chiến đều có một tinh thần nhiệt tình, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, biết hy sinh vì Tổ quốc, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Tính cách cái tôi mỗi cá nhân hầu như lắng sâu xuống để cho tính hăng say vì cách mạng, vì nhân dân quên mình được bay cao, bay xa. Song, từ sau thời kỳ đó, cái tôi, cái tính cá nhân bắt đầu sinh nở ở từng nơi, từng lúc, từng thời gian phát triển ở các mức độ khác nhau tùy thuộc sự tự giác, tiến bộ ở mỗi người, đồng thời còn phụ thuộc vào sự giáo dục, rèn luyện của cấp ủy, cấp chỉ huy nơi đó chứ không phải tính cách cá nhân xảy ra ở khắp nơi như những kẻ cơ hội, bôi nhọ lực lượng cách mạng thời kỳ đó. V.I.Lê-nin viết: “Người duy nhất không mắc lỗi là người không làm gì cả… đừng sợ mà phải thừa nhận thất bại. Hãy học từ thất bại…”. Người xưa có câu “Thất bại là mẹ đẻ của thành công, hay sau thất bại biết đứng lên sửa chữa là người tuyệt vời”.

Trong bản Di chúc chan chứa tấm lòng của một hiền nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lời dặn tâm huyết đầu tiên là công việc với con người”. Sinh thời Người khẳng định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin với chúng ta những người cách mạng và nhân dân Việt Nam không những là cẩm nang thần kỳ, là kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sáng con đường đi tới thắng lợi cuối cùng tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản… do đó tư tưởng Mác - Lênin với cách mạng Việt Nam có giá trị trường tồn”. Từ đó vinh quang thay cho dân tộc Việt Nam, có Bác Hồ đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin về lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trong khi nhân dân toàn quốc vui mừng với thắng lợi cách mạng thì kẻ thù lại rêu rao là: “Sự ăn may”. Chúng đâu có biết rằng trong suốt hơn 80 năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp đã có biết bao cuộc đấu tranh từ các phong trào yêu nước của các tầng lớp trong nhân dân nổi lên chống Pháp giành độc lập nhưng đều thất bại do không có đường lối đúng và không đủ lực lượng trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là tất yếu của lịch sử. Đảng ta xác định: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng lý luận của Đảng. Như vậy Đảng có chủ trương, đường lối đúng, đồng thời có lực lượng dồi dào trong cả nước, trong Mặt trận Việt Minh, Đảng đoàn kết được mọi lực lượng cách mạng yêu nước từ giai cấp công nhân, giai cấp nông dân. Thực hiện công nông liên minh cùng lực lượng trí thức yêu nước kết đoàn thành lực lượng đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành chính quyền cách mạng ngày 19-8-1945. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh, sau đổi thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bài học to lớn mang ý nghĩa sâu sắc nhất cho đến suốt chiều dài công cuộc cách mạng ở nước ta tới bây giờ. Mặt trận bao gồm các tổ chức: Thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, nhi đồng cứu quốc…

Trong năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, xây dựng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chính quyền non trẻ mới một tuổi trong hoàn cảnh khi ấy đất nước ta có “thù trong giặc ngoài”, có quá nhiều khó khăn trắc trở như: “Ngàn cân treo trên sợi tóc”, song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng BCH Trung ương, Đảng chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua bão táp phong ba, đưa nước ta vượt qua thác ghềnh, đem lại thắng lợi cho cách mạng được giữ vững. Rồi tiếp theo thực dân Pháp lại có dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Cuộc kháng chiến chống Pháp ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi đồng bào cả nước, chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới…”. Bản thân người cầm bút viết bài này khi ấy mới 13 tuổi cũng đứng trong hàng ngũ kháng chiến với nhiệm vụ liên lạc Tự vệ thành sau là Mặt trận Hà Nội. Đã trải qua 5 năm trong Quân đội nhân dân Việt Nam, vào Đảng năm 18 tuổi (năm 1949) và đã được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi đảng (tháng 1-2019), tôi còn nhớ trong kháng chiến chống Pháp, Đảng ta xác định: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến. Cuộc kháng chiến chia ra làm 3 thời kỳ:

Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ phòng ngự thực hiện khẩu hiệu: “Vườn không nhà trống”. Trong thời kỳ này mục đích là bảo toàn và xây dựng lực lượng kháng chiến, lấy du kích chiến làm chiến thuật tiêu hao sinh lực địch và xây dựng các vùng kháng chiến.

Thời kỳ thứ hai là thời kỳ cầm cự tiếp tục mở rộng các căn cứ kháng chiến giáp biên giới các nước láng giềng. Khẩu hiệu chiến đấu là tiêu hao sinh lực địch nhiều hơn, đồng thời củng cố thế trận lòng dân, xây dựng các vùng kháng chiến sau lưng địch. Đánh tiêu diệt số đồn bốt địch khi đã được chuẩn bị kỹ càng.

Thời kỳ thứ ba là thời kỳ chuẩn bị tích cực tiến tới tổng phản công, đè bẹp ý chí xâm lược của địch mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ được kết thúc vào ngày 7-5-1954 buộc địch phải đàm phán với ta. Hội nghị Pa-ri kết thúc thắng lợi sau 9 năm kháng chiến chống Pháp thành công, nước ta chia ra làm 2 miền: Miền Bắc hoàn toàn giải phóng có nhiệm vụ làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn ở miền Nam. Miền Bắc đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đường lối đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng miền Nam thực hiện chiến lược giải phóng dân tộc.

Trong kháng chiến chống Pháp, khẩu hiệu chiến đấu là quân sự, chính trị, binh vận (tức là địch vận). Trong kháng chiến chống Mỹ với khẩu hiệu: “Bám sát thắt lưng địch mà đánh” vì lực lượng phi pháo của địch mạnh nên phải bám sát vào địch mà đánh là vậy.

Cả hai cuộc kháng chiến chúng ta đều vận dụng lý luận về thời cơ cách mạng là: “Khi quân thù hoang mang dao động, quần chúng trung gian ngả về ta và đội quân tiên phong sẵn sàng chiến đấu hy sinh” đó là thời cơ chín muồi của cách mạng tiến công giành thắng lợi. Lý luận cách mạng rất chính xác.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của cách mạng miền Nam được kết thúc vào 30-4-1975 là thắng lợi vang dội khắp năm châu bốn biển trên toàn thế giới. Kết thúc 30 năm cuộc chiến tranh giành thống nhất Tổ quốc. Sau chiến thắng 30-4-1975 bước vào thời kỳ mới, cả nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa lại gặp rất nhiều khó khăn do địch bao vây cấm vận cùng với ảnh hưởng sau chiến tranh, do đó đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình ấy, nhân dân cả nước vẫn giữ trọn niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, kêu gọi đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đời sống thực hiện đường lối bỏ qua con đường tư bản chủ nghĩa tiến thẳng lên xây dựng chủ nghĩa xã hội với quyết tâm cao nên đã đạt được những thành quả nhất định. Nhưng đến ngày 17-2-1979 cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc lại nổ ra trên địa bàn 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, và những xung đột kéo dài suốt 10 năm sau đó. Đảng ta lại phải ra tay lãnh đạo nhân dân đập tan tham vọng bành trướng của đối phương, giữ gìn nền hòa bình khu vực và thế giới. Cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc được kết thúc. Toàn dân phấn đấu vươn lên xây dựng nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là người dân Việt Nam chúng ta có quyền tự hào về hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước ta. Có lực lượng vũ trang của Quân đội và Công an đã có được nhiều bản anh hùng ca vang dội Tổ quốc. Có nền ngoại giao rộng mở, sáng suốt trước mọi thử thách, tạo bước ngoặt cho con đường tiến tới của nước ta. Có nền văn hóa đời sống, nền giáo dục toàn dân, nền y tế tiên tiến với lực lượng trí thức của các ngành đó. Các thế hệ nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ và hệ thống giáo dục lý luận chính trị ở các cấp đã là nguồn đào tạo những cán bộ tầm chiến lược trong suốt các thời kỳ cách mạng ở nước ta mang lại các thành tựu có ảnh hưởng lớn trong nước, ngoài nước, trên thế giới ngày càng đến với nước ta góp phần vào công cuộc mở rộng giao lưu hợp tác cùng phát triển, cùng có lợi trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền độc lập, tôn trọng thể chế chính trị của mỗi nước. Trong mỗi thời kỳ cách mạng từ 19-8-1945, 19-12-1946, 30-4-1975… đều có được những bài ca đi cùng năm tháng đã cổ vũ lực lượng cách mạng luôn luôn ở thế tiến công giành thắng lợi đã củng cố thêm niềm tin và những động lực mới, đột phá mới, đưa nước ta trở thành nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong thời kỳ này kẻ địch lại rêu rao: “Nước ta không có dân chủ, tự do tín ngưỡng tôn giáo”. Chúng đâu có nghĩ đến trong ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình có nêu: “Dân tộc Việt Nam có quyền độc lập, có quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng tôn giáo…”. Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam gần đây đã được UNESCO công nhận và các tôn giáo đều được Nhà nước chăm lo duy tu bảo dưỡng và xây dựng mới to đẹp hơn, phát triển lớn hơn. Các lễ hội và các giáo hội như Thiên chúa giáo, Tin lành, Phật giáo… ở khắp nước ta vẫn sôi nổi hoạt động tấp nập theo nghi thức của mỗi tôn giáo, tín ngưỡng; đều phát triển bảo đảm quyền của công dân theo Hiến pháp vừa đóng góp vào việc phát triển du lịch đón khách trong nước và khách quốc tế hằng năm. Đây cũng là một ngành “kinh tế không khói” góp phần vào kinh tế đời sống của nhân dân.

Niềm tin tưởng dựa trên cơ sở giáo dục lịch sử, giáo dục tại gia đình, giáo dục tại nhà trường và quan hệ xã hội. Các tổ chức chính trị, các đoàn thể quần chúng đều có tính giáo dục nâng cao trong nền giáo dục quốc gia, đồng thời sự đóng góp trong giáo dục còn có các tôn giáo cũng đều hướng thiện cho mỗi người. Như vậy hệ thống giáo dục xã hội ngày càng được củng cố nâng cao, sẽ làm cho xã hội đi lên.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, đoàn kết đại dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhân tố quyết định thành công của công cuộc chấn hưng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Những quyết sách của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng và những thành tựu đã giành được là niềm tin yêu mãi mãi vào sự nghiệp cách mạng của nước ta.

 

Nguyễn Đình Hạnh

phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: