Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2023), chúng ta khắc ghi công ơn một vĩ nhân của thời đại, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Người đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc từ thân phận nô lệ trở thành dân tộc tự do, độc lập. Độc lập dân tộc ở Hồ Chí Minh luôn luôn gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người khẳng định “nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[1].
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu
1. Ra đi tìm đường cứu nước, thực hiện khát vọng độc lập dân tộc
Thấu hiểu cảnh mất nước, làm nô lệ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Sau khi bôn ba đến nhiều nước, nhiều châu lục, nghiên cứu các cuộc cách mạng lớn, các học thuyết nổi tiếng trên thế giới, Người đã tìm ra con đường cứu nước duy nhất đúng đắn cho dân tộc: Con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Và từ đó, Người xúc tiến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) với sứ mệnh lãnh đạo nhân dân giành độc lập, tự do, đáp ứng nhu cầu giải phóng dân tộc của quần chúng nhân dân.
Ngày 28-1-1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 19-5-1941, giữa vùng núi rừng Pác Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang rên xiết trong cảnh một cổ hai tròng, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa nóng. Với một quyết tâm được xác định rõ trong chương trình “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”, Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Sự thành lập, hoạt động của Việt Minh đã trở thành một trong những nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Mùa Thu năm 1945, cả dân tộc không phân biệt giai cấp, tầng lớp, vùng lên theo Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất. Cuộc cách mạng ấy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, đập tan xiềng xích nô lệ, lật nhào chế độ thuộc địa nửa phong kiến tồn tại gần một thế kỷ trên đất nước ta, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc; thiết lập nên nền dân chủ cộng hòa, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.
Khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam của Hồ Chí Minh còn đồng thời là khát vọng thống nhất Tổ quốc. Trong lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, ngày 23-10-1946, Hồ Chí Minh có nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng, với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”. Trong cuộc mít tinh tiễn Người và Đoàn đại biểu chính phủ đi Pháp ngày 30-5-1946, Người tỏ cùng đồng bào: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào trốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”[2]. Trả lời các nhà báo nước ngoài sau khi Quốc hội giao quyền Chủ tịch nước, Người khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[3]. Bản Di chúc thiêng liêng mà Người gọi là tài liệu “tuyệt đối bí mật” đã được Người hoàn thành bản văn đầu tiên (10 - 15/5/1965), các năm sau cho đến phút cuối cùng Người vẫn đều đặn đọc lại, sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện... Di chúc của Người đã trở thành Bảo vật quốc gia, kết tinh tư tưởng và hành động của Người, suốt đời phấn đấu thực hiện khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
2. Độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của Nhân dân
Theo Hồ Chí Minh, trong điều kiện nước thuộc địa như Việt Nam thì trước hết phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì đó vẫn là độc lập kiểu cũ, và vì vậy độc lập đó cũng chẳng có nghĩa lý gì. Đối với Người, độc lập dân tộc không tách rời với thống nhất Tổ quốc và độc lập, thống nhất Tổ quốc, gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[4]. Người tìm thấy giá trị của độc lập chính là tự do, hạnh phúc của nhân dân và muốn có hạnh phúc, tự do thì độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bởi lẽ, Người nhận thấy tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội “trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”[5]. Chủ nghĩa xã hội trong quan niệm của Hồ Chí Minh là làm sao cho dân giàu, nước mạnh với mục đích là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân; là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ. Chủ nghĩa xã hội là một vấn đề hiện thực, xuất phát từ thực tiễn khách quan, từ hiện thực vận động của lịch sử, từ đặc điểm Việt Nam, một nước vốn là thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là cống hiến quý giá nhất của Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam. Sự gắn bó chặt chẽ giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là nội dung đầy đủ nhất của tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra cho chế độ mới. Từ tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ở từng giai đoạn lịch sử của cách mạng, các mục tiêu chiến lược lại được diễn đạt cụ thể, sát hợp với tình hình, nhiệm vụ không tách rời tiêu chí vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của con người. Do đó, Người chủ trương xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và phú cường trong khẩu hiệu chiến lược của Đảng từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 và Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh sau chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như mong ước cuối cùng của Người trước lúc đi xa là mục tiêu không đổi thay của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Kiên trì con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc, cho nhân dân, hơn 90 năm ra đời, phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng,v.v.. đã góp phần tạo dựng một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện đáng kể, bộ mặt của đất nước và cuộc sống của người dân có những thay đổi. Độc lập - Tự do- Hạnh phúc - khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành quốc hiệu Việt Nam, khẳng định giá trị lớn lao và ý nghĩa trường tồn, tiếp tục được hiện thực hóa trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng hiện nay./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2011, tập 4, tr 64.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.272.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.187.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.64.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr 17.
TS MINH DƯƠNG
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Theo Hochiminh.vn
Bùi Hảo (st)