Tháng Năm về với những ánh nắng trong veo. Trong không khí cả nước tổ chức nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại cùng nhau hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với một sự thành kính vô hạn dành cho Người.
Từng dòng người vào Lăng viếng Bác.
Ngày 19/5/1946 là ngày đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đón sinh nhật. Khi ấy, các đồng chí trong Thường vụ và trong Chính phủ đã tới chúc mừng sinh nhật của Người. Sau đó, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cháu nhi đồng Tháng Tám, mũ ca-lô đội lệch, súng gỗ vác trên vai, kéo sang Bắc Bộ phủ. Trong các em thiếu nhi đến chúc mừng sinh nhật Bác hôm ấy, có em hằng ngày vẫn phải đi bán báo, có em là trẻ mồ côi ở trường trẻ mồ côi Hàng Bột. Các em đua nhau gắn huy hiệu măng mọc thẳng lên áo Bác, tặng Bác những chữ "i", "t" tượng trưng cho phong trào bình dân học vụ, những tập sách nhỏ in điều lệ và bài hát của Hội Nhi đồng cứu quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cháu thiếu nhi.
Quà của Bác Hồ cho các cháu bé là một cây bách tán với lời gửi gắm: "Mai sau cái cây này sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!". Các em thiếu nhi vui mừng hát một bài cảm ơn Bác.
Trong buổi sáng hôm ấy không thể không nhắc đến những người con miền Nam. Trong phái đoàn có chị Nguyễn Thị Định. Chị kể lại trong hồi ký rằng, Bác đã xúc động nói: "Tôi xin cảm ơn các cô, các chú Nam Bộ. Thật ra các báo ở Thủ đô trong dịp này đã làm to ngày sinh của tôi. Hiện nay, nước ta đang có nhiều khó khăn". Câu tiếp theo, giọng Bác càng xúc động hơn: "Các cô, các chú về báo cáo với nhân dân miền Nam thân yêu rằng: Lòng già Hồ, lòng nhân dân miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào Nam Bộ".
Xúc động trước tình cảm của đồng bào, đồng chí trong ngày sinh nhật ấy, Bác nói: "… Chỉ vì nhà báo nào biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm bận rộn đến đồng bào. Từ trước tới nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc… Hôm nay, đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi".
Những em nhỏ xếp hàng vào Lăng viếng Bác.
Gần 54 năm Bác Hồ kính yêu đã đi xa nhưng mỗi khi tháng Năm về, không một người dân Việt Nam nào quên ngày sinh nhật của Người. Có người may mắn được vào Lăng viếng Bác đúng ngày 19/5 như mong muốn… Có người chưa thể thực hiện được mong muốn ấy… nhưng dù ở đâu, dù làm bất cứ công việc gì thì hình ảnh Bác Hồ vẫn luôn trong trái tim của mỗi người con đất Việt.
Hòa mình vào dòng người, chúng ta sẽ gặp rất nhiều các cháu nhỏ nghiêm túc xếp hàng theo hướng dẫn để vào Lăng viếng Bác Hồ kính yêu. Nhìn các em nhỏ chúng ta lại nhớ về lời của Bác: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Đến nay, lớp lớp các thế hệ mầm non của đất nước vẫn luôn khắc ghi tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người. Đặc biệt, mỗi lời dặn dò trong từng bức thư, bài viết gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, Ngày khai trường, Tết Trung thu… của Người đã mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với các thế hệ măng non Việt Nam.
Có mặt tại Lăng Bác đúng trong những ngày tháng Năm lịch sử, em Thanh Nga (Quảng Bình) cũng giống như nhiều em nhỏ khác mang trong lòng niềm vui, hạnh phúc khi được vào Lăng, được “gặp” Bác Hồ kính yêu. “Nhớ tới Bác, chúng cháu luôn nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” như sinh thời Người hằng mong” - em Thanh Nga nói.
Hình ảnh Bác mãi trong tim.
Hay như cô Thu Bình chia sẻ: Cô là bộ đội, tham gia chiến đấu nhiều năm. Trở về sau cuộc chiến tranh, cô cũng như nhiều người con của miền Nam Tổ quốc luôn ấp ủ trong mình một mong muốn là được ra Thủ đô Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác. Nhìn thấy Bác là các cô đều không cầm được nước mắt. Lúc đi xa, Bác vẫn luôn nhớ về miền Nam. Và giờ đây, khi Bác nằm đây, những người con miền Nam vẫn luôn thành kính hướng về Bác.
Thời gian vẫn trôi qua từng ngày, có rất nhiều điều sẽ trôi vào quá khứ. Vượt qua mọi quy luật của thời gian, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mãi mãi đi xa nhưng tư tưởng của Người và cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú đầy nhiệt huyết của Người là một tấm gương sáng cổ vũ các dân tộc trên thế giới tham gia cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội. Trong lòng nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chi Minh là bất tử, tư tưởng của Người còn sống mãi. Bạn bè năm châu khâm phục và coi Người là biểu tượng cao đẹp của những gì thuộc về lương tri và phẩm giá làm người. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là di sản lý luận quý báu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là ngọn cờ lý luận mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Ngày ngày, dòng người như nối dài vô tận… vào Lăng viếng Bác
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thể kỷ qua” và “Thế giới sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi”. Đến nay, thực hiện theo đúng tư tưởng của Người, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã từng bước đạt được nhiều thành tự to lớn, mang ý nghĩa lịch sử. Riêng đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cá nhân luôn mang trong mình niềm vinh dự, tự hào khi hàng ngày được thực hiện nhiệm vụ bên Người. Từng người đã và đang cố gắng thi đua, tích cực, chủ động, trách nhiệm hơn nữa trong từng nhiệm vụ được giao, xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng trong lòng Nhân dân, khách quốc tế, nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu lài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trong giai đoạn mới, từ đó góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hàng ngày, từng dòng người vẫn nối dài vào Lăng viếng Bác như lời khẳng định của mỗi người dân Việt Nam về tình yêu với Người, về sự ghi nhớ công ơn trời biển của Người và tinh thần quyết tâm sống, học tập, làm việc theo di huấn của Người./.
Thanh Huyền (Tổng hợp)