Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Nhiều người gọi Bác Hồ là nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà quân sự, nhà giáo dục... Tuy vậy, như Bác tự nhận và gọi là “nhà cách mạng chuyên nghiệp” là đúng nhất vì ở Người có sự kết hợp rất đẹp giữa con người nghệ sĩ và con người chiến sĩ.

Là nhà nghệ thuật lớn nhưng Bác dùng nghệ thuật để hoạt động cách mạng, phục vụ cách mạng. Thế nên cuộc đời cách mạng của Bác hình thành những nguyên tắc độc đáo, đặc sắc: Cuộc sống hóa nghệ thuật và nghệ thuật hóa cuộc sống. Hai nguyên tắc này luôn song hành, tương ứng trong mối quan hệ biện chứng thống nhất đã góp phần tạo nên một tâm hồn nghệ sĩ Hồ Chí Minh vừa khác lạ vừa thân quen; vừa bình thường vừa phi thường; vừa phương Đông lại rất phương Tây; truyền thống, cổ điển mà hiện đại, mới mẻ.

bac ho khong chi yeu cai dep
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Mỗi nghệ sĩ lớn thường có một quan niệm mỹ học riêng. Bác Hồ cũng vậy. Có lần, một nhạc sĩ băn khoăn hỏi thế nào là tác phẩm có tính dân tộc mà vẫn hiện đại, Bác nói luôn, đó là những sáng tác được nhân dân yêu thích. Một câu nói tuyệt vời, ngắn gọn, đúng và trúng vào vấn đề bản chất của nghệ thuật: Không chỉ là chủ thể sáng tạo, nhân dân cũng là chủ thể tiếp nhận nghệ thuật trí tuệ, tinh tế nhất. Còn toát lên một quan niệm biện chứng nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống, thuộc về và phục vụ cuộc sống. Hệ mỹ học này hoàn toàn nhất quán với tư tưởng chung của Bác “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”.

Hẳn nhiên Bác rất yêu cái đẹp. Dân ta có câu “Người ta là hoa đất”. Xét đến cùng có gì đẹp hơn con người đâu, nên ở Bác có một tình yêu thương con người sâu nặng là hoàn toàn đúng với quy luật của mỹ học. Trong kháng chiến chống Pháp, giữa bộn bề việc quân việc nước, nhưng Bác vẫn ung dung tự tại như hòa vào thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên đất trời Việt Bắc. Trên đường đi công tác, gặp cảnh đẹp, dù bận đến mấy Bác cũng cố dừng lại giây lát để thưởng thức. Bác ở và làm việc trong ngôi nhà 4 mái lợp bằng cỏ tranh giản dị, xinh xắn ở giữa khu rừng có núi vờn mây, có đồi tre trúc, có suối nước trong vắt róc rách 4 mùa. Lại có một khoảnh đất rộng để tăng gia, chơi bóng, ai vào cũng có cảm giác Phủ Chủ tịch là vùng đồng bằng thơ mộng. Không chỉ yêu quý cái đẹp, Bác còn là người sáng tạo ra cái đẹp. Tự tay Bác sửa sang chỗ ở, đào đất thành cái hồ nhỏ, lấy nhũ đá xếp thành non bộ cũng có hang, khe, đỉnh, có vách đá cheo leo. Một cái cầu bắc bằng cây lau từ bờ hồ ra chân núi. Xung quanh hồ trồng cây, cỏ trông như bức tranh sơn thủy hữu tình. Một con cò lửa được Bác tự đẽo bằng đá gan gà vươn cổ nhìn xuống hồ như đang rình bắt tép. Một chiếc thuyền gỗ nhỏ bồng bềnh trôi...

Bác đặc biệt thích hoa, thích nhất là hoa hồng và hoa huệ. Sau này về Thủ đô, nơi ở của Bác trồng rất nhiều hoa, trên bàn làm việc lúc nào cũng có hoa tươi. Tiễn khách quốc tế, Bác thường tặng một bông hồng. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, Bác nhắc thư ký tặng hoa cho các nữ y tá. Hoa là biểu trưng cho cái đẹp đã đi vào đời sống của Bác một cách tự nhiên nhất. Đó cũng là quy luật cái đẹp tìm đến với cái đẹp vậy. Điều đặc biệt là Bác tự tay trồng, chăm bón, yêu hoa đến mức nhớ rõ trong vườn có bao nhiêu bông hoa mà Bác nói vui là “hoa đoàn kết” các màu tím, đỏ, vàng, trắng...

Từng làm nghề thợ ảnh, vẽ truyền thần..., Bác còn là họa sĩ đích thực, là tác giả của nhiều bức tranh chống thực dân đế quốc in trên các báo Pháp như Nhân đạo, Người cùng khổ... được chính danh họa Picasso-bạn của Bác khen ngợi. Bác còn là một điêu khắc gia. Hồi ở Pác Bó, tự tay Bác tạc bức tượng Các Mác. Bác là nhà văn, tác giả của nhiều truyện ngắn và kịch viết bằng tiếng Pháp được nhiều học giả Pháp khẳng định đó là lối văn rất Pháp, tinh tế, hóm hỉnh. Thơ Bác đẹp, cái đẹp kết tinh từ nhiều mạch nguồn văn hóa, cái đẹp vượt qua đỉnh cao nghệ thuật để trở về với cái giản dị nhưng là sự giản dị của một “thần bút”. "Nhật ký trong tù" là bảo vật quốc gia của Việt Nam cũng là tài sản văn hóa của nhân loại, được dịch ra hàng chục thứ tiếng.

Chân dung, cuộc đời và sự nghiệp đậm chất huyền thoại của Bác lại hài hòa, thống nhất một cách tự nhiên, tất yếu trở thành đối tượng của nghệ thuật. Đã có bao tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa, điêu khắc... với nhiều cách thể hiện nhưng chưa thể khai thác hết tầm cao, chiều sâu của một tâm hồn, một trí tuệ Việt Nam mang tầm thời đại. Ngay ở phương diện ngoại hình rất đẹp với vẻ tinh anh mà rất mực hiền từ của đôi mắt; giọng nói ấm và vang; chòm râu phất phơ; đôi dép lốp lạ lùng... đã hấp dẫn, mời gọi bao nghệ sĩ. Đến nay có thể khẳng định, mỗi chuyên ngành nghệ thuật đều có một thư viện riêng về Bác Hồ kính yêu!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: