Với âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta, lợi dụng internet và mạng xã hội, thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức phản động đã “mượn gió bẻ măng”, lộng ngôn xuyên tạc, phủ nhận thành quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Những ý kiến xuyên tạc lạc lõng, ác ý
Những năm gần đây, bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, diễn biến phức tạp như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt hơn; chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. Đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề trên mọi mặt của đời sống xã hội ở hầu hết quốc gia hơn hai năm qua.
Sự kiện Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cũng tác động nhiều mặt đến đời sống chính trị và an ninh quốc tế. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông của một số quốc gia Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp.
Lợi dụng bối cảnh đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ráo riết tung ra những luận điệu xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam; trong đó, đường lối đối ngoại là một mặt trận mà họ quyết liệt chống phá nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành ngoại giao Việt Nam.
Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội, nổi cộm như: “Chân trời mới media”, “Hội anh em dân chủ”... đã xuất hiện những quan điểm, ý kiến của cái gọi là “luật sư độc lập”, “nhà báo tự do”, “nhà dân chủ”, “nhà nghiên cứu”, “người Việt yêu nước”... dưới các hình thức “thư góp ý”, “lời kêu gọi”, “tư vấn cho Nhà nước Việt Nam”, “phản biện”, “kiến nghị”... nhằm phê phán, xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
Một số hãng truyền thông nước ngoài có phiên bản tiếng Việt như: RFA, VOA, RFI, BBC... còn bịa đặt rằng “đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay là “đu dây”, “tự sát”, bị lệ thuộc, chi phối bởi các cường quốc. Rồi họ đưa ra "lời khuyên" Việt Nam nên bỏ chính sách quốc phòng “4 không” để nghiêng về phương Tây, gắn với thực hiện “dân chủ hóa Việt Nam”...
Sự nguy hại của những luận điệu phản động nêu trên dễ gây ra sự hoang mang, dao động, chia rẽ từ bên trong, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, khiến dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam.
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn nhất quán tư duy độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn
Kiên trì, kiên quyết thực hiện đường lối đối ngoại tiến bộ, nhân văn
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn nhất quán tư duy độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ hoạt động đối ngoại, tạo dựng nên truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao và đường lối đối ngoại Việt Nam “đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống và bản sắc ngoại giao đó càng được bồi đắp, phát huy, tỏa sáng.
Từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta không ngừng bổ sung, hoàn thiện quan điểm, phương châm của đường lối đối ngoại, đó là: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (Đại hội VII); “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế” (Đại hội IX); “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (Đại hội XI, Đại hội XII).
Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Những năm qua, trước các diễn biến phức tạp của thời cuộc, quan hệ ngoại giao của Việt Nam đã góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số nước lớn tuy có lúc trải qua thăng trầm nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính. Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời quyết tâm, kiên trì, kiên quyết giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Điều này luôn được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ.
Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước ta nói chung, trong đó có chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không” nói riêng là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đường lối đó có cơ sở lý luận, khoa học, thực tiễn, cơ sở pháp lý vững chắc, có sự tham khảo ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách dân chủ, công khai.
Thực tế cho thấy, trong quan hệ quốc tế đương đại, các nước, đặc biệt là các nước lớn luôn có xu hướng vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ... Do đó, những luận điệu cho rằng việc “đi theo”, “liên minh” với nước này để chống nước khác nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo không những phản động, sai lầm mà còn thể hiện tư tưởng yếu hèn, trái với phương châm đối ngoại thêm bạn, bớt thù của Đảng ta.
Để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước, trước hết cần bảo đảm tuyệt đối vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác ngoại giao. Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là mở rộng quan hệ đối ngoại với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội, được thể hiện sâu sắc trong các văn kiện đại hội của Đảng thời kỳ đổi mới. Thực tiễn đã minh chứng, đường lối, chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa giúp Việt Nam tạo dựng một mạng lưới quan hệ rộng khắp, tranh thủ được nhiều yếu tố thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cần tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia đối ngoại trong nghiên cứu, tham mưu, đóng góp vào việc xây dựng chính sách và triển khai đường lối đối ngoại của Đảng. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức thông tin đối ngoại, ứng dụng hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin, truyền thông để tăng cường thông tin, quảng bá về đất nước, con người, thành tựu của Việt Nam và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Cùng với những giải pháp căn cơ trên, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, cần chủ động phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm minh theo pháp luật đối với các hoạt động chống phá đường lối đối ngoại của Đảng. Kiên quyết không để các thế lực thù địch, cơ hội tập hợp lực lượng, gây rối chính trị, làm mất an ninh trật tự, gây rối loạn lòng dân, ảnh hưởng tới lợi ích đất nước.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý các hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, internet, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter, Telegram...), các cuộc hội thảo, hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội về những vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, đối ngoại...
Tuyệt đối không để xảy ra sơ hở khiến kẻ thù có thể lợi dụng xâm nhập, thu thập bí mật, phủ nhận, truyền bá quan điểm tư tưởng thù địch, kích động, xuyên tạc phá hoại đường lối đối ngoại đúng đắn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta./.
Trung tá, TS ĐỖ NGỌC HANH, Phụ trách Chủ nhiệm Khoa Triết học Mác-Lênin, Trường Sĩ quan Chính trị
Theo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)