Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2023 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động với chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.
Tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc; tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, tổ chức giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá trong các cấp học, các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5), việc quán triệt, tuyên truyền, nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống hại thuốc lá là rất cần thiết, cụ thể:
1. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Ngày 18/6/2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) và ngày 02/7/2012 Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Luật này. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2013.
Mục tiêu chủ yếu của Luật là giảm tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, tính mạng con người, tương lai nòi giống dân tộc và nâng cao sức khỏe cộng đồng bằng việc thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ và từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá; hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng thuốc lá, đặc biệt là giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân từ thuốc lá. Điều đó cũng phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là chú trọng công tác y học dự phòng tích cực, chủ động kiểm soát và ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Luật có 5 chương và 35 điều, với các chính sách pháp luật cơ bản về giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ để giảm nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để thực hiện hiệu quả công tác PCTHTL, cụ thể là:
1.1. Chương I. Những quy định chung gồm có 9 điều: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); giải thích từ ngữ (Điều 2); nguyên tắc PCTHTL (Điều 3); chính sách của Nhà nước về PCTHTL (Điều 4); trách nhiệm quản lý nhà nước về PCTHTL (Điều 5); trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong PCTHTL (Điều 6); quyền và nghĩa vụ của công dân trong PCTHTL (Điều 7); hợp tác quốc tế trong PCTHTL (Điều 8) và các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9).
Chương này quy định những nội dung cơ bản về PCTHTL bao gồm phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc mang tính định hướng, chính sách cơ bản để thúc đẩy công tác PCTHTL và các hành vi bị nghiêm cấm trong PCTHTL.
Để thực hiện đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả công tác PCTHTL, Luật quy định đồng thời cả các biện pháp giảm cầu và giảm cung đối với thuốc lá. Trong đó, chú trọng trước hết đến các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng đối với thuốc lá để từng bước giảm số người sử dụng thuốc lá, giảm tác hại của thuốc lá, kết hợp với các biện pháp giảm dần nguồn cung cấp thuốc lá có định hướng, theo lộ trình, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Mục đích ban hành Luật là nhằm bảo đảm công tác PCTHTL nên Luật không quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh thuốc lá mà chỉ quy định những nội dung kinh doanh thuốc lá liên quan chặt chẽ đến PCTHTL, những vấn đề chưa được quy định trong các văn bản pháp luật khác và những vấn đề làm cơ sở pháp lý chung để Chính phủ căn cứ vào Luật, quy định cụ thể cho hoạt động kinh doanh thuốc lá.
Nhằm làm rõ khái niệm, từ đó giúp người dân có cách hiểu chung, thống nhất về các quy phạm được quy định trong Luật, Luật đã giải thích một số từ ngữ quan trọng, được sử dụng nhiều lần, bao gồm các khái niệm: thuốc lá, sản phẩm mô phỏng thuốc lá, tác hại của thuốc lá, cảnh báo sức khoẻ, địa điểm công cộng, nơi làm việc, trong nhà….
Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về PCTHTL. Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PCTHTL. Các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động thực hiện nhiệm vụ về PCTHTL thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách; phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về PCTHTL. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCTHTL trong phạm vi địa phương. Quy định này giúp phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan, là cơ sở để triển khai thực hiện cũng như thanh tra, kiểm tra trong PCTHTL.
Trong PCTHTL có hai nhóm chủ thể quan trọng liên quan trực tiếp là các cơ sở kinh doanh thuốc lá và những người sử dụng thuốc lá. Để phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của hai chủ thể nói trên và những đối tượng khác có liên quan, Luật đã quy định 9 nhóm hành vi bị cấm trong PCTHTL, đó là: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này; Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.
1.2. Chương II. Các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá gồm có 9 điều, quy định về: Thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTHTL (Điều 10); địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn (Điều 11); địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá (Điều 12); nghĩa vụ của người hút thuốc lá (Điều 13); quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá (Điều 14); ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá (Điều 15); hoạt động tài trợ (Điều 16); cai nghiện thuốc lá (Điều 17); trách nhiệm trong hỗ trợ cai nghiện thuốc lá (Điều 18).
Các biện pháp này, đặc biệt là quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng, quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm 50% diện tích chính của bao bì thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, bảo vệ sức khỏe của những người không hút thuốc lá, hạn chế tiếp cận thuốc lá, ngăn ngừa tác hại của thuốc lá, tiến tới thay đổi hành vi, giúp người chưa hút thuốc lá không bắt đầu hút, người đang hút thuốc lá giảm dần và không hút thuốc lá, từ đó giúp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.
Người đứng đầu các địa điểm công cộng có vai trò quan trọng trong thực thi quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Nếu người đứng đầu tuân thủ nghiêm quy định, họ sẽ tổ chức và bảo đảm các điều kiện để triển khai quy định tại địa điểm do mình quản lý, điều hành. Do vậy, Luật quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm do mình quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá.
Thực hiện quy định tại Điều 14 Công ước khung FCTC về biện pháp giảm cầu liên quan đến cai nghiện thuốc lá, để hạn chế tác hại cũng như giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, Luật quy định cụ thể việc hỗ trợ cai nghiệm thuốc lá. Đồng thời, việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các thuốc cai nghiện, điều trị nghiện thuốc lá được hưởng mức thuế ưu đãi theo quy định của pháp luật.
1.3. Chương III. Các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá gồm có 9 điều, quy định về: Quản lý kinh doanh thuốc lá (Điều 19); quy hoạch kinh doanh thuốc lá (Điều 20); kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá (Điều 21); kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước (Điều 22); quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá (Điều 23); số lượng điếu thuốc lá trong bao, gói (Điều 24); bán thuốc lá (Điều 25); các biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả (Điều 26); trách nhiệm phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả (Điều 27).
Các biện pháp này nhằm mục tiêu kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá để giảm dần nguồn cung cấp thuốc lá một cách chủ động, gắn liền với tốc độ giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, góp phần PCTHTL một cách hiệu quả và bền vững. Trong đó, Luật quy định việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thuốc lá thông qua quy hoạch, cấp phép và quản lý sản lượng thuốc lá; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá; quy định cấm bán thuốc lá tại các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá, quy định cụ thể biện pháp và trách nhiệm của các cơ quan trong phòng, chống thuốc lá lậu nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng tăng tại Việt Nam.
1.4. Chương IV. Các điều kiện bảo đảm để PCTHTL gồm có 5 điều, quy định về: Thành lập Quỹ PCTHTL (Điều 28); mục đích và nhiệm vụ của quỹ (Điều 29); nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng quỹ (Điều 30); xử lý vi phạm pháp luật về PCTHTL (Điều 30); trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về PCTHTL (Điều 31).
Các biện pháp này tạo điều kiện bảo đảm bằng cách huy động nguồn kinh phí xã hội hóa ổn định, bền vững cho công tác PCTHTL, quy định các chế tài và trách nhiệm xử lý vi phạm để bảo đảm tính khả thi của Luật.
Công tác PCTHTL đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và ổn định nên không thể lấy từ ngân sách nhà nước mà phải trên cơ sở xã hội hóa, huy động sự đóng góp của xã hội, đặc biệt là từ cơ sở sản xuất thuốc lá nhằm tăng tính cảnh báo về tác hại của thuốc lá và khuyến khích giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Luật quy định thành lập Quỹ PCTHTL để huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính của Quỹ cho các hoạt động PCTHTL trên phạm vi toàn quốc.
Quỹ PCTHTL sẽ góp phần quan trọng để bảo vệ sức khỏe người dân, giảm chi phí y tế vốn ngày càng tăng với nguồn kinh phí ổn định và không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Đó chính là giải pháp rất nhân văn, khắc phục được những khó khăn của cơ chế quản lý hiện hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cũng là điều mà nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang áp dụng.
1.5. Chương V. Điều khoản thi hành bao gồm 3 điều, quy định về: Hiệu lực thi hành (Điều 33); điều khoản chuyển tiếp (Điều 34); quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (Điều 35).
2. Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030
Quan điểm của Chiến lược đến năm 2023 là: (1) Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030. (2) Bảo đảm quyền được sống, làm việc và học tập trong môi trường không khói thuốc lá của người dân.
Mục tiêu chung của Chiến lược đến năm 2023 nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra.
Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2023 - 2025: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%; Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%; Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng. Trong giai đoạn 2026-2030: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%; Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%; Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
07 nhiệm vụ, giải pháp: (1) Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; (2) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá: (3) Tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá; (4) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá: (5) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát về phòng, chống tác hại của thuốc lá: (6) Kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về phòng, chống tác hại của thuốc lá: (7) Hợp tác quốc tế:
3. Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về một số biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá
Nghị định quy định chi tiết thi hành Khoản 4 Điều 12, Khoản 7 Điều 15, Khoản 2, Khoản 4 Điều 17 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về điều kiện thành lập và tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá, chuyển địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.
Nghị định quy định trách nhiệm thực hiện của Bộ Y tế: Tổ chức triển khai và hướng dẫn hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá; ban hành quy trình cai nghiện thuốc lá; chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai hoạt động lồng ghép tư vấn nhanh của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về cai nghiện thuốc lá cho người nghiện thuốc lá…
Nghị định cũng quy định trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của Nghị định này.
4. Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá
Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá về: Điều kiện sản xuất, mua bán thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, đầu tư vùng trồng và kinh doanh nguyên liệu thuốc lá, tiêu thụ sản phẩm thuốc lá; xuất khẩu, nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu thuốc lá và sản phẩm thuốc lá; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; Đầu tư sản xuất sản phẩm thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, liên doanh sản xuất thuốc lá, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sản xuất thuốc lá; Sản xuất, gia công thuốc lá xuất khẩu; chế biến, gia công chế biến nguyên liệu thuốc lá xuất khẩu; Kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước, công bố sản lượng thuốc lá được phép sản xuất và nhập khẩu.
Nghị định cũng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực kinh doanh thuốc lá.
5. Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ ửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá
Nghị định sửa đổi khoản 3, 10, 12 và bổ sung khoản 15 Điều 3; sửa đổi khoản 2, Điều 4; bổ sung khoản 7 Điều 8; sửa đổi khoản 3 Điều 10; Điểm a, điểm c, điểm d khoản 1; Điểm a, điểm d khoản 2; Điểm a, điểm d khoản 3 Điều 26; Điểm c, điểm đ khoản 1; Điểm c, điểm đ khoản 2; Điểm c khoản 3 Điều 27; sửa đổi Điểm b khoản 2 Điều 28; Khoản 4, 7 Điều 29; bổ sung Khoản 4 Điều 31; sửa đổi Khoản 1 Điều 32; Bổ sung khoản 13 Điều 45; sửa đổi Khoản 3 Điều 49 Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ.
Nghị định bãi bỏ điểm a khoản 3 Điều 9; điểm e khoản 1 Điều 26; điểm e khoản 2 Điều 26; điểm c khoản 3 Điều 26; điểm g khoản 1 Điều 27; điểm g khoản 2 Điều 27; khoản 3 Điều 46 Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ.
6. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định tại Nghị định này là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Từ Điều 25 đến Điều 28 Nghị định quy định xử phạt về phòng,chống tác hại thuốc lá bao gồm: Vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá; vi phạm quy định về bán, cung cấp thuốc lá; vi phạm quy định về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; vi phạm quy định về cai nghiện thuốc lá; vi phạm quy định khác về phòng, chống tác hại thuốc lá.
7. Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo đó, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ Điều 18 đến Điều 24 Nghị định quy định về hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá.
Đối tượng bị xử phạt hành chính được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định, bao gồm: cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam. Hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật vi phạm các quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
8. Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT ngày 08/02/2013 của Bộ Y tế và Bộ Công Thương hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá
Theo Thông tư, việc ghi nhãn trên bao bì thuốc lá phải được thực hiện theo đúng quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và các quy định của Thông tư liên tịch này. Nhãn thuốc lá phải thể hiện các nội dung sau:
- Tên hàng hoá;
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá;
- Xuất xứ hàng hoá (đối với thuốc lá nhập khẩu);
- Định lượng của hàng hóa;
- Cảnh báo sức khỏe;
- Dán tem hoặc in mã số, mã vạch.
- Ngày sản xuất; ngày hết hạn sử dụng.
Nhãn thuốc lá phải được ghi bằng tiếng Việt, không được sử dụng các hình thức hoặc từ ngữ tạo cho người tiêu dùng hiểu sai về tính chất, tác động của thuốc lá đối với sức khỏe như: ít hắc ín (low tar), nhẹ (light), siêu nhẹ (ultra light), dịu êm (mild) hoặc các từ, cụm từ khác có nghĩa hoặc cách hiểu tương tự làm cho người tiêu dùng hiểu sản phẩm thuốc lá này ít có ảnh hưởng tới sức khỏe hơn sản phẩm thuốc lá khác, trừ trường hợp các từ, cụm từ trên là một phần của nhãn hiệu thuốc lá đã được đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trước ngày Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực.
Về yêu cầu về cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá: Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khoẻ trên bao bì theo mẫu quy định. Cảnh báo sức khỏe phải bảo đảm được in rõ nét và dễ nhìn.
Vị trí in cảnh báo sức khỏe: Được in trên mặt chính trước và mặt chính sau của bao bì thuốc lá và phải bảo đảm không bị che lấp hoặc che mờ bởi bất kỳ vật liệu, hình ảnh, thông tin nào khác, trừ việc dán tem thuốc lá theo quy định của pháp luật. Trường hợp thuốc lá có nhiều bao bì thì cảnh báo sức khỏe phải được in trên tất cả bao bì theo quy định tại Thông tư liên tịch này. Trường hợp bao bì thuốc lá có sử dụng bao bọc ngoài thì bao bọc ngoài phải trong suốt, không màu và không làm che lấp cảnh báo sức khỏe, trừ trường hợp bao bọc ngoài có in logo chống hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp đã được đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trước ngày Thông tư liên tịch này được ban hành. Cảnh báo sức khoẻ phải được in song song sát với rìa trên của bao bì thuốc lá.
Diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao bì thuốc lá.
Màu sắc của cảnh báo sức khỏe: Cảnh báo sức khỏe phải được in từ 4 màu cơ bản trở lên, độ phân giải khi in không được dưới 300DPI (dot per inch).
Sử dụng luân phiên các mẫu cảnh báo sức khỏe: Mỗi loại sản phẩm thuốc lá của một nhãn hiệu thuốc lá phải in trên bao bì thuốc lá một trong 06 mẫu cảnh báo sức khỏe quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Các loại sản phẩm thuốc lá của một nhãn hiệu thuốc lá, các nhãn hiệu thuốc lá khác nhau của một nhà sản xuất phải in các mẫu cảnh báo sức khỏe khác nhau. Trường hợp một nhãn hiệu thuốc lá có trên 06 loại sản phẩm, một nhà sản xuất có trên 06 nhãn hiệu thuốc lá thì phải in đồng thời đủ 06 mẫu cảnh báo sức khỏe. Mẫu cảnh báo sức khỏe của mỗi loại sản phẩm thuốc lá phải được thay đổi định kỳ 02 năm một lần.
9. Thông tư số 11/2023/TT-BYT ngày 11/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá
Thông tư này quy định về việc tổ chức thực hiện đối với các địa điểm cấm hút thuốc lá; nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình xét tặng Giải thưởng Môi trường không thuốc lá và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Thông tư số 11/2023/TT-BYT, các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định tại Phụ lục số II Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà: Nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trừ các địa điểm quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều này; khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng: cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, chợ, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và địa điểm công cộng khác, trừ các địa điểm quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều này.
Phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn: ô tô; tàu bay; tàu điện.
Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá: khu vực cách ly của sân bay; quán bar, quán karaoke, vũ trường; khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác; phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
Các yêu cầu đối với địa điểm cấm hút thuốc lá
Yêu cầu chung đối với tất cả địa điểm cấm hút thuốc lá
- Có đặt, in, bố trí (sau đây gọi chung là đặt) biển hoặc chữ hoặc biểu tượng với nội dung cấm hút thuốc lá (sau đây gọi chung là biển). Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo mẫu số 1 và mẫu số 2 tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Biển bảo đảm các yêu cầu sau đây: Nội dung thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn; chất liệu biển bền, khó phai; biển đặt ngoài trời chịu được tác động của môi trường bên ngoài; kích thước, cỡ chữ của biển phù hợp với vị trí, không gian đặt biển; chữ đậm, dễ đọc; màu chữ, biểu tượng tương phản với màu nền; biển đặt tại địa điểm công cộng trong điều kiện không đủ ánh sáng: có phản quang hoặc chiếu sáng biển hoặc hình thức phù hợp khác để bảo đảm dễ nhìn.
- Việc đặt biển bảo đảm các yêu cầu sau đây: khoảng cách giữa các biển phù hợp với quy mô, không gian của từng địa điểm; đặt biển ở vị trí dễ quan sát, khu vực có nhiều người qua lại; cổng vào khu vực khuôn viên, khu vực để xe ngoài trời; đối với khu vực trong nhà đặt tại cửa ra vào, sảnh trước, khu vực tiếp đón, ghế chờ, các tầng của cầu thang bộ, trong thang máy, hành lang có mái che, nhà để xe, nhà vệ sinh.
- Không có gạt tàn, dụng cụ dùng cho hút thuốc, đầu mẩu và tàn thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.
Yêu cầu riêng đối với địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên
- Có biển tại khu vực khuôn viên.
- Địa điểm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư này: Tối thiểu đặt biển tại khu vực khám bệnh, buồng bệnh, căng tin, nhà ăn.
- Địa điểm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư này: Tối thiểu đặt biển tại hội trường, phòng họp, phòng làm việc, khu vực phòng học, phòng bảo vệ, thư viện, phòng đa năng, căng tin, nhà ăn, khu vực phòng nghỉ nội trú, bán trú.
- Địa điểm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Thông tư này: Tối thiểu đặt biển tại phòng họp, phòng sinh hoạt chung, nhà ăn, phòng nghỉ và các khu vực cần thiết khác có trẻ em.
- Địa điểm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư này: Đặt biển tại nơi có chứa nguồn nguy cơ cháy nổ.
Yêu cầu riêng đối với địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà
- Địa điểm quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này: Tối thiểu đặt biển ở phòng làm việc, hội trường, phòng họp, phòng bảo vệ, căng tin, nhà ăn.
- Trường hợp địa điểm này có khu vực ngoài trời, khuôn viên được phép hút thuốc lá thì vị trí được phép hút thuốc lá cần cách xa cửa ra vào, lối thoát hiểm, cửa sổ để bảo đảm khói thuốc không ảnh hưởng đến các địa điểm này.
Yêu cầu riêng đối với phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn
Biển được đặt ở vị trí phía khoang lái để mọi người ngồi trong phương tiện giao thông công cộng dễ quan sát, ở vị trí các cửa lên xuống.
Yêu cầu riêng đối với địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá
- Có biển với nội dung chỉ dẫn lối đi đến khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo mẫu biển số 3 tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá cần đáp ứng các yêu cầu sau đây: có biển với nội dung khu vực được hút thuốc lá. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo mẫu biển số 4 tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này; phòng dành riêng cho người hút thuốc lá: Bảo đảm riêng biệt, có thông khí riêng; không mở cửa, thoát, thải khí sang các phòng, khu vực không hút thuốc lá, hành lang dùng chung với các phòng khác; có vật dụng để chứa đầu mẩu, tàn thuốc lá; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
- Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác: tối thiểu đặt biển tại sảnh, quầy lễ tân, khu vực chung, các phòng lưu trú; nơi dành riêng cho người hút thuốc lá (nếu có): không bố trí tại sảnh chung, không bố trí làm nơi lưu trú cho người không hút thuốc lá.
- Tàu thủy: Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bố trí trên boong tàu hoặc bố trí phòng riêng đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này.
- Tàu hỏa: Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá nên bố trí phía cuối đoàn tàu, không bố trí tại khu vực tiếp nối giữa 02 toa hành khách.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2023
10. Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg ngày 29/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá
Quyết định quy định việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, Nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng Quỹ; Căn cứ, phương pháp tính và quản lý, thu nộp khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá, Quản lý nhà nước đối với Quỹ PCTH thuốc lá.
Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định địa vị pháp lý, tên gọi, trụ sở, con dấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ tài chính, kế toán của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá./.
Một số thông điệp Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5/2023) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2023) 1. Sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân gây ra đói nghèo 2. Hãy dùng tiền mua thuốc lá để mua thực phẩm cho con bạn 3. Hãy chọn thực phẩm, đừng chọn thuốc lá 4. Hút thuốc lá làm bạn tốn tiền và phải trả giá bằng sức khỏe 5. Hút thuốc thụ động dù ít hay nhiều đều có hại cho sức khỏe 6. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chứa chất gây ung thư và chất Nicotine gây nghiện. 7. Bỏ thuốc lá để phục hồi lá phổi của bạn 8. Không hút thuốc lá nơi làm việc, nơi công cộng 9. Không hút thuốc lá trong nhà, nơi tập trung đông người 10. Hãy nhắc người khác không hút thuốc lá gần bạn và mọi người |
Huyền Trang (Tổng hợp)
Huyền Trang (tổng hợp)