Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Tuy mới “đi” được một nửa chặng đường với tập I “Nợ nước non” và tập II “Lênh đênh bốn biển”, song bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ có mong muốn khắc họa đầy đủ, sinh động và lôi cuốn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

133 năm đã đi qua kể từ khi người con ưu tú của dân tộc Việt Nam Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cất tiếng chào đời ở làng Hoàng Trù quê ngoại, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Như mắc nợ với nước non, với Nhân dân mình đang rên xiết dưới ách xâm lược và bóc lột bạo tàn của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, Người đã có hành trình vạn dặm từ dải đất Hồng Lam vào kinh đô Huế, vào Bình Định, Bình Thuận, Sài Gòn để ngày 5/6/1911, Người can đảm bước xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Người có 30 năm lênh đênh năm châu bốn biển, để đến đầu năm 1941, trở về Tổ quốc, cùng đồng chí, đồng bào mình đoàn kết, dũng cảm, tài trí đấu tranh làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lở đất long trời dựng nên nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa, tự do, độc lập. Người cùng Nhân dân mình đi tiếp 9 năm trường kỳ, gian khổ chống cuộc xâm lăng lần thứ hai của Pháp; 20 năm chống xâm lược Mỹ và bè lũ chư hầu, tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Người đã cùng Đảng mình, Nhân dân mình, mở ra thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

nuoc non ngan dam 1
Trang bìa tập I, bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Bộ tiểu thuyết đồ sộ về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hàng chục năm nay là đề tài cao đẹp, cần thiết và lôi cuốn của nhiều ngành khoa học, văn hóa, văn nghệ. Chỉ riêng địa hạt văn xuôi, có thể nêu các tác phẩm tiêu biểu như các bộ tiểu thuyết, truyện dài của nhà văn Sơn Tùng: “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Trái tim quả đất”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”, “Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng”; nhà văn Hồ Phương có “Cha và con”; nhà văn Hoàng Quảng Uyên có bộ 3 tiểu thuyết “Trông vời cố quốc”, “Mặt trời Pác Bó”, “Giải phóng”; nhà văn Cao Năm có “Hai ngày và mãi mãi”; nhà văn Nguyễn Thế Quang có “Khúc hát những dòng sông”… Gần đây, có một bộ tiểu thuyết tuy mới “đi” được một nửa chặng đường, nhưng có mong muốn khắc họa đầy đủ, sinh động và lôi cuốn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Nguyễn Thế Kỷ đã viết và cho xuất bản tập I với tên gọi “Nợ nước non” đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5/2022) khắc họa hình tượng Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành tuổi ấu thơ và tuổi thanh niên giàu lòng yêu nước và hoài bão cứu nước. Cuối tháng 1/2023, Nguyễn Thế Kỷ tiếp tục giới thiệu với đông đảo bạn đọc tập II có tên “Lênh đênh bốn biển” khắc họa hình tượng anh thanh niên Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc trên những dặm dài tìm đường, chọn đường cứu nước những năm 1911 - 1941. Đó là hành trình dài đằng đẵng “Từ Đông sang Tây lại từ Tây về Đông, cuối cùng, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, Tống Văn Sơ, Thầu Chín, Lý Thụy, ông Vương, Hồ Quang… đã được đặt chân trở về với mảnh đất mà ông luôn đau đáu, khắc khoải trong lòng”.[1]

Tập I “Nợ nước non” khắc họa rất thành công hình tượng Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành tuổi ấu thơ và tuổi thanh niên. Tập I có 4 chương, chương 1: Làng Chùa; chương 2: Làng Chùa về lại, làng Sen vinh quy; chương 3: Trở lại kinh thành; chương 4: Cho chuyến đi xa.

Đây là tập “vô cùng quan trọng hay có thể nói là tập quan trọng nhất của bộ tiểu thuyết này. Đó là chặng đường quan trọng nhất để hình thành một con người, đặc biệt là một vĩ nhân”[2], với tác động của những yếu tố vô cùng quan trọng: “gia đình, hoàn cảnh lịch sử đất nước, thế giới, điều kiện sống, giáo dục, tư chất, những vẻ đẹp tâm hồn, sự quan sát đời sống, chặng đường nhận thức của nhân vật… Đây cũng là tập mà nếu nhà văn không thuyết phục được bạn đọc, không tạo ra sự đợi chờ của bạn đọc cho những tập tiếp theo thì nghĩa là bộ tiểu thuyết đã kết thúc với bạn đọc cho dù nhà văn đang tiếp tục viết”. [3]

Tuổi thơ của một cậu bé Nguyễn Sinh Cung, trong trang viết của Nguyễn Thế Kỷ, không được mặc định sẽ trở thành vĩ nhân (như không ít tác giả bị ám ảnh và đưa vào trang viết), do đó, đã hiện lên trong trẻo, thánh thiện, đẹp đẽ với tất cả sự ngây thơ, hồn nhiên của con trẻ. Sự phát triển và hoàn thiện về nhận thức, về tư duy và tình cảm của cậu bé Nguyễn Sinh Cung được gợi mở qua từng trang viết qua sự quan sát cuộc sống, qua giao tiếp, học hỏi từ những người thân yêu trong gia đình, từ bạn bè, trường lớp, và những cuộc di chuyển lớn gắn với sự nghiệp của người cha. Những biến cố lớn trong cuộc đời cậu bé cũng là những dấu mốc của nhận thức và trưởng thành.

Toàn bộ thời gian tập 1 đề cập tới, trước năm 1911 là thời kỳ Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành “tiếp thu truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình và của cả dân tộc để hình thành nên tư tưởng yêu nước và tìm đường cứu nước”.[4]

Chương 1 “Làng Chùa” bắt đầu từ khi cậu bé Cung lên 3 tuổi với sự ra đi của ông ngoại Hoàng Xuân Đường, một người mà trí nhớ non nớt của Cung không nhớ được nhiều về ông. Tuy nhiên, đây là người có ảnh hưởng vô cùng lớn tới ông Nguyễn Sinh Sắc, cha của Cung. Và chính ông Nguyễn Sinh Sắc lại là người có ảnh hưởng đặc biệt tới tuổi thơ và cả cuộc đời cậu bé Cung sau này. Cuộc sống bình dị, ấm áp của gia đình Cung tại làng Chùa quê ngoại trong thấm đẫm tình làng nghĩa xóm đã được khắc họa thật sinh động. Sự chuẩn bị của đại gia đình cho chuyến đi vào Huế của bố mẹ và hai anh em Khiêm, Cung; chuyến đi bộ hơn nửa tháng từ Nam Đàn vào kinh thành Huế với bao khó khăn, vất vả; những kiến thức hai anh em học được trên đường; tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa những người dân đất Việt; cuộc mưu sinh vất vả của gia đình Cung ở Huế: cha mở lớp dạy học thêm, mẹ dệt lụa bán kiếm tiền nuôi gia đình; việc ông Sắc thi trượt khi thi Hội đẩy gia đình vào cảnh khó khăn hơn; cuộc sống của hai anh em Khiêm, Cung khi cùng cha đến làng Dương Nỗ dạy học - cuộc sống đầy vất vả nhưng vô cùng sinh động đối với Cung. Cậu học được bao điều từ quan sát cuộc sống ở kinh thành, từ giao tiếp với mọi người, đặc biệt với những người bạn như Phúc, như Liên… Tất cả được hiện lên vô cùng sinh động trong tập 1 qua cách miêu tả, kể chuyện và đặc biệt qua các đoạn đối thoại giữa các nhân vật. Tập 1 kết thúc với cái chết của mẹ Loan và em Xin trong khi cha và anh trai còn đang ở Thanh Hóa phụ giúp kỳ thi Hương. Nỗi đau quá lớn với một cậu bé như một vết hằn đau thương trong tuổi ấu thơ của Nguyễn Sinh Cung.

Một tuổi thơ đầy vất vả bởi cuộc mưu sinh nhưng cũng không kém phần ngọt ngào, thi vị vì tình yêu thương của ông bà, bố mẹ, chị gái, anh trai, họ hàng, bạn bè, bà con lối xóm dành cho Cung. Cung đã lớn lên trong tiếng võng, lời ru và những thanh âm ngọt ngào của tình gia đình, quê hương. Nguyễn Sinh Cung chịu ảnh hưởng sâu sắc tình cảm của người mẹ Hoàng Thị Loan - người mẹ Việt Nam cao đẹp, chịu thương chịu khó. Chương I khắc họa đậm nét bà Loan với tất cả sự “nhân hậu, tần tảo, đảm đang, hết mực thương yêu chồng con và hòa thuận nhân đức với mọi người, được bà con láng giềng mến phục”.[5] Chương 1 là chương thực sự thành công bởi vốn sống và trải nghiệm phong phú của tác giả về quê hương xứ Nghệ, về cuộc sống ở Kinh thành Huế được đưa vào tác phẩm một cách tự nhiên như vốn dĩ cuộc sống phải như vậy.

Chương 2 “Làng Chùa về lại, làng Sen vinh quy” bắt đầu khi Cung trở lại Nghệ An sau cái chết của mẹ và em. Những tháng ngày ở quê, học tập và gặp gỡ, tiếp xúc những người thầy, những nhà yêu nước lớn: Thầy Vương Thúc Quý, Thầy Lê Văn Miến, nhà yêu nước Phan Bội Châu, ông Nguyễn Quang Đoan - con trai cụ Nguyễn Quang Bích… đã làm cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành mở mang biết bao điều về thế sự và hình thành những trăn trở lớn về thời cuộc. Đây cũng là thời kỳ ông Nguyễn Sinh Sắc trở lại Huế dự kỳ thi Hội. Ông đã đỗ trong kỳ thi năm Tân Sửu 1901 và về làng vinh quy bái tổ. Khi cha vào nhậm chức ở Huế theo yêu cầu của triều đình, hai anh em, lúc này mang tên là Thành và Đạt theo cha trở lại Huế năm 1906.

Trong chương 2, những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với thầy Lê Văn Miến đã để lại những dấu ấn đặc biệt lớn trong nhận thức và tư duy của cậu bé Cung, nay là Nguyễn Tất Thành. Những ngày tháng học tại trường tiểu học Pháp - Việt Vinh (Nghệ An); cuộc trò chuyện và tiễn chú Phan Bội Châu sang nước Nhật… Những sự kiện lịch sử đó được Nguyễn Thế Kỷ tái hiện dưới thi pháp tiểu thuyết thật sinh động, hấp dẫn. Người đọc như bị hút vào những câu chuyện gắn với các sự kiện trong tuổi thơ của Hồ Chí Minh dù quen thuộc nhưng vẫn đầy mới mẻ và không ít kịch tính.

Đất lề quê thói, cuộc vinh quy bái tổ dành cho ông Sắc sau đỗ đạt - ông được đón về quê nội và ứng xử tinh tế của ông để vừa theo “lề thói” truyền thống của cộng đồng, vừa thể hiện được lòng biết ơn, tôn kính với gia đình nhà vợ đã được thể hiện thật cảm động trong tác phẩm.

Chương 3 “Trở lại kinh thành” theo cha khi cha vào nhậm chức tại Huế năm 1906 trong bối cảnh những biến động chính trị lớn xảy ra nơi triều đình Huế (vua Thành Thái bị truất ngôi và bị lưu đày biệt xứ, Hoàng tử Vĩnh San 7 tuổi được đưa lên ngôi hiệu là Duy Tân) và trong sự sục sôi của các phong trào yêu nước: Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào chống thuế… Đây là một giai đoạn Nguyễn Tất Thành quan sát thời cuộc và trưởng thành đặc biệt trong nhận thức và tư duy. Tại đây, Nguyễn Tất Thành học ở trường Pháp - Việt Đông Ba, sau đó, học tiếp ở Quốc học Huế. Là một trong 3 học sinh xuất sắc nhất lớp tại trường Pháp Việt Đông Ba, Nguyễn Tất Thành đã nằm trong tầm ngắm của tòa Khâm sứ. Tham gia làm phiên dịch trong cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng của nhân dân Thừa Thiên, Nguyễn Tất Thành đứng trước nguy cơ bị buộc thôi học. Chàng trai 16, 17 tuổi quan sát, tham dự và tiếp nhận tinh thần của những phong trào chính trị rộng lớn sôi sục quanh mình như những dữ liệu đầu tiên để hình thành một nhãn quan chính trị, một lối đi riêng cho bản thân. Cuộc gặp lại thầy Lê Văn Miến khi đã thành một chàng trai với những nhận thức mới mẻ và sự trưởng thành nhất định trong tư duy cũng giúp Nguyễn Tất Thành có cái nhìn rõ hơn về thời cuộc, về lối đi riêng, con đường riêng, dù chưa định hình một cách rõ nét. Trong chương này, tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành đã không chỉ còn là tư tưởng trong đầu mà thể hiện bằng hành động. Thể hiện tư tưởng yêu nước trong hành động là một bước trưởng thành của chàng trai Nguyễn Tất Thành.

Chương 4 “Cho chuyến đi xa” là “sự chuẩn bị” của chàng trai Nguyễn Tất Thành từ năm 1909 đến ngày 5/6/1911 khi rời thương cảng Sài Gòn ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Theo cha vào Bình Khê, Nguyễn Tất Thành vào học tại trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn một thời gian ngắn. Bước ngoặt có tính chất quyết định cho hành trình của Nguyễn Tất Thành là khi ông Nguyễn Sinh Huy, cha Thành, bị bọn xấu vu cáo là đã cho lính đánh chết một tên phú hào khi ông làm quan ở Bình Khê. Ông bị giáng 4 cấp, cũng nhân đó ông từ quan. Sự kiện này đã làm Nguyễn Tất Thành bừng tỉnh, nhìn rõ hơn về thời cuộc, thấu hiểu lời cha dạy: “Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn”. Lời dặn của cha: “Nước mất thì phải lo tìm nước, đừng mất công tìm cha”[6] như một cú hích để chàng trai đi về phương Nam. “Tinh thần yêu nước, thương dân và nhân cách của cụ Nguyễn Sinh Sắc có ảnh hưởng lớn lao đến tư tưởng, nhân cách Hồ Chí Minh thuở niên thiếu”.[7] Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Anh xin dạy học tại trường Dục Thanh, một trường tư thục do các ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh (con trai cụ Nguyễn Thông, một nhân sĩ yêu nước) thành lập năm 1907. Từ giữa tháng 9/1910 đến tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành dạy học ở ngôi trường này. Bình Thuận nằm ở cuối miền Trung, nơi hội tụ nhiều sĩ phu yêu nước lánh nạn đàn áp của thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Trong số các sĩ phu đó có Phan Châu Trinh với khẩu hiệu "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Các sĩ phu yêu nước ở đây đã lần lượt lập ra Hội Liên Thành, Liên Thành Thương Quán, Liên Thành Thư Xã và trường Dục Thanh. Nhờ sự giúp đỡ của công ty Liên Thành, đầu năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Ngày 5/6/1911, Người lên con tàu đô đốc Amiral Latouche Tréville, bắt đầu chuyến hành trình vạn dặm 30 năm bôn ba hải ngoại.

“Này cậu thanh niên, ta không nghĩ là ông ấy lại đồng ý nhận cậu ngay đâu đấy. Có lẽ do cậu biết nói tiếng Pháp khá tốt. Người Việt ta học tiếng Pháp cũng nhiều, nhưng chẳng ai biết tiếng Pháp lại xin đi làm phụ bếp cả”.[8]

Hành trình đặc biệt của một con người đặc biệt bắt đầu bằng hành động giản dị xin làm phụ bếp trên một con tàu biển với một cái tên mới - Văn Ba. Tư duy của một bậc vĩ nhân ẩn chứa sau những hành động rất đời, rất người như vậy.

Tập I với 4 chương nội dung gói trọn trong 222 trang sách đã giúp người đọc tái hiện khung cảnh lịch sử, xã hội sinh động của Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và quá trình lớn lên về sức vóc, về nhận thức và tư duy từ cậu bé Nguyễn Sinh Cung đến chàng trai Nguyễn Tất Thành. Cuộc sống nơi quê nhà cũng như chốn kinh thành, khả năng quan sát cuộc sống, sự va chạm, tiếp xúc với nhiều đối tượng người, những người thầy, những nhà yêu nước, đặc biệt tiếp nhận kiến thức, tâm tư từ sự dạy dỗ của người cha là hành trang ban đầu để Nguyễn Tất Thành có thể dấn thân bước ra biển lớn. Điều đặc biệt ở đây, trong cả 4 chương của tập I, tác giả đều rất chú ý đến việc học của nhân vật chính. Từ trường làng với các người thầy là bạn của cha, tới tiểu học Pháp - Việt Vinh (Nghệ An), tiểu học Pháp - Việt Đông Ba (Huế), Quốc học Huế, Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn (Bình Định), trường Dục Thanh (Phan Thiết), dù là học trò hay là người thầy, các môi trường giáo dục trên cũng là những nơi cậu bé Cung, chàng trai Nguyễn Tất Thành tiếp nhận kiến thức nhiều mặt về tự nhiên, xã hội. Đây là yếu tố căn cốt giúp hành trang của Văn Ba thêm vững chãi của hành trình 30 năm đầy chông gai, thử thách tìm ra con đường cứu dân, cứu nước.

Qua trao đổi với nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, ông cho biết, ở chặng đầu quá trình viết bộ tiểu thuyết đồ sộ này, tác giả dự kiến tác phẩm của mình sẽ gồm 3 tập. Tuy nhiên, sau khi nhìn lại dung lượng, chiều kích lịch sử, tầm vóc thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì 3 tập chưa thể diễn tả hết những nội dung và khát khao mà tác giả muốn gửi gắm trong bộ tiểu thuyết viết về Người. Tác giả dự định sẽ viết tập III của bộ tiểu thuyết khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh từ năm 1941 khi Người về nước đến cuối năm 1946 vào thời điểm kháng chiến toàn quốc chống Pháp xâm lược lần 2 bùng nổ. Tập IV sẽ tiếp tục từ đầu năm 1947 - bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp trên toàn quốc đến năm 1966 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Chúng ta cùng chờ đón tập III và tập IV, hai tập cuối của “Nước non vạn dặm”.

nuoc non ngan dam 2
Trang bìa tập II, bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Thi pháp của tác giả của “Nước non vạn dặm”

Tác giả là một người con xứ Nghệ, có nhiều gắn bó sâu sắc với mảnh đất này, công tác trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nhiều năm, đồng thời là một chính khách, tất cả những vị trí này đem đến cho Nguyễn Thế Kỷ những lợi thế lớn khi viết bộ tiểu thuyết này, đặc biệt là tập I. Trước hết, đó là hiểu biết vô cùng phong phú của tác giả về lịch sử, văn hóa, địa lý, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lề lối sinh hoạt của người dân quê xứ Nghệ: Từ hò vè dân gian, dân ca ví, dặm, văn hóa ẩm thực, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt của người xứ Nghệ. Độc giả đi từ thú vị đến ngỡ ngàng và bị cuốn hút theo từng câu chữ, từng trang viết của tác giả trong tập I khi được đắm mình trong khung cảnh, lối sinh hoạt của người dân Nghệ An quê Bác. Từ nếp nhà, khung cảnh bình dị, đặc trưng của làng quê, lối ăn nói, phương thức sinh hoạt, những vật dụng thân thuộc của người xứ Nghệ, cách ứng xử giữa bà con lối xóm với nhau, giữa những người trong nhà… đậm chất Nghệ truyền thống đã được tác giả đưa vào các trang viết một cách tinh tế và đặc biệt lôi cuốn. Trong tập I, tác giả dùng nhiều từ địa phương. Một địa phương đã sở hữu riêng một cuốn từ điển “Từ điển tiếng Nghệ” như Nghệ An - Hà Tĩnh cho thấy vốn ngôn ngữ độc đáo, phong phú và riêng biệt của vùng đất này. Và cách tác giả khai thác từ địa phương để đưa vào tác phẩm viết về tuổi thơ của Bác Hồ cho độc giả một sản phẩm văn hóa thật độc đáo, đặc sắc, không trộn lẫn.

Nguyễn Thế Kỷ là một chính khách, một chính khách làm nghệ thuật. Đặc trưng của nghề làm chính trị và nghề làm nghệ thuật có những nét khác nhau. Đặc biệt là “nồng độ” của sự duy lý và duy tình đòi hỏi trong hai lĩnh vực này là hết sức khác biệt. Tác giả đã hài hòa được các yếu tố đối lập giữa chính trị và nghệ thuật, đã cộng gộp tạo ra sự cộng hưởng để có được cho mình một “Tư duy văn hóa - chính trị - nghệ thuật vững vàng”[9] là yếu tố quan trọng giúp tác giả không sa vào kể chuyện lịch sử, câu chuyện quá quen thuộc về cuộc đời một vĩ nhân - vĩ nhân Hồ Chí Minh. Nguyễn Thế Kỷ đã tạo ra được một nhân vật Hồ Chí Minh bằng xương bằng thịt với những yêu thương, giận dữ, khổ đau và hạnh phúc chứ không phải một bậc thánh thần xa lạ như một số tác giả đã từng làm trước đây. Vĩ đại trong sự mộc mạc, bình dị, chân thành. Và chính sự mộc mạc, bình dị, chân thành làm cho cái vĩ đại trở nên gần gũi, thân thuộc. Vĩ đại mà không xa lạ. Sự chuyển biến về tâm lý, tình cảm, tư tưởng, nhận thức của nhân vật Hồ Chí Minh qua sự va chạm, cọ sát với cuộc sống, qua những biến cố của cá nhân và thời đại được hiện lên từng bước qua ngòi bút của tác giả thật sinh động, hấp dẫn chạm vào trái tim độc giả.

Nguyễn Thế Kỷ đã biến những chi tiết, sự kiện lịch sử được chọn lọc kỹ lưỡng thành “tay vịn” để sáng tác văn học. Viết tiểu thuyết lại là tiểu thuyết lịch sử về một vĩ nhân tầm nhân loại là một thách thức khổng lồ. Tư liệu lịch sử về Hồ Chí Minh, tác phẩm các thể loại về Hồ Chí Minh nhiều đến mức có thể làm tác giả bị ngợp và lụt trong các tác phẩm và các tác giả thuộc hàng cây đa cây đề trong nước và quốc tế.

Trong một hiện thực như vậy, viết sao để không lặp lại, không kể chuyện lịch sử, không nói những điều mà tiền nhân đã nói quá nhiều về Hồ Chí Minh là cả thách thức lớn. Nguyễn Thế Kỷ đã “vịn vào sử liệu”, những sử liệu được chọn lọc rất kỹ lưỡng trong biển sử liệu về Hồ Chí Minh để tạo nên nhân vật của mình. Nhân vật văn học nhưng đảm bảo tính chân thực nhất định về lịch sử và gây xúc động cho người đọc vì những câu chuyện rất đời, rất người. Câu chuyện của Hồ Chí Minh là câu chuyện về con người bằng xương bằng thịt chứ không phải câu chuyện của Thánh Thần. Điều tiết liều lượng hợp lý giữa văn và sử là điều tác giả đã làm được xuất sắc trong hai tập đầu tiên của bộ tiểu thuyết. Thể loại văn học lịch sử đòi hỏi tác giả vừa là một người nghiên cứu lịch sử công phu nghiêm túc, vừa là một nhà văn tài ba. Văn học cho phép sự hư cấu. Tuy nhiên, với văn học sử, hư cấu đến ngưỡng nào để vừa giữ được sự chân thực của lịch sử, vừa chạm đến trái tim khán giả là điều không hề dễ. Bay bổng quá mức, trôi theo mạch chảy của văn chương có thể khiến lịch sử bị biến dạng. Tuy nhiên, cứng nhắc bám theo các sự kiện lịch sử quen thuộc đã được sách vở ghi chép mòn ra suốt bao năm sẽ không ra hình dạng văn chương. Đo lường được ngưỡng kết hợp hợp lý giữa sử và văn, nhìn ra vùng giao thoa giữa văn và sử, sự khu biệt ngặt nghèo giữa hai lĩnh vực này khi đặt bút trên bản thảo là một yêu cầu quá khó đối với người cầm bút. Lý trí và tình cảm, sự thật không thể thêm bớt và sự hư cấu trong sáng tác đặt tác giả như “kẻ đi trên dây”. Làm sao để giữ thăng bằng cho đến khi chạm tới đầu dây phía bên kia?

Là một người con xứ Nghệ, Nguyễn Thế Kỷ có một tình yêu, sự trân trọng và lòng biết ơn đặc biệt với “người đồng hương” Hồ Chí Minh của mình. Chính tình yêu, sự trân trọng và lòng biết ơn với Hồ Chí Minh đã giúp tác giả “tự tin sáng tạo những chi tiết trong đời sống, những lời nói, những suy nghĩ, những hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh… mà ông không hề sợ “phạm lỗi””[10]./.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Thế Kỷ (2023), Tiểu thuyết Nước non vạn dặm, Tập 2, Lênh đênh bốn biển, NXB Văn học, Trang 217

[2] Nguyễn Quang Thiều (2022), “Một con người và một con đường”, Tiểu thuyết Nước non vạn dặm, Tập 1, Nợ nước non, NXB Văn học, Trang 6

[3] Nguyễn Quang Thiều (2022), “Một con người và một con đường”, Tiểu thuyết Nước non vạn dặm, Tập 1, Nợ nước non, NXB Văn học, Trang 6

[4]   Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh (Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội

[5] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh (Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 51

[6] Nguyễn Thế Ký (2022), Tiểu thuyết Nước non vạn dặm, Tập 1, Nợ nước non, NXB Văn học, Trang 181

[7]  Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh (Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 50,51

[8] Nguyễn Thế Ký (2022), Tiểu thuyết Nước non vạn dặm, Tập 1, Nợ nước non, NXB Văn học, Trang 207

[9] Bùi Việt Thắng (2023), “Người đi tìm hình của nước”, Tiểu thuyết Nước non vạn dặm, Tập 2, Lênh đênh bốn biển, NXB Văn học, trang 222

[10]  Nguyễn Quang Thiều (2022), “Một con người và một con đường”, Tiểu thuyết Nước non vạn dặm, Tập 1, Nợ nước non, NXB Văn học, Trang 6.

PGS,TS Trần Thị Thu Hoài

Theo Hochiminh.vn

Thanh Huyền

Bài viết khác: