Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 03/02/1930) là một tất yếu khách quan từ thực tiễn cuộc đấu tranh của Nhân dân ta chống sự nô dịch đế quốc; dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, phù hợp với quy luật vận động của cách mạng thế giới và sự nghiệp cách mạng nước ta. Đảng ta được thành lập đã đáp ứng những yêu cầu khách quan và cấp bách của dân tộc là độc lập, tự do và phát triển; là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có vai trò rất to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người thực hiện sứ mệnh lịch sử sáng lập chính đảng vô sản ở Việt Nam, với những sáng tạo lý luận xuất sắc. Từ đây, cách mạng Việt Nam có một đảng cách mạng chân chính dẫn đường cho toàn dân đứng lên đánh đổ ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến đem lại độc lập cho dân tộc, ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

vai tro lanh tu
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 Đảng Lao động Việt Nam, ngày 05/9/1960. (Ảnh tư liệu)

Công lao của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong việc tìm kiếm và lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta

Từ cuối thế kỷ XIX, do sự bất lực của triều đình nhà Nguyễn, Việt Nam từ một quốc gia độc lập, thống nhất có chủ quyền bị thực dân Pháp xâm lược và biến thành thuộc địa. Với truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường dân tộc, nhiều phong trào yêu nước đã diễn ra ngay khi đất nước đối đầu với họa ngoại xâm, triều Nguyễn dần từ bỏ chủ quyền quốc gia cho thực dân Pháp, tiêu biểu như khởi nghĩa Ba Đình, khởi nghĩa Bãi Sậy, khởi nghĩa Hương Khê, phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế, phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, phong trào chống thuế ở Trung Kỳ… Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa và phong trào yêu nước đó đều đi đến thất bại, và nguyên nhân chính là thiếu lực lượng lãnh đạo, nhất là chưa có một tổ chức lãnh đạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sự thất bại của các phong trào yêu nước thể hiện sự khủng hoảng, bế tắc của các phương cách cứu nước truyền thống Việt Nam trước chuyển biến của thời cuộc. Song đó lại là động lực thôi thúc ý chí vươn lên sáng tạo của con người Việt Nam, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách phải có một ánh sáng mới soi đường, dẫn dắt.

Trong bối cảnh đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, với tầm nhìn chiến lược và phương pháp tư duy sáng tạo đã sớm nhận thấy những bất cập và bế tắc trong con đường cứu nước của thế hệ cha anh đang tiến hành và yêu cầu bức thiết đối với dân tộc là phải tìm kiếm con đường cách mạng mới. Và Người đã đảm đương trọng trách đó.

Trải qua gần 10 năm nghiên cứu, khảo nghiệm, học tập, tìm tòi, hoạt động không ngừng ở nhiều quốc gia, ở hầu khắp các châu lục, đến tháng 7/1920, lần đầu tiên Người đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân Đạo (L’Humanite), số ra ngày 16 và 17/7/1920. Luận cương lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt và tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức tư tưởng, giúp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi đến khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”(1). Người tìm thấy ở đó con đường đúng đắn để giải phóng đất nước khỏi ách thực dân, cứu dân cứu nước là theo con đường cách mạng vô sản, con đường có mục đích cao cả là giải phóng dân tộc để tiến tới giải phóng con người. Sau này Người viết: Luận cương của Lênin đã làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đày đọa và đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(2). Tại Đại hội đại biểu Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản do V.I.Lênin sáng lập và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở thành người Việt Nam đầu tiên, nghiên cứu, tổng kết, tìm ra bản chất của các học thuyết, các cuộc cách mạng trên thế giới, chắt lọc, vận dụng và phát triển cho phù hợp với dân tộc mình. Năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(3). Về sự cần thiết phải có Đảng để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người chỉ rõ: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh”(4), và “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(5).

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức sâu sắc sự gắn bó mật thiết giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người; sớm nhận thức rõ, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc chân chính là một động lực lớn của cách mạng và kết hợp tài tình chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết cách mạng tiên tiến nhất của thời đại. Chỉ có kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước mới có thể xây dựng được một Đảng cách mạng chân chính, đảm bảo cho cách mạng phát triển đúng hướng và đi đến thắng lợi.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và chuẩn bị điều kiện thành lập Đảng

Bằng nhiều hoạt động, trong giai đoạn 1921-1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng:

Về chính trị: Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước; phác thảo những vấn đề cơ bản về đường lối cứu nước đúng đắn của cách mạng Việt Nam, thể hiện tập trung trong những bài giảng của Người cho những cán bộ cốt cán của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đầu năm 1927, tập Đề cương bài giảng do Nguyễn Ái Quốc biên soạn làm tài liệu huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (1925-1927) được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông do Người sáng lập, được xuất bản thành sách với nhan đề Đường Kách mệnh. Tác phẩm Đường Kách mệnh được bí mật đưa về trong nước và sớm trở thành tài liệu căn bản để tuyên truyền giác ngộ chính trị theo chủ nghĩa Mác - Lênin và hướng dẫn các mặt hoạt động của Hội Thanh niên. Trên thực tế, Đường Kách mệnh đã có ý nghĩa lịch sử rất to lớn đối với phong trào cách mạng trong cả nước, đặc biệt tại Thành phố Sài Gòn và ở Nam Kỳ, đã chuẩn bị các nhân tố đảm bảo cho sự ra đời của một Đảng Cộng sản để gánh vác nhiệm vụ lịch sử trọng đại là lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tác phẩm chỉ ra vấn đề then chốt có tác dụng lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa Phương Đông, đó là: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chủ yếu là công nông, vì vậy phải tổ chức quần chúng lại; cách mạng muốn thành công phải có một Đảng Cộng sản lãnh đạo; phải có đường lối và phương pháp cách mạng đúng; cách mạng giải phóng dân tộc phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng vô sản thế giới…

Về tư tưởng: lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam nhằm làm chuyển biến nhận thức của quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, làm cho hệ tư tưởng Mác - Lênin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào yêu nước xích dần đến lập trường của giai cấp công nhân. Nội dung truyền bá là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin được cụ thể hóa cho phù hợp với trình độ của các giai tầng trong xã hội. Những bài viết, bài giảng với lời văn giản dị, nội dung thiết thực đã nhanh chóng được truyền thụ đến quần chúng. Đồng thời, Người đã vạch trần bản chất xấu xa, tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân thuộc địa, Nhân dân Việt Nam. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người tố cáo thực dân Pháp đã bắt dân bản xứ phải đóng “thuế máu” cho chính quốc... để “phơi thây trên chiến trường châu Âu”; “đày đọa” phụ nữ, trẻ em thuộc địa; các thống sứ, quan lại thực dân “độc ác như một bầy thú dữ”... Tác phẩm đã “hướng các dân tộc bị áp bức” đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, tiêu diệt “hai cái vòi của con đỉa đế quốc” - một “vòi” bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc, một “vòi” bám vào nhân dân thuộc địa và đề ra cho Nhân dân Việt Nam con đường cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin.

Về tổ chức: lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dày công chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên, mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng cho 75 đồng chí. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã giúp cho những người Việt Nam yêu nước dễ tiếp thu tư tưởng cách mạng của Người, phản ánh tư duy sáng tạo và là thành công của Người trong chuẩn bị về mặt tổ chức cho Đảng ra đời.

Trong những năm 1928-1929, phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta tiếp tục phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Chủ nghĩa Mác - Lênin được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những chiến sĩ tiên phong truyền bá về trong nước, cùng với phong trào “vô sản hóa” làm chuyển biến phong trào công nhân, giác ngộ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác. Thông qua phong trào “vô sản hóa”, lớp lớp thanh niên yêu nước được rèn luyện trong thực tiễn, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân sâu sắc, hiểu rõ nguyện vọng, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, tiến tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo điều kiện chín muồi và hợp quy luật cho sự ra đời của Đảng.

Công lao của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chủ trì hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930, trong bối cảnh tổ chức Hội Việt nam cách mạng thanh niên có sự phân hóa và mất dần vai trò lãnh đạo cách mạng, ở Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (tháng 11/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (tháng 01/1930). Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản không tránh khỏi phân tán về lực lượng và thiếu thống nhất về tổ chức. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là chấm dứt hiện tượng biệt phái, chia rẽ giữa các nhóm cộng sản, phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất ở Việt Nam. Nhiệm vụ đó đặt lên vai Nguyễn Ái Quốc, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.

Năm 1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm (Thái Lan), mặc dù chưa nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về yêu cầu thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Song với sự nhạy bén về chính trị, sự chủ động cao, thực hiện trọng trách lịch sử đối với dân tộc, với vai trò, trách nhiệm trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập Hội nghị hợp nhất, thực hiện sứ mệnh lịch sử của người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ ngày 06/01/1930 đến ngày 07/02/1930, tại Cửu Long - Hồng Kông (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Tham dự Hội nghị có các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng (02 đại biểu) và An Nam Cộng sản Đảng (02 đại biểu) và 02 đại biểu hải ngoại (Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn). Còn Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã thành lập, song chưa có liên hệ, nên chưa được triệu tập đại biểu đến dự (đến ngày 24/02/1930, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời đã họp quyết định chấp nhận đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Từ đây, cả ba tổ chức cộng sản Việt Nam đã thống nhất trọn vẹn vào một Đảng Cộng sản duy nhất). Trong Hội nghị hợp nhất, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra 5 điểm lớn cần thảo luận và thống nhất, trước hết là tự phê bình và phê bình: “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”(6). Với sự nhất trí cao, Hội nghị đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Các văn kiện đã trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Chánh cương vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, đã thể hiện rõ con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(7) (tức cách mạng dân tộc dân chủ), thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng. Nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng, tức cách mạng dân tộc, dân chủ, trong đó giành độc lập dân tộc được đặt ở vị trí trên hết. Ở Việt Nam, trước hết phải làm “dân tộc cách mệnh”, đánh đổ sự cai trị, nô dịch dân tộc của chủ nghĩa đế quốc, giành lại quyền bình đẳng dân tộc, tự do cho dân nước mình: “Dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”(8).

Trong Chánh cương vắn tắt, Người đã thực hiện ba cuộc giải phóng cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa như nước ta là: giải phóng dân tộc phải tiến hành trước tiên, tạo tiền đề giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Nói một cách khác giải phóng, giành độc lập dân tộc là bước đi đầu tiên của cuộc cách mạng vô sản ở nước thuộc địa, ở Việt Nam. Đây là một luận điểm cơ bản, chính yếu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đồng thời, cũng là đóng góp đặc sắc, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên phương diện lý luận về các mô hình vận động, phát triển của cuộc cách mạng vô sản.

Trải qua 93 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, sự nghiệp cách mạng nước ta đã giành những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết, đồng lòng đánh thắng các thế lực thù địch, những chiến công đã đi vào lịch sử như Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975). Đặc biệt, những thành tựu của công cuộc đổi mới gần 37 năm qua, càng chứng minh cho sự lựa chọn đúng đắn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thắng lợi to lớn đó đã chứng minh một chân lý: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”(9).

Từ thực tiễn phong phú của công cuộc đổi mới và kết quả nghiên cứu lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã rút ra 8 đặc trưng của xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, 8 phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội và 8 mối quan hệ lớn (Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung thành 10 mối quan hệ lớn) cần nắm vững và giải quyết tốt, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Công cuộc đổi mới không chỉ làm biến đổi sâu sắc diện mạo đất nước, cuộc sống của Nhân dân mà còn mang lại nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, những thành tựu to lớn qua những năm đổi mới đã làm cho thế và lực của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”(10). Từ đó, chúng ta càng thấy công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta; mỗi cán bộ, đảng viên luôn tự hào có Đảng lãnh đạo, càng ra sức học tập để thấm nhuần đạo đức cách mạng của Người, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng, học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người để vận dụng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời, đấu tranh chống các quan điểm sai trái phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần tích cực hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng vào trong cuộc sống./.

----------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.496.

(2) Sđd, tập 12, tr.562.

(3),(4),(5),(8) Sđd, tập 2, tr.289, tr.289, tr.289, tr.287.

(6),(7) Sđd, tập 3, tr.615, tr.1.

(9),(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.104.

PGS.TS Nguyễn Xuân Trung - Học viện Chính trị khu vực I,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Đỗ Thị Thu Hà - Học viện Chính trị khu vực I,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo tcnn.vn

Hà An (st)

Bài viết khác: