van ban thang 6 

1. Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, có hiệu lực từ ngày 01/6/2023

Theo đó, Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất gồm 5 nhóm phế liệu sau đây:

- Nhóm 1: Phế liệu sắt, thép, gang.

- Nhóm 2: Phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic).

- Nhóm 3: Phế liệu giấy.

- Nhóm 4: Phế liệu thủy tinh.

- Nhóm 5: Phế liệu kim loại màu.

Tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở của mình theo đúng công suất thiết kế để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa.

Kể từ ngày 01/6/2023, việc nhập khẩu xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép (có mã HS 2618 00 00) làm nguyên liệu sản xuất xi măng được thực hiện theo quy định của pháp luật sản phẩm, hàng hóa về vật liệu xây dựng.

2. Thông tư số 14/2023/TT-BCA ngày 20/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, có hiệu lực từ ngày 05/6/2023

Cụ thể, quy trình tiếp nhận hồ sơ, đề nghị công nhận liệt sĩ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh thực hiện như sau:

(1) Quy trình công nhận liệt sĩ cho Chiến sĩ Công an

Bước 1: Đại diện thân nhân người hy sinh hoặc mất tích có trách nhiệm gửi ủy ban nhân dân cấp xã nơi người hy sinh hoặc mất tích thường trú ngày trước khi tham gia Công an nhân dân các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 74 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP. Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.

Công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nơi người hy sinh hoặc mất tích thường trú ngay trước khi tham gia Công an nhân dân hoặc Quân đội nhân dân, trong thời gian 15 ngày.

 Bước 2: Kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 74 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP do UBND cấp xã chuyển đến, có trách nhiệm rà soát, kiểm tra các giấy tờ làm căn cứ đề nghị công nhận liệt sĩ. Có văn bản đề nghị kèm danh sách và giấy tờ nêu trên gửi đến Công an cấp tỉnh.

 Bước 3: Công an cấp tỉnh trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ do Công an cấp huyện chuyền đến, có trách nhiệm kiểm tra, xét duyệt hồ sơ. 

 Tổ chức họp xem xét đề nghị công nhận liệt sĩ do lãnh đạo Công an cấp tỉnh chủ trì, các thành viên gồm: 

 - Đại diện đơn vị tổ chức cán bộ của Công an cấp tỉnh, Công an đơn vị, địa phương nơi cán bộ, chiến sĩ công tác trước khi hy sinh hoặc mất tích.

 - Lập biên bản cuộc họp theo Mẫu số 79 Phụ lục I Nghị định số 131/2021/NĐ-CP. Trường hợp đủ điều kiện công nhận liệt sĩ thì cấp giấy chứng nhận hy sinh theo Mẫu số 34 Phụ lục I Nghị định số 131/2021/NĐ-CP  và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

 - Có văn bản đề nghị công nhận liệt sĩ gửi kèm theo hồ sơ về Cục Tổ chức cán bộ. Văn bản đề nghị của Công an cấp tỉnh nêu chi tiết về trường hợp hy sinh của cán bộ, chiến sĩ.

 Bước 4: Cực Tổ chức cán bộ trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm xem xét, trình lãnh đạo Bộ Công an ký văn bàn kèm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ gửi đến Bộ LĐTB&XH thẩm định.

 Bước 5: Sau khi nhận được Bằng “Tổ quốc ghi công” và bản sao quyết định cấp Bằng của Thủ tướng Chính phủ do Bộ LĐTB&XH chuyển đến, trong thời gian 05 ngày.

Cục Tổ chức cán bộ có trách nhiệm chuyền Bằng “Tổ quốc ghi công” và bản sao quyết định cấp Bằng kèm theo hồ sơ liệt sĩ về Công an cấp tinh nơi lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ. 

 Công an cấp tỉnh trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày nhận được Bằng “Tổ quốc ghi công” và bản sao quyết định cấp Bằng kèm theo hồ sơ liệt sĩ, có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP. 

(2) Quy trình trợ cấp một lần đối với người có công đang hưởng trợ cấp trong Công an nhân dân từ trần

 Quy trình thực hiện chế độ trợ cấp một lần khi người có công đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi trong Công an nhân dân từ trần thực hiện như sau:

 Đại diện thân nhân của người có công từ trần lập bảng khai theo Mẫu số 12 Phụ lục I Nghị định số 131/2021/NĐ-CP  có xác nhận của UBND cấp xã nơi thường trú kèm bản sao được chứng thực từ giấy báo tử hoặc trích lục khai tử gửi đến Công an đơn vị, địa phương nơi quản lý hồ sơ người có công trước khi người có công từ trần.

 Tiếp theo đó, Công an đơn vị, địa phương nơi quản lý hồ sơ người có công, trong thời gian 05 ngày, kề từ ngày nhận đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ người có công, có văn bản báo cáo kèm hồ sơ gửi đến Cục Tổ chức cán bộ đề giải quyết.

 Cục Tổ chức cán bộ trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm thẩm định, ban hành quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi đối với người có công theo Mẫu 72 Phụ lục I Nghị định số 131/2021/NĐ-CP và quyết định trợ cấp một lần khi người có công từ trần theo Mẫu số 74 Phụ lục I Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.

 Đồng thời, chuyển hồ sơ và các quyết định về Công an đơn vị, địa phương nơi quản lý hồ sơ người có công đề thực hiện chế độ ưu đãi.

 Công an đơn vị, địa phương nơi quản lý hồ sơ người có công trong thời gian 05 ngày, kề từ ngày nhận được quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi đối với người có công và quyết định trợ cấp khi người có công từ trần, có trách nhiệm thực hiện chế độ và di chuyển hồ sơ đến Sở LĐTB&XH nơi đại diện thân nhân người có công thường trú để quản lý và thực hiện thủ tục trợ cấp tuất hàng tháng, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng (nếu có)

3. Thông tư số 10/2023/TT-BCT ngày 21/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực, có hiệu lực từ ngày 09/6/2023

Theo đó, Thông tư quy định hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực bao gồm:

Đối với trường hợp thay đổi tên hoặc địa chỉ trụ sở của đơn vị theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 21/2020/TT-BCT, hồ sơ bao gồm các nội dung sau: (i) Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 21/2020/TT-BCT; (ii) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận thành lập (đối với các tổ chức không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

Đối với trường hợp tổ chức đề nghị cấp giấy phép nhận chuyển giao tài sản hoặc giảm bớt một phần phạm vi hoạt động từ đơn vị đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hồ sơ đề nghị sửa đổi giấy phép hoạt động điện lực bao gồm: (i) Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 21/2020/TT-BCT; (ii) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận thành lập (đối với các tổ chức không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của tổ chức đề nghị cấp giấy phép; (iii) Tài liệu chứng minh việc chuyển giao tài sản; tài liệu chứng minh việc chuyển giao nhân sự hoặc tài liệu về đội ngũ trực tiếp quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, chuyên gia tư vấn theo các quy định tương ứng tại khoản 3 Điều 6, khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 8 và khoản 3 Điều 9 Thông tư số 21/2020/TT-BCT trong trường hợp có sự thay đổi nhân sự.

4. Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 10/6/2023

* Thông tư này quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm:

- Tài sản cố định tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội;

- Tài sản cố định là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội quy định tại khoản 1 Điều 69, khoản 2 Điều 70 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

- Tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính vào thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

* Tài sản được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn 2 điều kiện:

- Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên

- Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng trở lên

* Ba loại tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) phải trích khấu hao bao gồm:

- Tài sản cố định tại ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư

-  Tài sản cố định tại ĐVSNCL thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ theo quy định

- Tài sản cố định tại ĐVSNCL không thuộc các tài sản nêu trên được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới.

* Bốn loại tài sản cố định không phải tính hao mòn, khấu hao:

- Tài sản cố định là quyền sử dụng đất đối với các trường hợp phải xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính giá trị tài sản quy định tại Điều 100 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP

- Tài sản cố định đặc thù theo quy định.

- Tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được.

- Tài sản cố định chưa tính hết hao mòn hoặc chưa khấu hao hết giá trị nhưng đã hư hỏng không tiếp tục sử dụng được.

5. Thông tư số 09/2023/TT-BCT ngày 21/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT  ngày 29/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện và Thông tư số 25/2018/TT-BCT ngày 12/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT, có hiệu lực từ ngày 15/6/2023

Theo đó, quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình) như sau:

- Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú (xác định theo Thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện) thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà);

- Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào Thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện; cứ 04 (bốn) người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt, cụ thể: 01 (một) người được tính là 1/4 định mức, 02 (hai) người được tính là 1/2 định mức, 03 (ba) người được tính là 3/4 định mức, 04 (bốn) người được tính là 1 định mức. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.

Bên bán điện được phép yêu cầu bên mua điện cung cấp Thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện để làm căn cứ xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện.

6. Thông tư số 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BXDngày 16/8/2021 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có hiệu lực từ ngày 15/6/2023

Theo đó, nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu từ ngày 15/6/2023 như sau:

- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2, 3, 5 và 6 Điều 11 Nghị định số Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP) và các điều kiện sau:

+ Không sử dụng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Nhà ở để đầu tư xây dựng công trình;

+ Không thuộc các trường hợp quy định tại điểm c và d khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư số 09/2021/TT-BXD);

+ Đã có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư;

+ Có quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt thì phải thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch phân khu đối với khu vực có yêu cầu phải lập quy hoạch phân khu, hoặc đã được phê duyệt quy hoạch chung đối với khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu. Đồng thời, khu đất dự kiến thực hiện dự án nhà ở phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực để quy định các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch và các yêu cầu liên quan về kết nối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

- Quy trình chi tiết, trình tự thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thông qua hình thức đấu thầu được áp dụng như quy định của pháp luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

- Nhà đầu tư trúng thầu là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

7. Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ ngày 15/6/2023

Theo Thông tư, chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp cho học viên có đủ các điều kiện sau đây:

- Tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng.

- Có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án phải đạt từ 50% số điểm trở lên theo thang điểm quy định của chương trình.

- Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; quy chế, nội quy học tập của Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu.

Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học bị thu hồi trong các trường hợp sau:

- Có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập đối với người được cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận.

- Cấp cho người không đủ điều kiện; cấp không đúng thẩm quyền. c) Chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa.

- Để cho người khác sử dụng

- Do lỗi của Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu.

8. Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực từ ngày 20/6/2023

Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 7 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: “c) Thành viên đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định này trong thời gian doanh nghiệp đó đang hoạt động bán hàng đa cấp”.

Bổ sung quy định: “Giấy phép kinh doanh có nội dung cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ, bao gồm hoạt động bán lẻ theo phương thức đa cấp, trong trường hợp doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông”.

Bổ sung quy định trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại địa phương, doanh nghiệp phải có trách nhiệm chỉ định một cá nhân cư trú tại địa phương làm đầu mối làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó.

Bổ sung quy định: “Doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trong trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi toàn quốc”.

Bổ sung khoản 13, 14, Điều 40 Nghị định số 40 về trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Theo đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó. 

Đồng thời, Nghị định số 18 cũng bổ sung khoản 14, Điều 40 Nghị định số 40: “Không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh”.

Ngoài ra, Nghị định số 18 bổ sung khoản 5, Điều 41 Nghị định số 40 về trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp: “Không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.”

9. Thông tư số 09/2023/TT-BYT ngày 05/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn khám sức khỏe, có hiệu lực từ ngày 20/6/2023

Cụ thể, Thông tư số 09/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số nội dung đáng chú ý về khám sức khỏe định kỳ như sau:

1. Thay đổi mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ. Mẫu sổ mới bổ sung các nội dung khám sau:

- Tiền sử sản phụ khoa.

- Khám lâm sàng phụ sản.

2. Lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ sẽ được khám chuyên khoa phụ sản, gồm các nội dung:

- Khám phụ khoa: Khám vùng bụng dưới và bẹn, khám bộ phận sinh dục ngoài…

- Sàng lọc ung thư cổ tử cung: Xét nghiệp HPV, xét nghiệm tế bào cổ tử cung…

- Sàng lọc ung thư vú: Khám lâm sàng vú, siêu âm tuyến vú hai bên, chụp Xquang tuyết vú.

- Siêu âm tử cung phần phụ.    

10. Thông tư số 05/2023/TT-BNV ngày 03/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn mẫu hợp đồng dịch vụ và mẫu hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ ngày 20/6/2023

Theo đó, từ ngày 20/6/2023 sẽ áp dụng mẫu hợp đồng dịch vụ (Phụ lục I) và mẫu hợp đồng lao động (Phụ lục II) đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

11. Thông tư số 04/2023/TT-BNV ngày 03/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 03/2008/TT-BNV ngày 03/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện xét nâng ngạch không qua thi đối với cán bộ, công chức viên chức đã có thông báo nghỉ hưu, có hiệu lực từ ngày 25/6/2023

Theo đó, từ ngày 25/6/2023, Thông tư số 04/2023/TT-BNV quy định bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 03/2008/TT-BNV về việc hướng dẫn thực hiện xét nâng ngạch không qua thi đối với cán bộ, công chức viên chức đã có thông báo nghỉ hưu.

Việc xét nâng ngạch với công chức hiện nay được thực hiện theo quy định tại  Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: