Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh”, “giặc nội xâm”[1], là “nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ”[2], trở ngại lớn đối với sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước; gây mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nhận thức được điều đó, Đảng ta luôn nhấn mạnh rằng công tác phòng, chống tham nhũng trong bất cứ thời đại nào cũng mang mục đích đảm bảo sự tồn vong của chế độ, giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với giai cấp cầm quyền.

dau tranh phan bac 1
Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,
 tiêu cực ngày 10-5-2023.

Công tác phòng, chống tham nhũng là một công tác thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đảm bảo hiệu quả của công tác này. Thời gian vừa qua, với công cuộc “đốt lò” ấn tượng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, với những ý đồ thâm độc của các thế lực thù địch từ trước đến nay vẫn luôn muốn chống phá đất nước ta nhằm hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chúng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của ta. Đứng trước những quan điểm sai trái, thù địch đó, chúng ta cần phải tỉnh táo, nhìn nhận một cách khách quan và đưa ra những luận cứ xác đáng để đấu tranh, phản bác lại chúng.

Việc chống tham nhũng là một công tác vô cùng quan trọng để đảm bảo sự trong sạch, công bằng và phát triển bền vững của đất nước. Việc xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên có dính líu đến các vụ án tham nhũng không chỉ là để trừng phạt hành vi sai trái của họ, mà còn là để đánh giá, cải cách hệ thống chính trị, giúp cho Chính phủ hoạt động tốt hơn, cải thiện hành vi của người quản lý và bảo vệ quyền lợi của người dân. Việc chống tham nhũng không phải là một cuộc “đàn áp”, mà là một nỗ lực chung của toàn xã hội nhằm bảo vệ tài sản công và đảm bảo sự công khai, minh bạch của các tổ chức, cá nhân. Những luận điệu như “Làm nhiều, sai nhiều. Làm ít, sai ít. Không làm, không sai” chỉ thể hiện sự tiêu cực và thiếu trách nhiệm của những người đang sử dụng chúng. Chúng ta đang thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng một cách nghiêm túc, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc công bằng, minh bạch và đầy đủ trách nhiệm để khuyến khích sự cống hiến của các cán bộ, đảng viên. Theo đó, chúng ta không thể để các thế lực thù địch đưa ra các luận điệu để hướng lái nới lỏng công tác phòng, chống tham nhũng. Cần phải duy trì một sự nghiêm khắc trong việc chống tham nhũng và đảm bảo các cán bộ, đảng viên có trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của công tác này, giúp họ hiểu được tác động tích cực của việc phòng, chống tham nhũng đến cuộc sống và phát triển của đất nước.

1. Hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian gần đây

Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch vẫn ngày càng chống phá quyết liệt và sử dụng những thủ đoạn hết sức tinh vi, gây ra những hậu quả nhất định cho ta, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thẳng thắn đánh giá: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời”[3]. Do đó, từ việc nhận diện những luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta của các thế lực thù địch, cần phải đi đôi với việc kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phải: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[4].

Đảng ta xác định công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài và phải được triển khai thường xuyên, liên tục. Do đó, thời gian vừa qua, chúng ta đã chủ động đấu tranh với hoạt động này một cách tích cực nhất.

Góp phần vào hiệu quả công tác đấu tranh này phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các phương tiện truyền thông trên không gian mạng. Chúng ta đã tích cực đấu tranh trên mặt trận truyền thông này một cách triệt để nhằm định hướng dư luận, tuyên truyền những thông tin chính thống đến đông đảo quần chúng, đập tan những âm mưu nhằm hướng lái công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của ta đi lệch khỏi quỹ đạo vốn có của nó. Theo đó, chúng ta đã xây dựng, sản xuất các sản phẩm, ấn phẩm, xuất bản phẩm về những nội dung lý luận liên quan đến công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng trên in-tơ-nét, các ứng dụng trên mạng xã hội. Trực tiếp xây dựng và phát triển các trang fanpage với mục đích định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng trên mạng xã hội; sử dụng các nickname tài khoản mạng xã hội tham gia các diễn đàn, truy cập vào các trang mạng của đối tượng viết bài phản kích dưới dạng các bình luận. Thông qua hoạt động này, chúng ta đã thực hiện nhiều chương trình, chuyên mục, bài viết phản kích các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc quan điểm sai trái, thù địch của đối tượng. Từ đó mà củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền, luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Bên cạnh đó, vai trò của báo chí trong việc định hướng dư luận, phản biện xã hội cũng đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở công tác nắm tình hình, phát hiện các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, chúng ta đã tiến hành tổ chức đưa tin để phản bác. Qua đó, các cơ quan thông tấn, báo chí đã tăng cường đăng cái bài viết mang tính chất phản bác lại, định hướng dư luận với những luận cứ thuyết phục nhất.

Có thể thấy công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định song vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục như: (i) Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng đôi lúc còn chưa kịp thời, dẫn đến chúng quy chụp Đảng ta không dám nói, thừa nhận những luận điệu của chúng. Làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân; (ii) một số cán bộ trực tiếp đấu tranh, phản bác còn hạn chế về kỹ năng diễn đạt, viết bài phản bác, chưa thực sự đủ sức thuyết phục, “nghèo nàn” về luận cứ, luận điểm dẫn đến việc phản bác chưa thực sự hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, “mị dân” của thế lực thù địch; (iii) chưa phát huy hết vai trò của các cơ quan báo chí trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các cơ quan báo chí còn chưa thật sự đống bộ, liên tục và chưa có cơ chế phối hợp một cách hợp lý; (iv) chưa huy động tối đa vai trò của quần chúng nhân dân trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng.  

2. Một số đề xuất giải pháp, khuyến nghị

Trước những âm mưu và hành động của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong thời gian qua, Đảng ta đã tiếp tục nhấn mạnh: “Các thế lực thù địch chống phá ngày càng quyết liệt”[5]. Trên cơ sở nhận định trên, Đảng ta tiếp tục khẳng định sự quyết tâm, cũng như trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn: “Tích cực phòng ngừa, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm”[6]. Vì thế, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, tác giả xin đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị cơ bản sau:

Thứ nhất, Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới. Việt Nam đang trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đây cũng là tiền đề, điều kiện để các thế lực thù địch, các phần tử phản động tăng cường tuyên truyền, xuyên tạc, đưa ra những quan điểm sai trái, thù địch để chống phá Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt chúng triệt để tấn công vào công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam trong xuyên suốt thời gian vừa qua.

Thứ hai, tập trung đầu tư vào chương trình đào tạo và bồi dưỡng chuyên sâu về công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng cho cán bộ trực tiếp đấu tranh, phản bác; chú trọng hướng dẫn kỹ năng diễn đạt, viết bài phản bác. Đồng thời, cần thiết lập các chương trình đào tạo liên ngành để tăng cường sự hiểu biết và tư duy toàn diện về những luận điệu của các thế lực thù địch.

 Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức cơ quan thông tấn, báo chí trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng. Thông qua các hoạt động của báo chí giúp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng.

Bốn là, huy động quần chúng nhân dân tham gia vào đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng. Đây là lực lượng đông đào, góp phần thực hiện thắng lợi trên mọi mặt trận, do đó cần phải triệt để phát huy vai trò của quần chúng nhân dân vào công cuộc đấu tranh này. Mỗi quần chúng là một “chiến sĩ”, với việc được trang bị đầy đủ kiến thức, nhận diện một cách đầy đủ, chính xác về các luận điệu “mị dân” của thế lực thù địch thì quần chúng nhân dân hoàn toàn có thể đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch này.

Có thể thấy, đất nước ta vẫn đang trong tiến trình hội nhập và phát triển, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của Đảng, các thế lực thù địch vẫn sẽ luôn “bấu víu” vào công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta để đưa ra các luận điệu “mị dân”, phủ nhận những thành quả mà ta đã đạt được trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng vẫn sẽ luôn là công tác thường xuyên, liên tục của Đảng để từ đó tiến tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đảng cầm quyền.

--------------------------------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.351--369.

[2] Đây là nhận thức nhất quán xuyên suốt của Đảng trong nhiệm kỳ qua (kể từ Đại hội VII của Đảng đến nay); và hiện nay trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vẫn nhấn mạnh: Tham nhũng vẫn là một trong các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.37.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.183.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập 1), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.32.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập 1), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.280.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3]. Phạm Hà Bắc (2022), Đấu tranh, phản bác quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, http://hvlq.vn/hoabinh/cac-bai-viet/dau-tranh-phan-bac-quan-diem-xuyen-tac-cua-cac-the-luc-thu-dich-ve-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-cua-dang-ta.html

[4]. Vũ Văn Hiền (chủ biên) (2020), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5]. Phùng Kim Lân (2020), Cảnh giác trước những chiêu bài chống phá trước thềm Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 12.

[6]. Hà Thị Bích Thủy (2022), Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, https://xaydungdang.org.vn/dien-dan/phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-ve-cong-tac-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-o-viet-nam-16596

[7]. Nguyễn Phú Trọng (2020), Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[8]. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Dương Đình Tuấn

Học viện An ninh nhân dân

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: