Xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu phấn đấu, cũng là chiến lược lâu dài của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, mục tiêu này được đặc biệt quan tâm lãnh đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Việt Nam - quốc gia hạnh phúc

Không khó để cảm nhận được hạnh phúc của con người Việt Nam hôm nay. Điều đó không chỉ hiển hiện trên gương mặt, nụ cười của mỗi người dân mà còn được lượng hóa bằng những con số thuyết phục trong đánh giá của các tổ chức quốc tế. Ví như mới đây, đúng vào Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3-2023), Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố Báo cáo Hạnh phúc toàn cầu lần thứ 10 về mức độ hạnh phúc của hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ (dựa trên đánh giá trung bình từ năm 2020 đến năm 2022). Kết quả cho thấy, Việt Nam đứng thứ 65/150, tăng 12 bậc so với năm 2020.

Đánh giá trên cho thấy, chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam những năm gần đây được nâng lên đáng kể. Chính người Việt Nam cũng bày tỏ niềm hạnh phúc khi được là công dân Việt Nam, được sinh sống, học tập, công tác, cống hiến ở một đất nước hòa bình, tươi đẹp và phát triển bền vững. Đặc biệt, theo khảo sát Expat Insider mới nhất của InterNations, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia và vùng lãnh thổ mà người nước ngoài cảm thấy hạnh phúc khi sống, làm việc. Theo InterNations: 86% người nước ngoài sống ở Việt Nam tham gia khảo sát hài lòng với công việc của họ ở Việt Nam; 78% hài lòng với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống; 85% hài lòng với chi phí sinh hoạt; 57% hài lòng với chất lượng chăm sóc y tế; 67% nói rằng kết bạn mới dễ dàng khi sống ở Việt Nam...

Tất cả số liệu đa chiều và chân thật nêu trên cho thấy sự thật hiện hữu về niềm hạnh phúc ở mức cao của người dân Việt Nam. Theo các chuyên gia, hạnh phúc đó trước hết bắt đầu từ việc chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện và có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Ví như năm 2022, tạp chí kinh doanh, thương mại hàng đầu thế giới CEOWORLD (Mỹ) công bố báo cáo xếp hạng chỉ số "chất lượng sống" của 165 nước trên thế giới, thì chỉ số "chất lượng sống" của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165. So với năm 2021, thứ hạng “chất lượng sống” của Việt Nam tăng 39 bậc.

quoc gia hanh phuc
Ảnh minh hoạ: TTXVN

Chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam được minh chứng bởi những tiến bộ và kỳ tích trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế được thế giới ghi nhận, ngưỡng mộ; cũng như niềm hạnh phúc hiện có của nhân dân Việt Nam mà nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới mong muốn. Đặc biệt, nhân dân được hưởng giá trị của hạnh phúc trong độc lập - tự do, không lệ thuộc hay bị chi phối bởi các thế lực bên ngoài. Là mức độ cân đối giữa việc làm, thu nhập và tích lũy bởi mọi người dân đều có nhà ở, việc làm, được thụ hưởng thành quả lao động chính đáng. Nhân dân được bảo đảm an ninh, an toàn và các chính sách an sinh, tiến bộ, công bằng, phúc lợi xã hội được thụ hưởng ngày càng nhiều hơn. Đất nước Việt Nam đang ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp hơn, trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của đông đảo du khách quốc tế.

Hạnh phúc là mục tiêu, chỉ số phấn đấu, thể hiện sinh động trong thực tiễn của Việt Nam những năm qua. Đặc biệt, Yên Bái còn đưa chỉ số hạnh phúc người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để triển khai, thực hiện. Theo đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, việc đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xuất phát từ nhận định và triết lý riêng của Yên Bái. Chỉ số này được đánh giá dựa vào mức độ hài lòng của người dân Yên Bái trên 3 tiêu chí chính: Sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống, tuổi thọ trung bình và số năm sống khỏe của người dân. Qua hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện, cuộc sống của người dân Yên Bái về vật chất cũng như đời sống văn hóa, tinh thần không ngừng được nâng cao. Đây là tiền đề để tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp mới với mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ, chỉ số hạnh phúc người dân tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ.

Việt Nam còn có những “đặc sản riêng có” để tạo nên sự hạnh phúc khác biệt, vượt trội so với nhiều quốc gia trên thế giới, như: Đất nước thanh bình, an ninh, an toàn cho con người được bảo đảm, không bị đe dọa bởi nguy cơ khủng bố; mạng lưới an sinh xã hội phủ kín trên diện rộng, tỷ lệ người biết chữ cao... Bởi thế, nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới từng ung dung thưởng thức ẩm thực, dạo bộ trên phố phường Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được nhân loại ghi nhận là dân tộc yêu hòa bình, vì hòa bình; Thủ đô Hà Nội được thế giới vinh danh “Thành phố vì hòa bình”. Và còn biết bao điều hạnh phúc bình dị của nhân dân Việt Nam, đó là tâm hồn trong sáng, cao thượng; những giá trị văn hóa, tình yêu thương, quý trọng con người, sự sẻ chia “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” trong khó khăn, hoạn nạn; sự ấm áp tình người trong mỗi bữa cơm, giấc ngủ của giá trị gia đình; sự quan tâm, chăm lo trong mối quan hệ thân thuộc của họ hàng, dòng tộc, làng xóm, cộng đồng...

Quả ngọt từ sự chăm lo của Đảng

Cần khẳng định rằng: Quan điểm “dân thụ hưởng” là một trong những điểm mới, quan trọng được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập trong tổng thể phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt và đầy đủ hơn của Đảng đến đời sống của nhân dân. Nghĩa là người dân có quyền được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Đồng thời, khi người dân được thụ hưởng, được thỏa mãn các lợi ích chính đáng, sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự hăng hái, nhiệt huyết cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của xã hội. Đây chính là bước phát triển trong nhận thức của Đảng, là động lực hoàn thiện các chủ trương, đường lối và hiện thực hóa thêm một bước tư tưởng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, thấy rằng, việc nhất quán mục tiêu chăm lo hạnh phúc và quyết liệt lãnh đạo nâng cao chất lượng cuộc sống người dân được thể hiện đậm nét và từng bước cụ thể hóa, hiện thực hóa thông qua các nghị quyết, kết luận của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ và biểu hiện sinh động ở nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo hiểm, việc làm, giảm nghèo... Đây là sự cụ thể hóa, hiện thực hóa định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”

Đất nước ta bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong điều kiện gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, việc thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, vừa tập trung phát triển kinh tế là một thách thức không hề đơn giản. Thế nhưng, với quyết tâm chính trị cao, kiên định phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Đảng, Nhà nước đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương, giải pháp sáng suốt, đúng đắn, hiệu quả.

Điển hình như để ứng phó với đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước kiên định mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo hộ công dân, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của nhân dân với những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, nhân văn. Chính phủ trình Quốc hội ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp, chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, một quyết sách chưa có tiền lệ của Chính phủ đã kịp thời giúp đỡ và củng cố niềm tin của người dân, cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ, góp phần ổn định đời sống nhân dân và người lao động, ổn định kinh tế-xã hội tại các địa phương.

Cùng với nỗ lực bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trước dịch bệnh và thiên tai, các chủ trương, chính sách khác về an sinh xã hội, chăm lo người dân của Đảng, Nhà nước cũng đồng thời được triển khai quyết liệt, đạt kết quả toàn diện. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của Chính phủ cho thấy những con số thống kê phong phú về an sinh, phúc lợi, cũng như lột tả hết những tiến bộ trong đời sống xã hội. Nổi bật là diện bao phủ bảo hiểm xã hội đã được mở rộng, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,3%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ nghèo 2,19%, giảm 0,4%; tỷ lệ hộ cận nghèo 2,9%, giảm 0,23%... Cùng với đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không ngừng được cải thiện, nâng cao; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

Bên cạnh những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận thì việc bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội vẫn còn những hạn chế nhất định. Cuộc sống của một bộ phận người dân vẫn còn không ít khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ, chưa thật sự gắn chặt nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo hạnh phúc nhân dân trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, toàn Đảng và hệ thống chính trị cần tiếp tục tập trung đổi mới cơ chế, chính sách, phát huy cao độ tinh thần cống hiến vì đất nước, vì nhân dân. Tạo mọi điều kiện, cơ hội và động lực để phát huy nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của sự phát triển. Tập trung đầu tư các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại về kinh tế-xã hội, về môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh, khuyến khích xây dựng những thành phố, miền quê đáng sống. Ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia với mục tiêu cao nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân được tiếp cận các dịch vụ giao thông, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nâng cao dân trí, bồi dưỡng, phát triển tri thức.

Trên nền tảng kết quả đạt được, nhất là phát huy những tiềm lực chính trị tinh thần của một quốc gia hạnh phúc, các cấp cần tiếp tục giáo dục, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ sự đồng thuận xã hội, kết hợp hài hòa ý Đảng-lòng dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tạo dựng hạnh phúc lâu dài, bền vững cho cả dân tộc. Tạo sự hài lòng và hạnh phúc của nhân dân trên cơ sở thực thi hiệu quả các chủ trương, quan điểm, chính sách đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân./.

VĂN THI - SÔNG TRÀ

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: