Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

 Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (CAND) là di sản tinh thần vô giá, là kim chỉ nam cho việc xây dựng đạo đức, tư cách người CAND. Đến nay có thể khẳng định, Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở quan trọng quyết định cho việc hình thành văn hóa CAND.

Văn hóa CAND có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người về lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, CAND nói riêng là nền tảng để xây dựng lực lượng CAND, trong đó có nội dung xây dựng văn hóa CAND - một bộ phận không thể tách rời của văn hóa Việt Nam.

Sáu điều Bác dạy CAND là di sản tinh thần vô giá, là kim chỉ nam cho việc xây dựng đạo đức, tư cách người CAND. Đến nay có thể khẳng định, Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở quan trọng quyết định cho việc hình thành văn hóa CAND. Khẳng định này bắt đầu từ nhận thức Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa tổng hợp những giá trị phẩm chất cao quý về tư tưởng, quan điểm, đạo đức, pháp luật, phương châm hành động, thái độ ứng xử, mục tiêu phấn đấu, tính nhân văn trong xử lý công việc, trong thực hiện các chủ trương, đối sách; và tính biện chứng trong quan hệ giữa các phẩm chất ấy.

Điều đặc biệt là bản tổng hợp những giá trị cao quý đó được thể hiện dưới hình thức một bản tráng ca có màu sắc của văn, thơ; có nhịp điệu của âm nhạc, dễ thuộc, dễ nhớ và thực hành. Việc thực hiện Sáu điều dạy ấy trong 75 năm qua đã hình thành nên hệ giá trị văn hóa CAND.

cong an nhan dan 1
75 năm qua, đối với lực lượng CAND, Sáu điều Bác Hồ dạy vẫn vẹn nguyên giá trị của một di sản có ý nghĩa thời đại - Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an.

Trước hết, Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tuyên ngôn về văn hóa chính trị CAND với giá trị cốt lõi là: “Trung, hiếu, nhân, nghĩa, liêm”; có sự kế thừa sáng tạo và phát triển truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Trong bản tuyên ngôn văn hóa ấy, đầu tiên đòi hỏi người Công an phải có “đức và tài”, cái gốc quan trọng nhất của văn hóa. Mối quan hệ giữa “đức và tài”, cái “Đức” được Bác căn dặn người chiến sĩ CAND trong cách đối nhân, xử thế với chính mình, với đồng sự, với Chính phủ, với nhân dân, với công việc. Chữ “Tài”, Bác nhấn mạnh trong trí tuệ, nghệ thuật đấu tranh, xử trí với kẻ địch và tội phạm.

Tiếp đó, là đòi hỏi về tính giai cấp, Điều dạy thứ ba “Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”; Điều dạy thứ sáu “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”, thể hiện rõ lập trường giai cấp, bản lĩnh chính trị của CAND. Đòi hỏi về tính nhân dân, điều dạy thứ tư “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”, vì “Công an của ta là Công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, dựa vào nhân dân mà làm việc”.

Các mối quan hệ thống nhất, biện chứng nói trên được thể hiện rõ trong biểu trưng “Thanh kiếm và lá chắn”. Đây là biểu tượng của một lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài ý nghĩa chính trị, còn chứa đựng nét văn hóa vật thể mang tính chính trị - nhân văn sâu sắc; phản ánh hệ tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng, niềm tin, năng lực, trách nhiệm và hành vi chính trị của CBCS CAND.

Thứ hai, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND chứa đựng tinh thần của văn hóa giữ nước của dân tộc; là cơ sở để bồi đắp, làm nên giá trị cốt lõi văn hóa giữ nước của CAND là: “Truyền thống, dân tộc và thời đại”, thể hiện tính kế thừa, phát huy và phát triển những tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại trong thực tiễn sự nghiệp bảo vệ ANTT. Trong đó chứa đựng những nội dung về tinh thần yêu nước nồng nàn; niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; quyết tâm chính trị; tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái với đồng bào, đồng chí, đồng đội; về sự mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu với tinh thần hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kế thừa truyền thống dựng nước, giữ nước của ông cha và truyền thống cách mạng của dân tộc.

78 năm công tác và chiến đấu, CAND đã khẳng định niềm tin, lý tưởng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; kính hiếu với nhân dân; nhân nghĩa với đất nước, dân tộc, với đồng chí đồng đội; sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Thứ ba, Sáu điều Bác Hồ dạy là căn cứ để xây dựng văn hóa công vụ của CAND “Tận tụy, tận tâm, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Đây là văn hóa lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, chỉ huy, thực thi công vụ, thể hiện qua các phẩm chất về trí tuệ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, nhiệt huyết, sự đam mê, mưu trí sáng tạo với tinh thần “CAND chỉ biết còn Đảng thì còn mình”; “CAND của dân, do dân, vì dân”. Trong sáu điều Bác Hồ dạy CAND, Bác chỉ rõ thái độ công vụ là: “Đối với công việc, phải tận tụy”; “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”, trong công tác, chiến đấu, thì: “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Đó là những phương châm hành động chuẩn mực nhất của văn hóa công vụ.

Thứ tư, sáu điều Bác Hồ dạy CAND là cơ sở nền tảng của văn hóa giao tiếp, ứng xử CAND “Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, mang đậm bản sắc đặc trưng riêng của lực lượng CAND, tuân thủ các chuẩn mực về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đạo đức, thẩm mỹ của lực lượng vũ trang nhân dân; biểu hiện qua thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, tập thể CBCS CAND trong giao tiếp, xử lý các mối quan hệ với chính mình, với đồng sự, với Chính phủ, với nhân dân, với công việc và với kẻ địch trong những điều kiện, môi trường khác nhau. Các quy tắc ứng xử của CAND nói chung, của các đơn vị, công an các địa phương nói riêng đều lấy Sáu điều Bác dạy làm quy chuẩn để vận dụng.

Thứ năm, sáu điều Bác Hồ dạy CAND là tư tưởng chỉ đạo, là những định hướng rất cơ bản có tính chiến lược cho sự phát triển của đời sống văn hóa, nghệ thuật CAND “Văn minh, bản sắc, sáng tạo và phát triển”. Các loại hình sáng tác, sáng tạo trong hoạt động văn học, nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc, văn học, ca, vũ, kịch… đã khai thác những nội dung tư tưởng, từng câu, từng chữ trong Sáu điều Bác dạy CAND để sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa CAND. Các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, nghệ thuật trong lực lượng Công an đang ngày càng mở rộng, phát triển mạnh mẽ, và đều lấy nội dung tư tưởng Sáu điều Bác Hồ dạy CAND làm định hướng, chủ đề tư tưởng trong sáng tạo nghệ thuật.

Với đời sống văn hóa, văn nghệ phong phú đó, đã tác động sâu sắc vào tâm hồn, tình cảm, cảm xúc, trực tiếp nuôi dưỡng bồi đắp những phẩm chất cao đẹp toàn diện về trí, đức, thể, mỹ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ CAND nói riêng, của mọi người dân Việt Nam nói chung đối với quốc gia, dân tộc.

75 năm trôi qua, lịch sử dân tộc đã bước sang trang mới. Đối với lực lượng CAND, Sáu điều Bác Hồ dạy vẫn vẹn nguyên giá trị của một di sản có ý nghĩa thời đại. Những điều Bác dạy là mục tiêu, động lực, là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ, hành động trong công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND “thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, trong đó có việc hình thành, phát triển văn hóa CAND - một bộ phận quan trọng góp phần dựng xây nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại./.

Thiếu tướng, PGS.TS Đinh Ngọc Hoa

Phó Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị CAND

Theo Hochiminh.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: