Những năm gần đây, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ luôn là nhiệm vụ cấp bách được Đảng và Nhà nước ta chú trọng triển khai thực hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong toàn hệ thống chính trị và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực trạng và bối cảnh hiện nay cho thấy cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu về bản chất của tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng đối tượng, tính chất vụ việc để nâng cao hiệu quả xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thời gian tới.

xu ly tham nhung
Tọa đàm khoa học: Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nâng cao hiệu quả xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ là việc giúp lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền có thêm đầy đủ cơ sở, căn cứ khoa học để đưa ra quyết định, chủ trương, đường lối, quan điểm, phương án, kế hoạch, giải pháp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ bảo đảm chính xác, khách quan, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đối với vụ án, vụ việc tham nhũng: Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Như vậy, tham nhũng có 03 dấu hiệu đặc trưng: là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn; động cơ của hành vi tham nhũng là cố ý; hành vi tham nhũng nhằm mục đích vụ lợi. Hiện nay, các hành vi tham nhũng được quy định rất cụ thể tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (gồm 12 hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện và 03 hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài nhà nước thực hiện). Từ Điều 353 đến Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định 07 tội danh liên quan đến hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn, như tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; tội giả mạo trong công tác. Như vậy, vụ án, vụ việc tham nhũng bao gồm vụ án hình sự, vụ việc hình sự và vụ án hành chính, tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có các dấu hiệu đặc trưng của tham nhũng nêu trên.

Đối với vụ án, vụ việc tiêu cực: theo Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 một số nội dung về phòng, chống tiêu cực nêu rõ: tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là những hành vi trái với Điều lệ, Cương lĩnh, Nghị quyết, Quy chế, Quy định, Chỉ thị, Kết luận... của Đảng (gọi chung là đường lối của Đảng), pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, biểu hiện rõ nhất của tiêu cực là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đã khởi tố 9.389 vụ/16.026 bị can, truy tố 7.711 vụ/15.178 bị can, xét xử sơ thẩm 7.463 vụ/14.540 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 1.202 vụ/2.649 bị can, truy tố 1.141 vụ/2.731 bị can, xét xử sơ thẩm 1.100 vụ/2.663 bị cáo; thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng, 87.210 đảng viên, trong đó có 3.263 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái, thi hành kỷ luật 455 đảng viên do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cấp ủy có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (tăng gấp 10 lần so với nhiệm kỳ Đại hội XI), trong đó có 27 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (gồm 04 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ vẫn còn những hạn chế, như một số vụ án, vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm nhưng chậm được xử lý dứt điểm, gây dư luận xấu (nhiều vụ việc liên quan đến các sai phạm của cán bộ có chức vụ, quyền hạn xảy ra ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Đánh giá một cách tổng thể, các quy định pháp luật hiện hành còn thiếu hoặc có nhiều “kẽ hở”, dễ bị lợi dụng để vụ lợi trong thực thi nhiệm vụ. Quy định về công khai, minh bạch các quyết định về đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra còn thiếu; quy định về kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức cấp trên đối với cơ quan điều tra chưa đầy đủ; các quy định về thu thập, bảo quản, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong hoạt động điều tra tội phạm chưa đầy đủ, toàn diện, thiếu chế tài xử lý những trường hợp không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ kiến nghị của Viện Kiểm sát. Quy định, quy trình về thi hành án dân sự còn sơ hở, bất cập, tính khả thi thấp, dễ bị lợi dụng, nhất là các quy định về phân loại vụ việc có hoặc chưa có điều kiện thi hành; ủy thác thi hành án; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Việc thực hiện các quy định không nghiêm. Cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chưa rõ ràng. Nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Tòa án chưa được bảo đảm trên thực tế do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, có biểu hiện nể nang, né tránh trong lãnh đạo, chỉ đạo việc xử lý sai phạm, nhất là trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực…

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc... huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1). Do đó, công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, từ khâu phát hiện, tuyển chọn, bố trí, phân công, phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm; khen thưởng, kỷ luật; kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Những vi phạm trong công tác cán bộ của cấp ủy, tổ chức đảng, chi bộ và cán bộ, đảng viên rất đa dạng, phức tạp, với phạm vi, tính chất, quy mô, mức độ khác nhau ở từng cấp, từng loại hình tổ chức đảng.

Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm trong công tác cán bộ, nhưng tình trạng lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng chức quyền để bố trí cán bộ thuộc phe nhóm, người nhà thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn được tuyển dụng vào biên chế; tùy tiện bố trí, bổ nhiệm cán bộ để "ăn đút lót"; để chạy chức, chạy quyền, tiêu cực trong thực thi chính sách cán bộ… vẫn tồn tại, thủ đoạn có phần tinh vi, phức tạp hơn. Tại cuộc Họp báo sau Đại hội XIII của Đảng (ngày 01/02/2022), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tôi nói là không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm… sắp tới nhiệm vụ còn lớn, nhiều, nặng nề và còn nhiều nguy cơ, nhiều diễn biến phức tạp chưa lường hết được…”. Dự báo trong thời gian tới, tình hình số lượng các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực (thuộc diện cần chỉ đạo, xử lý) còn gia tăng, với diễn biến, tính chất phức tạp, khó lường.

''Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghị công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc ''có vào, có ra; có lên, có xuống''; thể hiện tinh thần kiên quyết, gương mẫu, nghiêm minh, nhân văn, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên; đồng thời đã khẩn trương chỉ đạo kiện toàn các nhân sự lãnh đạo thay thế, được dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá rất cao''.

(Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc
Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII)

Nâng cao hiệu quả xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Một là, coi trọng công tác nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Cần nắm vững, phân tích sâu sắc về từng yếu tố cơ bản của vụ án, vụ việc, như thời gian, địa điểm, con người, sự việc liên quan, diễn biến, nguyên nhân, tính chất, mức độ hậu quả thiệt hại, nội dung phạm tội, vi phạm pháp luật cụ thể...; nắm chắc, suy xét tỉ mỉ về cơ quan, cấp đang thụ lý giải quyết vụ án, vụ việc; diện đối tượng bị xử lý, hình thức xử lý; đặc điểm nhân thân đối tượng bị xử lý; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án, vụ việc; tiến độ, kết quả giải quyết, xử lý; quan điểm xử lý của các cơ quan chức năng, quan điểm chỉ đạo của cơ quan, người có thẩm quyền và kết quả thực hiện. Cũng cần phải nắm chắc, biết được những khó khăn, vướng mắc, những quan điểm, vấn đề còn chưa thống nhất giữa các cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình xử lý, giải quyết vụ án, vụ việc; tình hình dư luận có liên quan; đề xuất, kiến nghị của các cơ quan chức năng; các vấn đề khác có liên quan cần được xem xét xử lý, như tính chất, mức độ nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm của vụ án, vụ việc, những tác động ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, chính trị, đối ngoại... Cần hiểu rõ bối cảnh, hoàn cảnh thực hiện các mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; động cơ, mục đích của người vi phạm, phạm tội, việc tự nguyện khắc phục hậu quả...

Hiện nay, việc quản lý, lưu trữ, trích xuất các thông tin, dữ liệu liên quan phục vụ chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc ở một số nơi còn áp dụng thủ công, trong khi số lượng và dữ liệu về vụ án, vụ việc thuộc diện xử lý tương đối lớn, nhiều vụ án, vụ việc xảy ra kéo dài trong nhiều năm, liên quan đến hàng chục, hàng trăm đối tượng… Do vậy, cần sớm ứng dụng những ưu thế, thành tựu của công nghệ số hiện đại phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc một cách có hệ thống, khoa học, hiệu quả, thuận tiện cho việc thống kê, tra cứu, thẩm định, cung cấp dữ liệu khi cần thiết cho cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền đưa ra sự chỉ đạo kịp thời, tập trung, thống nhất.

Hai là, chú trọng thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.

Trọng tâm là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... và nhiều cơ quan, tổ chức khác. Cụ thể, Quyết định số 254-QĐ/TW, Quyết định số 255-QĐ/TW, Quyết định số 256-QĐ/TW ngày 05/9/2014 của Ban Bí thư ban hành các quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; Quyết định số 243-QĐ/TW ngày 04/6/2014 của Ban Bí thư ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng...

Trên cơ sở Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương cần chủ trì, phối hợp nghiên cứu, cụ thể hóa và bổ sung các điều khoản trong quy chế phối hợp đã ký kết, nhằm thực hiện tốt các nội dung phối hợp về việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm; kiến nghị khởi tố và xử lý dứt điểm những vấn đề tồn đọng kéo dài, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; việc kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Phối hợp tốt để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực thi nhiệm vụ; việc chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo pháp luật khi phát hiện được các dấu hiệu phạm tội qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án; việc thực hiện chế độ báo cáo và chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Phối hợp tốt sẽ giúp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cũng như xử lý việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu đến chính trị, ngoại giao...

Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, là “tai, mắt” của Đảng về lĩnh vực này”, là người “gác gôn” cho Đảng trên lĩnh vực này, không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng”(2). Cán bộ tham mưu, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc phải thực sự là những người “có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai; có trình độ, có hiểu biết tương đối toàn diện, nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Đặc biệt là phải liêm, phải sạch; phải có đạo đức trong sáng, công tâm; có phương pháp làm việc khoa học, cương nhu đúng lúc; kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao”(3); “luôn nêu cao ý thức tự giác, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, gương mẫu, công tâm, khách quan, thực sự là những “Bao Công” trong thời đại mới”(4).

Quan tâm trang bị các nội dung vừa có tính hệ thống, vừa rất cơ bản đòi hỏi cán bộ làm công tác tham mưu phải nắm vững mới có thể tiến hành tham mưu về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc; phạm vi, đối tượng, chủ thể, nguyên tắc tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc; diện các vụ án, vụ việc cần tham mưu chỉ đạo xử lý; nội dung, hình thức, phương pháp, quy trình tham mưu; hồ sơ tham mưu chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc. Bên cạnh đó, cần mở rộng các hoạt động phổ biến, quán triệt các văn bản quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là trong chỉ đạo phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giám định, định giá, thu hồi tài sản do phạm tội mà có, cơ chế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thanh tra; Luật Kiểm toán Nhà nước; Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Giá; Luật Đấu giá tài sản... và một số văn bản pháp luật có liên quan.

Bốn là, tăng cường sơ kết, tổng kết thực tiễn xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Các vụ việc, vụ án xảy ra trong thực tiễn rất đa dạng và thường rất nhạy cảm, phức tạp, mặc dù vậy, với quyết tâm, bản lĩnh, trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, ngành Nội chính đảng vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra trong công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, từ đó cũng đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay. Điển hình là Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành nhiều cơ chế, cách thức, quan điểm, nguyên tắc xử lý các vụ việc, vụ án, như: quyết định lựa chọn, đưa các vụ việc, vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nguyên tắc xử lý các vụ án, vụ việc “Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tham mưu Ban Chỉ đạo về cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ án có khó khăn, vướng mắc theo 5 cấp độ; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp tỉnh (Công văn số 23-CV/BCĐTW ngày 01/8/2016); chỉ đạo xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 về quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế; kiến nghị thành lập các ban chỉ đạo các vụ án, vụ việc cụ thể như Ban Chỉ đạo 110 (Ban chỉ đạo liên ngành)...

Do vậy, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động tổng kết chuyên đề tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, việc xử lý, giải quyết gặp nhiều khó khăn, giữa các cơ quan chức năng có nhiều quan điểm chưa thống nhất... Trên cơ sở đó, đúc rút thành những vấn đề lý luận khoa học, có tính chỉ dẫn cho các hoạt động thực tiễn và tham mưu xây dựng, bổ sung thành các cơ chế, văn bản của lãnh đạo cấp có thẩm quyền để thực hiện thống nhất trong quá trình xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ./.

------------------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.309.

(2),(3) Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng  tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Nội chính đảng, ngày 22/01/2019 tại Hà Nội.

(4) Trích lời đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản, bài “Cán bộ nội chính phải thật sự bản lĩnh, dũng khí và liêm chính”, ngày 09/01/2021.

TS Trần Duy Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bồi dưỡng,
 Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Theo tcnn.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: