Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 06 vấn đề chính là: phê bình và sửa chữa; mấy điều kinh nghiệm; tư cách và đạo đức cách mạng; vấn đề cán bộ; cách lãnh đạo; chống thói ba hoa. Bài viết tập trung nghiên cứu về quan điểm “cách lãnh đạo”, đây là chỉ dẫn rất quan trọng, gợi mở cho Đảng ta trong việc vận dụng sáng tạo quan điểm của Người để đổi mới công tác cán bộ trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

quan diem can bo 1
Bác Hồ nói chuyện tại buổi khai mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương (ngày 06/02/1953). Ảnh tư liệu

Quan điểm “cách lãnh đạo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Nghiên cứu tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta có thể khái quát những tư tưởng, quan điểm của Người về “cách lãnh đạo” để phù hợp với từng nhiệm vụ được giao, thế nào là lãnh đạo đúng; lãnh đạo và kiểm soát thế nào cho đúng; thế nào là lãnh đạo từ quần chúng mà ra, trở về nơi quần chúng theo cách hiểu khoa học và hiệu quả nhất. Có thể hiểu lãnh đạo đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là quyết định mọi vấn đề sao cho đúng đắn nhất. Mà muốn thế thì nhất định phải xem kết quả lãnh đạo vì dân chúng là những người chịu đựng kết quả lãnh đạo của ta; tổ chức thi hành cho đúng. Muốn vậy không có dân chúng giúp sức thì không xong; tổ chức kiểm soát việc thực hành cho đúng. Muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp sức. Muốn giải quyết vấn đề cho đúng, người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp trong xã hội và với Nhân dân.

Nhiệm vụ quan trọng của những người lãnh đạo là đảm bảo cho Nhân dân quản lý tốt công việc của Nhà nước, lãnh đạo trên cơ sở tự nguyện chứ không phải áp đặt. Trong bản Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”(1). Người quan niệm, cán bộ, đảng viên là đầy tớ của Nhân dân chứ không phải ông chủ của Nhân dân, không phải đứng trên Nhà nước và pháp luật, mà phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng bắt tay ngay vào việc xây dựng nhà nước kiểu mới, đó là Nhà nước dân chủ nhân dân, đại diện cho mọi giai tầng xã hội, trước hết là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân.

Vì vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh  thì “cách lãnh đạo” đúng là phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Do đó, nhất định phải học hỏi kinh nghiệm của dân chúng. Sức mạnh của Nhân dân được tổ chức lại một cách khoa học là sức mạnh vô địch, trọng tâm của công tác mặt trận là đoàn kết, tổ chức được Nhân dân, thống nhất được dân tộc, tạo thành sức mạnh to lớn để giành thắng lợi trong cách mạng. Trong tổ chức đoàn thể nhân dân phải giải quyết tốt, hài hòa về quyền lợi giữa các giai cấp, tầng lớp, đơn vị khác nhau, tức là xây dựng cơ sở xã hội - giai cấp của Nhà nước, trong đó mọi quyết định chính trị, pháp lý đều phải hướng tới lợi ích cho Nhân dân và vì Nhân dân. Bản chất lãnh đạo là lấy nhân dân làm động lực để xây dựng tổ chức và phương thức hoạt động, coi Nhân dân là mục đích “cao nhất” để phục vụ một cách tốt nhất, trong đó vị trí, vai trò của Chính phủ là phục vụ Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(2).

Lãnh đạo đúng không chỉ là định hướng mục tiêu, chỉ đường cho tổ chức mà còn cả hoạt động quản lý (tổ chức, kiểm soát) để đạt được mục tiêu, cho nên hoạt động lãnh đạo không thể tách rời hoạt động quản lý, và lãnh đạo giỏi bao gồm cả quản lý tốt. Lãnh đạo có nghĩa là tiên phong dẫn dắt tổ chức và Nhân dân, là quá trình giác ngộ và khơi dậy niềm tin, động lực, ý chí sẵn sàng thực hiện mục tiêu chung, vì hạnh phúc của người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định chính quyền nhà nước chỉ là một thành tố của hệ thống chính trị, còn Nhân dân mới là người chủ thực sự của Nhà nước. Mọi quyền lực của nhà nước là quyền lực của Nhân dân và thuộc về Nhân dân. Bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương đều do Nhân dân thành lập để phục vụ Nhân dân. Nhà nước thực hiện việc quản lý xã hội trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật.

Nhà nước dân chủ nhân dân do Nhân dân trực tiếp tổ chức, xây dựng thông qua tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử... Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”(3). Thông qua việc bầu ra Quốc hội và Chính phủ, Nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng hình thức dân chủ trực tiếp và đại diện. Quyền lực tối cao của Nhân dân không chỉ thể hiện ở việc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, mà còn ở quyền bãi miễn, kiểm soát, giám sát hoạt động của các đại biểu. Cơ chế dân chủ này nhằm làm cho Quốc hội được trong sạch, giữ được phẩm chất, năng lực hoạt động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “… Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm soát khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi. Song, để kiểm soát tốt phải thực hiện hai điều: Một là kiểm soát phải có hệ thống, thường xuyên làm. Hai là, người đi kiểm soát phải có uy tín, phải giữ được niềm tin của nhân dân. Không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ. Kiểm soát phải vì ba điều sau: 1) Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu; 2) Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan; 3) Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”(4).

Người cũng phê bình những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, sự thay đổi của người khác nhưng “trông từ trên xuống”. Chính vì vậy, họ phải phối hợp với dân chúng để “học kinh nghiệm cả hai bên lại” vừa trông thấy từ trên xuống và từ dưới lên thì mọi việc ắt thành công. Do đó, người lãnh đạo phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp nhân dân; phải giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó Đảng thắng lợi. Nếu cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng thì nhất định sẽ thất bại. Người nhấn mạnh rằng cán bộ, đảng viên phải biết dìu dắt, hướng dẫn, cung cấp kiến thức, động viên khích lệ để mỗi người dân biết cách phát huy tốt hơn tiềm năng của chính họ; chứ không phải chỉ hô hào đòi dân đóng góp. Với vai trò làm chủ nhà nước, thực hiện sự ủy quyền của Nhân dân, các đại biểu được bầu ra phải có trách nhiệm gần gũi, sâu sát để hiểu dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân với tinh thần trách nhiệm để thảo luận và giải quyết những vấn đề thiết thực cho quốc kế dân sinh.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thể hiện nhân dân lao động làm chủ nhà nước thì đại biểu do Nhân dân bầu ra phải có mối liên hệ thường xuyên với Nhân dân; thoát ly mối liên hệ này, nhà nước rất dễ rơi vào quan liêu, trì trệ, đứng trên lợi ích của Nhân dân, trái với bản chất dân chủ đích thực vốn có của nhà nước kiểu mới. Người nhấn mạnh: “Chính phủ ta là Chính phủ của Nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của Nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đày tớ trung thành tận tụy của Nhân dân”(5).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn cán bộ phải tôn trọng, lắng nghe và học hỏi dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, ý chí của người dân, quan tâm đến những kiến nghị, đề đạt của nhân dân: “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”(6). Người khẳng định: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì Nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với Nhân dân phải đoàn kết thành một khối”(7). Nhà nước phải hướng dẫn Nhân dân tổ chức tốt đời sống, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhằm thỏa mãn nhu cầu cần thiết hàng ngày. Mục đích tối thượng là phục vụ Nhân dân: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác công việc chung cho dân”(8).

Việc đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của Nhân dân là tiêu chí số một để đánh giá hiệu quả năng lực hoạt động của nhà nước. Muốn đạt được mục đích đó, cần giữ cho được định hướng hoạt động của Nhà nước, bảo đảm cho bộ máy thật sự trong sạch; giải quyết vấn đề cho đúng, cán bộ lãnh đạo phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp dân chúng. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột; phải giải thích cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận rõ vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng, cổ động cho quần chúng kiên quyết cách mạng; làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi.

Vận dụng quan điểm “cách lãnh đạo” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào công tác cán bộ giai đoạn hiện nay

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(9). Đồng thời phải hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, cục bộ, lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ. Trọng tâm là xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, đồng thời thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, xử lý nghiêm minh; thực hiện nghiêm kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm. Nghị quyết nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”(10).

Đảng ta chỉ rõ: đội ngũ cán bộ phải tận tâm phục vụ Nhân dân, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí ở đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân”(11).

Từ thực tiễn qua những năm đổi mới đất nước; những quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta, việc vận dụng sáng tạo quan điểm “cách lãnh đạo” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác cán bộ giai đoạn hiện nay. Vì vậy, cần thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, nắm đúng vấn đề lãnh đạo cần hướng tới, hoạch định chiến lược để ra quyết định cho đúng. Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh chính trị, định hướng chiến lược, các quyết sách và chủ trương lớn. Chiến lược, các quyết sách và chủ trương lớn của Đảng được xây dựng và phát triển thông qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, được thể chế hóa, cụ thể hóa thành pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch hành động, tổ chức thực hiện. Các cấp ủy đảng ban hành nghị quyết, chủ trương bám sát thực tiễn và tổ chức chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đến mọi tầng lớp nhân dân.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong toàn hệ thống chính trị thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, đảng viên sáng tạo, xung phong, gương mẫu nhằm hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng vào đời sống thực tiễn thông qua các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện và tạo sự đồng thuận của các tầng lớp quần chúng nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng.

Ba là, cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và phát huy tinh thần nêu gương, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị. Có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên vi phạm để kịp thời ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về phẩm chất, đạo đức, phai nhạt lý tưởng cách mạng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm sự tập trung, thống nhất./. 

-------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.611.

(2),(3),(6),(7),(8) Sđd, tập 4, tr.65, tr.153, tr.51-52, tr.64, tr.64.

(4) Sđd, tập 5, tr.326-327.

(5) Sđd, tập 9, tr.81.

(9),(10),(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.187, tr.187, tr.192.

 

TS Trần Nhật Duật - Viện Lãnh đạo học và Chính sách công,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo tcnn.vn

Bùi Hảo (st)

Bài viết khác: