Chỉ mục bài viết

 

Câu 21. Pháp luật quy định về bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình như thế nào?

Trả lời:

Điều 28 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu như sau:

1. Người bị bạo lực gia đình được bố trí nơi tạm lánh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định hoặc do cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện hỗ trợ.

2. Người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu theo quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội.

Câu 22. Pháp luật quy định về chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình như thế nào?

Trả lời:

Điều 29. Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm sau đây:

a) Tiếp nhận, sàng lọc, phân loại, chăm sóc, điều trị người bệnh là người bị bạo lực gia đình;

b) Cung cấp thông tin về tình trạng tổn hại sức khỏe của người bị bạo lực gia đình theo đề nghị của người đó hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

2. Nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh, nếu phát hiện người bệnh có dấu hiệu bị bạo lực gia đình có trách nhiệm báo cáo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại các điểm a, c, đ và e khoản 2 Điều 35 của Luật này căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chăm sóc người bị bạo lực gia đình.

4. Người đứng đầu cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình có trách nhiệm thông báo cho Công an xã nơi đặt cơ sở về trường hợp người được chăm sóc, điều trị có dấu hiệu bị bạo lực gia đình để bảo vệ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Câu 23. Pháp luật quy định về trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực?

Trả lời:

Điều 30 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình

1. Người bị bạo lực gia đình được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

2. Người bị bạo lực gia đình được cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho người bị bạo lực gia đình.

Câu 24. Pháp luật quy định về giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình như thế nào?

Trả lời:

Điều 31 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình như sau:

1. Người có hành vi bạo lực gia đình được giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; tham gia dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình do cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình cung cấp.

2. Nội dung giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình;

b) Nhận diện các hành vi bạo lực gia đình và trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình;

c) Kỹ năng ứng xử, phòng ngừa, xử lý mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình;

d) Kiến thức và kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình; giải tỏa áp lực, căng thẳng;

đ) Các nội dung khác.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và tổ chức thực hiện việc giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình đối với người có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Câu 25. Pháp luật quy định về góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư như thế nào?

Trả lời:

Điều 32 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình về góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư như sau:

1. Biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư được thực hiện đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên trong các trường hợp sau đây:

a) Có hành vi bạo lực gia đình từ 02 lần trở lên trong thời gian 12 tháng mà chưa đến mức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

b) Có hành vi bạo lực gia đình đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình.

2. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chủ trì, phối hợp với Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức việc góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư. Thành phần tham gia góp ý, phê bình bao gồm:

a) Người có hành vi bạo lực gia đình;

b) Đại diện gia đình;

c) Đại diện Công an xã;

d) Đại diện tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình hoặc người bị bạo lực gia đình cư trú là thành viên;

đ) Thành phần khác do Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố mời.

3. Nội dung góp ý, phê bình bao gồm:

a) Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình;

b) Cung cấp các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

c) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình cam kết không tái diễn hành vi bạo lực gia đình.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức thực hiện biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư trên cơ sở đề xuất của người được phân công xử lý hành vi bạo lực gia đình.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú có trách nhiệm tạo điều kiện cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức việc góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư.

6. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều này tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng quy định tại Điều 33 của Luật này thì không áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư.

Câu 26. Biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng được quy định như thế nào trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022?

Trả lời:

Điều 33 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng như sau:

- Công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú, bao gồm:

+ Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác;

+ Tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

- Danh mục công việc quy định trên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Câu 27. Pháp luật quy định về bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình như nào?

Trả lời:

Điều 34 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức các biện pháp bảo vệ người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người báo tin, tố giác.

Câu 28. Pháp luật quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình như thế nào?

Trả lời:

Điều 35 Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình

1. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện việc chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và trẻ em mà người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình.

2. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm:

a) Địa chỉ tin cậy;

b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Cơ sở trợ giúp xã hội;

d) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

đ) Cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình;

e) Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.

Câu 29. Địa chỉ tin cậy là gì theo quy định của pháp Luật Phòng, chống bạo lực gia đình?

Trả lời:

Điều 36 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về địa chỉ tin cậy như sau:

1. Địa chỉ tin cậy là tổ chức, cá nhân có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ người bị bạo lực gia đình.

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã về việc nhận làm địa chỉ tin cậy. Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách và công bố địa chỉ tin cậy trong địa bàn quản lý; hướng dẫn, tổ chức việc tập huấn cho địa chỉ tin cậy về phòng, chống bạo lực gia đình.

3. Khi tiếp nhận người bị bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ kinh phí cho địa chỉ tin cậy theo quy định của pháp luật.

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội có trách nhiệm tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tham gia làm địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư.

Câu 30. Pháp luật quy định về cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình như thế nào?

Trả lời:

Điều 40 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để cung cấp một hoặc một số dịch vụ, hoạt động sau đây:

a) Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình;

b) Nơi tạm lánh và nhu cầu thiết yếu khác cho người bị bạo lực gia đình;

c) Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;

d) Chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh lý về tâm thần cho người bị bạo lực gia đình;

đ) Hoạt động khác liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Người đứng đầu cơ sở có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có trình độ từ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo liên quan đến dịch vụ đăng ký tham gia cung cấp, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình;

b) Nhân viên trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình phải tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, đã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức hoặc cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức;

c) Trường hợp cơ sở cung cấp nơi tạm lánh cho người bị bạo lực gia đình hoặc cung cấp dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi phải có cơ sở vật chất và địa điểm bảo đảm yêu cầu.

3. Cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này đăng ký nội dung, phạm vi hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

4. Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện dịch vụ, hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này được ưu đãi thuế, phí, tín dụng và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này; quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập của cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.

Câu 31. Pháp luật quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như thế nào?

Trả lời:

Điều 41 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó.

Câu 32. Việc phòng, chống bạo lực gia đình có được sử dụng kinh phí từ nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 thì Nguồn tài chính phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm:

- Ngân sách nhà nước;

- Nguồn viện trợ, tài trợ, tặng cho, đóng góp, hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;

- Các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Như vậy, việc phòng, chống bạo lực gia đình có thể sử dụng kinh phí từ nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Câu 33. Pháp luật quy định như thế nào về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình?

Trả lời:

Điều 45 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

1. Người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình và kiến thức, kỹ năng cần thiết khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Công an xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, Chi hội trưởng của các đoàn thể và Ban Chỉ đạo công tác gia đình được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Câu 34. Hội Liên hiệp Phụ nữ có trách nhiệm như thế nào trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình?

Trả lời:

Điều 53 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam như sau:

1. Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 52 của Luật này.

2. Tư vấn, tham gia hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở; tổ chức thực hiện, kết nối, giới thiệu dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.

3. Tổ chức hoạt động hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm hoặc hỗ trợ khác cho người bị bạo lực gia đình.

4. Chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thuộc phạm vi quản lý; nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.

5. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em.

6. Phối hợp tổng hợp, báo cáo thống kê về phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình và gửi kết quả đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Câu 35. Pháp luật quy định như thế nào về hình thức xử phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 144/2021/NĐ-CP), thì mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng.

Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Câu 36. Xin cho biết, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

- Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

c) Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi vi phạm nêu trên;

- Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi đánh đập gây thương tích; sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình.

Câu 37. Pháp luật quy định xử phạt như thế nào đối với người có hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình?

Trả lời:

Điều 53 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định việc xử phạt đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

- Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

b) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

Câu 38. Xin cho biết, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình sẽ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

- Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

c) Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi vi phạm nêu trên;

- Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

Câu 39. Pháp luật quy định xử phạt như thế nào đối với hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý?

Trả lời:

Việc xử phạt đối với người có hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý được quy định tại Điều 55 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;

- Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;

- Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;

- Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình.

d) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi vi phạm.

Câu 40. Xin hỏi, pháp luật quy định xử phạt đối với với hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau như thế nào?

Trả lời:

Việc xử phạt đối với với hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau được quy định tại Điều 56 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Câu 41. Hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng được quy định như thế nào?

Trả lời:

Tại Điều 57 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

-Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, bị buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.

Theo đó, hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của anh A là hành vi vi phạm pháp luật và có thể sẽ bị xử phạt theo quy định trên.

Câu 42. Hành vi lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Tại Điều 65 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Đòi tiền của nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân sau khi có hành động giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;

- Yêu cầu thanh toán chi phí sinh hoạt của nạn nhân ở địa chỉ tin cậy tại cộng đồng;

- Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân bạo lực gia đình để yêu cầu họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Thành lập cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình để hoạt động trục lợi;

- Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

c) Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b nêu trên.

d) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi đòi tiền của nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân sau khi có hành động giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.

Câu 43. Xin hỏi, pháp luật quy định xử phạt như thế nào đối với người có hành vi bạo lực kinh tế?

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 58 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP; cụ thể, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.

- Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.

- Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.

Câu 44: Việc xử phạt đối với hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ được quy định như thế nào?

Trả lời:

Tại Điều 59 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.

Câu 45. Xin hỏi pháp luật quy định xử phạt như thế nào đối với hành vi bạo lực đối với người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình?

Trả lời:

Tại Điều 58 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP xử phạt đối với hành vi bạo lực đối với người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Đe dọa người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;

- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Hành hung người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;

- Đập phá, hủy hoại tài sản của người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình.

c) Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi đập phá, hủy hoại tài sản của người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình;

- Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Câu 46. Hành vi kích động, xúi giục, giúp sức người khác; hành vi cưỡng bức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử phạt thế nào?

Trả lời:

Hành vi trên sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP; cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cưỡng bức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

Câu 47. Hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình và cản trở việc ngăn chặn, báo tin, xử lý hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Tại Điều 62 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định, hạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn.

- Biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

- Cản trở người khác phát hiện, khai báo hành vi bạo lực gia đình.

Câu 48. Xin hỏi, pháp luật quy định xử phạt như thế nào đối với người có hành vi sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động hành vi bạo lực gia đình?

Trả lời:

Vấn đề trên được quy định tại Điều 63 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, hành vi sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động hành vi bạo lực gia đình sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Câu 49. Nhân viên y tế, nhân viên tư vấn trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình có hành vi tiết lộ thông tin cá nhân của nạn nhân bạo lực gia đình sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 64 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về tiết lộ thông tin về nạn nhân bạo lực gia đình. Cụ thể Điều luật này quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với nhân viên y tế, nhân viên tư vấn trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình có một trong những hành vi sau đây:

- Tiết lộ thông tin cá nhân của nạn nhân bạo lực gia đình mà không được sự đồng ý của nạn nhân hoặc người giám hộ của nạn nhân làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân.

- Cố ý tiết lộ hoặc tạo điều kiện cho người có hành vi bạo lực biết nơi tạm lánh của nạn nhân bạo lực gia đình.

Câu 50. Xin hỏi, người có hành vi vi phạm quy định về quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Tại Điều 67 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với người có hành vi vi phạm quy định về quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cố tình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong thời gian thi hành quyết định cấm tiếp xúc.

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng điện thoại, phương tiện thông tin khác để đe dọa, chửi bới, xúc phạm nạn nhân bạo lực gia đình.

c) Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi cố tình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong thời gian thi hành quyết định cấm tiếp xúc./.

Huyền Trang (Tổng hợp)

Bài viết khác: