Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) tại Đại hội XI (năm 2011) của Đảng ta xác định: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động".

doan ket dan toc bai 3
Lễ báo công, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh của học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2022. Ảnh: MỸ HÀ

DIỄN văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại".

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự hun đúc tình cảm, trí tuệ của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử.

Tư tưởng ấy, trước hết là Tinh thần độc lập, là quyết tâm bảo vệ độc lập, là quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Bác Hồ khẳng định độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền thiêng liêng của tạo hóa. "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy". Tháng 7/1945, tại lán Nà Nưa (Tuyên Quang), Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Trong Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày 17/7/1966, Người nêu chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Tư tưởng ấy là Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; cả dân tộc phải là một khối đại đoàn kết, một bức trường thành chiến lũy.

Ngày 1/2/1942, Bác viết bài "Nên học sử ta" trên báo Việt Nam Độc lập do Bác sáng lập, số ra ngày 1/2/1942, khẳng định: "Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn".

Ngày 19/4/1946, trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam họp tại Pleiku (Gia Lai), Bác viết những lời chân tình, thống thiết: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau".

Cũng năm 1946, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Bác viết: "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi" (Cứu Quốc, số 255 ngày 1/6/1946).

Chỉ trong một ngày, ngày 7/2/1958, tại Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần đanh thép tuyên bố trước thế giới rằng: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được"; "Nước Việt Nam là một khối thống nhất… Nguyện vọng tha thiết và ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam là thực hiện thống nhất đất nước… Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam". Đến khi sắp về với tổ tiên, với thế giới người hiền, trong bản Di chúc thiêng liêng, Bác còn dặn rằng: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta". Tư tưởng đoàn kết dân tộc là một phần trong tư tưởng nhân dân, thân dân, vì dân: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Những câu nói của Bác thường giản dị, nhưng chí lý, thấm sâu vào nhận thức, tình cảm của mọi người: "Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân"; "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".

Tư tưởng đại đoàn kết, thống nhất dân tộc, cũng thể hiện rất rõ trong quan điểm xây dựng chính đảng của Bác Hồ. Đảng Cộng sản Việt Nam, theo Bác, là "con nòi" của dân tộc, là chính đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là đại biểu cho lợi ích toàn dân tộc. Đảng đã và sẽ phải là đạo đức, văn minh, là đại diện của lương tri, danh dự, trí tuệ của dân tộc. "Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ" (Diễn văn kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng).

Trọng dụng hiền tài là một tư tưởng lớn khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được phát huy cao độ trong thời kỳ cách mạng mới. Cách mạng là sự nghiệp quần chúng. Song, chính quần chúng muốn làm nên sự nghiệp cũng cần sự dẫn dắt của một bậc hiền tài. Làm nên công trạng lớn, làm xoay chuyển thời cuộc, cần có hiền tài. Điều này cha ông ta đã nhận thức rất rõ qua bài minh của Thân Nhân Trung: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp".

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công, Bác đã viết bài "Tìm người tài đức" trên báo Cứu Quốc ngày 20/11/1946, có câu: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức". Đó không chỉ thể hiện tư tưởng trọng dụng hiền tài mà còn ở sự tin tưởng vào hiền tài trong nhân dân, không chỉ ở trong Đảng và bộ máy nhà nước. Thực tế, Bác đã thu hút, chân thành trọng đãi đối với các bậc nhân sĩ, trí thức.

★★★

Tư tưởng lớn, tình yêu lớn mang đến những khát vọng lớn.

Một ngày tháng 6 năm 1922, đối diện với Bộ trưởng Thuộc địa Pháp Albert Sarraut tại Paris, giữa một bên là "đại biểu của chế độ đế quốc thực dân", và một bên là người thanh niên thuộc địa không có gì ngoài lòng yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã hùng hồn tuyên bố: "Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập". Ông Bộ trưởng quyền lực ấy không thể ngờ được rằng, người thanh niên mảnh khảnh ấy lại chính là người sẽ đào mồ chôn chủ nghĩa thực dân mới và cũ mà ông ta và phe đế quốc hùng mạnh đại diện. Không người Việt Nam nào lại chưa từng nghe đến, chưa từng xúc động trước những câu nói thể hiện khát vọng lớn, tình cảm lớn của Bác: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành"; "Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi"…

Độc lập chỉ là bước đầu. Trong thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (Báo Cứu Quốc, 17/10/1945), Bác viết: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Không những thế, phải xây dựng Việt Nam thành một nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Và sứ mệnh ấy, Bác tha thiết gửi tới thế hệ trẻ: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Định hướng, giải pháp xây dựng và phát triển đất nước được Bác gửi gắm vào Di chúc: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"; vào tiêu ngữ mà ta gặp hằng ngày: Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.

Có một luận điểm cực kỳ quan trọng trong tác phẩm Đạo đức cách mạng của Bác Hồ (Tạp chí Học tập, 12/1958): "Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn".

Đó chính là cơ sở để chúng ta xây dựng học thuyết Chủ nghĩa xã hội đậm đà bản sắc Việt Nam, không thoát ly thực tiễn và cội nguồn dân tộc. Và chỉ như vậy, chúng ta mới động viên được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh lịch sử của chính dân tộc ta để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thực hiện khát vọng hùng cường.

(Còn nữa)

NGUYỄN SĨ ĐẠI

Theo Báo Nhân Dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: