Dân tộc Việt Nam là một dân tộc vĩ đại. Lịch sử là một kho báu lớn. Câu chuyện Hồ Hoàn Kiếm chứa một thông điệp sâu sắc.

doan ket dan toc bai 4
Những công trình và tuyến đường giao thông mới góp phần vào sự phát triển
 của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Mỹ Hà

Nó chỉ ra rằng, mỗi khi đất nước lâm nguy, thần thánh và cha ông sẽ trao cho con cháu thanh gươm đuổi giặc. Đáy hồ sâu, chính là lòng dân, là chiều sâu quá khứ, là nơi cất náu một gươm thần.

Hơn tất cả mọi thời đại, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã xây dựng được một nhà nước kiểu mới, nhà nước dân chủ nhân dân. Chúng ta lật đổ chế độ phong kiến, chế độ quân chủ cha truyền con nối, chế độ người bóc lột người, chứ không phải lật đổ cha ông.

Một phần do choáng ngợp trước những đổi thay mau chóng, có lúc do thói quen tôn sùng cái hiện tại, có khi do sự cực đoan trong tuyên truyền mà ta đã từng dựng nên một bức vách ngăn cách giữa chế độ ta và các chế độ phong kiến trước đó, cho rằng điều tốt đẹp nhất thuộc về hôm nay và cách mạng, những gì xấu xa thuộc về quá khứ và phong kiến. Thực tế cho thấy đó là một nhận thức hết sức sai lầm.

May thay, trong mỗi gia đình, dòng họ, xóm làng… còn những sợi dây bền chặt liên hệ với quá khứ. Nó như mạch máu không dứt, nguồn nước không vơi làm tươi tắn, hồng hào Tổ quốc. Nói "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", không phải là lát cắt ngang thời hiện tại, không phải là một mơ ước, một ý chí chính trị, mà là một thực tế, một sự thật xuyên suốt lịch sử.

Với tất cả tinh thần khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể tự hào nói rằng: Dân tộc ta là một dân tộc vĩ đại.

Vĩ đại vì những võ công oanh liệt, những chiến thắng lừng lẫy năm châu, được sử sách muôn đời nhắc đến!

Vĩ đại vì có một nền văn hiến lâu đời, có nhiều danh nhân văn hóa, nhất là Bác Hồ, người đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta, người còn mãi là ngọn đuốc soi đường cho nhân dân đi tới.

Vĩ đại vì lòng yêu chuộng hòa bình, lòng nhân ái bao la, sáng soi cùng nhật nguyệt, động đến đất trời, cảm hóa được kẻ thù. Từ chuyện Thạch Sanh dùng tiếng đàn để lui quân giặc, đến mưu phạt tâm công của Nguyễn Trãi và hòa hiếu Hồ Chí Minh, Người đã bao phen làm mọi cách để cứu vãn hòa bình-là một truyền thống, một đức tính của dân tộc.

Thi hành chính trị ở đất nước ta là "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo", không chỉ đối với trong nước, mà đối với cả những kẻ bại trận, khi từ Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh, đều sẵn sàng trải thảm cho kẻ thù rút lui trong danh dự, khiến chúng đã khiếp sợ trước uy vũ, còn khiếp sợ hơn trước uy đức: "Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh/Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc/ Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run"...

Trong lịch sử Việt Nam, ông vua tại vị lâu nhất là Lý Nhân Tông (1066-1128), lên ngôi năm 1072 trị vì đến lúc mất, cả thảy 56 năm. Đó là ông vua mở Quốc Tử Giám, phạt Tống, khởi công đắp đê… làm nên một thời kỳ "bách niên thịnh thế", bởi là người có học vấn uyên thâm, lòng nhân rộng mở, đức khiêm tốn ngày nay đáng học hỏi. Công lao như thế, nhưng trong di chúc (Lâm chung di chiếu) viết: "Trẫm đã ít đức, không làm gì cho trăm họ được yên đến khi chết đi lại bắt dân chúng mặc xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, để làm nặng thêm lỗi lầm của trẫm thì thiên hạ sẽ bảo trẫm là người như thế nào?".

Chúng tôi sẽ dừng câu chuyện lịch sử ở đây, sau khi tin chắc bạn đọc có thể thấy, lịch sử nước ta là một dòng chảy xuyên suốt không ngừng trong sự hào hùng, nhân nghĩa, vì thế mà lớn mạnh, vững bền.

★★★

Câu chuyện của chúng ta hôm nay là làm sao khơi dậy lòng tin, cảm hứng và sức mạnh để thực hiện quyết tâm xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn sau bao nhiêu năm thắng giặc, đưa đất nước sánh vai với cường quốc năm châu như mong mỏi thiết tha của Bác Hồ?

Chúng ta đã có đường lối đúng, mục đích rõ ràng, được ghi vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII: "Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Mục tiêu ấy được phấn đấu bởi con người. Con người hành động cần có cảm hứng. Muốn có cảm hứng, trước hết phải có lòng tin. Có lòng tin, có cảm hứng nhưng muốn có sức mạnh phải được nhập làn vào bể sóng lớn nhân dân, muôn người như một.

Để có lòng tin, việc đầu tiên là Đảng, người lãnh đạo nhân dân phải là tấm gương sáng, để nhân dân tin phục, noi theo. Đảng phải tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, cho sự cống hiến, hy sinh. Năm 1945, chỉ có hơn 5.000 đảng viên mà lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công. Miền nam, những năm 1958-1959 cả một vùng rộng lớn có khi chỉ còn một đảng viên mà nhen nhóm được phong trào, mà làm nên Đồng khởi và từ đó đi lên. Đó là những trang sử vẻ vang của Đảng, là gia tài quý báu hôm nay được thừa kế, để tri ân và rút kinh nghiệm sâu sắc.

Cần đẩy mạnh giáo dục thế hệ trẻ trên cả mặt trận giáo dục và tuyên truyền, làm cho mỗi người sinh ra phải hiểu biết và tự hào về lịch sử đất nước. Năm 1942, Bác Hồ mở đầu bài viết Nên học sử ta đăng trên báo Việt Nam độc lập, Bác yêu cầu "Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần đề nghị tích hợp Lịch sử vào môn học khác hoặc là môn tự chọn, tức là bỏ phần căn bản trong giáo dục con người, xem nhẹ văn hóa dân tộc, đi ngược lại Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngành tuyên truyền cũng cần xem lại mình khi đã thiếu, yếu trong giáo dục lý tưởng ra sao, đã để nảy mầm cho lối sống hưởng thụ, cho những yếu tố ngoại lai không lành mạnh ra sao. Trong lớp trẻ ngày nay, chúng ta hết sức tự hào và trân trọng các thế hệ tài năng, tâm huyết, cầu nối nhạy bén với tinh hoa thế giới, đang không ngừng sáng tạo ra những giá trị mà cha ông chưa làm được; nhưng cũng thấy hiện rõ một bộ phận người trẻ ích kỷ, xa rời các giá trị cộng đồng tốt đẹp.

Chúng ta không thể từ bỏ hoặc xem nhẹ công tác tuyên truyền, giáo dục, vì đó là công cụ để rèn người, như muốn rèn thép phải có búa tốt. Hiểu lịch sử, yêu địa lý, gắn bó với lao động nhân dân, mới luyện nên tình yêu Tổ quốc, luyện nên con người thấu hiểu bổn phận, có khát vọng cao đẹp và sức mạnh vươn tới ước mơ. Tuyên truyền, đi đôi với tổ chức, đưa lớp trẻ quăng thân vào cuộc sống, tạo điều kiện cho họ phát huy mọi khả năng, mọi sở trường. Chân lý, tình yêu chỉ có thể có được khi trải nghiệm thực tế, đúng như Chế Lan Viên từng viết:

Suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân

Lần thứ nhất nhà văn đi học cấy

Bỗng hối tiếc nghìn câu thơ nước chảy

Chửa "vì người" bằng một bữa cơm ăn

(Đi thực tế)

Việc của cha anh, việc của hôm nay là nuôi lớn những Thánh Gióng, xây nên mơ ước, đúc nên ý chí, những giáp sắt, ngựa sắt. Và có thể hoàn toàn yên tâm về việc bảo vệ xây dựng Tổ quốc, về việc làm cho nước nhà thịnh trị của những Thánh Gióng tương lai.

Có một dân tộc Việt vĩ đại.

Có một giấc mơ Vạn Xuân, Đại Việt đã và sẽ sớm thành hiện thực trên đất nước ta!

NGUYỄN SĨ ĐẠI

Theo Báo Nhân Dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: