Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Mối quan hệ giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo với người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ là mối quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò của cá nhân người đứng đầu; là sự tác động biện chứng qua lại giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo với thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; giữa tập trung và dân chủ; giữa tập trung và phân cấp, phân quyền; giữa lãnh đạo và quản lý; giữa tập thể và cá nhân. Nhận thức đầy đủ và giải quyết đúng đắn mối quan hệ này sẽ bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện đúng đắn; ngược lại sẽ làm cho công tác cán bộ xảy ra nhiều tiêu cực.

moi quan he 1
Ảnh minh họa

Một số vấn đề đặt ra trong mối quan hệ giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo với người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ

Thứ nhất, đề cao vai trò của lãnh đạo tập thể, xem nhẹ vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Việc phân định trách nhiệm của người đứng đầu trong mối quan hệ với cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ; chưa phát huy đúng mức vai trò của cá nhân trong tập thể”(1). Thực tế cho thấy, nhiều nơi vai trò phụ trách của người đứng đầu khá mờ nhạt, không thể hiện được vai trò, bản lĩnh trong tổ chức thực hiện việc đã quyết; thiếu kiểm tra, giám sát để cấp dưới sai phạm trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, xu hướng đề cao vai trò của lãnh đạo tập thể còn dẫn đến vừa thiếu dân chủ, vừa thiếu tập trung, không xác định được trách nhiệm khi có sai phạm xảy ra.

Thứ hai, độc đoán, vượt quyền, lộng quyền khi vai trò người đứng đầu cấp ủy lấn át vai trò tập thể, hoặc không tuân thủ ý kiến của tập thể.

Việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ không rõ ràng, chế tài trách nhiệm không đủ mạnh dẫn đến người đứng đầu cấp ủy có thể lợi dụng sơ hở trong quy định về trách nhiệm để đưa ra các quyết định của tập thể về công tác cán bộ theo ý đồ vụ lợi của mình, khi có sai phạm thì trốn tránh, đổ trách nhiệm cho tập thể lãnh đạo.

“Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”.

(Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng).

 

Thứ ba, cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ chưa đủ hiệu lực.

Cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ chưa thực sự rõ ràng, hiệu quả, dẫn đến tình trạng người đứng đầu cấp ủy không thực hiện đúng quy định; không thực hiện nghiêm trách nhiệm được giao, độc đoán, áp đặt, lạm quyền, lộng quyền, thậm chí tham nhũng trong công tác cán bộ, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa kịp thời, chưa sát thực tế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số chủ trương, nghị quyết có nơi, có lúc chưa quyết liệt, còn yếu kém, chậm trễ nhưng chưa xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu”(2).

Thứ tư, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy không tương xứng với thẩm quyền.

Điều bất cập này dẫn đến người đứng đầu cấp ủy không đủ thẩm quyền để thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Đồng thời, cũng khó quy trách nhiệm cho họ khi có tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong công tác cán bộ. Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo với người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ chưa cụ thể, chế tài chưa đủ mạnh, do đó hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa đủ sức ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, cần làm rõ, cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách theo hướng vừa phát huy trí tuệ tập thể, quy chế dân chủ; vừa khuyến khích sự năng động, sáng tạo của người đứng đầu; trao thẩm quyền nhiều hơn và quy định chặt chẽ về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ.

Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong mối quan hệ với tập thể lãnh đạo trong công tác cán bộ.

Cần rà soát, đánh giá việc thực hiện mối quan hệ giữa thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể lãnh đạo với người đứng đầu cấp ủy tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để ban hành quy định về mối quan hệ giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cấp ủy trong các khâu đánh giá, lựa chọn, giới thiệu, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, nhằm đảm bảo cho tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cấp ủy phát huy hết vai trò, nhiệm vụ của mình trong công tác cán bộ. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm tương ứng với kết quả đạt được và những sai phạm trong công tác cán bộ.

Thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy trong công tác cán bộ cần đảm bảo tương xứng và gắn với thẩm quyền của tập thể lãnh đạo. Cụ thể, quy định về trách nhiệm chung của tập thể cấp ủy và trách nhiệm của thành viên cấp ủy trong công tác cán bộ; rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; kiểm soát việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ. Hướng dẫn cụ thể mối quan hệ công tác, chế độ báo cáo, phân rõ thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và từng thành viên của tập thể lãnh đạo với người đứng đầu cấp ủy và ngược lại. Quy định việc chịu trách nhiệm về chính trị hoặc lượng hóa việc chịu trách nhiệm bằng trách nhiệm vật chất đối với từng thành viên tập thể lãnh đạo. Một số quốc gia như Pháp, Singapore… đã xây dựng thể chế quy định trách nhiệm người giới thiệu phải chịu trách nhiệm về chính trị hoặc trách nhiệm vật chất. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, có thể nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nói trên của Pháp, Singapore để tránh vụ lợi trong công tác cán bộ.

“… xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng”.

(Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng).

 

Hai là, tập trung chỉ đạo và giám sát, kiểm tra việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Trọng tâm của nội dung này là giám sát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm chế độ giám sát thường xuyên đối với công tác cán bộ theo quy định, chú trọng giám sát người đứng đầu cấp ủy, tập thể lãnh đạo cấp ủy, cá nhân làm công tác cán bộ. Hàng năm, cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đoàn giám sát chuyên đề, chuyên ngành về công tác cán bộ đối với cấp dưới. Cơ quan làm công tác cán bộ và người được phân công phụ trách, theo dõi địa bàn, lĩnh vực thực hiện chế độ báo cáo và chịu trách nhiệm với nội dung báo cáo, nhận xét, đánh giá của mình về công tác cán bộ. Thực hiện cơ chế giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; giám sát, phản ánh của Nhân dân đối với cán bộ và công tác cán bộ. Trường hợp phát hiện đối tượng giám sát có dấu hiệu vi phạm thì tập thể, thành viên thực hiện việc giám sát phải báo cáo cấp có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận, xử lý theo quy định.

Hàng năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp tỉnh xây dựng kế hoạch và tiến hành tự kiểm tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất theo quy định. Chú trọng kiểm tra của cấp trên với cấp dưới, kiểm tra chuyên ngành việc thực hiện các nội dung công tác cán bộ. Cơ quan làm công tác cán bộ của cấp ủy cấp trên định kỳ kiểm tra việc tham mưu, đề xuất, thẩm định và quyết định trong thực hiện các nội dung công tác cán bộ của cấp dưới trực tiếp. Khi phát hiện có hành vi vi phạm trong công tác cán bộ, người đứng đầu cấp ủy phải kịp thời chỉ đạo kiểm tra, kết luận, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Chú trọng phát huy dân chủ để kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ. Công khai, minh bạch kết quả thực hiện các quy định về công tác cán bộ; kết quả thực hiện các khâu trong công tác cán bộ tại các hội nghị, hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc. Kiểm soát mối quan hệ lợi ích trong thực hiện công tác cán bộ của người đứng đầu cấp ủy. Người đứng đầu và người trực tiếp tham mưu về công tác cán bộ chịu trách nhiệm về việc nhận xét, đánh giá, thẩm định hồ sơ và đề xuất quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ thuộc thẩm quyền, nhất là người có quan hệ dòng tộc, gia đình; người được giao theo dõi, phụ trách về công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực không quá 05 năm liên tiếp. Cấp có thẩm quyền rà soát, thực hiện điều chuyển vị trí, địa bàn công tác khác đối với các trường hợp nêu trên. Thực hiện nghiêm yêu cầu đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XIII.

Truy cứu trách nhiệm và xử lý kỷ luật trong thực hiện công tác cán bộ của người đứng đầu cấp ủy nếu để xảy ra sai phạm. Tạm đình chỉ công tác, chức vụ để kiểm điểm, kiểm tra làm rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; cán bộ tham mưu về công tác cán bộ; cán bộ theo dõi địa bàn, lĩnh vực; thành viên đoàn kiểm tra, giám sát có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong công tác cán bộ. Đình chỉ công tác, chức vụ; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, kiểm tra, thanh tra, nội vụ; không phân công theo dõi địa bàn, lĩnh vực, tham gia đoàn kiểm tra, giám sát đối với người đã có kết luận vi phạm nghiêm trọng trong công tác cán bộ. Đưa ra khỏi quy hoạch, không luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử có thời hạn đối với cán bộ vi phạm trong công tác cán bộ. Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định đã có kết luận vi phạm nghiêm trọng trong công tác cán bộ; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân có liên quan. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai phạm hoặc không chỉ đạo xử lý khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác cán bộ ở cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý.

Ba là, rà soát, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy nhằm cụ thể hóa trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể lãnh đạo với cá nhân người đứng đầu cấp ủy  trong công tác cán bộ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, nhằm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo vai trò lãnh đạo tập thể của cấp ủy, phát huy tốt trách nhiệm cá nhân cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu và giải quyết tốt các mối quan hệ công tác. Quy chế cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể cấp ủy và của từng ủy viên. Cần phải phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng với quản lý, điều hành của Nhà nước để vận dụng vào thực tiễn từng công việc cụ thể. Các quy định trong quy chế của cấp ủy cần bảo đảm tính khoa học, phải tuân thủ các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách và phù hợp với các quy định của cấp trên.

Quá trình xây dựng, nhất là thực hiện quy chế các cơ quan tham mưu giúp việc cần thường xuyên giúp cấp ủy rà soát phát hiện nội dung cần sửa đổi và bổ sung cho phù hợp. Đặc biệt, khi cấp ủy giải quyết công việc chưa đúng với quy chế cần kịp thời góp ý, đề xuất tham mưu để giúp lãnh đạo chấn chỉnh, sửa chữa. Đối với các thành viên của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy cần lắng nghe và xử lý tốt các thông tin để có quyết định chính xác, đúng đắn. Mặt khác, cấp ủy cấp trên cần thường xuyên tiến hành kiểm tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế của cấp ủy cấp dưới để làm rõ những ưu điểm và kịp thời uốn nắn việc làm chưa đúng, những hạn chế và việc làm vi phạm quy chế, lợi dụng chức quyền, lợi dụng danh nghĩa tập thể lãnh đạo trong công tác cán bộ theo động cơ cá nhân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Từ những khó khăn, hạn chế trong thực tế của việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn về việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá, tổng kết và kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, trong đó chú trọng đến việc thực hiện mối quan hệ giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo với cá nhân người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ./.

------------------

Ghi chú:

(1),(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.225, tr.178.

TS Nguyễn Ngọc Ánh - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo tcnn.vn

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: