Tôi nghĩ đến lý thuyết xác suất khi đọc về những con tàu đi kích nổ thủy lôi, những phương pháp hết sức mạo hiểm đã được sử dụng như kích nổ thủy lôi bằng tấm tôn, thùng phuy, cục nam châm, hiện đại hơn thì có khung từ kéo sau đuôi tàu và sau này là quấn trước mũi tàu.

huyen thoai
Đại Đội phó Trương Thế Hùng tìm cách vô hiệu quả thủy lôi MK-52 đầu tiên tại
 huyện Nam Đàn (Nghệ An) tháng 3/1967. Ảnh tư liệu.

Xác suất là kỳ vọng được hình thành dựa trên hiểu biết. Dự đoán có đúng hay không phụ thuộc vào việc bạn có đủ kiến thức về sự vật, sự việc hay không.

Thủy lôi là một loại vũ khí dưới nước mới mà người Việt Nam chưa từng đối mặt vào thời điểm năm 1967. Cơ chế kích nổ của thủy lôi gồm có kích nổ bằng từ trường, kích nổ bằng âm thanh, kích nổ bằng lực ép.

Ngày 26/2/1967, 100 quả thủy lôi đầu tiên đã được thả xuống bốn cửa sông miền bắc để ngăn chặn con đường giao thông trên sông biển. Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn ác liệt.

Trung ương Đảng và Bác Hồ đã dự đoán được âm mưu phong tỏa miền bắc của đế quốc Mỹ và đã có sự chuẩn bị trước. 1/6/1966, Thường vụ Quân ủy Trung ương xác định: "Vấn đề chống phong tỏa các cảng là một nhiệm vụ cấp thiết" và giao cho Quân chủng Hải quân làm đề án phòng chống địch phong tỏa bằng thủy lôi.

Việc tổ chức xác minh, phá gỡ là một vấn đề rất phức tạp và mới mẻ. Hàng chục lớp huấn luyện được tổ chức, hàng ngàn trạm quan sát được dựng lên ven biển 10 tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Các lực lượng hiệp đồng cụ thể trong đó Hải quân giữ vai trò là nòng cốt chủ lực, đột phá, đi tiên phong trong cuộc chiến đấu quan trọng này.

Đợt một, từ ngày 26 tháng 2 đến ngày 20 tháng 5 năm 1967 Mỹ thả 106 quả thủy lôi xuống bốn cửa sông lớn thuộc địa bàn Quân khu IV là sông Mã (28 quả), sông Lam (Cửa Hội 32 quả), sông Gianh (34 quả) và sông Nhật Lệ (12 quả). Riêng ở Hải Phòng, chúng thả ở các luồng lạch chung quanh thành phố với ý đồ vừa thăm dò dư luận, vừa xem khả năng phản ứng của ta. Tiếp đó, chúng dùng máy bay A6-A, A-D6, F4, F7, F8... liên tục thả hàng ngàn quả thủy lôi MK-50 (loại thủy lôi cảm ứng âm thanh) và MK-52 (loại thủy lôi cảm ứng từ trường), hình thành những tuyến chướng ngại trên khắp các cửa sông, biển miền bắc. Do đặc điểm các dòng sông ở miền bắc có luồng chảy hẹp, uốn lượn ngoằn ngoèo và bị hỏa lực dày đặc của các lực lượng phòng không 3 thứ quân của ta đánh trả quyết liệt, nên máy bay địch không thể bay thấp để thả thủy lôi trúng luồng. Những quả thủy lôi rơi trúng luồng cũng ít phát huy tác dụng vì bị ta phát hiện, rà phá, tháo gỡ.

Đợt hai, từ tháng 6 năm 1967 đến tháng 10 năm 1968, địch đã sử dụng bom từ trường DST-36 khống chế hẹn nổ như thủy lôi để thay thế thủy lôi. Đây là loại vũ khí rất nguy hiểm, có tác dụng chiến đấu cả ở trên cạn và dưới nước. Khi được thả từ máy bay xuống, bom từ trường chui sâu dưới đất, rất khó phát hiện và nếu phát hiện được cũng rất khó đưa lên, nhất là ở dưới nước, nên mức độ nguy hiểm lớn hơn rất nhiều.

Nhận được thông tin đêm 26 tháng 2 năm 1967, địch bắt đầu thả thủy lôi phong tỏa bốn cửa sông lớn thuộc Quân khu IV, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ thị cho Đội 8 Công binh cử ngay một tổ chín đồng chí vào Khu IV phối hợp với lực lượng tại chỗ để khảo sát, nghiên cứu tìm cách tháo gỡ, rà phá. Khi có thông tin bộ đội Công binh Quảng Bình vớt được 2 quả thủy lôi của địch thả ở bãi sông gần bến phà Gianh và đưa lên xe ô-tô tải chở ra Nam Đàn, Nghệ An thì tổ "tiền trạm" của Đại đội 8 Công binh cấp tốc hành quân đến nơi để hai quả thủy lôi và khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ. Được sự hợp tác có hiệu quả của bộ đội Công binh tỉnh Quảng Bình và nhân dân địa phương, trên cơ sở những kiến thức cơ bản đã được học về thủy lôi, ba đồng chí của Đại đội 8 Công binh Hải quân do đồng chí Trương Thế Hùng, Đại đội phó kỹ thuật trực tiếp phụ trách cùng các đồng chí Trần Thanh Hoài và Đào Kỳ khẩn trương triển khai nghiên cứu, tháo gỡ thủy lôi bằng dụng cụ sửa chữa xe đạp. Chấp nhận vào tháo gỡ thủy lôi trong tình trạng như vậy là chấp nhận sẵn sàng hy sinh bất cứ lúc nào. Song với quyết tâm cháy bỏng tìm cho được bí mật của vũ khí thủy lôi của địch, bằng trí thông minh, lòng quả cảm, các đồng chí trong tổ thay nhau trực tiếp đương đầu với quả thủy lôi, cẩn thận tháo và đánh dấu thứ tự từng con ốc để tiện theo dõi, đề phòng địch có thể đặt bẫy, thủy lôi sẽ nổ, hoặc xì khí độc giết chết người tháo gỡ. Suốt một ngày trời đầy căng thẳng, vất vả, cuối cùng, 2 quả thủy lôi hiện đại của địch đã được các chiến sĩ Công binh Hải quân tháo gỡ an toàn, tạo cơ sở cho việc tìm hiểu cấu tạo, nguyên lý hoạt động và cách để vô hiệu hóa.

Ngày 5 và 6 tháng 7 năm 1967, Quân chủng Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc tổ chức Hội nghị hiệp đồng chống phong tỏa với các Quân khu Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Việt Bắc, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang, Bộ Tư lệnh Công binh, Cục Tác chiến, Cục Dân vận, Cục Vận tải đường biển, Cục Đường sông, Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh 350 và Công an vũ trang Quảng Ninh... để thống nhất các biện pháp tổ chức chống địch phong tỏa, tổ chức các trạm quan sát ở ven sông, biển, gấp rút tổ chức các đội tháo gỡ chuyên nghiệp, nghiên cứu phương án mở đường vòng tránh và tận dụng mọi khả năng để nghiên cứu, chế tạo các phương tiện, thiết bị khí tài rà phá thủy lôi.

Từ những khám phá, kết luận về thủy lôi và bom từ trường của địch, cán bộ ngành kỹ thuật Hải quân đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công các phương tiện, thiết bị rà phá thủy lôi như HDL-9 (Hải quân diệt lôi-9), HT-5 (Hải quân từ trường-5), HT-6. Với cơ sở thiết bị này, chúng ta đã nhờ Trung Quốc cải tiến, chế tạo ra máy phóng từ 311 và 480 để lắp đặt trên các tàu rà phá thuỷ lôi, bom từ trường vào giai đoạn sau.

Trên cơ sở các thiết bị HDL-9, HT-5, HT-6 và PĐ-67 của kỹ thuật Hải quân nghiên cứu chế tạo, các nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Cơ khí Duyên Hải, xưởng Cơ khí Cục Vận tải đường biển, Xí nghiệp 25 của Tổng cục Thủy sản, Xí nghiệp cơ khí Hòn Gai, Cẩm Phả đã tiến hành sản xuất hàng loạt các thiết bị rà phá để cung cấp cho các lực lượng tham gia chống đế quốc Mỹ phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường trên các vùng sông, biển miền bắc Việt Nam.

Trong cuộc leo thang chiến tranh phá hoại lần thứ hai, đế quốc Mỹ đã ném xuống miền bắc nước ta 17.080 quả bom, mìn các loại, trong đó có 7.963 quả thủy lôi và bom từ trường phong tỏa các khu vực cảng, cửa sông, ven biển thuộc 10 tỉnh duyên hải từ Quảng Ninh đến Quảng Trị.

Từ kết quả nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm thực tế ở các đơn vị và lực lượng rà phá, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân xác định, để chống cuộc phong tỏa của địch cần phải kết hợp ba phương pháp cơ bản là: dùng lực lượng công binh để dò lặn, tháo gỡ thủy lôi; dùng bộc phá và bom nổ để kích nổ thủy lôi; kết hợp sử dụng các phương tiện rà quét thô sơ, kéo khung nam châm với các khí tài phóng từ loại nhẹ và loại mạnh để phá thủy lôi và bom từ trường, trong đó sử dụng các phương tiện khí tài phóng từ loại nhẹ và loại mạnh để rà phá là chủ yếu.

Ngày 27 tháng 6 năm 1973 là ngày diễn ra Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ, được xác định là dấu mốc lịch sử kết thúc thắng lợi nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường lần thứ hai trên sông, biển miền bắc Việt Nam- một trong những chiến công tiêu biểu trong quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Quân chủng Hải quân, tháng 5/1970, đã đánh giá: "Hải quân nhân dân Việt Nam với tinh thần anh dũng sáng tạo đã cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân ven sông, ven biển giải quyết được hàng ngàn quả thủy lôi và bom từ trường. Công binh Hải quân đã phát huy tinh thần dũng cảm và trí thông minh tích cực mở đường mà đi, giảm khó khăn thiệt hại và hạn chế tác dụng do bom mìn thủy lôi gây ra. Tích cực chủ động, kiên quyết linh hoạt mưu trí sáng tạo, bí mật bất ngờ là truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam"./.

TẠ BÍCH LOAN

Theo Báo Nhân Dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: