Sự nghiệp đổi mới là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Điều đó được phản ánh rõ nét qua nhiều bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và làm sáng tỏ cơ chế vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV_Ảnh: TTXVN
1- Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là tập hợp các thành tố cơ bản, bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Các bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị được vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, Đoàn thể tập hợp lực lượng”; trong đó, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, điều đó được thể hiện:
Thứ nhất, khẳng định tính đúng đắn của sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội và lý giải sâu sắc vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (tác phẩm) đưa ra các luận cứ sau:
Tổng Bí thư đưa ra cách tiếp cận về chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm là: “chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay”(1). Học thuyết Mác - Lê-nin là học thuyết cách mạng, khoa học, tiến bộ, có giá trị nhân văn sâu sắc bởi đó là học thuyết duy nhất từ trước tới nay đặt ra mục tiêu và chỉ rõ con đường giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Đồng thời, tính khoa học thể hiện ở chỗ, đây là học thuyết mở, đòi hỏi luôn bổ sung, đổi mới, phát triển để phù hợp với thực tiễn.
Tổng Bí thư đặt vấn đề: “khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào... Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội,... công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản.... Thực tế có phải hiện nay chủ nghĩa tư bản, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?”(2).
Luận giải quan điểm trên, Tổng Bí thư đưa ra dẫn chứng so sánh bản chất giữa chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa với xã hội chủ nghĩa. Với quan điểm khách quan, toàn diện của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tác phẩm không phủ nhận mà khẳng định các giá trị, vai trò của chủ nghĩa tư bản đối với sự phát triển của lịch sử nhân loại: “chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ... hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”(3). Tuy nhiên, tác phẩm cũng khẳng định “chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”(4) do đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa “lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”(5) đã dẫn đến các khủng hoảng kinh tế - tài chính, năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái; những bất công xã hội; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn... Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển, đã chứng minh các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” không thể bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; hệ thống quyền lực ở các nước tư bản chủ nghĩa vẫn chủ yếu thuộc về giai cấp tư sản (thiểu số giàu có) và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. “Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội... Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át”(6). Kết quả các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ” có thể thay đổi chính phủ, nhưng bản chất thống trị của tư bản không thay đổi; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản và quyền lực của nhân dân lao động thực sự không có.
Chỉ ra các hạn chế của chủ nghĩa tư bản, trong đó có cả ở các nước tư bản phát triển, các nước tư bản lâu đời cho thấy đây không phải là mô hình xã hội ưu việt mà nhân loại và Việt Nam cần hướng tới. Tác phẩm khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn... cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên... Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”(7), “đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”(8). Đoạn này lặp lại rất nhiều từ “chúng ta cần”, cho thấy chế độ xã hội chủ nghĩa chúng ta đang xây dựng chưa hiện hữu, đó là mục tiêu, mong ước hướng tới. Những giá trị ưu việt, tiến bộ đó của chủ nghĩa xã hội không chỉ phù hợp với ý chí, nguyện vọng và mong ước của nhân loại, mà còn là khát vọng của toàn dân ta, nó còn phù hợp với các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh với dựng nước và giữ nước. Đó là truyền thống nhân đạo, nghĩa tình, tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc, đại nghĩa hào hiệp, nhân đạo, nhân văn. Trong những thời điểm khó khăn của đất nước, luôn thấy sự ngời sáng của tình đoàn kết, sự yêu thương, chia sẻ, đùm bọc, nghĩa tình đồng bào, đồng chí cùng vượt qua khó khăn ở khắp mọi miền Tổ quốc... và đặc biệt là giá trị nhân văn vì nhân dân, vì con người. Với các quan điểm như “lấy sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”; “chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đã thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Do đó, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là yêu cầu khách quan, con đường tất yếu, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế tiến bộ của thời đại ngày nay. Tác phẩm cũng chỉ rõ, việc bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản”(9). Những luận cứ này không chỉ khẳng định niềm tin vào con đường mà Đảng ta đã chọn, mà còn là vũ khí sắc bén để giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên đấu tranh phản bác chống các quan điểm sai trái về học thuyết Mác - Lê-nin, chủ nghĩa xã hội, và mục tiêu, lý tưởng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thứ hai, tác phẩm đã tổng kết thực tiễn, đưa ra cái nhìn tổng thể, toàn diện về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam với những luận cứ sau:
“Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(10). Đây chính là sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện thực tiễn nước ta. Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định, kiên trì con đường đó. Và thực tiễn đã chứng minh sự lựa chọn và kiên định con đường đó của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn. Điều đó được thể hiện ở thành công của công cuộc đấu tranh giành chính quyền và bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, tiêu biểu là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước và thực hiện thành công con đường đổi mới, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, tốt đẹp cho đất nước qua hơn 35 năm. Tác phẩm đã đưa ra những dẫn chứng sinh động, cụ thể và toàn diện trên các mặt để chứng minh thành tựu to lớn mà công cuộc đổi mới mang lại như: “Kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố”(11). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(12). Những thành tựu đó là một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ của các thế hệ lãnh đạo qua nhiều nhiệm kỳ, của toàn Đảng, toàn dân. Các mục tiêu, quan điểm và định hướng quan trọng trong xây dựng đất nước mà tác phẩm cũng đưa ra trong thời gian tới là kết quả của quá trình nhận thức ngày càng sâu sắc, hoàn thiện và đúng đắn hơn của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng đối với mọi thành công của cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, tác phẩm đã làm sáng tỏ cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” của hệ thống chính trị ở nước ta với những cơ sở khách quan và yêu cầu trong tình hình mới như sau:
Trong tác phẩm, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở nước ta được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bởi vì: “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”(13). Để tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ của Đảng và đổi mới chính trị, Đại hội XIII của Đảng đã tập trung ba nội dung cơ bản, trọng yếu: 1- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; 2- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; 3- Mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Đây là ba nội dung cơ bản, trọng yếu mang tính đột phá trong đổi mới chính trị; trong đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu.
Từ cơ sở lý luận về xây dựng Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đến những vấn đề cụ thể về Quốc hội, Chính phủ, nội chính, kiểm tra, văn hóa, đối ngoại; công tác tổ chức, cán bộ; thi đua##- khen thưởng; về công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, về xây dựng lực lượng quân đội, công an,... ở lĩnh vực nào Tổng Bí thư cũng có phân tích sâu sắc, sẻ chia, đồng cảm, gợi mở, định hướng thuyết phục và nhấn mạnh: “Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”(14). Phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, để Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”; phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ở nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong đó có việc phát huy những nhân tố tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực, mặt trái của nền kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế.
Tác phẩm đã làm rõ hơn mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát của hệ thống chính trị ở nước ta gồm có 3 bộ phận: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đây cũng là vấn đề được Tổng Bí thư đề cập ở nhiều bài viết, bài phát biểu trong 29 bài viết, bài phát biểu của Tác phẩm. Đảng lãnh đạo là đề ra đường lối, chủ trương, phương hướng xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, mở rộng các quan hệ đối ngoại; lãnh đạo thông qua tuyên truyền, giáo dục; lãnh đạo thông qua công tác tổ chức cán bộ; lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát; và Đảng lãnh đạo thông qua sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng. Nhà nước quản lý thông qua việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành văn bản luật, chính sách và tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các chính sách nhằm biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực. Nhân dân làm chủ bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội) nhằm thực hiện quyền làm chủ của mình. Đồng thời, nhân dân cũng là chủ thể thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và được thụ hưởng các thành quả do chính mình làm ra.
Cán bộ, đảng viên xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai hướng dẫn đồng bào cách chăm sóc quýt - cây hàng hóa chủ lực của địa phương cho giá trị kinh tế cao
_Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư chỉ rõ, trong chế độ chính trị của chúng ta: “Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”(15). Vì vậy, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, là xây dựng một chế độ “hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội”(16). Đây là những chỉ dẫn rất quan trọng của Tổng Bí thư trong quá trình xây dựng chế độ chính trị và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, đồng thời lưu ý cần: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. “Đặc biệt là cần phải đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ, chính quyền các địa phương và giữa các cơ quan, đơn vị này với các cơ quan, đơn vị của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, hệ thống các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất; tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây””(17).
2- Để củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí, quyết tâm và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, Tổng Bí thư yêu cầu:
Thứ nhất, đối với Quốc hội, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và các kết quả đạt được, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn mới. Quốc hội cần tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các quyết sách quan trọng tại Đại hội XIII của Đảng đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới, và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đối với các đại biểu Quốc hội “cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó”(18). Quốc hội “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”(19).
Thứ hai, đối với Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới, từng bước đưa đất nước vượt qua thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. “Xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là cơ quan trực tiếp tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực sinh động, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, làm vẻ vang cho dân tộc, cho giống nòi”(20).
Thứ ba, đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phát huy truyền thống đoàn kết, huy động sức mạnh toàn dân tộc; và “tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; thiết thực hiệu quả hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; Đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh”(21).
Thứ tư, đối với các cơ quan nội chính phải thật sự là những “thanh bảo kiếm sắc bén” và “lá chắn vững chắc” để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội.“Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ, công chức cơ quan nội chính phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để “thanh bảo kiếm” luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để “lá chắn” luôn vững vàng, chắc chắn, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên “bọc đường””(22).
Tóm lại, tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có tính khoa học và tính chiến đấu cao, giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới hiểu rõ hơn về mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Tác phẩm cũng là “vũ khí lý luận gắn với thực tiễn” có giá trị sắc bén, để đập tan những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị chống phá, mưu toan thực hiện mục tiêu xóa bỏ, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta đó là: phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; chống phá và đòi bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam... Với các luận cứ lý luận khoa học và minh chứng thực tiễn sinh động, tác phẩm đã khẳng định tính đúng đắn về sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tác phẩm có nhiều bài viết, bài phát biểu đã làm rõ cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, hướng tới mục tiêu tổng quát “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
TS NGUYỄN DŨNG ANH
Trưởng Khoa Lãnh đạo học và chính sách công,
Học viện Chính trị khu vực III
Theo Tạp chí Cộng sản
Thanh Huyền (st)
----------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 18
(2), (3), (4), (5), (6), (7) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 18, 18 - 19, 19, 20, 21, 21
(8), (9), (10) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 22, 25, 22
(11), (12), (13), (14) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 33, 34, 226, 29
(15), (16), (17), (18) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 93, 93, 96, 81
(19), (20), (21 (22) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 81, 98, 118, 141