Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Từ đầu năm 2021 đến nay, công tác hậu cần - kỹ thuật (HC-KT) gặp nhiều khó khăn do điều kiện khách quan, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, xung đột quân sự Nga-Ukraine và biến đổi khí hậu, thiên tai... Trong khi đó, công tác HC-KT đòi hỏi ngày càng cao.

Với quyết tâm thực hiện tốt công tác HC-KT để toàn quân hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đề ra, ngành HC-KT đã nỗ lực phấn đấu, triển khai đồng bộ các giải pháp, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Chủ động, sáng tạo trong bảo đảm hậu cần

Hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường gây khó khăn và đặt ra nhiều thách thức đối với Tổng cục Hậu cần (TCHC) và ngành hậu cần Quân đội trong tổ chức bảo đảm hậu cần. Nhưng với tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, linh hoạt, sáng tạo áp dụng các phương thức bảo đảm, ngành hậu cần đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất.

dau an 4
Bộ đội Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng bữa ăn. Ảnh: THANH HIỀN

Nổi bật là, ngành hậu cần đã quán triệt, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TCHC nhiệm kỳ 2020-2025, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chỉ lệnh công tác hậu cần, bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và đột xuất; tập trung ưu tiên bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, địa bàn trọng điểm, phòng, chống dịch bệnh cùng các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Đồng thời, rà soát, bổ sung kịp thời hệ thống văn kiện hậu cần tác chiến; hướng dẫn, chỉ đạo nội dung hậu cần và công tác bảo đảm hậu cần cho diễn tập ở các cấp, nhất là các cuộc diễn tập do Bộ Quốc phòng tổ chức đạt kết quả tốt.

Hậu cần các cấp chủ động tham mưu, đề xuất huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hoạt động hậu cần khu vực phòng thủ; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần sẵn sàng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo quốc tế. Đặc biệt, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát nhanh trên diện rộng, kéo dài, tập trung tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, ngành hậu cần Quân đội đã huy động cao nhất các nguồn lực, thực hiện tốt “4 tại chỗ”, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, tổ chức tiếp nhận, vận chuyển, bảo đảm tốt hậu cần cho công dân cách ly y tế tập trung; nhanh chóng điều động, cơ động tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế hiện đại xung kích hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch. Lần đầu tiên ngành quân y triển khai thành lập, vận hành các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19; triển khai các tổ, đội quân y cơ động lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm phòng, tư vấn, điều trị các ca F0 tại nhà...

Trong công tác hậu cần thường xuyên, hậu cần các cấp nắm chắc tình hình, thích ứng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm. Toàn ngành triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện tốt quy định về quản lý chất lượng vật chất hậu cần, tạo nguồn mua sắm từ ngân sách được phân cấp, bảo đảm kịp cho các đối tượng, nhiệm vụ. Công tác quân nhu tập trung tổ chức tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng bộ đội; phát huy hiệu quả các mô hình tăng gia sản xuất, trạm chế biến tập trung, chủ động tạo nguồn, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn; triển khai kế hoạch mua sắm, lắp đặt hệ thống bếp dầu, bếp điện, máy lọc nước uống trực tiếp cho các đơn vị; nghiên cứu thử nghiệm xe bếp tự hành; tham mưu, phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất, chế biến trong Quân đội bảo đảm phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030”; tham mưu với Bộ Quốc phòng triển khai hiệu quả Chương trình “Trồng 1 tỉ cây xanh-Vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động; tập trung phối hợp nghiên cứu mẫu lễ phục mới của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp.

Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành quân y đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế dự phòng địa phương, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống say nắng, say nóng, bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ sức khỏe bộ đội được thực hiện tốt; chất lượng công tác thu dung, cấp cứu, điều trị các tuyến bảo đảm an toàn. Nhờ đó, tỷ lệ quân số khỏe bình quân trên 99,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong công tác doanh trại, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, triển khai đầu tư được bảo đảm đúng quy định. Toàn ngành tích cực củng cố, sửa chữa doanh trại, doanh cụ, cảnh quan, môi trường; chủ động triển khai mua sắm bảo đảm đủ doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt thống nhất, chính quy. Đặc biệt, nhiều thiết kế mẫu thuộc các loại hình đơn vị được triển khai, áp dụng thống nhất theo hướng ngày càng hiện đại, tiện dụng, phù hợp với đều kiện ăn, nghỉ của bộ đội.

dau an 4 2
Bộ đội Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) chăm sóc rau xanh sau giờ huấn luyện. Ảnh: THANH HIỀN.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn nhập khẩu, song ngành xăng dầu đã chủ động tạo nguồn bảo đảm đủ, kịp thời xăng dầu, phương tiện kỹ thuật, vật tư xăng dầu cho các nhiệm vụ. Vừa qua, TCHC đã đề xuất báo cáo Bộ tạo nguồn mua nhiên liệu, dầu mỡ đặc chủng trong nước sử dụng thay thế nhập khẩu; phối hợp với các cơ quan, đơn vị hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước một số chủng loại dầu mỡ đặc chủng sử dụng cho trang bị kỹ thuật... Ngành vận tải đã khai thác, sử dụng hiệu quả phương tiện vận tải hiện có, kết hợp với thuê phương tiện hợp lý của các doanh nghiệp bên ngoài; hoàn thành tốt các kế hoạch vận chuyển cả thường xuyên và đột xuất. Điển hình vận tải thiết bị phục vụ nhiệm vụ giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất gây ra.

Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, ngành vận tải quân sự đã phát huy tốt vai trò, hoàn thành tốt công tác tiếp nhận, vận chuyển công dân cách ly y tế tập trung; kịp thời tổ chức vận chuyển cơ động lực lượng, vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, vaccine phòng, chống dịch bảo đảm an toàn, hiệu quả. Ngành đã tích cực triển khai mua sắm trang bị, phương tiện; triển khai đóng mới các phương tiện thuộc Đề án “Đổi mới phương tiện vận tải thủy quân sự giai đoạn 2021-2030” bảo đảm tiến độ, chất lượng...

Bên cạnh các nhiệm vụ trên, ngành hậu cần Quân đội đã tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi số công tác hậu cần giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức huấn luyện hậu cần cho các đối tượng theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, phù hợp. Công tác đối ngoại quân sự trong lĩnh vực hậu cần tiếp tục được đẩy mạnh, mở rộng, nhất là trong lĩnh vực quân y; Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và các phong trào thi đua nhánh của các chuyên ngành tiếp tục được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực. Các chế độ, nền nếp công tác ngành được duy trì nghiêm túc; việc quản lý ngân sách, cơ sở vật chất, trang bị hậu cần được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý chặt chẽ chất lượng các sản phẩm vật chất hậu cần...

Tạo đột phá nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, ngành kỹ thuật toàn quân xác định mục tiêu: Bảo đảm kịp thời, đủ số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho các nhiệm vụ; hệ số kỹ thuật của VKTBKT làm nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện Kt bằng 1,0; nhiệm vụ khác Kt từ 0,8 trở lên. Bảo quản, bảo dưỡng 100% VKTBKT hiện có. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng, củng cố 65% kho cấp chiến lược, chiến dịch; niêm cất đúng quy trình, đúng thời hạn đối với 100% VKTBKT còn trong quy hoạch sử dụng lâu dài.

Chỉ đạo đầu tư, củng cố nâng cao năng lực bảo đảm kỹ thuật cho 100% trạm sửa chữa của bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, sư đoàn bộ binh đủ quân, các trung, lữ đoàn binh chủng. Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện; phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ khai thác, sử dụng VKTBKT mới, công nghệ cao có trong biên chế; không để mất an toàn trong huấn luyện, lao động do nguyên nhân về kỹ thuật. Phấn đấu giảm 5-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí; ki-lô-mét an toàn xe ô tô quân sự đạt và vượt 5,5 triệu km/vụ; không có tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đối với xe ô tô quân sự.

Triển khai thực hiện các mục tiêu trên, trong nghị quyết đại hội nhiệm kỳ, nghị quyết hằng năm của các cấp ủy đã xác định rõ mục tiêu, nội dung, thời gian, biện pháp thực hiện để nâng cao công tác bảo đảm kỹ thuật trong tình hình mới, gắn với thực hiện Nghị quyết 382 và Nghị quyết 1656 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật. Dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Quân ủy Trung ương, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã có nhiều giải pháp quyết liệt, bảo đảm trang bị kỹ thuật (TBKT) kịp thời, đủ số lượng, đúng chủng loại, đồng bộ, chất lượng tốt cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất với hệ số bảo đảm TBKT theo quy định; trọng tâm là các sư đoàn bộ binh đủ quân, các đơn vị làm nhiệm vụ A2, bảo vệ vùng trời, biên giới, biển, đảo...

Tập trung thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án bảo đảm kỹ thuật. Triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp quốc phòng; từng bước tiếp cận, làm chủ TBKT thế hệ mới và thực hiện các chương trình, dự án cải tiến hiện đại hóa TBKT. Hằng năm, tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa TBKT đạt và vượt 1-5% kế hoạch đề ra. Hệ thống kho tàng toàn quân từng bước được đầu tư, nâng cấp theo hướng chính quy, thống nhất. Đến nay, có gần 80% kho chiến lược, 85% kho chiến dịch đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Hệ thống cơ sở sửa chữa TBKT toàn quân được quy hoạch theo quan điểm tập trung, hiệu quả, gắn sản xuất với sửa chữa, từng bước hình thành hệ thống cơ sở sửa chữa chính quy, thống nhất, tinh, gọn, mạnh. Hệ thống nhà máy, trạm xưởng tiếp tục được đầu tư chiều sâu công nghệ nâng cao năng lực sửa chữa TBKT, sản xuất vật tư, phụ tùng thay thế phục vụ cho bảo đảm kỹ thuật.

Cùng với đó, toàn quân đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, môi trường, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bám sát nhu cầu thực tiễn hoạt động công tác kỹ thuật các cấp. Nửa nhiệm kỳ qua, ngành kỹ thuật đã có hàng chục đề tài cấp Bộ Quốc phòng, tổng cục, cấp cơ sở và hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng thực tiễn tại các đơn vị, phục vụ thiết thực cho công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật.

Để tạo bước đột phá mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật trong thời gian tới, góp phần nâng cao sức mạnh, khả năng SSCĐ và xây dựng Quân đội hiện đại, ngành kỹ thuật toàn quân tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Nghị quyết số 1656-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trước hết, chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng công tác đầu tư, mua sắm, sản xuất, sửa chữa, cải tiến hiện đại hóa VKTBKT. Bảo đảm đủ số lượng, chất lượng VKTBKT cho các nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, diễn tập, cứu hộ, cứu nạn và các nhiệm vụ khác. Duy trì tính vững chắc, chú trọng sự đồng bộ cho VKTBKT mới, công nghệ cao; thực hiện dứt điểm các chương trình, dự án theo từng mục tiêu đã xác định.

Tập trung củng cố, xây dựng hệ thống ngành kỹ thuật phù hợp với tổ chức biên chế của Quân đội; phương thức bảo đảm kỹ thuật, nhất là cho VKTBKT mới, công nghệ cao; cơ chế quản lý, chỉ đạo công tác kỹ thuật ở các ngành, các cấp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành kỹ thuật; hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài. Đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới phương thức và cơ chế bảo đảm kỹ thuật phù hợp với phương thức tác chiến, sự phát triển của khoa học-công nghệ và TBKT mới. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, gắn công tác kỹ thuật với các cuộc vận động, phong trào thi đua của các cấp.

VĂN CHIỂN - SƠN BÌNH

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: