Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế-xã hội là nội dung quan trọng, giải pháp chiến lược được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI xác định.

Nửa nhiệm kỳ vừa qua, Tổng cục CNQP tổ chức tốt việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng về tổ chức, xây dựng Quân đội nói chung và thúc đẩy phát triển CNQP nói riêng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển CNQP được quan tâm, coi trọng, tập trung thúc đẩy và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Chuyển biến toàn diện trên các mặt công tác

Trước hết, Tổng cục CNQP đã thực hiện tốt công tác tham mưu chiến lược phát triển CNQP, an ninh, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển CNQP. Điển hình là: Tham mưu với QUTƯ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 16-7-2011 về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo; báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 26-1-2022 về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Tiếp đó, Tổng cục CNQP tham mưu với QUTƯ, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ ban hành chương trình hành động và Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị trong toàn quân triển khai thực hiện các nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển CNQP.

Cùng với đó, Tổng cục CNQP đã tham mưu với Bộ Quốc phòng báo cáo, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình T-09 và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Quốc phòng các đề án, quy hoạch, làm cơ sở triển khai thực hiện những nhiệm vụ phát triển ngành CNQP. Đề xuất các nội dung phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương triển khai một số nhiệm vụ về phát triển CNQP, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.

Công tác xây dựng thể chế về CNQP được đặc biệt quan tâm, đã hoàn thành tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP; báo cáo Quốc hội thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng Luật CNQP, an ninh và Động viên công nghiệp. Tham mưu với Bộ Quốc phòng hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh (QPAN), nhất là ban hành các thông tư liên quan đến lĩnh vực CNQP.

dau an 5
Khách tham quan các sản phẩm của công nghiệp quốc phòng Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế năm 2022. Ảnh: KHÁNH NGÂN.

Hai là, công tác nghiên cứu khoa học, chế thử sản phẩm được quan tâm đẩy mạnh, chuyển dần từ các loại vũ khí trang bị (VKTB) cá nhân sang các loại VKTB tích hợp hệ thống cho các quân, binh chủng. Đã triển khai thực hiện 187 đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ các cấp (23 đề tài cấp quốc gia; 53 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng; 111 đề tài, nhiệm vụ cấp Tổng cục). Các đề tài, nhiệm vụ được triển khai thực hiện cơ bản đáp ứng tiến độ, chất lượng; đến nay đã đánh giá, nghiệm thu 49 đề tài, nhiệm vụ các cấp, trong đó 30 đề tài (chiếm 62,5%) được kiến nghị áp dụng vào sản xuất, đạt nhiều kết quả nổi bật.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời bình và sẵn sàng cho thời chiến. Thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ QPAN: Chất lượng VKTB kỹ thuật do CNQP sản xuất, sửa chữa được nâng cao, nhiều sản phẩm có chất lượng tương đương các nước phát triển trên thế giới và phù hợp với yêu cầu tác chiến của Quân đội, bảo đảm an toàn trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tổng cục CNQP đã làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa nhiều sản phẩm VKTB, khí tài mới với nhiều chi tiết được nội địa hóa. Trong giai đoạn 2021-2023, đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất, đưa vào trang bị 70 chủng loại vũ khí, đạn dược, khí tài quan sát, thuốc nổ, vật tư, trang bị kỹ thuật mới. Các doanh nghiệp khối đóng tàu quân sự của Tổng cục CNQP đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công và đóng mới thành công trên 50 gam tàu quân sự; làm chủ năng lực sửa chữa toàn bộ tàu mặt nước, vũ khí, khí tài và trang thiết bị trên tàu có trong biên chế của Quân đội, sửa chữa đến cấp nhỏ các tàu ngầm Kilo.

Bên cạnh sản xuất quốc phòng, sản xuất kinh tế cũng được Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục CNQP đặc biệt quan tâm. Tổng cục luôn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết của QUTƯ về lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của Quân đội. Đảng ủy Tổng cục CNQP đã ban hành Nghị quyết số 426-NQ/ĐUTC ngày 28-3-2022 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế và xuất khẩu đến năm 2030. Các đơn vị đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh tế, chủ động tìm kiếm đối tác, duy trì sản xuất ổn định những sản phẩm truyền thống, đầu tư phát triển các mặt hàng mới có hàm lượng giá trị gia tăng và trình độ công nghệ cao, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhiều sản phẩm kinh tế do các nhà máy CNQP sản xuất đã có vị trí vững chắc trên thị trường như: Vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, đóng tàu, hàng cơ khí, gia dụng xuất khẩu... Tích cực trao đổi, làm việc với các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, mở ra hướng hợp tác thực chất, phát triển bền vững, lâu dài; một số sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường nước ngoài. Doanh thu kinh tế giai đoạn 2021-2023 chiếm 60,5% tổng doanh thu của Tổng cục.

Với tinh thần nỗ lực không ngừng, từ năm 2021 đến nay, giá trị sản xuất, tổng doanh thu, lợi nhuận và thu nhập bình quân của người lao động đều tăng khoảng 8% trở lên. Tổng cục hoàn thành sản xuất, sửa chữa 297/341 lượt sản phẩm VKTB lục quân bảo đảm tiến độ, chất lượng; hoàn thành tốt nhiệm vụ chế tạo, sản xuất các sản phẩm theo nhiệm vụ đột xuất phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều loại hàng quốc phòng khác. Triển khai công tác đóng mới, sửa chữa tàu quân sự bảo đảm chất lượng và tiến độ, kịp thời bàn giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng.

Bốn là, tích cực triển khai xây dựng và đề xuất Bộ Quốc phòng phương án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp CNQP theo hướng tạo thành các khối thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực ngành nghề kinh doanh; giảm số lượng doanh nghiệp; nâng cao chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp; phù hợp với đặc điểm, tình hình, vị trí đóng quân của các doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp thuộc Tổng cục đã chủ động, quyết liệt giảm tỷ lệ lao động gián tiếp, bổ trợ, phục vụ; tăng lao động sản xuất trực tiếp, tối ưu hóa nguồn nhân lực.

Năm là, Tổng cục đã tham mưu với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt công tác đầu tư phát triển tiềm lực CNQP tại các đơn vị trong toàn quân. Báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt 15 dự án đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án chương trình CNQP thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh nguồn vốn nhà nước, các doanh nghiệp trong Tổng cục đã nỗ lực huy động tối đa nguồn lực để từng bước đổi mới về công nghệ, đổi mới dây chuyền thiết bị; cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế chế thử, nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm an toàn. Các dự án hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư tốt, giúp nâng cao năng lực tổng thể của các doanh nghiệp.

Sáu là, công tác hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Tổng cục có bước đột phá mạnh mẽ. Đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ hợp tác về CNQP, Tổng cục đã tham mưu với Bộ Quốc phòng triển khai nội dung để cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác về CNQP giữa Việt Nam với Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Hàn Quốc. Phối hợp cùng các cơ quan đánh giá tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine để tham mưu với QUTƯ, Bộ Quốc phòng định hướng, giải pháp trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất VKTB và vật tư kỹ thuật. Tích cực làm việc, trao đổi, mở rộng hợp tác các sản phẩm kinh tế với những tập đoàn, công ty nước ngoài. Đặc biệt, đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 bảo đảm trang trọng, an toàn, hiệu quả, góp phần mở rộng cơ hội hợp tác, phát triển CNQP, thương mại quân sự, nâng cao vị thế, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam và CNQP Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng

Từ nay đến năm 2025, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục CNQP xác định tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, QUTƯ, Bộ Quốc phòng, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTƯ tại Hội nghị QUTƯ 6 tháng đầu năm 2023 vừa qua về đẩy mạnh phát triển CNQP theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, để đáp ứng được nhu cầu trang bị cho các đơn vị, từng bước bảo đảm tự trang bị vũ khí hiện đại, phù hợp với nghệ thuật tác chiến của Quân đội ta, góp phần tạo nền tảng để xây dựng Quân đội hiện đại trong những năm tới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, Tổng cục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch của Bộ Quốc phòng, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển CNQP; triển khai quyết liệt kế hoạch thực hiện Chương trình T-09...

Tích cực, chủ động nghiên cứu, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để Bộ Quốc phòng trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua Luật CNQP, an ninh và Động viên công nghiệp; các nghị định hướng dẫn thi hành luật và thông tư về quản lý ngành.

Đẩy mạnh phát triển CNQP, bảo đảm CNQP từng bước trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kết hợp xây dựng, phát triển CNQP trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia. Ưu tiên phát triển các chuyên ngành, lĩnh vực lưỡng dụng thuộc thế mạnh của CNQP để đáp ứng đồng thời các yêu cầu của QPAN và phục vụ nền kinh tế quốc dân.

Triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội. Thực hiện tốt việc tham mưu, đề xuất xây dựng biểu tổ chức, biên chế; kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lao động; rà soát, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận, quy chế quy định quản lý nội bộ. Đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý tài chính, đầu tư, công nghệ. Tích cực tìm kiếm thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Tập trung đầu tư, nghiên cứu sản xuất các chủng loại VKTB, khí tài hiện đại và chiến lược theo yêu cầu trang bị cho LLVT, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại. Từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNQP; phát triển những lĩnh vực mũi nhọn trên cơ sở các công nghệ mới, hiện đại, tạo sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời thúc đẩy sản xuất các sản phẩm phục vụ dân sinh, từng bước chuyển giao các công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh, gắn kết chặt chẽ CNQP với công nghiệp quốc gia. Tăng cường liên doanh, liên kết với các tập đoàn trong nước và nước ngoài về công nghiệp chế tạo những chi tiết, bán thành phẩm, các ngành phụ trợ có tính lưỡng dụng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sản phẩm quốc phòng.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả các hình thức hợp tác, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ về CNQP, xác định đối tác chiến lược hợp tác CNQP để phát triển các loại vũ khí chiến lược, vũ khí công nghệ cao. Triển khai những thỏa thuận hợp tác CNQP với các nước có nền CNQP hiện đại trong công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất các loại VKTB tiên tiến./.

Trung tướng HỒ QUANG TUẤN

Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: