Tham gia thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn (CH-CN) là mệnh lệnh trong trái tim mỗi người lính. Ở đâu có sự cố, ở đó có Bộ đội Cụ Hồ.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, những năm qua, toàn quân đã triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện tốt nhiệm vụ "chiến đấu trong thời bình"; trong đó, Cục CH-CN (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) đã có những đóng góp quan trọng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2023, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương khẳng định: “Công tác CH-CN, phòng, chống bão lũ, thiên tai được các cấp lãnh đạo, chỉ huy quan tâm, huấn luyện, đầu tư, tác chiến nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ CH-CN và hỗ trợ nhân đạo sự cố thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, được cộng đồng quốc tế và nước bạn đánh giá rất cao...”.
Gần 190.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ-cứu nạn
Để hoàn thành tốt chức năng tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam chỉ đạo toàn quân về công tác phòng, chống lụt bão, cháy nổ, cháy rừng, ứng phó sập đổ công trình, sự cố tràn dầu, hóa chất và tìm kiếm cứu nạn (TKCN); tổng hợp, trực tiếp chỉ đạo xử lý các tình huống thiên tai, tai nạn, sự cố trên phạm vi toàn quốc; đồng thời là đầu mối giúp Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN quan hệ hợp tác quốc tế về lĩnh vực ứng phó khẩn cấp và TKCN...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục CH-CN lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định các khâu đột phá: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, phòng thủ dân sự; Thông tư của Bộ Quốc phòng quy định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của Cục CH-CN. Nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện với phương châm “đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức chỉ huy, điều hành công tác ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và TKCN.
Tập trung thực hiện các đột phá, nửa nhiệm kỳ qua, trên cơ sở chủ động dự báo tình hình, Cục CH-CN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, tham mưu giúp Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật về TKCN. Đặc biệt gần đây, Cục đẩy mạnh nghiên cứu, soạn thảo, tham mưu xây dựng các văn bản quan trọng, như: Luật Phòng thủ dân sự; đề án phát triển, nâng cao năng lực lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đến năm 2030 và những năm tiếp theo; kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần; thông tư quy định hợp tác quốc tế về lĩnh vực CH-CN; danh mục công trình phòng thủ dân sự; kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải... tạo cơ sở pháp lý để các cấp, ngành và cơ quan, đơn vị trong toàn quân quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Lực lượng cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia cứu hộ-cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo sự cố thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 2-2023. Ảnh: Văn Hiếu
Cùng với đó, Cục CH-CN đã tham mưu với các cấp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và đơn vị trong toàn quân huy động, điều động hơn 270.000 lượt người/16.891 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả 4.343 vụ, cứu được hơn 6.000 người và 544 phương tiện. Riêng Quân đội đã chỉ đạo, điều động gần 190.000 lượt người (chiếm hơn 70%) và 10.903 lượt phương tiện (khoảng 65%) tham gia TKCN 2.844 vụ (chiếm 65%) và cứu được hơn 2.800 người... Qua đó góp phần rất quan trọng giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, Cục CH-CN đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều động hơn 192.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, như: Triển khai 18 bệnh viện dã chiến và cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân; gần 23.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia khám, chữa bệnh; hơn 6.500 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ tiêm chủng; 116.500 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cách ly công dân nhập cảnh và hơn 46.000 cán bộ, chiến sĩ làm các nhiệm vụ khác (tuần tra biên giới, bảo đảm an sinh xã hội, lo việc hậu sự giúp nhân dân...), góp phần quan trọng chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và cuộc sống của nhân dân trong lúc đại dịch nhiều gian khó.
Cục cũng tham mưu giúp Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ chỉ đạo kiện toàn ban chỉ huy phòng thủ dân sự-phòng, chống thiên tai và TKCN ở các cấp; tổ chức, biên chế lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm đúng, đủ cơ cấu, thành phần theo quy định; tổ chức triển khai các hoạt động về phòng thủ dân sự thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; Chính phủ chỉ đạo xây dựng nội dung, chương trình và biên soạn tài liệu huấn luyện phòng thủ dân sự cho các đối tượng; lồng ghép nội dung huấn luyện phòng thủ dân sự trong chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; lồng ghép diễn tập phòng thủ dân sự vào trong diễn tập khu vực phòng thủ các cấp.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài từ Trung ương đến địa phương, nòng cốt là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, các cơ quan chuyên môn như Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)... xây dựng kế hoạch tuyên truyền, bảo đảm thông tin cập nhật liên tục, kịp thời, chính xác về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và TKCN.
Ngoài ra, Cục CH-CN tích cực tham mưu với lãnh đạo các cấp đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, huấn luyện, đào tạo để nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy điều hành, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; ký kết hợp tác với nhiều nước về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, như: Nhật Bản, Nga, Mỹ, các nước trong khu vực ASEAN...; tích cực tham gia các hoạt động hợp tác đa phương trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác ASEAN cũng như một số tổ chức trong khu vực và thế giới.
Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhất là Nghị định 30 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; Chương trình hành động của Bộ Quốc phòng thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, CH-CN giai đoạn tiếp theo, thường xuyên duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ tại Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN. Chủ động nắm chắc tình hình, rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng của từng đơn vị về phòng, chống thiên tai, sự cố và TKCN trên từng địa bàn, nhất là ở các địa bàn trọng điểm để xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án CH-CN. Giúp các địa phương chỉ đạo, điều hành, vận hành cơ chế linh hoạt khi có tình huống thiên tai, thảm họa xảy ra, vận dụng phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm địa bàn và điều kiện của đơn vị, địa phương.
Chủ động tham mưu, nâng cao năng lực cứu hộ-cứu nạn
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là thực hiện tốt chức năng tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy các cấp, Cục CH-CN tập trung thực hiện tốt chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, sự cố. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, CH-CN, thấy rõ tính chất khó khăn, phức tạp và chủ động khắc phục, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tham mưu đẩy mạnh thực hiện đột phá về xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ứng phó thiên tai, sự cố, TKCN và phòng thủ dân sự.
Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương để tham mưu với Chính phủ, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN về hoạch định chủ trương, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm CH-CN và phòng thủ dân sự. Giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị toàn quân có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể, tổ chức tốt lực lượng, phương tiện, trang bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Thực hiện đột phá trong việc nâng cao năng lực tham mưu đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện với phương châm “đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả”; mua sắm các trang thiết bị CH-CN hiện đại và đồng bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, CH-CN của Quân đội trong tình hình mới; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp có kiến thức chuyên sâu, có đủ năng lực tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng huấn luyện cho các lực lượng, coi trọng huấn luyện chuyên sâu và diễn tập với các nội dung, hình thức TKCN mới.
Tham mưu với Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, CH-CN. Xây dựng quy chế phối hợp, quy chế chỉ huy, điều hành thực hiện nhiệm vụ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với các lực lượng đóng quân trên từng địa bàn, có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của địa phương và đơn vị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị thực hiện tốt nhiệm vụ CH-CN. Nghiên cứu, tham mưu có hiệu quả về phương thức dự trữ vật chất, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; khai thác có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, Quân đội, các địa phương phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, ứng phó các tình huống thiên tai, sự cố và kế hoạch phòng thủ dân sự; triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo đúng tiến độ và đạt hiệu quả thiết thực.
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa; hợp tác về đào tạo, huấn luyện, diễn tập và tham gia TKCN, hỗ trợ nhân đạo khi có thiên tai, thảm họa trên lãnh thổ Việt Nam, khu vực và quốc tế./.
Thiếu tướng PHẠM VĂN TỴ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam)
Theo Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (St)