Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Quân đội ta là Quân đội cách mạng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ. Quân đội luôn chủ động, tích cực tham gia lao động sản xuất (LĐSX), xây dựng kinh tế (XDKT) bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, đúng định hướng của Đảng, đã đạt được những kết quả quan trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế đạt nhiều kết quả quan trọng

Trong nửa đầu nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 5 năm 2021-2025, tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Đại dịch Covid-19, xung đột quân sự và những căng thẳng địa chính trị trên thế giới tác động bất lợi tới mọi mặt đời sống xã hội. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá trên các lĩnh vực... Trong tình hình đó, toàn quân đã quán triệt và thực hiện tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng; đẩy mạnh hoạt động LĐSX, XDKT và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thứ nhất, QUTƯ, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động LĐSX, XDKT của Quân đội, phù hợp với chủ trương phát triển KT-XH và tăng cường quốc phòng, an ninh (QPAN) trong giai đoạn mới: Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 520-NQ/QUTW ngày 25-9-2012 và ban hành Nghị quyết số 820-NQ/QUTW ngày 17-12-2021 lãnh đạo nhiệm vụ LĐSX, XDKT kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030; ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII; ban hành Kết luận số 1815-KL/QUTW ngày 3-3-2023 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 425-NQ/QUTW ngày 18-5-2017 về sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) đến năm 2020 và những năm tiếp theo; xây dựng Quy chế của QUTƯ lãnh đạo nhiệm vụ LĐSX, XDKT của Quân đội; xây dựng, báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ 4 đề án về kết hợp kinh tế với quốc phòng. Tham gia xây dựng các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm QPAN trên 6 vùng chiến lược của Tổ quốc...

Những cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời là cơ sở để hoạt động LĐSX, XDKT của Quân đội tiến hành đúng hướng, chặt chẽ, khoa học và đạt hiệu quả thiết thực; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành của Nhà nước và sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng trong triển khai thực hiện, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả về kết hợp KT-XH với quốc phòng và quốc phòng với KT-XH.

Thứ hai, tiến hành tổng kết 10 năm xây dựng khu kinh tế-quốc phòng (KTQP) giai đoạn 2010-2020. Triển khai Quyết định số 49/QĐ-TTg ngày 24-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu KTQP; góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, tăng cường QPAN trên các địa bàn chiến lược dọc biên giới, biển, đảo. Tiếp tục thực hiện Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu KTQP đến hết năm 2030 theo Quyết định số 1529/QĐ-TTg ngày 15-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; sắp xếp ổn định dân cư giai đoạn 2021-2030; 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả.

Tiếp tục xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông thiết yếu, lớp học, điểm trường, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh xá quân dân y, nhà văn hóa, hệ thống phát thanh nội bộ, các công trình cấp điện sinh hoạt, nước sạch, chợ nông thôn, chuồng, trại chăn nuôi, trại cây giống... giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa; duy trì cuộc sống ổn định cho các hộ dân nơi vùng biên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các đoàn KTQP phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đứng chân trên địa bàn, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không theo tà đạo, không di cư tự do, không khai thác, chặt phá rừng làm nương rẫy; đấu tranh phòng, chống âm mưu của các thế lực thù địch.

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt việc sắp xếp lại DNQĐ theo hướng rút gọn đầu mối, bố trí theo vùng, miền, phù hợp với Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thường xuyên nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; phát huy hiệu quả hệ thống kiểm soát viên tại DNQĐ, bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật và có hiệu quả.

Mặc dù dịch Covid-19 và xung đột quân sự, căng thẳng địa chính trị trên thế giới tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) song các DNQĐ đã khắc phục khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao, hoạt động SXKD cơ bản có lãi và đóng góp cao cho ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng vào sự ổn định và tăng trưởng của kinh tế đất nước. Nhiều DNQĐ SXKD có hiệu quả trên các lĩnh vực: Viễn thông, dịch vụ bay, cảng biển, đóng tàu, xây dựng, ngân hàng...; tích cực chia sẻ về vật chất, kinh phí và sức người, đồng hành với địa phương nơi đóng quân trong phòng, chống dịch Covid-19. Các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng từng bước phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho LLVT và góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ tư, chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động LĐSX, XDKT. Phối hợp làm việc với các địa phương, bộ, ngành để sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động LĐSX, XDKT của khối đơn vị thường trực, đơn vị hoạt động thuộc lĩnh vực đơn vị sự nghiệp công lập; góp phần tiết kiệm nguồn lực, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống bộ đội và tăng cường đầu tư nâng cao năng lực quốc phòng.

dau an 8
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Z115, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: VŨ DUNG

Thứ năm, quản lý chặt chẽ và hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các DNQĐ đầu tư ra nước ngoài. Lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác kinh tế đối ngoại quốc phòng. Hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp chủ động thông qua hội nhập quốc tế để làm tốt hơn nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Làm tốt công tác xúc tiến thương mại; tổ chức triển khai hợp tác phát triển KT-XH với bạn Lào, Campuchia, Cuba; thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước ASEAN và với các nước trên thế giới; góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Định hướng trong nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng

Trong nửa cuối nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp; cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục suy thoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Các thế lực thù địch đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, QUTƯ, Bộ Quốc phòng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, toàn quân thực hiện nhiệm vụ tham gia LĐSX, XDKT tập trung vào những vấn đề sau:

- Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, Nhà nước, QUTƯ, Bộ Quốc phòng về kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN theo Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 164/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 820-NQ/QUTW ngày 17-12-2021 của QUTƯ về lãnh đạo nhiệm vụ LĐSX, XDKT kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030. Triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm QPAN trên 6 vùng chiến lược của Tổ quốc.

- Triển khai xây dựng, phát triển các khu KTQP, đặc biệt là các khu KTQP trên biển, đảo; các chương trình, mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu KTQP. Triển khai hiệu quả các dự án hợp tác với bạn Lào, Campuchia để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

- Tích cực triển khai thực hiện Đề án sắp xếp lại DNQĐ giai đoạn 2021-2025 gắn với Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Trong đó tập trung cơ cấu lại các doanh nghiệp QPAN tinh, gọn, mạnh; thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn các đơn vị không còn hoặc ít nhiệm vụ quốc phòng, hiệu quả thấp, vi phạm pháp luật, gây mất uy tín Quân đội. Tập trung giải quyết các bất cập về tài chính, đất đai, chính sách với người lao động để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn các DNQĐ.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 59-KL/TW ngày 16-9-2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17-11-2020 của Quốc hội và Nghị định số 26/2021/NĐ-CP ngày 25-3-2021 của Chính phủ; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động LĐSX, XDKT. Làm tốt công tác rà soát, hướng dẫn các đơn vị xử lý các vấn đề tồn đọng về đất đai, các dự án liên doanh, liên kết vào mục đích kinh tế theo quy định mới.

- Tham mưu với Chính phủ cơ chế giải quyết vướng mắc trong các dự án đầu tư ra nước ngoài của các DNQĐ. Triển khai nhiệm vụ hội nhập quốc tế, hợp tác với bạn bè quốc tế trên các địa bàn chiến lược. Thực hiện đề án tổng kết hoạt động LĐSX, XDKT của Quân đội, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.

Những giải pháp chủ yếu

Để tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham gia LĐSX, XDKT, góp phần phát triển KT-XH đất nước và gia tăng nguồn lực của Quân đội, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về chức năng, nhiệm vụ tham gia LĐSX, XDKT của Quân đội. Làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, vừa LĐSX, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, đóng góp cho ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và phục vụ các hoạt động an sinh xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần được tiến hành thường xuyên, với các biện pháp, hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn. Kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch về chức năng, nhiệm vụ LĐSX, XDKT nhằm hạ thấp uy tín của Quân đội, chia rẽ Quân đội với nhân dân, làm phai mờ bản chất cách mạng của Quân đội.

Hai là, toàn quân thực hiện tốt 3 chức năng, trong đó có chức năng LĐSX, XDKT và tiên phong gánh vác những nhiệm vụ khó. Các đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần có các giải pháp mới trong thực hiện chức năng “đội quân LĐSX”. Các đoàn KTQP, DNQĐ phải là lực lượng đi tiên phong trong gánh vác những nhiệm vụ khó khăn về KT-XH, QPAN ở những vùng biên cương, hải đảo, địa bàn chiến lược... nơi mà các loại hình kinh tế khác không có điều kiện hoặc khó có thể tham gia.

Ba là, kết hợp chặt chẽ và phát huy tốt vai trò của các loại hình LĐSX, XDKT chủ yếu trong Quân đội. Tiến hành tổ chức lại mô hình sản xuất tại các khu KTQP. Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, hiệu quả SXKD, giữ vững thương hiệu của DNQĐ. Tiếp tục phát triển công nghiệp QPAN theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức LĐSX phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm.

Bốn là, đổi mới tư duy phát triển, ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tích cực thực hiện chuyển đổi số, tăng cường phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực làm chủ công nghệ; tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động doanh nghiệp để tạo đà bứt phá... Chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội; tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường.

Năm là, nâng cao khả năng thích ứng và chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp... theo tinh thần “7 dám” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị trong bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuộc quyền, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Sử dụng, đánh giá và đãi ngộ nguồn nhân lực dựa vào năng lực thực tiễn và hiệu quả công việc.

Sáu là, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, gắn với nâng cao khả năng độc lập, tự chủ của các đơn vị, DNQĐ; tích cực, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Tích cực xúc tiến các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng. Chú trọng các dự án đầu tư sang các địa bàn có mối quan hệ chiến lược với Việt Nam. Các đơn vị, DNQĐ bảo đảm hiệu quả SXKD gắn với nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng; góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thiếu tướng, TS TRẦN ĐÌNH THĂNG

Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: