Với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không kể đó là ai”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của nhân dân và cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã trở thành quyết tâm chính trị và đạt nhiều kết quả quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đó là một xu thế không thể đảo ngược!
Tham nhũng là một hiện tượng tồn tại khá phổ biến trong xã hội có phân chia giai cấp, có nhà nước. Không riêng gì ở Việt Nam mà bất kỳ một quốc gia hay chế độ chính trị nào trên thế giới, ít nhiều cũng đều có vấn nạn này. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ ba căn bệnh: tham ô, lãng phí, quan liêu là những thứ giặc nội xâm bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân mà ra. Vì vậy, ngay từ khi mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện và dự báo về mối nguy hại của các căn bệnh trên gắn với nhà nước, với người có chức, có quyền, nhất là bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí và được Người diễn đạt bằng thuật ngữ “bất liêm”, ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng, tiêu cực. Người coi tham ô, lãng phí là tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội, vì bản chất của tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận, tham lam, tham ô là trộm cướp. Người phạm tội đó dù ở cương vị nào cũng phải đem ra xét xử theo đúng pháp luật để đề cao phép nước. Bản án tử hình dành cho Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu (năm 1950) về việc lợi dụng chức quyền nhận hối lộ, tham ô, sa đọa, vừa thể hiện sự nghiêm minh, vừa tỏ rõ quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng ngay từ rất sớm.
Trong giai đoạn cả nước đang dồn sức cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, dù phải tập trung cao độ cho các nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, cấp bách của cách mạng, nhưng Đảng ta luôn quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ngày 26/4/1962, Bộ Chính trị (khóa III) đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW “Về cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Sau hơn một năm thực hiện, để mở rộng nội dung quản lý nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, ngày 24/7/1963, Bộ Chính trị (khóa III) đã ban hành Nghị quyết số 85-NQ/TW “Về cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.
Khi cả nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta nhận thấy “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực ngày càng gia tăng nghiêm trọng, cho nên trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc đều đề cập đến vấn đề phòng, chống tham nhũng. Tại Đại hội XI, Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”(1). Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(2). Cùng với đó, chỉ riêng trong 10 năm (2012 - 2022), “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định. Các bộ, ngành, địa phương ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng”(3). Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) Đảng ta đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Đảng ta quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng ban. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta chưa bao giờ sao nhãng, mà luôn luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tham nhũng ở mức độ cao nhất; là chỗ dựa vững chắc, là bảo đảm về mặt chính trị và tạo động lực to lớn và do đó, đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua.
Không chỉ dừng lại ở các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản pháp luật đã được ban hành mà quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện bằng hành động quyết liệt và hiệu quả. Trong 10 năm (2012 - 2022), “đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm”4. Cùng với đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế cũng được tiến hành một cách kiên quyết, không khoan nhượng. Cũng trong 10 năm qua, “các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can; xét sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo về tội tham nhũng. Tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố, điều tra 4.200 vụ/7.572 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 455 vụ/1.054 bị can về tội tham nhũng”(5). Kết quả đó khẳng định chủ trương, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn đúng cả về lý luận và thực tiễn, phù hợp với thực tiễn khách quan, xu thế thời đại và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, với dã tâm và âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động ra sức xuyên tạc, phủ nhận cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Chúng rêu rao rằng: cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ là sự đấu đá, tranh giành quyền lực, thanh trừng nội bộ giữa các phe nhóm trong Đảng. Số cơ hội chính trị thì bày tỏ hoài nghi và cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mạnh thì lấy đâu cán bộ để làm việc; rằng, làm mạnh tay sẽ lợi bất cập hại, gây cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sáng tạo của cán bộ, đảng viên. Đáng tiếc là, trước kết quả phòng, chống tham nhũng, một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện sợ trách nhiệm, xuất hiện tư tưởng “bàn lùi”,... không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và không dám dũng cảm đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, v.v.
Phải khẳng định rằng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề tất yếu khách quan của mọi nhà nước và chế độ xã hội, nhằm không ngừng thúc đẩy sự phát triển. Đối với nước ta, thực hiện tốt vấn đề này không chỉ góp phần quan trọng xây dựng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, mà còn củng cố niềm tin vững chắc của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trước quyết tâm chính trị của Đảng, trên thực tế, phòng, chống tham nhũng đã trở thành “cao trào”, là trách nhiệm chính trị lớn lao của cán bộ, đảng viên đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và vận mệnh của đất nước. Không chỉ những cán bộ, đảng viên suy thoái, sa vào tham nhũng bị xử lý theo quy định của pháp luật, mà một số đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã dũng cảm nhận trách nhiệm và tự nguyện từ chức khi để cấp dưới tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đó khẳng định, đây là bước tiến vượt bậc trong công tác phòng, chống tham nhũng, là sự thay đổi trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên trước vận mệnh của đất nước.
Cho đến nay, chúng ta có thể khẳng định rằng, công cuộc phòng, chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, thực chất hơn. Kết quả lớn nhất mà chúng ta đạt được trong cuộc chiến “chống giặc nội xâm” này không chỉ củng cố niềm tin của nhân dân, mà còn tạo lòng tin vững chắc của cộng đồng quốc tế vào sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Quốc gia St. Petersburg, nhận xét: “Chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tầm nhìn chiến lược quan trọng bắt đầu được thực hiện từ lâu. Tình hình đang thay đổi, tình hình tham nhũng đang thay đổi và công tác phòng, chống tham nhũng cũng đang thay đổi,...”(6). Còn trang tin Times of India khẳng định: “Việt Nam đã cung cấp một bài học quý giá mà các quốc gia có thể noi theo khi tham nhũng là vấn nạn phổ biến trên toàn cầu”(7). Và sau Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, Trang tin Bloomberg, nhận xét: “Hội nghị tổng kết 10 năm cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam đã mở ra giai đoạn mới trong cuộc chiến chống tham nhũng với sự tham gia của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương. Các vụ xử lý kỷ luật các quan chức cấp cao vừa qua cho thấy quyết tâm của Đảng và các cơ quan pháp luật trong cuộc chiến chống tham nhũng với tinh thần không khoan nhượng, không vùng cấm, không ngoại lệ”(8).
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, “trên - dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, được tiến hành một cách kiên trì, nhân văn, bài bản, thuyết phục với tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã trở thành phong trào, “xu thế không thể đảo ngược”, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhờ đó, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, là minh chứng rõ nhất bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay./.
Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)
____________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQGST, H. 2011 tr. 173.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 213.
3 - Nguyễn Phú Trọng – Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQGST, H. 2023, tr. 29.
4 - Sđd, tr. 26 - 27.
5 - Sđd, tr. 27.
8.https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-04-21/vietnam-takes-aim-at-market-misdeeds-in-huge-cu tural- change.