Hiện nay, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã trở thành phong trào, thành xu hướng không thể đảo ngược; là công việc chung của mọi người dân chứ không phải riêng của các cơ quan chức năng. Bài viết làm rõ hơn bản chất, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực, hành vi tham nhũng, lãng phí qua đó đưa ra một số kiến nghị và các giải pháp góp phần tiếp tục cho công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng thực sự hiệu quả trong thời gian tới ở Việt Nam.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ngày 19/6/2023. Ảnh minh họa: baoquocte.vn
Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta đã trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp của mọi cấp, mọi ngành và toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cũng như của mỗi người dân, đã đạt nhiều thành tựu to lớn, được người dân đồng tình ủng hộ, được các quốc gia trên thế giới đánh giá cao, góp phần từng bước làm trong sạch các tổ chức của Đảng, bộ máy của Nhà nước, củng cố thêm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhận diện và xác định rõ mối nguy hại của tệ tham nhũng, tiêu cực
Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 nêu rõ: tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của nhà nước để trục lợi riêng. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Việt Nam nhấn mạnh: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tệ tham nhũng, tham ô là hành vi “Ăn cắp của công làm của tư; đục khoét của nhân dân”(1). Có thể nói, tệ tham nhũng, tiêu cực là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước; làm cho kinh tế chậm phát triển, thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, của Nhân dân; gây rối loạn nền kinh tế, nguy hại hơn làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tệ tham nhũng, tiêu cực đã và đang trở thành mối đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Đảng ta xác định tệ tham nhũng, tiêu cực là một trong bốn nguy cơ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta sớm nhận diện và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng đất nước. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ VI nhấn mạnh về sự nguy hại của tệ tham nhũng: “Làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của cơ quan nhà nước”(2). Hiện nay, có nhiều câu hỏi đặt ra, vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để làm sáng tỏ hơn cho vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chúng ta cần thống nhất quan điểm, mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm, không phải là cuộc đấu tranh giữa các phe cánh, hay đấu đá nội bộ, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”(3).
Có rất nhiều hình thức, thủ đoạn tham nhũng tinh vi nhằm qua mắt cơ quan chức năng, che mắt quần chúng nhân dân. Trong đó, biểu hiện phổ biến nhất là: Tình trạng “chủ nghĩa cá nhân” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ về tình trạng này: “Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô, hủ hóa. Đó là chỉ biết mình, không biết đến quần chúng, là chỉ lo cho mình được sung sướng mà không nghĩ đến đội viên, nhân dân còn khổ. Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra vô kỷ luật, thiếu kiên quyết chấp hành mệnh lệnh”(4).
Tình trạng tham nhũng vặt, thường xuất hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị nhất là ở cơ sở; biểu hiện rõ nhất là một số cán bộ, công chức, viên chức khi trực tiếp giải quyết công việc, hoặc các thủ tục hành chính thường sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp… nếu không được “bôi trơn” thì khó được giải quyết nhanh chóng. Ví dụ, ở một số cơ sở khám, chữa bệnh công, người bệnh muốn được thăm khám, chữa trị chu đáo thì phải có “phong bì”… Đây là tình trạng rất phổ biến ở những năm trước đây, gây bức xúc trong Nhân dân. Tình trạng tham ô, lãng phí, thường xảy ra ở một bộ phận cán bộ có chức vụ, quyền hạn thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, luôn đặt lợi ích cá nhân lên trước. Tình trạng tham nhũng chính sách là vấn đề rất hệ trọng, có thể gây thiệt hại đặc biệt lớn, hậu quả rất nặng nề trong thời gian dài đối với đất nước và người dân, với động cơ sai, dụng ý xấu đã “cài cắm” điều khoản nhằm mục đích có lợi cho cá nhân hoặc một nhóm người, tạo ra “nhóm lợi ích” nhằm trục lợi chính sách, gây thiệt hại cho cộng đồng, xã hội, đất nước.
Qua việc nhận diện đúng và xác định rõ mối nguy hại của tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tình trạng tham nhũng đang diễn ra phổ biến là cơ sở khoa học, thực tiễn để chúng ta tiếp tục có cách thức, biện pháp phù hợp cho từng đối tượng, từng vấn đề cụ thể nhằm trị tận gốc tệ tham nhũng, tiêu cực.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - việc không của riêng ai
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là công việc khó khăn, phức tạp; đụng chạm đến nhiều người, thậm chí mất đi những cán bộ từng giữ chức vụ cao, từng có công lao đóng góp nhất định… tuy nhiên, nếu đã thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm nghiêm trọng đến kỷ luật của Đảng thì đều phải cương quyết xử lý, “bất kể người đó là ai”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu hướng không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”(5). Đồng thời, xác định là nhiệm vụ lâu dài, nên Đảng ta luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đặc biệt, từ năm 2013 khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt, ráo riết, đạt được nhiều kết quả toàn diện. Để công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục đi vào chiều sâu, toàn diện, từ tháng 9/2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được Bộ Chính trị quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Với quan điểm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” và “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”. Nhằm hệ thống hóa quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Bộ Chính trị đã quyết định cho tiến hành từng bước thành lập các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy làm trưởng ban, đã góp phần gắn kết chặt chẽ hơn giữa phòng và chống theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Đảng đề ra từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Từ khi được thành lập đi vào hoạt động, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt, với nhiều kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, tính từ tháng 8/2022 đến nay, 63 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã tổ chức hàng trăm cuộc họp, qua đó chỉ đạo, rà soát, quyết định đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo(6).
Mặt khác, trước đây công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu tập trung vào các hành vi tham ô, chiếm đoạt, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản nhà nước. Nay không chỉ trong khu vực nhà nước mà còn mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước. Điển hình như các vụ án, vụ việc tại Công ty Nhật Cường - Mobile; vụ án tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Việt Á, AIC… đây là những công ty tư nhân lớn đã cố tình “móc ngoặc” với một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn để hưởng lợi, “tư túi”, chiếm đoạt tài sản; làm lũng loạn thị trường chứng khoán, gây thiệt hại tài sản lớn cho Nhà nước và người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XI, Nghị quyết Trung ương lần thứ tư và Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, cũng như nhiều văn bản khác của Đảng và Nhà nước đều khẳng định phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có thể nói, những năm qua ngoài những cơ quan chức năng chuyên trách, thì các cơ quan, đơn vị, trong đó nổi bật là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan thông tấn báo chí và toàn thể Nhân dân luôn tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, chính những phát hiện, tố giác của quần chúng nhân dân và cơ quan báo chí mà những vụ việc tham nhũng, tham ô, tiêu cực được điều tra và khởi tố. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự đã trở thành phong trào, công việc chung của toàn xã hội, chứ không phải việc riêng của các cơ quan chức năng.
Qua điều tra xã hội học về nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đại đa số người dân rất đồng tình, ủng hộ cao cách làm quyết liệt, triệt để, khoa học, thận trọng từng bước khi phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm, để không bỏ sót, bỏ lọt đối tượng, tránh oan sai… điều này cho thấy sự đồng thuận, đặt niềm tin rất lớn của người dân vào quyết tâm làm trong sạch bộ máy nhà nước; quyết tâm diệt trừ tận gốc tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, sự vào cuộc của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, sự ủng hộ của Nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và có sự chuyển biến tích cực, rõ nét; tổ chức và cơ chế lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được hoàn thiện. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng được tăng cường; công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý tăng hơn so với trước. Việc phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, cơ quan báo chí và Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng được chú trọng hơn. Cụ thể, trong 10 năm qua (2012-2022) đã xử lý, kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm(7).
Để có được phong trào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sôi nổi, rộng khắp, trở thành công việc không của riêng ai và đạt nhiều kết quả như thời gian qua, phải kể đến vai trò rất quan trọng của MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến các cấp. Với nhiệm vụ, chức năng của MTTQ Việt Nam là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thời gian qua, MTTQ các cấp đã làm khá tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội theo chuyên đề, đột xuất và liên thông giữa bốn cấp để ghi nhận, tổng hợp những ý kiến đóng góp, phản ánh của người dân để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết… Điều này thể hiện vai trò rất quan trọng của MTTQ Việt Nam trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, nhất là trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thẳng thắn đánh giá: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một số cơ quan, đơn vị khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi… Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt lúng túng”(8).
Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa nhận thức thực sự đầy đủ, sâu sắc về tính chất nghiêm trọng của tình hình tham nhũng, tiêu cực. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích chưa bị đẩy lùi. Bên cạnh đó, nhận thức, triển khai đổi mới tổ chức bộ máy một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa đồng bộ; tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên, tình trạng nói không đi đôi với làm; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; luật pháp, cơ chế, chính sách còn nhiều kẽ hở, dễ bị lợi dụng; việc thực thi pháp luật nói chung và các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm... Từ một số tồn tại, hạn chế nêu trên, Đảng ta nhấn mạnh: “Những hạn chế, khuyết điểm trên đây đòi hỏi toàn Đảng phải nghiêm túc nhìn nhận, nỗ lực phấn đấu để khắc phục, tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(9).
Một số kiến nghị và các giải pháp để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực sự sâu rộng, hiệu quả hơn
Một số kiến nghị
Thứ nhất, cần nghiên cứu, xem xét đảo mệnh đề “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thành “phòng, chống tiêu cực, tham nhũng”: điều này để thống nhất với quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là “phòng ngừa là chính”. Bởi vì, “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn, bao trùm hơn; là tư duy lệch lạc, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… từ đó mới dẫn đến tệ “tham nhũng”, lãng phí - nếu không có tư duy, ý nghĩ tiêu cực thì sẽ không có hành vi tham nhũng. Nói cách khác, tệ tham nhũng là kết quả của quá trình diễn biến tư duy, suy nghĩ tiêu cực; “tiêu cực” là căn nguyên dẫn đến “tham nhũng”. Tại Sắc lệnh số 50-SL ngày 09/10/1945, lần đầu tiên sáu chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đứng trang trọng dưới dòng chữ Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc (ngày 11/6/1948) Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra việc thực hiện “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc” có nghĩa là: muốn có “tự do” phải dành cho được “độc lập” chọn vẹn và khi có được “tự do” nhân dân ắt sẽ “hạnh phúc”... Vì vậy, công tác phòng, chống “tiêu cực” là nhiệm vụ, là việc cần làm trước tiên, có ý nghĩa quyết định, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức trị tận gốc của tệ tham nhũng.
Thứ hai, cần sớm nghiên cứu xây dựng cơ chế cụ thể, rõ ràng để Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước, góp phần tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng: Khoản 4, Điều 9 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân… thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội”. Mặt khác, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã có hiệu lực 08 năm triển khai, tuy nhiên trong thực tế, vai trò giám sát và phản biện xã hội vẫn còn là vấn đề mới, chưa được xem là một phương tiện để kiểm soát quyền lực nhà nước; chưa quy định trình tự thủ tục và hậu quả pháp lý của giám sát, phản biện xã hội; chưa bao quát đầy đủ các chủ thể có thẩm quyền giám sát và phản biện xã hội. Do đó, cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của đối tượng chịu trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong việc phản hồi việc tiếp nhận và thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện.
Thứ ba, cần nghiên cứu để có quy định, chế tài rõ ràng, cụ thể đối với cán bộ, công chức, viên chức khi nhận quà biếu: trong đó quy định rõ mức cho phép tối đa món quà đó có giá trị bao nhiêu (nếu trên mức quy định, người được tặng phải tìm cách từ chối). Hàng năm, cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến cơ sở phải khai báo trung thực tài sản của bản thân, vợ/chồng, con (như tiền thu nhập, tiền gửi tiết kiệm, bất động sản và các loại tài sản có giá trị khác), nếu tài sản tăng lên so với năm trước đó phải giải trình rõ nguồn gốc, không giải trình được nguồn gốc thì coi đó là tài sản tham nhũng, sẽ bị sung vào công quỹ nhà nước.
Giải pháp tiếp tục phòng, chống tiêu cực, tham nhũng hiệu quả trong thời gian tới
Một là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Tiếp tục thể hiện mạnh mẽ vai trò cầm quyền, lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao đối với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, hiệu quả hơn”(10). Để Đảng ta lãnh đạo, cầm quyền thực sự hiệu quả, có uy tín ngày càng cao, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, bổ sung hoàn thiện từ cơ cấu bộ máy đến xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế vận hành; từ bố trí cán bộ đến xây dựng phương thức, lề lối làm việc; từ việc thực hiện các nguyên tắc tập trung dân chủ và chấn chỉnh hệ thống tổ chức trong Đảng. Thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tranh giành địa vị, lợi lộc, kèn cựa, đấu đá lẫn nhau. Bên cạnh đó, các cấp ủy và tổ chức đảng cần dựa vào quần chúng nhân dân; động viên, tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thường xuyên tham gia các công việc của Đảng, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng; giám sát phê bình cán bộ, đảng viên; giúp tổ chức đảng làm tốt công tác kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với những hành vi, tiêu cực, tham nhũng.
Hai là, từng bước xây dựng hoàn thiện thể chế, quy định có tính bao trùm, dài hạn để cán bộ, đảng viên không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không được tham nhũng.
Cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội nhằm phòng ngừa tham nhũng và các quy định phục vụ cho việc phát hiện, xử lý tham nhũng; rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng đảm bảo phù hợp với quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Trọng tâm là tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo; rà soát ban hành quy định về quản lý cán bộ, đảng viên có liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xác minh các dấu hiệu sai phạm về kinh tế, tham nhũng để không thể nhờ người khác đứng tên hộ tài sản, bất động sản, bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản.v.v. Để đội ngũ cán bộ, đảng viên “không cần tham nhũng”, tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, gắn với cải cách hành chính và chính sách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội... để đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, cống hiến.
Ba là, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan thông tấn báo chí và quần chúng nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.
Việc giám sát các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nhà nước và cán bộ, đảng viên từ phía người dân, từ phía xã hội là một đảm bảo nhằm hạn chế sự lạm dụng quyền lực nhà nước để tư lợi, lợi ích nhóm; đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân được thực hiện. MTTQ Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội; quy tụ và tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, xây dựng khung khổ pháp lý chặt chẽ, rõ ràng cho việc xã hội tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thể chế hóa thành chính sách; quy định cụ thể quyền, trách nhiệm và hình thức tham gia của MTTQ Việt Nam trong việc phòng, chống tham nhũng. Trọng tâm là, xây dựng thiết chế bảo đảm dân chủ và quyền giám sát; quy định rõ cơ chế việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị để phối hợp với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, nhất là trong việc phòng, chống tham nhũng.
Các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, tố giác các biểu hiện tiêu cực và hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Do đó, cần tiếp tục phát huy vai trò, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí để phát hiện, ngăn ngừa, vạch trần tệ tham nhũng. Xây dựng và thực thi cơ chế pháp lý hiệu quả để bảo vệ người tố cáo, phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng; nghiêm trị những đối tượng lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng để xuyên tạc hoặc tố cáo sai sự thật, vu khống làm hại người khác vì động cơ xấu.
Bốn là, chú trọng tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước; giáo dục cho thế hệ trẻ, đặc biệt là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội về đạo đức, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên. Trọng tâm là, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất nhiều lần nhấn mạnh: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển toàn diện con người Việt Nam, trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, tư tưởng lạc hậu được chú trọng. Tuy nhiên, hiện nay trước tác động của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội, những thông tin xấu, độc lan truyền mạnh, đã ảnh hưởng đến một bộ phận lớp trẻ - có tư duy lệch lạc, suy nghĩ tiêu cực, lối sống thực dụng… Vì vậy, cần tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp người dân, nhất là thế hệ trẻ. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”(11). Thực tế, lối tư duy, suy nghĩ tiêu cực hoặc lành mạnh được định hình từ rất sớm, nên ngay từ khi còn trẻ, sự giáo dục của gia đình là yếu tố quyết định đến nhân cách, phẩm giá của mỗi người khi lớn lên, cũng như quá trình công tác, khi nắm giữ một vị trí nào đó trong cơ quan, tổ chức. Theo các học giả nghiên cứu về con người cho biết: “Con người từ bé đến lúc 18 tuổi tiếp thu đến 70-80% kiến thức của đời người, đó là những kiến thức có ý nghĩa cơ sở để rồi sau đó con người có thể tiếp thu được những kiến thức có tính quyết định đối với công việc…”(12).
Thực tế, trong phần lớn mỗi gia đình truyền thống ở Việt Nam đều rất coi trọng lễ nghĩa, nhất là danh dự, lòng tự trọng nên thường khuyên răn con cháu “đừng đánh mất danh dự” gia đình, dòng tộc - có nghĩa là, đừng có vi phạm pháp luật, đừng có tham ô, hủ hóa (mất danh dự là mất tất cả)… Suy rộng ra, nếu trong tất cả các gia đình chúng ta đều có sự giáo dục chuẩn mực cho con cháu từ khi còn nhỏ, thì sau này sẽ không có lối suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực, không có tệ tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, trong môi trường giáo dục cần tăng thời lượng phù hợp để giáo dục học sinh, sinh viên biết trọng danh dự, biết lên án cái xấu, cái ác…; cần nghiên cứu để có chương trình giáo dục về phòng, chống tiêu cực trong các cơ sở giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học - đây là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao nhận thức - hình thành ý thức, đạo đức, trọng liêm sỉ, chống tha hóa, biến chất.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Khi phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, hành vi tham nhũng cần tiến hành thanh tra, kiểm tra, nhưng phải hết sức thận trọng, khách quan để tránh oan sai. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; về suy thoái chính trị đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, trong công tác truy tố, xét xử cần tiến hành nhanh chóng, công khai - đây là điều mà người dân rất mong chờ, nhằm tránh tình trạng kéo dài những vụ án, vụ việc, hoặc để “chìm xuồng”, gây bức xúc, hoài nghi trong dư luận đối với các cơ quan chức năng.
Ngoài những giải pháp nêu trên, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều phức tạp, diễn biến khó lường như hiện nay; tiêu cực, tham nhũng với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt… Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới công tác giáo dục trong Đảng và trong xã hội về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh công tác nghiên cứu tổng kết lý luận, thực tiễn; tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động, kiên trì đấu tranh đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực; có giải pháp phù hợp, hiệu quả để ngăn chặn những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch, phản động. Trong công tác cán bộ, từ khâu tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm phải thận trọng, khách quan, công tâm, đặc biệt đối với những cán bộ cấp chiến lược, cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là người thực sự tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống, nổi trội về năng lực lãnh đạo, quản lý, có tầm nhìn chiến lược dài hạn; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung; có tinh thần cống hiến, phụng sự Tổ quốc… Có như vậy, tình trạng tiêu cực, tệ tham nhũng, lãng phí nhất định sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, để tiếp tục xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nhân dân ta ngày càng được ấm no hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn thịnh và hùng cường./.
-----------------
Ghi chú:
(1),(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.355, tr.216.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, Nxb CTQG-ST, H.2006, tr.353.
(3),(7) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phận xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQG-ST, H.2023, tr.14, tr.26-27.
(5) Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 (ngày 30/6/2022). Xem: https://ubkttw.vn.
(6) Xem http//vov.vn.
(8),(9),(10),(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.92-93, tr.95, tr.193, tr.144.
(12) Bàn về vấn đề lý luận, Nxb CTQG, H.2009, tr.77.
Lê Doãn Sơn - Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ
Theo tcnn.vn
Tâm Trang (st)