Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

 Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Người sáng lập, lãnh đạo Đảng ta, để lại di sản to lớn về tư tưởng, lý luận, mà Người còn có những bài nói, bài giảng răn dạy, chỉ bảo cụ thể cho mỗi cán bộ, đảng viên học tập và làm theo. Kỷ niệm 70 năm Bác Hồ nói về “Cách viết” tại Lớp Chỉnh Đảng Trung ương (17/8/1953 - 17/8/2023), mỗi chúng ta đã, đang và đều sẽ học tập, rèn luyện cách viết để hoàn thiện nhân cách của chính mình, bởi lẽ văn là người.

hoc tap cach viet
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống
thực dân Pháp (Ảnh tư liệu)

Trong bài Cách viết, Bác nêu rõ người viết phải đặt mục đích rõ ràng là viết để làm gì ? Bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang ở giai đoạn cuối, thời gian đọc rất ít, giấy mực phải tiết kiệm, mục đích viết là cho đại đa số công, nông, binh để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Do đó, Người chỉ rõ: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta”[1]. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ viết phải khách quan, trung thực, tránh bịa đặt, viết “để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu…Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy.”[2]

Về cách viết thế nào, Người cho rằng cần phải tránh “lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”[3].

Khi viết phải “gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi”[4]; phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng, phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng. Viết xong rồi “phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại”[5].

Khi sinh thời, nói đến cách viết của Bác, thông thường chúng ta hay đề cập đến cách viết các bài báo, thực tế trong quá trình hoạt động cách mạng, Người có một phong cách viết ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, dễ hiểu và thực hành được ngay. Năm 1927, Bác viết cuốn Đường cách mệnh để huấn luyện cho lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên của nước ta, Bác đã nói rõ: "Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ... Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả"[6].

Năm 1947, Bác viết cuốn Đời sống mới và cuốn Sửa đổi lối làm việc một cách vắn tắt, rõ ràng, dễ hiểu để đồng bào, cán bộ, đảng viên đọc, để thực hành đời sống mới và sửa đổi tư tưởng, tác phong, lề lối làm việc và công tác. Các tác phẩm của Bác viết với khối lượng thật đồ sộ với nhiều thể loại: chính luận, xã luận, bút chiến, truyện, ký, thơ cùng nhiều thể loại khác không chỉ bằng tiếng Việt mà cả bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, v.v.. Đến Bản Di chúc, trước tác cuối cùng của Người để lại cho Đảng, cho nhân dân Việt Nam cũng chỉ ngắn gọn có 3 trang mà bao hàm ý nghĩa sâu xa, gửi gắm nhiều điều vĩ đại cho dân, cho nước. Các tác phẩm của Bác được viết một cách giản dị, rõ ràng, súc tích, dễ hiểu đi thẳng vào vấn đề. Cách viết của Bác thường hay ví von nên dễ đi vào lòng người và đến với đông đảo bạn đọc như: "Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa"; "Ruộng rẫy là chiến trường. Cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sĩ"; "Xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như làm ruộng. Trước phải khó nhọc cầy bừa, chân bùn tay lấm, làm cho lúa tốt, thì mới có gạo ăn", v.v..Về cách viết, Bác dặn mọi người, khi viết lời lẽ phải phổ thông, dễ hiểu, đường hoàng, vui vẻ, làm cho người xem có thú vị mà lại bổ ích. Khi viết và khi làm việc trên văn bản, Bác yêu cầu phải chú ý từng câu, từng chữ, trình bày rõ ràng để không thừa, không thiếu, không dài dòng và phải nhạy cảm chính trị. Bác cho rằng, cần phải viết ngắn gọn, còn viết dài mà rỗng thì không tốt, viết ngắn mà rỗng cũng không hay; phải chống tất cả thói viết rỗng, viết dài. Bác cũng lưu ý, viết ngắn gọn, nhưng lại không được thiếu, không được qua loa, đại khái, dùng từ phải chính xác, dễ hiểu. Viết dài nhưng mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích thì không phải là rỗng, không phải nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt. Bác căn dặn: Khi viết cố gắng phải ngắn gọn, song phải có nội dung; tránh lối viết khô khan, kém hoạt bát, không phổ thông, tránh dùng chữ nước ngoài không đúng nghĩa, hay nói chính trị suông, v.v... Bác phê bình cách viết dài dòng, rỗng tuếch: "Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác, nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy mực, mất công người xem"[7]. Theo quan điểm của Bác, một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay và “Viết dài mà rỗng thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng, cũng không hay”[8]. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt.

Học tập cách viết của Bác, hơn 90 năm Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trải qua 13 kỳ đại hội, mỗi nhiệm kỳ đều có những nhiệm vụ khác nhau, nhưng, Đảng đều ra những nghị quyết ngắn gọn, khoa học, cô đọng, súc tích, phù hợp với nhận thức của đại đa số quần chúng nhân dân. Khi Đảng thành lập, ban hành Chánh cương vắn tắt của Đảng chỉ có 28 dòng, dòng dài nhất có 13 chữ, dòng ngắn nhất chỉ có 4 chữ; Sách lược vắn tắt của Đảng có 21 dòng; Chương trình vắn tắt của Đảng chỉ có 16 dòng. Những văn kiện này thể hiện sự ngắn gọn, đủ ý, dễ hiểu và cũng là những văn kiện ngắn nhất của Đảng. Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hết sức nặng nề, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng ngày càng to lớn, các văn kiện của Đảng có tầm mức khác nhau, đều tập trung thể hiện những mong muốn của Đảng trong xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng và phát triển./.                                        

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 8, tr 206.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr 206.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr 207.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,tập 8, tr 208.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr 208.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 2, tr 283.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 5, tr339.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 5, tr339.

TS DƯƠNG MINH HUỆ - HỌC VIỆN CTQG HỒ CHÍ MINH

Theo Hochiminh.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: