Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức khánh thành (29-8-1975), lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng) đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt.

Để hiểu rõ hơn về những trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, chúng tôi có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phóng viên (PV): Nói đến bộ đội Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng là nói đến những con người rất tiêu biểu, rất mẫu mực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Từ nhận định này, đồng chí có thể khái quát về động lực phấn đấu của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng?

Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng: Trước hết, phải khẳng định rằng, mỗi cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đều có nhận thức sâu sắc về niềm vinh dự, tự hào được làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt thiêng liêng và trọng trách lớn lao giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới. Từ nhận thức và niềm vinh dự đó cùng với việc hằng ngày được làm việc bên Bác, được thẩm thấu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, đã tạo động lực thôi thúc mỗi cán bộ, chiến sĩ tôi luyện nên bản lĩnh, phẩm chất, cốt cách Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới-Bộ đội Cụ Hồ bên Lăng Bác “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”. Điều này được minh chứng rõ nét, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin cậy giao phó.

thieu tuong dinh quoc hung 1
Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng.

PV: Thưa đồng chí, đâu là yêu cầu hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ đối với mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng?

Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng: Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng không chỉ có tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị mà còn phải có trình độ kiến thức; tinh thần chủ động, tự giác trong học tập, nghiên cứu để làm chủ khoa học-công nghệ mới; từng bước vươn lên làm chủ vững chắc toàn bộ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý vận hành toàn bộ thiết bị kỹ thuật công trình Lăng của Người.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ, nhất là trong tình hình hiện nay là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, góp phần xây dựng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng vững mạnh toàn diện; đồng thời là yếu tố quyết định, là cơ sở, nền tảng vững chắc để nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, bảo đảm cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

PV: Đảng ủy Đoàn 969, chỉ huy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã có chủ trương, biện pháp gì để nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi đắp quyết tâm cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng: Có thể nói, bất cứ thời điểm nào thì việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng luôn được Đảng ủy Đoàn 969, chỉ huy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng ưu tiên hàng đầu với nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo. Trước hết, cấp ủy, người chỉ huy, cơ quan chính trị đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của trên về tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục chính trị ở đơn vị trong giai đoạn mới và Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Kết hợp chặt chẽ giữa quá trình giáo dục của đơn vị với tự giáo dục, tự nêu gương của cá nhân.

thieu tuong dinh quoc hung 2
Cán bộ, đoàn viên công đoàn Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ đồng bào và du khách quốc tế về Lăng viếng Bác. Ảnh: TRUNG HIẾU

Tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục, kết hợp hài hòa giữa phương pháp truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; giữa giáo dục chung và giáo dục riêng, với giáo dục thường xuyên qua quá trình thực hiện nhiệm vụ và hoạt động thực tiễn của bộ đội; kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục với quản lý, duy trì kỷ luật, nền nếp, chế độ chính quy, văn hóa công sở.

Đồng thời triển khai nhiều nội dung, biện pháp, mô hình như: Định hướng “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, chu đáo”; mô hình 3 mẫu mực về “Tư duy suy nghĩ, lời nói phát ngôn, hành động việc làm” theo tiêu chuẩn Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới; “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; “Chi bộ 4 tốt, đảng viên 5 mẫu mực”, triển khai và quyết tâm thực hiện tốt tiêu chí xây dựng Đảng bộ Đoàn 969 là Đảng bộ tiêu biểu trong Đảng bộ Quân đội.

Thông qua những nội dung, biện pháp trên đã góp phần giáo dục, động viên cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo; khắc phục khó khăn, hoàn thành toàn diện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Với tinh thần trách nhiệm chính trị cao, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng sẽ biến những tình cảm thiêng liêng với Bác Hồ kính yêu thành ý chí, hành động thiết thực; đoàn kết một lòng, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị đặc biệt được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng giao cho.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

KIM ANH (thực hiện)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Đức Thi (st)

Bài viết khác: