Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

 Cách mạng Tháng Tám thực hiện lý tưởng giải phóng dân tộc và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước

 Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười thành công; nước Nga Xô Viết ra đời; chính quyền cách mạng về tay công - nông. Đó là chính quyền kiểu mới, xác lập quyền làm chủ chân chính của nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tư tưởng thiên tài của V.I. Lênin về quyền tự quyết của các dân tộc, tự quyết định lấy vận mệnh và lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình được thực hiện. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại và triệt để nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, khai sinh chủ nghĩa xã hội hiện thực đầu tiên ở nước Nga, mở đầu cho sự hình thành “Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết” sau này. Vượt qua những thử thách khốc liệt của nội chiến và khủng hoảng do các thế lực tư bản chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa phương Tây gây ra, nước Nga đã đứng vững và hồi sinh nhờ tư tưởng cải cách kinh tế với “Chính sách kinh tế mới” (NEP) của V.I. Lênin. Trong bối cảnh ấy, năm 1920, lần đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đã hấp thụ tư tưởng về quyền tự quyết của các dân tộc của V.I. Lênin. Năm 1923, cách đây vừa đúng một thế kỷ, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc có mặt ở Liên Xô và trực tiếp chứng kiến “sự hồi sinh của nước Nga”; thấy được sự chăm sóc của Đảng Cộng sản và chính quyền Xô Viết đối với cuộc sống của người dân, nhất là đối với thiếu niên, nhi đồng, Người đã nhận xét: “Nếu chưa phải là thiên đường của tất cả thì ít nhất, nước Nga cũng là thiên đường của trẻ em”.

Năm 1925, khi hình thành tổ chức tiền thân của Đảng - “Hội thanh niên cách mạng đồng chí”, Nguyễn Ái Quốc đã trù tính: “Sau này, đất nước đi vào xây dựng chế độ mới, nhất định phải áp dụng Tân kinh tế chính sách của Lênin” (NEP). Năm 1927, mười năm sau Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc viết “Đường cách mệnh”, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và đặt cơ sở lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng cách mạng chân chính. Trong tác phẩm này, Người đưa ra quan niệm về “cách mệnh” mà vượt qua hàng thế kỷ, quan niệm đó vẫn còn nguyên giá trị, trở thành kinh điển, dù không hàn lâm, bác học mà hết sức dung dị, đời thường: “Cách mệnh” là gì? “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”1. Người còn nhấn mạnh: “Cách mệnh trước hết phải có Đảng. Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt. Đảng không có chủ nghĩa giống như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”2. Và, “…chủ nghĩa cách mạng nhất, chân chính nhất, là chủ nghĩa Lênin,... ”3. Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng chân chính cách mạng của Việt Nam với tên gọi: “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Và Người trực tiếp soạn thảo Chính cương, Sách lược, Điều lệ vắn tắt và chương trình hành động trước mắt của Đảng.

Sau hành trình 30 năm tìm đường cứu nước, cứu dân, năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hội nghị Trung ương Tám của Đảng (từ ngày 10/5 đến ngày 19/5/1941) do Người chủ trì đã quyết định chuyển hướng chiến lược, đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh), tập trung mọi nỗ lực vào thực hiện mục tiêu giải phóng, giành độc lập dân tộc, đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân khi thời cơ đến. Người ra lời kêu gọi, gửi những lời tâm huyết vào thư cho toàn quốc đồng bào “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đó là thông điệp thiêng liêng của lịch sử khi tình thế và thời cơ cách mạng đang đến gần. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ năm 1941 đến năm 1945, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc với ngọn cờ dẫn đường của tư tưởng Hồ Chí Minh đã vận động vô cùng khẩn trương, đầy ắp các sự kiện, các tình huống, vượt qua muôn vàn thử thách để phát triển phong trào và đẩy tới cao trào cách mạng giành chính quyền với Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Hội nghị Trung ương Tám (tháng 5/1941) đi vào lịch sử Đảng như một mốc son chói lọi, tạo ra bước ngoặt của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và khẳng định giá trị, ý nghĩa, sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 làm nên thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX, làm sinh thành chế độ mới, lập nên chính thể Cộng hòa dân chủ và Nhà nước dân chủ cộng hòa mà nhân dân trở thành người chủ và làm chủ vận mệnh của mình. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra một kỷ nguyên mới, khai sinh ra một thời đại mới trong lịch sử Việt Nam hiện đại - thời đại mang tên Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Khi cách mạng nổ ra và thắng lợi trong toàn quốc chỉ trong vòng 02 tuần lễ, Đảng ta mới 15 tuổi (1930 - 1945) và toàn Đảng mới có gần 5.000 đảng viên. Khi đó, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập mới chưa đầy một tuổi (22/12/1944 - 02/9/1945) đã lập nên chiến tích vẻ vang như huyền thoại - cùng với nhân dân là nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thắng lợi. Cách mạng Tháng Tám là kiểu mẫu của cách mạng giải phóng dân tộc, thể hiện thiên tài tư tưởng và tổ chức của Hồ Chí Minh và của Đảng, vận dụng tài tình thiên thời - địa lợi - nhân hòa, mà nhân hòa là gốc, xử lý nhuần nhuyễn mối quan hệ “Thời - Thế - Lực” trong cách mạng nhằm xóa bỏ ách thống trị của thực dân, đế quốc và phong kiến, giải phóng đồng bào ta từ tình cảnh nô lệ ngót một thế kỷ tới địa vị người chủ và làm chủ. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự chứng thực vĩ đại của chân lý “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, của sức mạnh dân tộc giải phóng, thực hiện giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, làm tiền đề và điều kiện để phát triển dân tộc theo nguyên lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến cùng cho hệ giá trị mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

tinh than cach mang
Nguồn: xaydungdang.org.vn

Thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Cách mạng Tháng Tám và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nói về giá trị và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh bằng những luận điểm quan trọng trên hai bình diện giải phóng và phát triển: “Cách mạng Tháng Tám đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân” và “Cách mạng Tháng Tám đã xây dựng cho nhân dân ta cái nền tảng Dân chủ cộng hòa và thống nhất độc lập”4.

Trước âm mưu phá hoại thành quả của chế độ mới và xâm lược trở lại nước ta của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với tinh thần: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”5. Người đã cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta tiến hành cuộc kháng chiến toàn diện và trường kỳ, với phương châm chiến lược “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, với tinh thần tự lực cánh sinh, với niềm tin mãnh liệt “kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”. Tư tưởng đó được rọi sáng và nuôi dưỡng từ Cách mạng Tháng Tám với thiên tài tư tưởng và tổ chức của Hồ Chí Minh.

Nói về nguyên nhân và bài học cơ bản nhất làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, Người nhấn mạnh: “Cách mạng và kháng chiến thắng lợi vì nhân dân ta rất đoàn kết, rất hăng hái, rất tin tưởng và đấu tranh rất bền bỉ”6. Tổng kết của Người đã phản ánh nguyên lý sâu xa của giải phóng và quy luật muôn đời của phát triển, đó là: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Nguyên lý và quy luật này tỏ rõ rằng: đoàn kết là sức mạnh và làm nên sức mạnh của toàn dân tộc. Dù khó khăn, thiếu thốn, gian khổ đến đâu, dù thử thách hiểm nguy đến chừng nào nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, sự đồng tâm, nhất trí của toàn dân thì cũng vượt qua được. Sức mạnh của lòng yêu nước đã từng được Hồ Chí Minh ví như một làn sóng mãnh liệt, đủ sức vượt qua muôn thác ghềnh hiểm trở, đủ sức nhấn chìm tất cả bè lũ cướp nước và bán nước. Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, tự lực, tự cường là cội nguồn và động lực thúc đẩy đoàn kết, đại đoàn kết. Giải phóng và phát triển luôn dựa trên nền tảng vững chắc đó. Người nhấn mạnh, không chỉ quyết tâm mà còn phải giữ vững tín tâm và tạo nên đồng tâm, nhất trí, hiệp lực, đồng sức đồng lòng, đồng thuận cả xã hội. Nếu thiên thời, địa lợi là quan trọng, thì nhân hòa còn quan trọng hơn. Đó là nhân tố quyết định mọi thành công. Nhờ có nhân hòa mà đội “Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”, tiền thân của Quân đội ta chỉ với 34 chiến sĩ ban đầu, dựa vào dân mà đánh giặc, được dân đùm bọc, giúp đỡ và bảo vệ đã đánh thắng ngay từ trận đầu, làm nên truyền thống bách chiến bách thắng sau này. Chỉ thị thành lập Đội quân ấy do Hồ Chí Minh đề xướng đã mang tinh thần của Cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng với tầm nhìn xa trông rộng đặt niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của nhân dân: “Người trước súng sau, chính trị trọng hơn quân sự”, “có dân thì sẽ có súng, có dân thì sẽ có tất cả”. Giải phóng cho toàn thể dân tộc khỏi xiềng xích thực dân phải phát động được sức mạnh của toàn dân. Qua đó, Người giác ngộ, thức tỉnh, truyền cảm hứng cho toàn dân tộc và trở thành linh hồn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thành ngọn cờ dẫn đường cho cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam; đồng thời, là biểu tượng cao quý cho khát vọng phát triển muôn đời của Việt Nam - khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Với Hồ Chí Minh và Cách mạng Tháng Tám do Đảng ta và Người lãnh đạo, khát vọng giải phóng gắn liền với khát vọng phát triển. Cả hai dòng chảy khát vọng ấy liên tục, bền bỉ có trong lòng Đảng, lòng dân suốt mọi thời kỳ lịch sử và nổi bật, thiết tha trong tấm lòng lãnh tụ, thành hoài bão, mong muốn tột bậc của Người, mong cho nước nhà được độc lập, dân tộc và nhân dân ta được tự do, đồng bào ta có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được học hành, được hưởng quyền hạnh phúc. Từ ý chí mãnh liệt của Người: “Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập” đến “Tuyên ngôn độc lập” bất hủ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã truyền đi thông điệp của cả dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Đó là sự phát triển nhất quán của Hồ Chí Minh - tự do, độc lập phải thực sự gắn liền với hòa bình và thống nhất non sông và người dân phải được thụ hưởng đầy đủ hạnh phúc. Người luôn dằn vặt rằng, chúng ta giành được độc lập tự do rồi mà dân vẫn đói rét, cực khổ, vẫn trong vòng tăm tối, dốt nát thì độc lập tự do cũng chẳng để làm gì. Bởi vậy, Người nhấn mạnh, chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, có mặc, có nhà ở và được học hành; để dân xứng đáng được hưởng thành quả của một nước độc lập và góp sức cho nền độc lập ấy. Trong những ngày đầu gây dựng chính thể Dân chủ cộng hòa, Chính phủ do Người đứng đầu đã ban bố và thực hiện những chính sách thiết thực, cần kíp nhất để giữ vững nền độc lập, để mưu cầu cho quốc dân đồng bào được tự do và hạnh phúc, chống giặc ngoại xâm đi liền với chống giặc đói và giặc dốt. Người làm cho dân ta hiểu rõ “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, dân đói nghèo thì nước hèn, dân tộc ỷ lại trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài thì không xứng đáng được độc lập tự do. Người nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, phát huy tự lực, tự cường để phát triển và từng bước đi đến bến bờ hạnh phúc. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người ký thác niềm tin vào lớp trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang, sánh vai được với các cường quốc năm châu hay không, một phần lớn nhờ vào công học tập của các em”7.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chế độ mới phải giải quyết cùng một lúc muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là trước tình huống hiểm nghèo, thù trong giặc ngoài, vận nước ngàn cân treo sợi tóc. Di sản mục nát mà chế độ cũ để lại là 02 triệu người chết đói thê thảm, 95% dân số nước ta thất học và mù chữ, ngân khố quốc gia khô kiệt, chỉ còn hơn một triệu đồng Đông Dương, hầu hết là tiền lẻ đã rách nát không tiêu được. Hồ Chí Minh đã phát động và làm gương trước toàn quốc đồng bào về tình tương thân tương ái, giúp nhau vượt qua mọi khó khăn buổi đầu. Các phong trào: “Hũ gạo cứu quốc”, “Tuần lễ vàng” do Người phát động, gây quỹ “đảm phụ quốc phòng” do Người chủ trương, toàn dân tăng gia sản xuất, “tấc đất tấc vàng” do Người kêu gọi để nhanh chóng diệt giặc đói, diệt giặc dốt như diệt giặc ngoại xâm,… đã tác động vô cùng to lớn vào việc giải quyết thành công những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ lâm thời. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ trong thời gian ngắn, Hiến pháp đã được soạn thảo, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội được tổ chức thành công. Quốc hội khóa I đã được triệu tập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành nguyên thủ quốc gia. Cho đến trước ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, 474 ngày đầu tiên, chế độ dân chủ cộng hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đạt được kỳ tích vẻ vang, để lại những bài học có giá trị và ý nghĩa to lớn trong việc phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và tư tưởng của Người để giữ vững nền độc lập và sự phát triển của toàn dân tộc.

Có hai sự kiện đặc biệt cần phải nhắc lại vào thời khắc khẩn trương của cuộc chiến đấu vì tự do và phẩm giá con người. Thứ nhất, tháng 10/1946, ngay khi từ Pháp trở về, nói chuyện với đồng bào đón Bác tại cảng Hải Phòng, Người bày tỏ niềm hy vọng về tương lai của dân tộc ta: “Dân tộc Việt Nam phải là một dân tộc thông thái”. Trong khi hậu quả của nền giáo dục ngu dân làm cho hầu hết dân ta mù chữ mà Người vẫn tài tình tổ chức thành công toàn thể quốc dân đi bỏ phiếu bầu Quốc hội, bằng cách khẩn trương xóa nạn mù chữ để ai ai cũng biết đọc, biết viết, biết cầm lá phiếu mà lựa chọn người tài đức, xứng đáng để ủy quyền. Cũng trong hoàn cảnh, trình độ dân trí phổ thông còn thấp như vậy mà Người vẫn khát khao về “một dân tộc thông thái” thì đủ hiểu niềm tin và khát vọng phát triển của Người lớn đến mức nào. Thứ hai, giữa lúc khói lửa chiến tranh đang đến gần, thực dân Pháp ngang nhiên đe dọa và phá hoại, với tinh thần “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”, Hồ Chí Minh đã đến Nhà hát lớn ở thủ đô Hà Nội, dự Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24/11/1946). Tại đây, Người đã đọc bài diễn văn nổi tiếng, đi vào lịch sử dân tộc. Người nhấn mạnh, nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở; văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Nền văn hóa mới Việt Nam phải có sức tiếp thu mọi cái hay, cái tốt từ mọi nền văn hóa khác, của các nước trên thế giới để làm phong phú cho văn hóa của dân tộc mình. Nền văn hóa mới của Việt Nam phải có sức mạnh chống lại mọi thứ phù hoa, xa xỉ, lãng phí, tham ô, xây dựng một đời sống vật chất, tinh thần văn minh cho nhân dân ta. Người cũng kêu gọi các nhà văn hóa quan tâm đặc biệt tới thế hệ trẻ, thiếu niên, nhi đồng và tương lai của nước nhà.

Như vậy, để giữ vững độc lập tự do - thành quả vĩ đại của cách mạng, phải đặc biệt chú trọng xây dựng chế độ mới bằng cách phát huy vai trò, tác dụng của văn hóa. Khát vọng phát triển được nuôi dưỡng từ khát vọng giải phóng. Khát vọng phát triển lại được thực hiện bằng sức mạnh của văn hóa, bằng tiếp biến văn hóa để phát triển. Đó là trù tính sâu xa, chiến lược của Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Người nêu rõ hạnh phúc (vật chất, tinh thần) của người dân là cơ sở, mục đích của xây dựng văn hóa. Hạnh phúc của nhân dân là mối quan tâm thường trực, suốt đời trong lẽ sống và hành động của Người.

Hạnh phúc là giá trị cao nhất và kết tinh các giá trị Độc lập và Tự do. Hạnh phúc là chỉ số quan trọng bậc nhất và thực chất của phát triển như Đảng ta đã xác định trong Văn kiện Đại hội XIII: “đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, “dân tộc cường thịnh, trường tồn”. Tâm nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi trong Di chúc “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”8. Tâm nguyện ấy cũng là khát vọng phát triển của Người, được ấp ủ từ ngày đi tìm đường cứu nước, từ Cách mạng Tháng Tám - Cách mạng giải phóng mà ngày nay toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức thực hiện.

_______________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 289.

2 - Sđd, tr. 284.

3 - Sđd, tr. 284.

4 - Sđd, Tập 5, tr. 218.

5 - Sđd, Tập 4,  tr. 534.

6 - Sđd, Tập 10, tr. 351.

7 - Sđd, Tập 4, tr. 35.

8 - Sđd,, Tập 15, tr. 624.

GS, TS. HOÀNG CHÍ BẢO, Nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Theo http://tapchiqptd.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: