Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

Tham gia cách mạng từ ngày thống nhất các LLVT cách mạng thành Việt Nam Giải phóng quân (15-5-1945), đó là niềm tự hào của ông Mông Đức Ngô, người Tày, sinh năm 1929, ở xóm Lợi A, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Hoàng Văn Duyệt, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Phượng Tiến trên đường đưa chúng tôi tới nhà ông Mông Đức Ngô giới thiệu: “Cả xã giờ chỉ còn ông Ngô là đối tượng chính sách tiền khởi nghĩa. Năm nay, ông đã ở tuổi 95, nhưng còn khỏe mạnh, minh mẫn, chỉ tiếc là ông đã nặng tai, muốn hỏi ông điều gì phải ghi ra giấy...”.

Dù trời đã trưa, nắng nóng, song ông Ngô vẫn quần áo chỉnh tề đón chúng tôi. Trước khi kể chuyện, ông giới thiệu về những bức ảnh, bài báo viết về ông, ghi lại những chuyến đi của ông cùng các cựu chiến binh ở địa phương thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ, Khu di tích An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên), Tân Trào (Tuyên Quang)... Chỉ vào tấm ảnh đã ố nhòe, ông cẩn thận ghi dưới bức ảnh danh sách các đội viên, chiến sĩ từng bảo vệ Bác Hồ và cơ quan Trung ương ở an toàn khu mà ông là Tiểu đội trưởng.

bao ve bac
Ông Mông Đức Ngô. Ảnh: THÁI CHƯƠNG

Tháng 5-1945, chàng thanh niên Mông Đức Ngô mới 16 tuổi, khỏe mạnh, được tiếp xúc với các anh chị Việt Minh hoạt động ở địa phương nên sớm giác ngộ cách mạng. “Ngày 15-5-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các LLVT cách mạng, gồm: Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Chúng tôi hồi ấy đi từ xã Phượng Tiến về khu vực làng Quặng, xã Định Biên để tham gia LLVT và Giải phóng quân. Tôi ít tuổi, nhưng nhanh nhẹn, thông thạo địa hình nên được bổ sung vào tiểu đội bảo vệ.

Sáng 16-5-1945, theo chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, lực lượng bảo vệ chia làm hai đội đi đón Bác Hồ từ Pác Bó về Tân Trào. Tôi ở đội do đồng chí Tân Hồng chỉ huy. Chúng tôi đi xuyên rừng, băng núi, lên đến xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn, Bắc Kạn) thì gặp được đồng chí Võ Nguyên Giáp đã ở đó. Đồng chí nhắc chúng tôi phải giữ bí mật, cảnh giác vì binh lính Nhật và phản động, tay sai đang hoạt động ráo riết. Ở Đại Từ và Định Hóa còn có quân địch chiếm đóng, không an toàn nên đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa Bác Hồ về Tân Trào ở. Tôi cùng các anh em bảo vệ quê ở Định Hóa được ở lại Tân Trào để tham gia lực lượng bảo vệ Bác”, ông Ngô kể.

Làm nhiệm vụ ở đội bảo vệ Bác Hồ và cơ quan Trung ương Đảng, ông Ngô cùng với các đồng chí luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ canh gác, phòng gian, bảo mật. “Có lần gặp Bác Hồ, thấy tôi trẻ tuổi, nhanh nhẹn, Bác xoa đầu rồi hỏi thăm công việc, gia đình. Bác thật gần gũi, dành tình cảm thương yêu như người cha với các con vậy. Khi Bác Hồ bị ốm, ai cũng rất lo lắng, mong sao Bác nhanh khỏi. Nghe chuyện kể về tình cảm của đồng chí Võ Nguyên Giáp chăm sóc Bác Hồ những ngày Bác ốm nặng ở Tân Trào, tôi rất xúc động, sau này tôi có làm bài thơ ghi lại những cảm xúc ngày ấy”, ông Ngô kể tiếp.

Được bảo vệ Bác Hồ và cơ quan Trung ương Đảng những ngày khí thế Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 sục sôi là nhiệm vụ rất tự hào với ông Mông Đức Ngô và các đồng chí của ông. Cứ mỗi mùa thu về, ông Ngô lại nhớ Bác Hồ và  Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như ký ức một thời thanh niên sôi nổi còn mãi trong ông./.

KIÊN ĐÌNH

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: