Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

“Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

bieu tuong khi phach 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. (Ảnh tư liệu)

Tất cả những gì tốt đẹp nhất của dân tộc ta trong hàng nghìn năm lịch sử đều được kết tinh, hun đúc, sống dậy, tràn đầy sức mạnh hơn bao giờ hết trong cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, trong thời đại Hồ Chí Minh.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa những giá trị tinh thần cao quý như độc lập, tự do, hạnh phúc, loại bỏ bất công, bất bình đẳng, hòa bình và công lý, một thế giới mới chống lại đói nghèo, bệnh tật, dốt nát.

Chủ nghĩa yêu nước,giá trị hàng đầu, nhất quán, sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam xuất hiện từ thời cổ đại, phát triển qua các giai đoạn lịch sử, đến thời đại Hồ Chí Minh, là một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam và nếu dùng từ “đạo” với nguyên nghĩa của nó là “đường”, là hướng đi thì đích thực là đạo Việt Nam”(1). Trải qua các giai đoạn lịch sử từ cái nôi Văn Lang - Âu Lạc đến thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc chống đô hộ Hán, Đường, qua kháng chiến chống xâm lược thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có cách biểu hiện cao thấp, sắc thái khác nhau, nhưng ngày càng phát triển cả bề rộng và sâu, đậm đà cốt cách Việt Nam. Đến giai đoạn lịch sử cận đại, khi triều Nguyễn lên ngôi, giai cấp phong kiến Việt Nam từng bước từ bỏ ngọn cờ yêu nước, giai cấp tư sản không đủ sức giương cao ngọn cờ yêu nước, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được giai cấp công nhân nâng lên một tầm cao mới.

Được ánh sáng khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Lênin (chủ nghĩa Mác - Lênin) soi sáng, Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản. Từ đó trở đi, Người cùng với Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam - Đảng do Người sáng lập và rèn luyện - phát kiến lại chủ nghĩa yêu nước truyền thống, đưa vào những nội dung mới, chất lượng mới, trở thành một bộ phận của tinh thần quốc tế, kết hợp nhuần nhuyễn, phát huy một cách hài hòa với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong toàn bộ tiến trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa yêu nước là thứ của quý, động lực tinh thần lớn nhất cho cách mạng, kháng chiến và xây dựng. Người khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(2). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước “có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng, dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát kiến lại chủ nghĩa yêu nước truyền thống không phải bằng lý luận, sách vở thuần túy mà chủ yếu thông qua thực tiễn giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người sử dụng liên tục chủ nghĩa yêu nước như một vũ khí và rèn luyện vũ khí ấy ngày càng sắc bén trong trường kỳ cách mạng và kháng chiến. Người chỉ rõ: “Chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và nhân dân ta đã mấy năm trường chịu đựng trăm đắng nghìn cay, kiên quyết đánh cho tan bọn thực dân cướp nước và bọn Việt gian phản quốc, kiên quyết xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, một nước Việt Nam dân chủ mới”(4)

Sau gần 90 năm (1858-1945), dân tộc ta đánh Pháp, Nhật và chế độ phong kiến với tinh thần Hồ Chí Minh trong lời hiệu triệu: “Dân ta một cổ hai tròng. Đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật. Trước tình cảnh đau đớn, xót xa ấy, ta có chịu khoanh tay chờ chết không? Không, quyết không! Hơn 20 triệu con Lạc cháu Hồng quyết không chịu làm vong quốc nô lệ mãi!... Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”(5). Cuối cùng, chúng ta đã thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân tộc ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!(6).

Khi thực dân Pháp trở lại cướp nước ta một lần nữa, lời hịch của ông cha ta tự ngàn xưa vang vọng trong lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Chúng ta phải đứng lên… Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(7). Sau chín năm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn, đem thân làm giá súng”, chúng ta đã viết nên thiên sử vàng Điện Biên, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Hơn hai mươi năm tiếp theo, khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ở cả miền Nam và miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ hào khí Việt Nam, khảng khái tuyên bố rằng đế quốc Mỹ có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(8). “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(9). Cuối cùng, Mỹ phải cút, ngụy phải nhào, Tổ quốc thống nhất, giang sơn thu về một mối. Chúng ta “có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”(10).

Nhiều dân tộc trên thế giới bị xâm lược và đứng lên chống xâm lược, không riêng Việt Nam, nhưng như Việt Nam thì không nhiều. Nhiều người nước ngoài không hiểu nổi sức mạnh của dân tộc Việt Nam là gì? Vì sao dân tộc Việt Nam thời trung đại, không những không bị Hán hóa, mà còn giành được độc lập dân tộc? Ba lần đánh bại quân Mông, Nguyên, những kẻ luôn luôn chiến thắng từ Á sang Âu? Từ một nước nông nghiệp, khoa học kỹ thuật kém phát triển, đã vùng lên giải phóng, đánh bại các cuộc xâm lược của các đế quốc hùng mạnh là Pháp và Mỹ? Còn nhiều câu hỏi vẫn phải tiếp tục tìm câu trả lời hoàn toàn thuyết phục.

bieu tuong khi phach 2
Bác Hồ đi Chiến dịch Đông Khê. (Ảnh: T.L)

Việt Nam đất không rộng, người không đông, vũ khí súng đạn không nhiều, không lớn, luôn phải đối mặt với những cường quốc to lớn hơn mình gấp nhiều lần. Vậy khí phách của dân tộc Việt Nam là gì? Câu trả lời nằm ở chỗ một dân tộc biết đặt tâm lý tinh thần độc lập tự cường lên hàng đầu; luôn coi trọng luân lý biết hy sinh lợi ích cá nhân mình, làm lợi cho quần chúng. Những cuộc khởi nghĩa và chiến tranh kéo dài hàng nghìn năm đã nhào nặn tâm hồn Việt Nam, đạo lý và khí phách Việt Nam. Chúng ta tự hào về một dân tộc rắn rỏi, kiên trung, hiên ngang, có tinh thần độc lập tự chủ, lạc quan, sáng tạo, thương người, chính nghĩa, đại nghĩa, trước “sóng cả không ngã tay chèo”.

Những giá trị đó có tự ngàn xưa, được vun bồi, kết tinh, sống dậy trong Hồ Chí Minh, phát sáng hào quang. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng rực rỡ của cuộc chiến đấu giành tự do; là mẫu mực xuất chúng về mọi đức tính nhân đạo, tượng trưng cho tinh thần của dân tộc “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(11); “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(12); “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp mình đã”(13). Để khởi nghĩa thắng lợi, Người khái quát và nâng cao tinh thần, khí phách của dân tộc: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(14).

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt vời về nhiệt tình, chí khí cách mạng kiên cường, khí phách anh hùng, tinh thần độc lập tự do, một lòng kiên trì cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ, lâu dài, phức tạp, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; thắng không kiêu, bại không nản. Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ phẩm chất của một nhà yêu nước chân chính, một chiến sĩ cách mạng vô sản dũng cảm kiên cường, triệt để, suốt đời hy sinh phấn đấu với niềm tin và tư thế của một người chiến thắng. Đó là khí phách và khát vọng của những người được sứ mạng lịch sử trao cho là đánh đổ xã hội cũ áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng xã hội mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy dân làm gốc.

Nguyễn Trãi viết: “Lấy đại nghĩa thắng hùng tàn/Dùng chí nhân thay cường bạo”.

“Xã tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây đổi mới

Càn khôn bĩ rồi lại thái

Nhật nguyệt tối rồi lại minh

Để mở nền muôn thuở thái bình

Để rửa nỗi nghìn thu sỉ nhục”.

Đó là một khía cạnh đặc trưng thuộc tinh hoa và khí phách của dân tộc Việt Nam - tinh hoa và khí phách về khát vọng đổi mới, hạnh phúc và phát triển bền vững, thái bình. Hồ Chí Minh tiếp nối, phát triển, nâng cao khát vọng đó với tâm nguyện đến ngày thắng lợi sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, hơn mười ngày nay. Trong Di chúc, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(15).

Thế giới khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ cộng sản theo chủ nghĩa quốc tế, đồng thời tượng trưng cho dân tộc mình, một dân tộc trải qua hàng nghìn năm lịch sử, từ thời cổ trung đại đến cận hiện đại đã tiến hành liên tục các cuộc đấu tranh anh hùng để bênh vực những giá trị đạo đức cao cả, chân chính không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà cả với nhân loại, đó là quyền sống, độc lập, tự do, hạnh phúc, công lý cho mọi dân tộc và vì mọi người, bình đẳng giữa các dân tộc, thế giới hòa bình.

Năm 1980, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới, Rômét Chanđra nhấn mạnh: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”(16).

Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ phẩm chất của một nhà yêu nước chân chính, một chiến sĩ cách mạng vô sản dũng cảm kiên cường, triệt để, suốt đời hy sinh phấn đấu với niềm tin và tư thế của một người chiến thắng. Đó là khí phách và khát vọng của những người được sứ mạng lịch sử trao cho là đánh đổ xã hội cũ áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng xã hội mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy dân làm gốc.

Hai mươi năm sau, năm 2000, trên cương vị Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình thế giới, phát biểu trong Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX”, Rômét Chanđa có một phát hiện độc đáo khác: “Trong nửa sau thế kỷ XX, có một từ đã xuất hiện trong tiếng nói của những người bảo vệ và kiến tạo hòa bình trên thế giới, một từ mà cùng một lúc mang rất nhiều ý nghĩa: đấu tranh, dũng cảm, anh hùng; và nó còn có ý nghĩa là chiến thắng, độc lập, tự do. Từ đó là Việt Nam. Và có một cái tên luôn luôn gắn với từ này - từ chỉ tên của một đất nước. Đó là Hồ Chí Minh… Người là niềm cảm hứng cho cuộc đấu tranh bất khuất của dân tộc mình, và cũng là nguồn cảm hứng cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho những điều tốt đẹp nhất của nhân loại. Lời nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã vang vọng khắp mọi nơi và nó đã được phụ nữ, nam giới trên khắp các châu lục, những người đang chiến đấu để giành lấy những mục tiêu thiêng liêng đó, hưởng ứng”(17).

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại, “một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(18).

Vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định: “Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết hiện nay của Tổ quốc, là lời hịch của ông cha ta vang vọng tự ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu”(19). Người “là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta”(20).

Đánh giá, ghi nhận của Đảng ta và bè bạn quốc tế là sự khái quát cao, cô đọng, súc tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng cho tinh hoa và khí phách của nhân dân Việt Nam anh hùng.

-------

(1) GS. Trần Văn Giàu: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam (tái bản có bổ sung và sửa chữa), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.116.

(2) (3) (4) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.7, tr.38, 38 -39, 39, 445.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.286, 320.

(5) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.229-230, 596.

(6) (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.3, 534.

(8) (9) (10) (15) (19) (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.131, 623, 612, 624, 627, 626.

(14) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, t.2, tr.225.

(16) Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb. Lao động - Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1993, tr.90.

(17) Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Đại học Quốc gia Hà Nội: Việt Nam trong thế kỷ XX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.48.

(18) GS.TS. Mạch Quang Thắng - PGS.TS. Bùi Đình Phong - TS. Chu Đức Tính: UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb.Chính trị quốc gia, H, 2013, tr.71.

PGS.TS. Bùi Đình Phong

Theo https://www.tuyengiao.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: