Những năm cuối thế kỷ 20, nhiều người ở phương Tây đã nghĩ rằng nếu làm tan rã được Liên bang Xô viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới, đặc biệt là khối Hiệp ước Warsaw cũng như uốn nắn được dòng chảy chủ đạo trên trường quốc tế theo mô hình thế giới đơn cực mượn danh toàn cầu hóa, thì những mối đe dọa của chiến tranh và xét lại lịch sử thế giới sẽ không thể tồn tại tiếp được.
Bước vào thế kỷ 21, cũng là thời điểm bắt đầu một quá trình luân chuyển vị trí của các nước trên thế giới. Không ít cái đầu nóng muốn xác lập một trật tự thế giới đơn cực. Thế là những liên minh mới nảy sinh ở nhiều khu vực, lắm khi chỉ vì các lợi ích nhất thời của một số đẳng cấp cầm quyền sở tại và lơ đi lợi ích chiến lược của quốc gia mình. Những cuộc xung đột sắc tộc hoặc tôn giáo, những cuộc cách mạng màu sắc hoa hồng hay vỏ cam bùng nổ, đặt các nước không may bị cuốn vào vòng biến thiên đó tình thế bấp bênh với hiện tại vì nhiều dự tính đổi đời trong tương lai... Tất cả đã và đang diễn ra không thiếu vắng bàn tay đạo diễn hoặc lộ liễu hoặc ngấm ngầm của những trung tâm quyền lực nhất và nhiều tham vọng nhất ở phương Tây. Và nguy hiểm nhất là ở nhiều nơi, nhiều lúc, những thầy phù thủy cao tay đó đã không thể điều khiển được đám âm binh do họ đã nuôi dưỡng trong quá khứ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HẢI
Ngay từ đầu thế kỷ 21, học giả người Mỹ Samuel Huntington đã cảnh báo về một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh và nhân loại sẽ phải chứng kiến những cuộc thập tự chinh mới với vũ khí hạt nhân. Chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn ẩn giấu trong mình vô số bất cập lúc nào cũng có thể là tác nhân dẫn tới những sự bùng nổ mâu thuẫn khác nhau. Ngay như Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, một người mà khó ai có thể hoài nghi về sự trung thành với thể chế đã sản sinh ra bà, trong cuốn sách cuối đời của mình cũng đã phải viết rằng, mô hình nền dân chủ và kinh tế tự do mà phương Tây đã cố gắng cổ súy và áp đặt cho toàn thế giới nhiều thập niên qua thực ra chỉ là sản phẩm lịch sử và tư tưởng của đạo Thiên Chúa và Tin Lành. Mặc dầu trong giai đoạn phát triển hiện tại, mô hình đó có vẻ như đang ở thế thượng phong và phổ cập khá sâu rộng, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa vì thế mà các dân tộc khác, các tín ngưỡng khác, với đặc thù văn hóa và truyền thống rất khác của mình, chịu chấp nhận buông xuôi và không nỗ lực đi tìm những mô hình phát triển khác, phương thức điều hành xã hội khác thích hợp hơn với mình. Chủ nghĩa tư bản, vẫn như cách nói của các nhà kinh điển trước đây, vẫn không phải là bến đợi cuối cùng của toàn nhân loại.
Thực sự thì sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hành tinh của chúng ta chưa có khi nào hoàn toàn bình yên. Luôn luôn tồn tại những điểm nóng trường niên ở nơi này hay nơi khác trên các châu lục. Và những mâu thuẫn trầm kha giữa các trung tâm quyền lực cũng tạo ra nhiều nguy cơ bùng phát xung đột.
Điểm mốc mang tính bước ngoặt đối với lịch sử thế giới đương đại là thời khắc Moscow bị dồn ép vào thế “cùng tắc biến” bởi tham vọng mở rộng vô độ của NATO sang phía Đông nhằm xóa sổ siêu cường mang tên Nga thông qua “nhân vật trung gian” Kiev, đã quyết định bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine ngày 24-2-2022. Nhiều nhà quan sát cho rằng, chiến sự sẽ không mau chóng kết thúc ở Ukraine vì quyền tham gia đàm phán về hòa bình với Moscow hiện không hoàn toàn nằm trong tay Kiev mà đang phụ thuộc quá lớn vào lãnh đạo những quốc gia phương Tây. Sự kiện này đã và đang có tác động sâu sắc tới toàn thế giới, trực tiếp hoặc gián tiếp, buộc mỗi một quốc gia độc lập, tự chủ phải tìm các phương án tối ưu trong chính sách đối ngoại để vừa có thể gìn giữ những mối quan hệ truyền thống không để lỡ nhịp với nhiều vận hội mới trong hợp tác quốc tế đa phương.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh phương châm “dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất; đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Và ông cũng khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam...”.
Cương quyết nhưng mềm dẻo, không nao núng lui bước trước các mối đe dọa, nhưng không bỏ lỡ các cơ hội hợp tác hòa bình, đó chính là bí quyết giúp chúng ta có được nhiều người bạn, đối tác hoặc những lực lượng đồng tình tin cậy trong các giai đoạn khác nhau của con đường giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc và kiến thiết, phát triển quốc gia. Xưa đã thế và nay lại càng cần phải thế./.
HỒNG THANH QUANG
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)