Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về phát hiện và trọng dụng người tài. Người đã cảm hóa, lôi cuốn, thuyết phục một số trí thức nổi tiếng cả về tài và đức, học vị cao, điều kiện làm việc rất tốt ở nước ngoài, nhưng vẫn tình nguyện trở về nước “đồng cam, cộng khổ” với nhân dân tham gia chiến đấu, kiến thiết đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

gs tran dai nghia 1
Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 – 9/8/1997) là một giáo sư, kỹ sư quân sự, nhà bác học, Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã đặt nền móng xây dựng ngành khoa học kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Ảnh Tư liệu.

1. Phát hiện và trọng dụng người thanh niên trí thức yêu nước Phạm Quang Lễ

Ngay từ trước khi chuẩn bị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc), với đối tượng là những thanh niên ưu tú, rồi sau đó đưa về nước hoạt động tuyên truyền, tổ chức quần chúng, làm hạt nhân cho phong trào cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền, làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiếp đó là tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc phát hiện, thu hút, tập hợp và trọng dụng nhân tài. Do đó, ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Theo Người: “những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều” .

Chính quyền cách mạng mới thành lập còn non trẻ phải đối phó với không ít khó khăn về “thù trong, giặc ngoài”, từ ngày 31-5 đến 20-10 năm 1946,  Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp để gặp gỡ Chính phủ Pháp, chỉ đạo Đoàn đàm phán tại Phông-ten-nơ-blô, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao, tranh thủ mọi diễn đàn để giải thích cuộc đấu tranh chính nghĩa và nêu cao thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Tại chuyến thăm nước Pháp lịch sử đó, Người đã chọn lựa một số trí thức yêu nước đưa về Tổ quốc để phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ như: Bác sỹ Trần Hữu Tước , kỹ sư Võ Đình Quỳnh, kỹ sư Võ Quý Huân,…trong đó có Phạm Quang Lễ - lúc đó 33 tuổi, đang là Kỹ sư của hãng chế tạo máy bay. Nghe theo tiếng gọi của Bác: “Nước ta còn nghèo vì 80 năm bị đế quốc bóc lột, chiếm đóng. Đồng bào Nam Bộ giờ đây còn đổ máu. Chúng ta còn gian khổ chiến đấu nhiều chứ chưa được sung sướng ngay đâu. Các chú về nước chính là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào…”. Phạm Quang Lễ và các trí thức yêu nước đã từ bỏ cuộc sống cao sang để về phụng sự Tổ quốc, nhân dân

Ông sinh ngày 13/09/1913 tại thị xã Vĩnh Long, miền Tây Nam bộ trong một gia đình có cha làm giáo viên tiểu học. Tháng 9/1935, Phạm Quang Lễ khi đó 22 tuổi, rời quê hương, đất nước, xuống tàu thuỷ đi Pháp. Hành trang mang theo mình chẳng có gì ngoài hoài bão được học hỏi để trở về phục vụ quê hương. Trải qua các năm tháng học trung học rồi thi đỗ Đại học quốc gia Cầu đường Paris và nghe giảng ở các đại học danh tiếng khác như Trường tổng hợp Sorbonne, Đại học Mỏ, Đại học Bách khoa, Đại học điện và Học viện kỹ thuật Hàng không đã giúp Phạm Quang Lễ tích lũy được một khối lượng kiến thức cơ bản về vũ khí, kỹ thuật điện, máy. Với 11 năm liền du học trên đất Pháp, Phạm Quang Lễ chính thức nhận được 4 bằng đại học: tổng hợp, cầu đường, điện và hàng không. Sau khi ra trường, ông vào làm ở một hãng Điện khí và tiếp sau đó là một Hãng chế tạo máy bay dân dụng với mức lương  là 22 lạng vàng một tháng. Chỉ 7 ngày sau khi về nước (27/10/1946), Phạm Quang Lễ lập tức được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ lên Thái Nguyên, nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu badôca của Mỹ, với hai viên đạn do GS Tạ Quang Bửu lúc này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cung cấp. Ngày 5/12/1946, Phạm Quang Lễ tới Bắc bộ phủ gặp Bác Hồ. Vừa gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng nhưng cũng đầy thân mật bảo: "Kháng chiến sắp đến nơi rồi, hôm nay tôi gọi chú lại để trao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội diệt giặc". Bác Hồ giao cho ông toàn quyền trong việc chế tạo vũ khí mà không phải thông qua bất kỳ một cấp nào khác. Rồi Người căn dặn: "Việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam". Bác giải thích ý nghĩa cái tên: "Một là họ Trần, là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nuớc. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo. Chú có ưng bí danh đó không?" . Từ thời điểm ấy, cái tên Trần Đại Nghĩa gắn với cuộc đời ông.

gs tran dai nghia 2
Bác Hồ với giáo sư Trần Đại Nghĩa. Ảnh tư liệu

2. Được Bác Hồ trọng dụng, tin tưởng giao phó, Trần Đại Nghĩa cống hiến hết mình cho đất nước

Cùng các cộng sự, Trần Đại Nghĩa bắt tay vào công việc ngay từ tháng 11/1946. Ông say mê làm việc đến quên ăn, quên ngủ, nhiều đêm ông chỉ mong cho trời chóng sáng để làm việc, nghiên cứu, thử nghiệm. Ông chỉ đạo xưởng Giang Tiên sản xuất thành công một khẩu súng Badôca 60 mm và 50 quả đạn. Khi bắn thử, đạn nổ nhưng chưa xuyên. Đạn Badôca của Mỹ được nhồi bằng thuốc phóng, còn ta chỉ có loại thuốc súng lấy được từ bom đạn của Pháp. Tất cả đều phải tính toán lại từ đầu và phải hiểu được những nguyên lý cơ bản về thuốc phóng, thuốc nổ. Những kiến thức học được qua 11 năm du học tại Pháp giúp Trần Đại Nghĩa rất nhiều trong phát minh, sáng chế vũ khí, đạn dược. Hình ảnh người kỹ sư miệt mài tính toán tốc độ cháy, đốt thử các loại thuốc súng, ngày đêm với cây thước tính trong tay... đã trở nên quá đỗi quen thuộc với các cán bộ Chiến khu. Cuối tháng 2 năm 1947, cuộc thử nghiệm Badôca thành công. Mức đâm xuyên của đạn vừa chế tạo đạt độ sâu 75cm trên tường thành xây gạch tương đương với sức nổ xuyên của đạn Badôca do Mỹ chế tạo. Ngày 3/3/1947 đã trở thành một mốc son của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, súng đạn. Chiến công này góp phần đánh bại cuộc tấn công của địch ra vùng Chương Mỹ, Quốc Oai. Bộ đội sau khi được trang bị nhiều súng Badôca đa có nhiều sáng tạo trong chiến đấu. Nếu trước kia Badôca chỉ nhắm vào các loại xe tăng, thiết giáp thì sau này, bộ đội còn sử dụng để bắn ôtô, lô cốt, dùng thay thế lựu đạn ở những nơi đối phương tập trung đông. Đạn Badôca có tầm xa tới 600m, phạm vi sát thương tới 50m, nhưng không làm hỏng vũ khí đối phương. Vì vậy chúng ta đã tịch thu được nhiều súng đạn của giặc sau mỗi trận thắng.

Từ khi đưa vào sử dụng, Badôca đã gây cho địch nhiều tổn thất rất lớn. Súng Badôca đã trở thành nỗi kinh hoàng của kẻ địch, nhưng vẫn còn những hạn chế, chẳng hạn như tầm bắn chưa tốt, nếu bắn cách xa 100m thì sức phá sẽ kém đi... Chiến sự ngày một ác liệt, ngoài Badôca chiến trường cần phải có thêm vũ khí hạng nặng. Trần Đại Nghĩa lại đêm ngày nghiên cứu. Năm 1948, chiến sự diễn ra ngày một ác liệt hơn. Chiến trường cần thêm những loại vũ khí hạng nặng, ngoài Badoca đã "thành danh". Trần Đại Nghĩa khi đó là Cục trưởng Cục Quân giới lại một lần nữa nghiên cứu thành công súng không giật SKZ và bom bay, hai loại vũ khí đặc biệt lúc đó. Những năm 1948 - 1949, Cục Quân giới bắt đầu nghiên cứu các loại vũ khí hạng nặng. Các nước tiên tiến khi đó dùng đại bác hạng nặng, hạng trung hoặc đạn bay. Đạn bay ta chưa có, còn đại bác chỉ sử dụng trong những chiến dịch lớn vì nó rất nặng, mỗi cỗ pháo nặng tới vài tấn thép. Trần Đại Nghĩa luôn nghĩ về một loại súng thật nhẹ, có thể vận chuyển, mang vác dễ dàng, nhưng lại có sức công phá ngang... đại bác. Lúc đầu có người gợi ý làm Badoca cỡ lớn, chuyển đường kính từ 60 ly lên 90 ly nhưng không được, vì những hạn chế kỹ thuật. Ông nghĩ tới súng không giật (SKZ: súng- không- giật). Đây là loại vũ khí hiện đại, mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa của Nhật Bản hồi cuối chiến tranh thế giới thứ hai. Cùng các kỹ sư cộng sự gần gũi như Lê Tâm, Nguyễn Trinh Tiếp,... Trần Đại Nghĩa phải lặp lại cái công việc mà các nhà sáng chế Mỹ đã hoàn thành. Cuối cùng, ông đã thành công. Đó là loại súng rất nhẹ, chỉ 20kg, đầu đạn lõm cỡ 160mm, dùng để bắn vào những pháo đài kiên cố của địch, đầu đạn xuyên thủng bêtông dầy hàng mét. Chỉ sau SKZ của Mỹ mấy năm, SKZ Việt Nam xuất hiện lần đầu trong trận Phố Lu, đánh phá tan tành các lô cốt địch. SKZ đã phát huy tác dụng rất lớn. Gần đến chiến dịch Điện Biên Phủ, Cục Quân giới chuyển vào chiến trường 10 khẩu SKZ và 100 quả đạn. Số súng đạn này đã góp phần giúp anh em chiến sĩ hạ gục nhiều đồn bốt địch.

Sau chiến dịch Việt Bắc (Thu Đông 1947), Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Ngày 28/5/1948, Kỹ sư Trần Đại Nghĩa, được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1949, Trần Đại Nghĩa 36 tuổi, được giao đồng thời hai nhiệm vụ Cục trưởng cục Quân giới và Cục trưởng Cục Pháo binh. Ông đã góp phần quan trọng xây dựng lực lượng pháo binh để tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950, sau đó là chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, Trần Đại Nghĩa được phong danh hiệu Anh hùng lao động, một trong bảy Anh hùng lao động đầu tiên của nước ta. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Trần Đại Nghĩa được chuyển ra ngoài quân đội. Nhưng một thời gian sau, ông được trở lại để chế tạo vũ khí trong chiến tranh chống Mỹ. Năm 1966, Bác Hồ đã nói với Quân uỷ Trung ương: "Kháng chiến chống Pháp tôi đem chú Nghĩa về nước là để chú ấy phục vụ cho Quốc phòng. Nay kháng chiến chống Mỹ cũng đang gặp nhiều khó khăn về mặt vũ khí, đạn dược, sao lại để chú ấy ngồi làm việc ở cơ quan bên ngoài, không gọi chú ấy về giúp cho Bộ Quốc phòng?" Sau đó, Trần Đại Nghĩa được gọi trở lại Bộ Quốc phòng, làm Phó Chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần, phụ trách về kỹ thuật. Đó cũng chính là năm ông được bầu làm Viện sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, danh vị cao nhất của những người làm công tác khoa học. Nhận định về những vũ khí, khí tài của Mỹ, Trần Đại Nghĩa cho rằng vũ khí cho dù có hiện đại đến mấy đi nữa thì vẫn có nhược điểm, cần nghiên cứu, phát hiện và khoét sâu vào những nhược điểm và đó là biện pháp đối phó tích cực nhất.

Ngay sau khi miền Nam được giải phóng, tháng 5/1975 Chính phủ đã quyết định thành lập Viện Khoa học Việt Nam - Trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất cả nước về khoa học tự nhiên và một số ngành kỹ thuật. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa lúc này là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được cử kiêm chức vụ Viện trưởng đầu tiên của Viện khoa học Việt Nam. Dù thời chiến cũng như thời bình, Trần Đại Nghĩa luôn hết mình vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học, ông sẵn sàng gánh vác trách nhiệm nặng nề, xây dựng nền khoa học Việt Nam trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đất nước vừa trải qua hai cuộc chiến tranh, thiếu thốn đủ mọi đường, từ lực lượng cán bộ khoa học, cơ sở vật chất, kinh phí...

**********

Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa là minh chứng rõ nhất khẳng định tầm nhìn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát hiện và trọng dụng nhân tài. Đồng thời cũng chứng tỏ rằng người tài khi được phát hiện và thực sự tin tưởng giao phó nhiệm vụ sẽ hết lòng cống hiến, phục vụ. Trần Đại Nghĩa đã không phụ long mong mỏi, tin yêu của Bác Hồ. Cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh  nghiệm quý báu đối với công tác cán bộ hiện nay.

TS DƯƠNG MINH HUỆ - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Hochiminh.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: