Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

 1. Nghị định số 47/2023/NĐ-CP ngày 03/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luât Đấu giá tài sản, có hiệu lực từ ngày 01/9/2023

Theo đó, bổ sung quy định về trách nhiệm của người tham gia đấu giá khi tham gia Trang thông tin đấu giá trực tuyến như sau:

- Đảm bảo trang thiết bị khi tham gia đấu giá; chịu trách nhiệm trong trường hợp hệ thống mạng của mình gặp sự cố dẫn đến không thể tham gia đấu giá, trả giá trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến

- Quản lý và bảo mật tài khoản, mật khẩu được cấp. Trường hợp bị mất hoặc phát hiện tài khoản của mình đang bị sử dụng trái phép thì phải thông báo ngay cho tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của các thông tin đã đăng ký, đăng tải trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến khi đăng nhập bằng tài khoản được cấp.

- Tuân thủ quy định của Luật Đấu giá tài sản, quy định khác của pháp luật có liên quan và Quy chế cuộc đấu giá.

2. Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực từ ngày 05/9/2023

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.055.000 đồng. Mức hưởng trợ cấp hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng từ ngày 01/7/2023 quy định như sau:

(1) Mức hưởng trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và thân nhân:

- Đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945:

+ Diện thoát ly: Tăng từ 1.815.000 đồng/tháng lên mức 2.297.000 đồng/tháng.

+ Diện không thoát ly: Tăng từ 3.081.000 đồng/tháng lên mức 3.899.000 đồng/tháng.

- Đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 từ trần:

+ Đối với vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng: Tăng từ 1.624.000 đồng/tháng lên mức 2.055.000 đồng/tháng.

+ Đối với vợ hoặc chồng sống cô đơn, con mồ côi cả cha mẹ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng: Tăng từ 1.299.000 đồng/tháng lên mức 1.644.000 đồng/tháng.

(2) Mức hưởng trợ cấp đối với thân nhân liệt sỹ:

+ Đối với thân nhân của 01 liệt sĩ: Tăng từ 1.624.000 đồng/tháng lên mức 2.055.000 đồng/tháng.

+ Đối với thân nhân của 02 liệt sĩ: Tăng từ 3.248.000 đồng/tháng lên mức 4.110.000 đồng/tháng.

+ Đối với thân nhân của 03 liệt sĩ trở lên: Tăng từ 4.872.000 đồng/tháng lên mức 6.165.000 đồng/tháng.

+ Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ, vợ hoặc chồng liệt sĩ sống cô đơn; con liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng mồ côi cả cha mẹ thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng: Tăng từ 1.299.000 đồng/tháng lên mức 1.644.000 đồng/tháng.

+ Đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ khi còn sống: Tăng từ 1.624.000 đồng/tháng lên mức 2.055.000 đồng/tháng.

(3) Mức trợ cấp đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: Tăng từ 4.872.000 đồng/tháng lên mức 6.165.000 đồng/tháng.

Mức trợ cấp đối với người phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sống ở gia đình: Tăng từ 1.624.000 đồng/tháng lên mức 2.055.000 đồng/tháng.

(4) Mức trợ cấp đối với người có công giúp đỡ cách mạng:

- Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945 được hưởng trợ cấp hằng tháng: 2.055.000 đồng/tháng (mức cũ là 1.624.000 đồng/tháng).

- Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến được hưởng trợ cấp hằng tháng: 1.208.000 đồng/tháng (mức cũ là 955.000 đồng/tháng).

- Trường hợp người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945, người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương

Kháng chiến sống cô đơn thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng: 1.644.000 đồng/tháng (mức cũ là 1.299.000 đồng/tháng)...

Nghị định sửa đổi chế độ tặng quà đối với các cơ sở nuôi dưỡng người có công, người có công và gia đình người có công: gồm quà tặng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mức quà tặng đối với tập thể: Tiền mặt là 5.000.000 đồng/tập thể, hiện vật trị giá 500.000 đồng/tập thể.

Mức quà tặng đối với gia đình, cá nhân: Tiền mặt là 1.000.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân; hiện vật trị giá 250.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.

Quà tặng của lãnh đạo bộ, cơ quan trung ương: Mức quà tặng đối với tập thể: Tiền mặt là 3.000.000 đồng/tập thể; hiện vật trị giá 500.000 đồng/tập thể.

Mức quà tặng đối với gia đình, cá nhân: Tiền mặt là 1.000.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân; hiện vật trị giá 250.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.

3. Nghị định số 67/2023/NĐ-CP ngày 06/9/2023 của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ ngày 06/9/2023

Theo đó, đối tượng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba, hành khách theo quy định của pháp luật. Thời hạn của bảo hiểm này tối thiểu là 01 năm và tối đa là 03 năm, trừ các trường hợp thời hạn bảo hiểm dưới 1 năm sau đây:

- Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 01 năm

- Xe cơ giới có niên hạn sử dụng nhỏ hơn 1 năm theo quy định của pháp luật

- Xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Trong trường hợp chủ xe cơ giới có nhiều xe tham gia bảo hiểm vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm nhưng đến năm tiếp theo có nhu cầu đưa về cùng một thời điểm bảo hiểm để quản lý thì thời hạn bảo hiểm của các xe này có thể nhỏ hơn 1 năm và bằng thời gian hiệu lực còn lại của hợp đồng bảo hiểm giao kết đầu tiên của năm đó.

Thời hạn bảo hiểm của năm tiếp theo đối với các hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm sau khi được đưa về cùng thời điểm thực hiện theo quy định về thời hạn trên.

Về giới hạn trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới:

- Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.

- Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản:

+ Do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.

+ Do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo theo quy định của Luật Giao thông đường bộ gây ra là 100 triệu đồng trong một vụ tai nạn.

4. Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ngày 17/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ ngày 15/9/2023

Theo đó, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP đã có nhiều điểm mới liên quan đến việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức như sau:

* Bổ sung nguyên tắc đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP bổ sung các nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức sau đây:

- Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính thì đánh giá, xếp loại chất lượng như sau:

+ Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

+ Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.

+ Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.

- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.

* Lưu giữ tài liệu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức điện tử

Theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP, tài liệu kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng được lưu giữ bằng hình thức điện tử, bao gồm:

(i) Biên bản cuộc họp nhận xét, đánh giá.

(ii) Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

(iii) Nhận xét của cấp ủy nơi công tác (nếu có).

(iv) Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền.

(v) Hồ sơ giải quyết kiến nghị về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (nếu có).

(vi) Các văn bản khác liên quan (nếu có).

Ngoài việc lưu giữ bằng hình thức điện tử, tài liệu (ii) và (iv) còn được lưu bằng văn bản trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Hiện nay, theo Điều 22 Nghị định 90/2020/NĐ-CP, 6 loại tài liệu trên đều được thể hiện bằng văn bản, lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.

* Sửa đổi quy định ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Theo khoản 3 Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP, căn cứ quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức về đánh giá, xếp loại chất lượng, cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức ban hành Quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Nội dung Quy chế phải xác định rõ:

- Sản phẩm cụ thể gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả, thời điểm đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần (nếu có);

- Căn cứ để xác định tỉ lệ % mức độ hoàn thành công việc;

- Các tiêu chí thành phần để đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Nghị định này.

Việc đánh giá, xếp loại chất lượng đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ yếu và không trái với nguyên tắc đánh giá, xếp loại cán bộ của cấp có thẩm quyền.

5. Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 01/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có hiệu lực từ ngày 15/9/2023

Theo đó, quy định Cảnh sát giao thông được dừng xe kiểm tra giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, bao gồm:

(1) Giấy phép lái xe;

(2) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;

(3) Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe);

(4) Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định);

(5) Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

(6) Giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ).

Đặc biệt, khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.

6. Thông tư số 11/2023/TT-BNV ngày 01/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng với cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu đã nghỉ việc, có hiệu lực từ ngày 15/9/2023

Theo đó, từ ngày 01/7/2023, thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 42/2023/NĐ-CP như sau:

(1) Tăng thêm 12,5% mức trợ cấp hằng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023.

Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 01/7/2023 tính theo công thức sau: Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ ngày 01/7/2023 = Mức trợ cấp được hưởng từ thời điểm tháng 6/2023 x 1,125

Trong đó: Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2023 là mức trợ cấp quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 02/2022/TT-BNV.

(2) Từ ngày 01/7/2023, sau khi điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc theo quy định nêu trên mà có mức trợ cấp được hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì được điều chính tăng thêm như sau:

- Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng trợ cấp hằng tháng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng.

- Tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng trợ cấp hăng tháng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/người/tháng.

Căn cứ quy định tại (1) và (2), cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc được hưởng mức trợ cấp hằng tháng từ ngày 01/7/2023 (đã làm tròn số) như sau:

+ Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 3.000.000 đồng/tháng.

+ Đối với các chức danh còn lại: 2.817.000 đồng/tháng.

7. Thông tư số 08/2023/TT-BTTTT ngày 28/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành; cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, có hiệu lực từ ngày 15/9/2023

Thông tư này hướng dẫn về danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành; cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

Đối với viên chức lãnh đạo, quản lý hiện đang hưởng lương theo ngạch, bậc, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì tiếp tục thực hiện cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.

Đối với viên chức hiện đang giữ hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cao hơn so với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm được quy định tại Thông tư này trước ngày Thông tư này có hiệu lực (15/9/2023) thì tiếp tục được giữ hạng chức danh nghề nghiệp và bậc lương hiện giữ cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.

8. Thông tư số 09/2023/TT-BTTTT ngày 28/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, có hiệu lực từ ngày 15/9/2023

Theo đó: Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư số 09/2023/TT-BTTTT.

Bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông quy định tại Phụ lục II, Phụ lục III kèm theo Thông tư số 09/2023/TT-BTTTT.

9. Thông tư số 03/2023/TT-BNG ngày 27/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về việc tổ chức giải quyết công tác lãnh sự, có hiệu lực từ ngày 15/9/2023

Theo đó, Cục trưởng Cục Lãnh sự có thẩm quyền duyệt, ký các loại giấy tờ, văn bản sau:

- Các loại hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ;

- Công hàm gửi Cơ quan đại diện nước ngoài đề nghị cấp thị thực;

- Thị thực, gia hạn tạm trú cho người nước ngoài thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại giao;

- Hợp pháp hoá lãnh sự, chứng nhận lãnh sự, chứng nhận giấy tờ, tài liệu được xuất trình tại Bộ Ngoại giao;

- Văn bản thông báo hoặc hướng dẫn thủ tục hành chính lãnh sự cho cơ quan ngoại vụ địa phương và Cơ quan đại diện;

- Phép hạ cánh và cất cánh cho chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Nhà nước và chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam;

- Bản sao Giấy khai sinh và bản sao trích lục hộ tịch đối với sự kiện hộ tịch đã được đăng ký tại Cơ quan đại diện và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.

10. Thông tư số 05/2023/TT-BTNMT ngày 31/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường, có hiệu lực từ ngày 18/9/2023

Thông tư nêu rõ Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường có 33 vị trí: Chuyên viên cao cấp về địa chất; chuyên viên chính về địa chất; chuyên viên về địa chất; chuyên viên cao cấp về khoáng sản; chuyên viên chính về khoáng sản; chuyên viên về khoáng sản; chuyên viên cao cấp về đo đạc và bản đồ; chuyên viên chính về đo đạc và bản đồ; chuyên viên về đo đạc và bản đồ; chuyên viên cao cấp về quản lý đất đai…

Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường trong các cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường có 20 vị trí: Chuyên viên chính về khoáng sản; chuyên viên về khoáng sản; chuyên viên chính về đo đạc và bản đồ; chuyên viên về đo đạc và bản đồ; chuyên viên chính về quản lý đất đai; chuyên viên về quản lý đất đai; chuyên viên chính về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chuyên viên về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…

Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường trong các cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường có 08 vị trí: Chuyên viên về khoáng sản; chuyên viên về đo đạc và bản đồ; chuyên viên về quản lý đất đai; chuyên viên về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chuyên viên về môi trường; chuyên viên về biến đổi khí hậu; chuyên viên quản lý tổng hợp về biển đảo và chuyên viên về tài nguyên nước.

11. Thông tư 05/2023/TT-BXD ngày 01/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng, có hiệu lực từ ngày 20/9/2023

Theo Thông tư quy định, các lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ, như sau:

1- Quy hoạch xây dựng, kiến trúc.

2- Hoạt động đầu tư xây dựng.

3- Phát triển đô thị.

4- Hạ tầng kỹ thuật.

5- Nhà ở, công sở và thị trường bất động sản.

6- Vật liệu xây dựng.

7- Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực xây dựng.

8- Quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

9- Chương trình, dự án, đề án thuộc các lĩnh vực được quy định tại các mục 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7.

Về thời hạn, Thông tư nêu rõ, trong thời hạn đủ 24 tháng kể từ ngày thôi chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, người có chức vụ, quyền hạn công tác trong các lĩnh vực được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 nêu trên không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.

Trong thời hạn đủ 12 tháng kể từ ngày thôi chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, người có chức vụ, quyền hạn công tác trong lĩnh vực được quy định tại khoản 7, 8 nêu trên không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.

Thời hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã đối với người thôi chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt Chương trình, dự án, đề án quy định tại khoản 9 nêu trên là thời hạn thực hiện xong chương trình, dự án, đề án.

12. Thông tư số 16/2023/TT-BKHCN ngày 09/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành khoa học và công nghệ trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ, có hiệu lực từ ngày 25/9/2023

Theo Thông tư, danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành khoa học và công nghệ gồm 10 nhóm với 31 vị trí việc làm, cụ thể như sau:

1- Nhóm Quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Chuyên viên cao cấp; Chuyên viên chính; Chuyên viên.

2- Nhóm Quản lý hoạt động đánh giá, thẩm định, giám định công nghệ và chuyển giao công nghệ: Chuyên viên cao cấp; Chuyên viên chính; Chuyên viên.

3- Nhóm Phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (bao gồm cả phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ): Chuyên viên cao cấp; Chuyên viên chính; Chuyên viên.

4- Nhóm Quản lý hoạt động năng lượng nguyên tử: Chuyên viên cao cấp; Chuyên viên chính; Chuyên viên.

5- Nhóm Quản lý hoạt động an toàn bức xạ và hạt nhân: Chuyên viên cao cấp; Chuyên viên chính; Chuyên viên.

6- Nhóm Sở hữu trí tuệ: Chuyên viên cao cấp; Chuyên viên chính; Chuyên viên; Cán sự.

7- Nhóm Quản lý hoạt động tiêu chuẩn hóa: Chuyên viên cao cấp; Chuyên viên chính; Chuyên viên.

8- Nhóm Quản lý hoạt động đo lường: Chuyên viên cao cấp; Chuyên viên chính; Chuyên viên.

9- Nhóm Quản lý đánh giá hợp chuẩn và hợp quy: Chuyên viên cao cấp; Chuyên viên chính; Chuyên viên.

10- Nhóm Kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Kiểm soát viên cao cấp; Kiểm soát viên chính; Kiểm soát viên.

Đối với trường hợp công chức đang giữ ngạch công chức cao hơn so với ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm được quy định tại Thông tư này thì được bảo lưu cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.

13. Thông tư số 17/2023/TT-BKHCN ngày 09/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành khoa học và công nghệ, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, có hiệu lực từ ngày 25/9/2023

Thông tư quy định nguyên tắc xác định vị trí việc làm trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải bảo đảm nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Mỗi vị trí việc làm phải có tên gọi cụ thể và gắn với chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Căn cứ xác định vị trí việc làm phải bảo đảm quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Thông tư, danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành khoa học và công nghệ trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập gồm 16 vị trí việc làm, cụ thể như sau:

1- Nghiên cứu viên cao cấp.

2- Nghiên cứu viên chính.

3- Nghiên cứu viên.

4- Trợ lý nghiên cứu.

5- Kỹ sư cao cấp.

6- Kỹ sư chính.

7- Kỹ sư.

8- Kỹ thuật viên.

9- Đánh giá sự phù hợp hạng I.

10- Đánh giá sự phù hợp hạng II.

11- Đánh giá sự phù hợp hạng III.

12- Năng suất, chất lượng hạng I.

13- Năng suất, chất lượng hạng II.

14- Năng suất, chất lượng hạng III.

15- Sở hữu trí tuệ hạng II.

16- Sở hữu trí tuệ hạng III.

Cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ.
Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh Đề án vị trí việc làm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập quy định cụ thể cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp chuyên ngành khoa học và công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Viên chức đang giữ hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cao hơn so với hạng chức danh nghề nghiệp theo yêu cầu của vị trí việc làm được quy định tại Thông tư này thì được bảo lưu cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: