Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân và cộng đồng quốc tế đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Phát huy những kết quả tích cực đó, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Việt Nam.

chong tham nhung 1
Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã có bước đột phá quan trọng; tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể, không dám, không cần tham nhũng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng về kinh tế được tiến hành kiên quyết, nghiêm minh; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm; từng bước siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các cơ quan truyền thông, báo chí và người dân, doanh nghiệp... trong PCTNTC ngày càng được quan tâm chú trọng, phát huy. Những kết quả quan trọng đó đã tiếp tục khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh PCTNTC, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và người dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, hiện nay còn có ý kiến cho rằng việc chúng ta quyết liệt, đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực đã gây tâm lý sợ sai, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, qua đó tác động, ảnh hưởng xấu và làm giảm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể khẳng định, những ý kiến này là không đúng, cần được nhìn nhận, xem xét lại vì chưa đánh giá đầy đủ được hiệu quả của công tác PCTNTC, tiêu cực với việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhìn nhận rõ bản chất và những tác hại của hành vi tham nhũng, các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước đều xác định tệ tham nhũng là “nguy cơ đe dọa tồn vong của chế độ”, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân, cản trở tăng trưởng kinh tế. Đấu tranh PCTNTC là một trong những điều kiện quan trọng, tiên quyết để bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong các quan hệ xã hội; ngăn chặn mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực là nhằm xây dựng hệ thống chính trị hiệu lực, công bằng và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và thực hiện các chức năng xã hội tốt hơn.

Về thực tiễn

Từ khi công cuộc đấu tranh PCTNTC được khởi xướng đến nay, với sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh PCTNTC đã có chuyển biến tích cực, rõ rệt và mang lại những kết quả quan trọng. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, kịp thời ngăn chặn tác hại của tham nhũng đối với nền kinh tế và được minh chứng bằng những kết quả rất cụ thể:

Giai đoạn 2012-2015, các cơ quan chức năng bắt đầu phát hiện, xử lý một số vụ án tham nhũng lớn...; qua đó bắt đầu nhận diện về lợi ích nhóm, sở hữu chéo trong các hoạt động quản lý kinh tế, tín dụng, ngân hàng. Các vụ án này được coi là những vụ án tham nhũng trọng điểm, góp phần xử lý nghiêm những người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các hành vi bao che, tiếp tay cho tham nhũng; đồng thời chấn chỉnh hệ thống quản lý kinh tế, quản lý tài chính.

Giai đoạn 2016-2020, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực, tiếp tục khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh từ Trung ương tới địa phương với quan điểm nổi bật là chủ động nhận diện tội phạm, vi phạm trong các lĩnh vực nhạy cảm để tập trung đấu tranh; đã góp phần khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. 

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý án tham nhũng có điểm mới là làm rõ bản chất, yếu tố tư lợi, chiếm đoạt tài sản với sự đan xen giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, sự cấu kết giữa công chức với doanh nghiệp, lợi dụng chính sách để trục lợi... Các cơ quan chức năng đã tập trung lực lượng, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh làm rõ, khởi tố mới nhiều vụ án, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý; nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời.

Nhiều địa phương đã chủ động phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm; đồng thời, xử lý triệt để đối tượng phạm tội, kể cả bỏ trốn với tinh thần “trốn cũng không thể thoát tội”. Điển hình như các vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế); vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhận hối lộ xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương; vụ án chuyến bay giải cứu với 54 bị cáo; vụ án Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC); Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh…

Đáng chú ý, trong nhiều năm trở lại đây, công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng của các cơ quan chức năng đều tăng về số vụ trong phạm vi cả nước, cả ở Trung ương và địa phương với việc xử lý ngày càng nghiêm minh, triệt để hơn (năm 2018, cơ quan chức năng đã khởi tố 279 vụ/454 bị can, tăng 26,8% số vụ, 15,6% số bị can; năm 2019 khởi tố 220 vụ, 515 bị can, tuy giảm về số vụ nhưng tăng về số bị can; năm 2020 khởi tố 290 vụ, 616 bị can, tăng 70 vụ, 101 bị can; năm 2021 khởi tố 310 vụ, 665 bị can, tăng 20 vụ, 49 bị can; năm 2022 khởi tố 436 vụ và 929 bị can, tăng 105 vụ, 177 bị can). Đặc biệt, chúng ta cũng tăng cường PCTNTC ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng PCTNTC. Số liệu khởi tố đối với các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy: năm 2019 đã khởi tố 15 vụ, tăng 54,5% so với cùng kỳ; năm 2020 khởi tố 25 vụ/26 bị can; năm 2021 khởi tố 24 vụ/30 bị can; năm 2022 khởi tố 40 vụ/48 bị can(1)… Tuy xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc hành vi tham nhũng như trên, nhưng trong hơn 10 năm qua (trừ thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19), tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta cơ bản vẫn được giữ vững và liên tục tăng.

Kết quả trên đã khẳng định công tác PCTNTC không hề cản trở phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần đưa kinh tế - xã hội liên tục tăng trưởng và phát triển bền vững, tránh đổ vỡ hệ thống tài chính, chứng khoán, ngân hàng... Riêng trong năm 2022, là năm có nhiều vụ án tham nhũng bị xử lý nghiêm khắc ở cấp rất cao(2); tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta vẫn tăng, đạt mức 8,02%, là kết quả rất ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao so với tình hình kinh tế thế giới và các nước trong khu vực sau đại dịch COVID-19. Do đó, lập luận cho rằng chống tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế xã hội nước ta là không có cơ sở.

Trong những tháng đầu năm 2023, công tác đấu tranh PCTNTC tiếp tục được thực hiện với tinh thần kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực… Quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước đã góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm cho bộ máy hệ thống chính trị trong sạch, vận hành theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, phát huy hiệu quả; từng bước giữ vững ổn định chính trị, làm cho doanh nghiệp, người dân tin tưởng, có động lực trong sản xuất kinh doanh, lao động; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này mặc dù đạt mức thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tình trạng này có nguyên nhân từ tình hình kinh tế thế giới với nhiều khó khăn như lạm phát vẫn còn cao, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều nước, nhu cầu toàn cầu giảm sút, cuộc xung đột vũ trang ở một số nước trên thế giới… đã tác động không tích cực rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Về lý luận

Tình trạng tham nhũng tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều nghiên cứu của các học giả, chuyên gia trên thế giới và trong nước đều chỉ rõ tác hại của tình trạng tham nhũng đối với phát triển bền vững và hậu quả của tham nhũng đối với nền kinh tế là rất nghiêm trọng và lâu dài. Hành vi tham nhũng gây ra những hậu quả, tác hại to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, nhất là đối với kinh tế, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản công, bào mòn ngân sách nhà nước để làm lợi cho một số cá nhân, nhóm người tham nhũng, làm thất thoát một nguồn lực rất lớn, làm méo mó thị trường, biến dạng thể chế, chính sách kinh tế; tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây bất bình đẳng trong môi trường đầu tư; làm mất niềm tin của các nhà đầu tư cả trong nước, nước ngoài; để lại di chứng lâu dài rất khó và rất tốn kém trong khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết của nền kinh tế… Tham nhũng còn đe dọa sự ổn định, an ninh xã hội, xâm hại các thể chế và giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý... Nếu không kịp thời ngăn chặn, tham nhũng sẽ trở thành mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Các quốc gia phát triển trên thế giới đều phải trải qua những giai đoạn đấu tranh quyết liệt với tệ nạn tham nhũng để tạo động lực cho phát triển kinh tế và có được sự phát triển như ngày nay. Để đối phó với tình trạng tham nhũng, ngày 09/12/2003 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ban hành Công ước về chống tham nhũng. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng là một phần không thể thiếu đối với những quốc gia phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Ở các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á... đều tăng cường chống tham nhũng để tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Lịch sử phát triển của các nước chứng minh, những nước PCTNTC quyết liệt và đạt hiệu quả cao, có chỉ số tham nhũng thấp thì phát triển bền vững, những nước có chỉ số tham nhũng cao kéo dài thì đất nước tụt hậu, kinh tế không phát triển. Theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI)(3) năm 2022 do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố cho thấy, tất cả các nước có điểm chỉ số cảm nhận tham nhũng cao đều có nền kinh tế phát triển, dân cư giàu có (như Đan Mạch 90 điểm; Phần Lan, New Zealand cùng được 87 điểm; Na Uy 84 điểm, Singapore 83 điểm, Thụy Điển 83 điểm, Thụy Sỹ 82 điểm…).

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới

Trong bối cảnh tình hình tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung sau để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:

Một là, tiếp tục quán triệt đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, làm “nhụt chí” những người khác”.

Hai là, khắc phục những tác động của công tác đấu tranh PCTNTC, tiêu cực tới một bộ phận cán bộ, đảng viên. Theo đó, cần xác định tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đẩy mạnh đấu tranh PCTNTC không làm nản chí, chùn bước, sợ sai, không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án về “Giải pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; đồng thời rà soát, ban hành các quy định nhằm cụ thể hóa trách nhiệm của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ; cụ thể hóa các quy định tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá vì lợi ích chung.

Ba là, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, chống tham nhũng chính trị để các cấp thẩm quyền, nhất là người đứng đầu phải trọng dụng, lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có năng lực, đạo đức, tâm huyết, có kinh nghiệm thực tiễn vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, đảm đương trọng trách PCTNTC để phát triển đất nước bền vững. Cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; coi trọng việc cảnh báo, bảo đảm phòng ngừa và xử lý các vi phạm.

Bốn là, nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, trong đó có việc tăng cường nhận thức sâu sắc hơn về mối quan hệ biện chứng giữa PCTNTC hiệu quả với phát triển kinh tế bền vững, không bị ảnh hưởng bởi ý kiến sai lầm cho rằng tham nhũng có khi “bôi trơn”, “kích thích” kinh tế phát triển và chống tham nhũng quá quyết liệt sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế - xã hội./.

-----------

Ghi chú:

(1) Điển hình: vụ ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát - Bộ Công an cùng các đồng phạm phạm các tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc, đưa hối lộ…; vụ ông Lê Văn Phước, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên phạm tội tham ô tài sản; các vụ phạm tội nhận hối lộ của bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Trưởng phòng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng; 03 cán bộ công an phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội; ông Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan; ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; ông Trần Hùng, Tổ trưởng Tổ công tác 1444 của Tổng cục Quản lý thị trường phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ;

(2) Ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Phạm Xuân Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương… bị khởi tố, điều tra liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á.

(3) Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) là bảng xếp hạng về tham nhũng toàn cầu được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Chỉ số này đo lường mức độ tham nhũng của khu vực công ở mỗi quốc gia. Điểm số của mỗi quốc gia thể hiện mức độ nhận thức về tham nhũng trong khu vực công trên thang điểm từ 0 đến 100. Trong đó, mức 0 tức là quốc gia rất tham nhũng, còn 100 là rất trong sạch.

ThS Nguyễn Mạnh Cường

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

ThS Nguyễn Hoàng

Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội

Theo tcnn.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: