Ðúng 50 năm trước, Ðoàn đại biểu Ðảng Cộng sản và Chính phủ cách mạng Cuba do Chủ tịch Fidel Castro dẫn đầu đến thăm Việt Nam và vùng giải phóng miền Nam tại Quảng Trị. Người dân Quảng Trị rất ngưỡng mộ trước tấm lòng son sắt, thủy chung của Chủ tịch Fidel Castro và đất nước Cuba dành cho Việt Nam. Tỉnh Quảng Trị tổ chức kỷ niệm cấp Nhà nước về sự kiện ý nghĩa này vào ngày 26/9.
Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm Khu trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ, ngày 15/9/1973. (Ảnh Tư liệu)
Chuyến thăm được giữ bí mật đặc biệt
Những địa điểm Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm 50 năm trước, nay một số đã trở thành di tích, thể hiện ấn tượng sâu đậm nhất tình cảm của Nhân dân Việt Nam cũng như Quảng Trị dành cho Fidel và đất nước Cuba. Ngày thường, có nhiều người đến thăm các di tích, đặt hoa tưởng niệm Fidel tại công viên mang tên ông ở thành phố Ðông Hà.
Những ngày tháng 9/1973, ông Trương Ðình Thản, Bí thư Chi bộ Văn phòng Ủy ban Hành chính Ðặc khu Vĩnh Linh, Tổ trưởng Tổ lái xe chuyên phục vụ lãnh đạo nhận nhiệm vụ bí mật từ Thường trực Ðặc khu Vĩnh Linh cấp tốc lái xe ra Hà Nội, đến Bộ Ngoại giao nhận đồ dùng phục vụ cho phái đoàn Cuba, do Chủ tịch Cuba Fidel Castro dẫn đầu sắp đến thăm Vĩnh Linh và vùng giải phóng miền Nam tại Quảng Trị.
Ông Thản năm nay 86 tuổi, nhớ lại trước khi Fidel Castro đến thăm, Văn phòng Ủy ban Hành chính Ðặc khu Vĩnh Linh đề nghị Xí nghiệp gỗ Lê Thế Hiếu, tại vùng Hiệp Kiều, xã Vĩnh Long do ông Hồ Xuân Mai làm Giám đốc, đóng chiếc giường gỗ có chiều dài 2,2 m, chiều rộng 1,6 m mang về đặt tại Nhà Giao tế. Ðặc khu Vĩnh Linh dựng thêm một ngôi nhà có cột bằng gỗ, vách bằng phên tre, diện tích nhà rộng khoảng 10m x 7m, gồm ba phòng làm nơi để Fidel Castro nghỉ ngơi ngay trong Khu Giao tế.
Chiều 14/9/1973, ông Thản lái xe chở lãnh đạo Ðặc khu Vĩnh Linh gồm các đồng chí: Bí thư Ðặc khu ủy Trần Ðồng; Chủ tịch Ủy ban Hành chính Dương Tốn; Chính ủy Vũ Kỳ Lân; Trưởng Công an Trần Ðình Thạch… đón phái đoàn tại ngã ba Lệ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Khoảng 15 giờ chiều 14/9/1973, phái đoàn Cuba đến Nhà Giao tế ở thị trấn Hồ Xá, rồi nghỉ lại qua đêm.
Tối hôm ấy, Thường trực Ðặc khu ủy Vĩnh Linh tổ chức chiêu đãi Chủ tịch Cuba Fidel Castro, phái đoàn và Thủ tướng Phạm Văn Ðồng. Những điều mà một số ít nhân chứng ở Vĩnh Linh nhớ lại rất trùng khớp với nội dung được đề cập trong nhật ký mới xuất bản của bác sĩ José Miguel Miyar Barruecos (bác sĩ riêng Chủ tịch Cuba Fidel Castro) được Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Orlando Nicolas Hernandez Guillen của Cuba tại Việt Nam tặng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, có tựa đề "Những ghi chép chưa công bố về chuyến đi lịch sử của Fidel đến Việt Nam 1973".
Nhật ký có đoạn: "Ðêm 14/9/1973, đúng 9 giờ 20 phút, Chủ tịch Cuba Fidel Castro và đoàn chính thức ngủ lại ở Vĩnh Linh. Phái đoàn được lãnh đạo Ðặc khu Vĩnh Linh chuẩn bị một nơi lưu trú bí mật, với một số cabin (phòng) bằng gỗ và tre, trong đó được đặt các giường ngủ theo phòng riêng biệt. Fidel Castro ở phòng số 2, rộng rãi với giường ngủ, có phòng khách, cửa ra vào có rèm tre sơn màu, sàn trải chiếu và trang trí đẹp mắt. Sự quan tâm của Ðặc khu Vĩnh Linh dành cho phái đoàn là sự cẩn thận, không thể tin được".
Hôm sau, đúng 4 giờ 58 phút ngày 15/9/1973, trời vừa rạng sáng, Chủ tịch Cuba Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Ðồng rời Vĩnh Linh trên ô-tô theo Quốc lộ 1 qua sông Bến Hải bằng cầu phao, chính thức vào vùng giải phóng miền Nam rồi vào thăm Ðông Hà, đi dọc Ðường 9, lên Ðồi 241 tại Cam Lộ, mở đầu bài phát biểu hùng hồn tại cuộc mít-tinh quần chúng: "Chúng tôi đã vượt hơn 20 nghìn cây số để đến đây. Ðó là biểu tượng của mối tình hữu nghị, đoàn kết vĩ đại của nhân dân chúng tôi đối với nhân dân Việt Nam. Nhân dân Cuba chúng tôi đã từng ngày dõi theo cuộc đấu tranh quên mình của nhân dân Việt Nam...".
Tiếp tục, ông cùng phái đoàn đến thăm Trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Trưa 15/9/1973, Chủ tịch Fidel Castro về lại Ðông Hà, ra Gio Linh, Vĩnh Linh rồi ra Quảng Bình trong chiều cùng ngày. Hành trình Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến vùng giải phóng miền Nam tại Quảng Trị luôn được giữ bí mật đặc biệt đến phút chót để bảo đảm an toàn cho chuyến thăm mang ý nghĩa chính trị đặc biệt. Vào thời điểm ấy, tuy Quảng Trị đã được giải phóng nhưng vẫn còn 15% diện tích đất về phía nam đang bị chính quyền miền Nam cũ chiếm đóng, vì vậy, công tác tổ chức bảo vệ luôn được Trung ương Ðảng và tỉnh Quảng Trị đặt lên hàng đầu.
Giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết
Ðồi 241 thuộc thôn Tân Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ bây giờ đã trở thành di tích cấp tỉnh, hằng ngày đón nhiều du khách đến thăm. Hôm trở lại di tích này cùng ông Dương Tú Anh, năm nay 83 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ giai đoạn năm 1973, chúng tôi được gặp cụ Nguyễn Công Ðoàn, 100 tuổi ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành cùng người con trai út Nguyễn Văn Nam đến thăm di tích Ðồi 241 trong niềm xúc động.
Cụ Ðoàn nhớ lại, thời điểm đó cụ đang giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cam Lộ nên vinh dự có mặt trong thành phần đón phái đoàn Cuba. "Hình ảnh Fidel Castro cao lớn, giọng nói sang sảng, bước đi oai vệ, dũng mãnh khiến ai cũng ngưỡng mộ. Có Fidel Castro đến thăm, động viên quân dân mình như được tự tin hơn nữa để quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng cho nước nhà độc lập, thống nhất" - cụ Ðoàn nói.
Vào các dịp lễ, Tết cũng như ngày thường, các tổ chức, đoàn thể như Ðoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… của huyện Cam Lộ đều tổ chức đón du khách đến thăm di tích Ðồi 241. Ủy ban nhân dân huyện Cam Lộ đã khoanh vùng bảo vệ di tích rộng đến 2.000 m2. Cách di tích Ðồi 241 khoảng 8 km về phía bắc là Trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, nay là di tích quốc gia. Ðể xứng tầm với giá trị lịch sử của di tích, huyện Cam Lộ đề xuất tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 7 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo lại các hạng mục của Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam như: Cổng khu nhà A, tường rào mặt trước theo nguyên trạng; phục hồi bốt gác; tu bổ nhà trình quốc thư; nhà trực đón tiếp du khách; sưu tầm hiện vật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cam Lộ, Trần Anh Tuấn cho biết, việc phát huy cao nhất giá trị các di tích này nhằm góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm hơn nữa với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Điều băn khoăn còn lại
Nửa thế kỷ trôi qua, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh luôn vươn mình mạnh mẽ, trở thành lực hút về phía bắc của tỉnh Quảng Trị, với nhiều dự án phát triển kinh tế hiệu quả. Nhờ sự đoàn kết chung sức xây dựng của bao thế hệ mà đô thị Hồ Xá hôm nay có được bộ mặt hiện đại, đầy sức sống. Tuy nhiên, điều làm cho nhiều người băn khoăn là khu Nhà Giao tế, nơi Chủ tịch Cuba Fidel Castro và phái đoàn cũng như Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã nghỉ đêm trong thời gian thăm và làm việc tại Ðặc khu Vĩnh Linh nay không còn nữa.
Về nguyên nhân ngôi nhà này mất đi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh, Nguyễn Thiên Tùng cho biết, thời gian, sự khắc nghiệt của thời tiết cũng như những lần sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh làm cho quá trình quản lý khu nhà chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến ngôi nhà mất đi toàn bộ. Trên vị trí Nhà Giao tế hiện nay có sáu hộ dân sinh sống với khu đất có diện tích khoảng hơn 1 ha thuộc khu phố Hòa Phú, thị trấn Hồ Xá.
Nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Ðình Bin, người từng phiên dịch cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro khi đến thăm Việt Nam và vùng giải phóng Quảng Trị, từng ngủ lại ở Nhà Giao tế thời điểm ấy, cho biết: "Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đêm ấy ngủ lại trong Nhà Giao tế cùng phái đoàn. Ðặc khu Vĩnh Linh đã đón tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng và phái đoàn hết sức trang trọng, ấm áp, tình cảm, đây là sự cố gắng rất lớn của Ðặc khu Vĩnh Linh lúc ấy. Huyện Vĩnh Linh cần khôi phục lại Nhà Giao tế, xây dựng nơi đây thành di tích lịch sử, vừa là một địa danh thu hút du lịch".
Là thế hệ lãnh đạo trẻ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh, Nguyễn Thiên Tùng đầy trăn trở và chia sẻ với những băn khoăn của nhân dân thị trấn Hồ Xá, cũng như huyện Vĩnh Linh vì Nhà Giao tế không còn tồn tại. Theo đồng chí Tùng, huyện sẽ phân tích quá trình này một cách căn cơ, đầy đủ; chỉ đạo Phòng Văn hóa-Thông tin tham mưu, xin ý kiến Thường vụ Huyện ủy để xây dựng đề án bảo tồn, khôi phục Nhà Giao tế. Ðây là việc làm khó nhưng không bắt tay vào làm ngay thì không biết bao giờ trở thành hiện thực.
Ðặc biệt, phải tranh thủ kịp thời những người từng có mặt trong sự kiện đón tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro và phái đoàn để thu thập chứng cứ, hiện vật liên quan, phục dựng lại Nhà Giao tế, đề xuất công nhận là di tích lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ khắc họa sâu sắc thêm mối quan hệ đoàn kết đặc biệt của hai Ðảng, hai Nhà nước Việt Nam-Cuba, đồng thời là một địa điểm phục vụ du lịch./.
Theo Báo Nhân Dân
Bảo Ngọc (st)