69 năm qua, với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308-Quân Tiên Phong tiến về tiếp quản Thủ đô và cả những người được đón chào đoàn giải phóng quân vào thời khắc lịch sử ngày 10-10-1954 mãi là một ký ức không quên.

Tháng 8-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trao cho Đại đoàn 308 trọng trách vẻ vang là tiến về tiếp quản Thủ đô. Ngay khi nhận nhiệm vụ, Chính ủy Song Hào đã triệu tập cuộc họp Đảng ủy Đại đoàn ra nghị quyết lãnh đạo bộ đội chấp hành chỉ thị của Trung ương về công tác tiếp quản. Trong đó xác định việc tiếp quản Hà Nội là một cuộc đấu tranh rất phức tạp trên nhiều mặt, gồm cả chính trị, tư tưởng, kinh tế và phải có cả sự phòng bị về quân sự. Cuộc đấu tranh ấy không chỉ diễn ra khi ta đến, địch đi mà từ ngày địch cuốn gói từng bước ta đã phải tạo ngay được một không khí mới để nhân dân Hà Nội tin tưởng, phấn khởi, xua tan những lo âu, mặc cảm trước đó. Cũng chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Mấy lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành”. Người dạy: “Suốt tám năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để giành lấy thắng lợi trong hòa bình”.

Để mở đường cho các cánh quân tiến về Hà Nội, Tiểu đoàn Bình Ca (Tiểu đoàn 18), Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102), Đại đoàn 308 đã về Hà Nội trước để nắm tình hình, chốt giữ những vị trí quan trọng, đấu tranh chống lại âm mưu phá hoại của quân địch trước khi rút đi, chuẩn bị mọi công tác cho ngày đại quân trở về. Đại tá Dương Niết, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca (sau là Phó hiệu trưởng Trường Trung cao Không quân, nay là Học viện Phòng không-Không quân, đã nghỉ hưu) kể lại: "Ngày 7-10, chúng tôi hành quân tới làng Vân, phía Bắc cầu Đuống. Bà con biết bộ đội về rất phấn khởi, nhiều người mang lương thực, thực phẩm đến. Đã có quy định là không được nhận quà của bất kỳ ai nhưng bà con vẫn cứ mang tới, anh nuôi không làm cách nào từ chối được. Dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ, Tiểu đoàn Bình Ca chúng tôi là đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào Hà Nội, tiếp quản hơn 30 vị trí quan trọng có quân Pháp chiếm đóng. Nhiệm vụ là phải giữ được nguyên vẹn tài sản ở các vị trí đó, không cho đối phương phá hoại hoặc mang đi".

Ngày 8-10, quân Pháp làm lễ cuốn cờ. Ngay buổi tối, chúng đã chuyển pháo binh, xe tăng sang Gia Lâm, chỉ còn để lại nội thành hai tiểu đoàn bộ binh và một số xe thiết giáp, xe vận tải. Cũng trong ngày hôm đó, ta tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt. Là tổ trưởng tổ tiếp quản vị trí này, đồng chí Dương Niết được tiếp xúc với các đối tượng khác nhau, trong đó có nhiều lính Pháp và lê dương, kể cả những tên mật thám mà địch cài lại đang ngụy trang tìm cách dụ dỗ bộ đội ta. Trong tư thế người chiến thắng, ông và đồng đội đã chủ động tiếp xúc, tuyên truyền địch vận dưới nhiều hình thức để đối phương không có hành động quá khích gây xung đột không cần thiết. Theo lời kể của Đại tá Dương Niết, hai ngày cùng canh gác với quân Pháp, Tiểu đoàn Bình Ca đã giữ các địa điểm được giao an toàn. Họ kịp thời phát hiện việc binh sĩ Pháp định đưa các bao bột nghi là có chứa chất độc đặt quanh giếng nước lọc của Nhà máy Nước Yên Phụ; ngăn chặn thành công việc địch định phá doanh trại pháo binh Ngọc Hà...

khi doan quan tien ve
Đại đoàn 308 tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954. Ảnh tư liệu

Ở một hướng khác, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Trang, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, nhớ lại: "Tôi được phân công phụ trách giám sát việc tiếp quản từ chợ Mơ và dọc hai bên đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài đến Bờ Hồ, qua Hàng Ngang, Hàng Đào, bốt Hàng Đậu ra đến đầu cầu Long Biên. Trong hai ngày, tôi đi cùng viên đại úy Pháp và người phiên dịch trên chiếc xe Jeep đến các vị trí được chỉ định tiếp nhận bàn giao. Những người lính Pháp mà tôi gặp hầu như đều im lặng, không có phản ứng chống đối. Một vinh dự với tôi là được trực tiếp chứng kiến giây phút những người lính Pháp cuối cùng qua cầu Long Biên rút sang Gia Lâm trong chiều 9-10-1954”.

Khi còn sống, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, bấy giờ là Trưởng phòng Chính trị Đại đoàn 308 từng kể rằng, 5 giờ sáng, lệnh giới nghiêm vừa hết, cả Hà Nội náo nhiệt hẳn lên. Nhà nhà mở cửa đón chào ngày mới: Ngày giải phóng Thủ đô. 8 giờ sáng, các đơn vị trong Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo trở về giữa một rừng cờ hoa và sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân Hà Nội. Anh hùng Nguyễn Quốc Trị, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu cánh quân thứ nhất tiến từ khu vực Mai Dịch, qua ô Cầu Giấy, phố Kim Mã, Hàng Đẫy, vườn hoa Cửa Nam ra bờ hồ Hoàn Kiếm, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, Cửa Bắc để vào thành Hà Nội. Cánh thứ hai theo đường số 6 qua cầu Mới vào đến Ngã Tư Sở, rẽ phải vào tiếp quản sân bay Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai, khu ga Hà Nội. Hướng phía Nam, cánh thứ ba tiếp nhận các công sở từ khu vực Việt Nam học xá, Đồn Thủy, khu hồ Hoàn Kiếm... Trên xe chỉ huy, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố giơ tay chào đồng bào. Tiếp đó là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố, rồi đến xe của các đồng chí trong Bộ tư lệnh Đại đoàn. Nhân dân hò reo phất cờ, vẫy hoa tặng bộ đội, cài lên súng, tung lên xe. Bộ đội đi giữa rừng cờ hoa rực rỡ.

Chiều 10-10-1954, ngay dưới chân Cột cờ Hà Nội đã diễn ra lễ chào cờ lịch sử, đánh dấu việc chấm dứt hoàn toàn gần một thế kỷ cai trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. Đại đoàn 308 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Toàn bộ tài sản của Nhà nước đã được bộ đội quý trọng, giữ gìn chu đáo. Và chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, đoàn quân ấy đã bàn giao cho các cơ quan nhà nước rồi trở về vị trí đóng quân, sẵn sàng cho những nhiệm vụ tiếp theo!

SONG THANH

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: