Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

Trong 7 thập niên xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, có thể thấy, tư tưởng cũng như sự quan tâm, ghi nhận, đánh giá vị thế của ngành Công thương trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân trong bức thư ngày 13/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự.

cong thuong
Hồ Chủ tịch thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất những năm đầu khôi phục kinh tế (1956).
Ảnh: Tư liệu

78 năm trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có thể nói, mỗi thành tựu về phát triển kinh tế của một đất nước Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đều có sự góp phần không nhỏ của giới/ngành Công - Thương (Công thương) nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam nói chung.

Công thương thịnh vượng thì nền kinh tế quốc dân thịnh vượng

Sớm đánh giá cao vai trò của giới Công thương Việt Nam trong tiến trình cách mạng, từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (tháng 2/1930), Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng: “Tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được”[1] và “với ‘tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”[2] để phát huy nguồn sức mạnh của các giai tầng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Những nội dung trong Sách lược vắn tắt của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và được thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng này không chỉ khẳng định vai trò của giới Công - Thương, mà còn cho thấy định hướng tập hợp, đoàn kết một lực lượng quan trọng để nhân nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Vì thế, không lâu sau ngày Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 19/8/1945, tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã “tiếp khoảng 30 nhà tư sản có tiếng ở Hà Nội. Người động viên các vị có tài sản lớn nên hăng hái đóng góp để cho “Tuần lễ VÀNG” ở Thủ đô có kết quả và để tỏ cho thế giới biết người Việt Nam đồng lòng giúp nước”[3]. Ý nghĩa lớn lao của cuộc tiếp đón các nhà tư sản - các nhà công thương Hà Nội này không chỉ là sự ghi nhận và động viên giới công thương ủng hộ, góp sức đối với việc bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mà còn là sự khẳng định vị thế của giới Công thương trong sự nghiệp xây dựng nền cộng hòa dân chủ, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tiếp đó, trong “Thư gửi các giới công thương Việt Nam” ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành sự trân trọng khi viết “cùng các ngài trong giới Công - Thương”, mà Người còn rất vui mừng vì “được tin giới Công - Thương đã đoàn kết lại thành “Công - Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh”[4]. Theo lời Người, thì tổ chức “Công - Thương cứu quốc đoàn” đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, nên Người rất hoan nghênh và mong đợi tổ chức này ngày càng đạt nhiều kết quả tốt.

Không chỉ khẳng định vai trò của giới Công - Thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh  còn trực tiếp giao nhiệm vụ cho họ khi viết trong Thư rằng: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”[5]. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giới Công - Thương Việt Nam không chỉ có tinh thần yêu nước; có khả năng, tiềm lực về tài chính so với các ngành, các giới khác, mà tiềm ẩn trong họ còn là bản lĩnh kinh doanh, sự nhanh nhạy trong làm ăn kinh tế. Vì thế, “xây dựng một kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng” không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của giới Công - Thương đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi thế, cũng theo lời Người trong Thư, thì “việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”, nên để giới Công - Thương thực hiện được tốt nhiệm vụ của mình, Người và “Chính phủ nhân dân” sẽ “tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết”. Từ việc khẳng định mối quan hệ giữa các hoạt động kinh doanh của giới Công - Thương với sự phát triển của nền kinh tế và tài chính của quốc gia, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh mong giới Công - Thương mau gia nhập “Công - Thương cứu quốc đoàn” và “đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.

Tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của giới Công - Thương/ngành Công thương không chỉ có trong bức thư lịch sử ngày 13/10/1945, mà còn thể hiện trong những bài viết, những bài nói chuyện khi Người đến thăm các nhà máy, xí nghiệp trong ngành Công thương và mỗi khi dự hội nghị liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân. Đó không chỉ là sự ghi nhận, đánh giá đúng mà còn là lời hiệu triệu, cổ vũ ngành Công thương, các doanh nghiệp, doanh nhân đoàn kết, thi đua góp sức vào sự nghiệp xây dưng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Công thương

Những năm sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành thời gian đến thăm các nhà máy, xí nghiệp như: Nhà máy Đèn Bờ Hồ (21/12/1954); Nhà máy Diêm Thống Nhất (16/8/1956); ba lần thăm Dệt Nam Định (ngày 24/4/1957; 15/3/1959; 21/5/1963); thăm Công ty May 10 (8/1/1959); thăm Dệt 8/3 (8/3/1965); thăm Dệt kim Đông Xuân (15/5/1959); thăm Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (28/4/1964)… mà Người còn gửi thư Hoan nghênh hội nghị cán bộ quản lý xí nghiệp (9/11/1955); dự Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất (31/5/1956); nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác của Bộ Công nghiệp (22/1/1960); dự và nói chuyện Hội nghị ngành Công nghiệp nhẹ (16/1/1965)…

Trong những lần đến thăm đó, Người không chỉ ghi nhận sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công nhân, người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, mà còn động viên và nhấn mạnh vai trò người chủ, địa vị làm chủ của họ. Theo Người “lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy”, cho nên, “muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”[6]. Cũng theo lời Người, để thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch thì cán bộ quản lý và nhân viên phải cùng nhau đoàn kết, “tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tôn trọng kỷ luật lao động” để “bảo vệ an toàn lao động, bảo vệ tính mạng người công nhân”;  nhất là “phải cố gắng thi đua, thi đua liên tục, mọi ngành, mọi người thi đua”, song cần tránh hiện tượng “đầu năm thảnh thơi, cuối năm chạy đua dốc sức”. Đồng thời, cán bộ quản lý cần phải “cố gắng nghiên cứu và học tập để tiến bộ, “‘khéo đoàn kết và lãnh đạo công nhân”, “dùng phương pháp dân chủ mà đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm” và “phải thật sự săn sóc đến đời sống tinh thần và vật chất của công nhân”[7]…

Đặc biệt, khi cao trào thi đua phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động đã đưa Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) trở thành lá cờ đầu của ngành công nghiệp miền Bắc, thì ngày 15/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Nhà máy. Phát biểu trước lãnh đạo và những người lao động tại đây, Người nhấn mạnh sự phát triển của phong trào thi đua đã góp phần “bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch và sản xuất với phương châm nhiều, nhanh, tốt, rẻ”; đồng thời, căn dặn cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà máy cũng như người lao động rằng thi đua thì “không nên chỉ bốc lên từng lúc, mà phải bền bỉ, liên tục” và chỉ có như vậy thì sức nóng, chiều sâu của phong trào thi đua mới bền, mới ý nghĩa. Sau đó, phong trào thi đua theo gương “Sóng Duyên Hải”, “Học tập Duyên Hải, đuổi kịp và vượt Duyên Hải” đã được triển khai rộng rãi trong ngành Công nghiệp miền Bắc…

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ quản lý xí nghiệp ngày 9/11/1955, Người khẳng định: “Đảng và Chính phủ tin cậy cán bộ, giao cho cán bộ nhiệm vụ chủ chốt, nhiệm vụ quản lý. Đó là một nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Cán bộ ta phải luôn luôn cố gắng làm trọn nhiệm vụ, mới xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của Chính phủ và của Nhân dân. Muốn như vậy thì cán bộ ta phải cố gắng quản lý thật tốt các xí nghiệp, phải bảo đảm kinh doanh có lãi cho nước nhà”. Còn tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất ngày 31/5- 5/6/1956, Người căn dặn cán bộ của ngành “phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường; chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá phục vụ nhân dân”. Đặc biệt, tại Hội nghị tổng kết công tác của Bộ Công nghiệp ngày 22/1/1960, Người nhấn mạnh: “Các xí nghiệp quốc doanh phải chú ý giúp đỡ làm cho công nghiệp địa phương ngày một phát triển. Nhưng các địa phương không nên ỷ lại vào Trung ương mà phải chú ý làm cho đúng phương châm: vốn, nguyên liệu, vật liệu, người của địa phương là chính; sản xuất hàng ra chủ yếu bán ở địa phương” …

Trong 7 thập niên xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, có thể thấy, tư tưởng cũng như sự quan tâm, ghi nhận, đánh giá vị thế của ngành Công thương trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân trong bức thư ngày 13/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Sự xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tinh thần nước giàu, dân mạnh gắn bó chặt chẽ với việc phát triển nền kinh tế của quốc gia; và đó cũng là nhiệm vụ của ngành Công thương nói riêng, doanh nghiệp và doanh nhân nói chung. Hoạt động của đội ngũ doanh nhân - lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội đã góp phần không nhỏ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp không chỉ góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội mà còn tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Vì thế, hoạt động của ngành Công thương có mối quan hệ chặt chẽ với sự hưng thịnh của nền kinh tế quốc dân; trong đó, sản xuất, kinh doanh tốt, có lãi không chỉ góp phần tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội… mà còn cho thấy ngành Công thương phát triển thịnh vượng thì đất nước phát triển giàu mạnh. Và cũng vì thế, từ bức thư lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho giới Công - Thương; thực hiện nhất quán tư tưởng của Người về việc “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này” trong bức thư và nhất là sự ghi nhận cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày doanh nhân Việt Nam. Sau đó, cùng với sự phát triển của đất nước, ghi nhận sự đóng góp và ngày càng phát triển của đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ-TW ngày 9/12/2011 về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”…

Ngày Doanh nhân Việt Nam không chỉ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc vì gắn liền với bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho giới Công - Thương/ngành Công thương, mà còn là sự khẳng định của Đảng và Nhà nước đối với vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Đó chính là khuyến khích, hỗ trợ, hành động, đồng hành nhằm xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển vững mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; là nhằm phát huy trí tuệ, bản lĩnh, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.3

[3] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội , 2006, t.3, tr.15

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.53

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.53

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.142

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.192

 

Văn Thị Thanh Mai

Theo Hochiminh.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: