Nhiệm vụ đặc biệt với trọng trách lớn nhưng cũng vô cùng vinh dự, tự hào đã thôi thúc cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện, học tập theo tấm gương Bác Hồ kính yêu. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy BTL Lăng đã chia sẻ thêm về câu chuyện này.
Nơi hội tụ giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc
Phóng viên (PV): Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh, biểu tượng thiêng liêng, là nơi hội tụ giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của dân tộc mà người người hướng về. Điều ấy có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (BTL Lăng), thưa đồng chí?
Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thiêng liêng đặc biệt, cũng là ước vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta với mong muốn các thế hệ hôm nay và mai sau được về đây viếng Bác, bày tỏ tình yêu, niềm kính trọng dành cho Bác; qua đó góp phần bồi đắp niềm tin yêu, tự hào, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, Tổ quốc, cũng chính là góp phần củng cố, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Những năm gần đây, nhất là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, BTL Lăng đã ghi nhận số đồng bào trong nước và quốc tế đến Lăng viếng Bác ngày càng đông. Cao điểm có dịp lễ đơn vị đón gần 33.000 lượt khách/ngày vào Lăng viếng Bác, cao nhất từ trước đến nay. Trung bình ngày trong tuần, đơn vị đón hơn 10.000 lượt khách, cuối tuần hơn 20.000 lượt khách/ngày. Hầu hết nguyên thủ các quốc gia đến Hà Nội đều vào Lăng đặt vòng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ... Thực tế đó đã chứng minh tình cảm, lòng kính trọng của đồng bào, bạn bè quốc tế dành cho Bác ngày càng nhiều hơn. Đây cũng chính là sự tôn trọng của bạn bè quốc tế dành cho dân tộc ta, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên.
Hằng ngày, chúng tôi được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động, tình cảm của đồng bào, du khách khắp nơi dành cho Bác Hồ kính yêu. Nhiều thương binh, bà má miền Nam coi việc được ra viếng Bác là điều mong mỏi, tâm nguyện lớn trong đời. Nhiều khách quốc tế rất ngạc nhiên bởi chưa thấy ở đâu tình cảm đồng bào dành cho vị lãnh tụ của dân tộc lại to lớn như vậy. Nhiều Việt kiều chứng kiến buổi lễ chào cờ trước Lăng đã xúc động và mong đưa con cháu về với quê hương, Tổ quốc... Những tình cảm ấy cũng trở thành động lực thôi thúc, bồi đắp thêm cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ BTL Lăng tình yêu, niềm tự hào, lòng kính trọng, biết ơn với Bác gấp nhiều lần hơn. Điều đó cũng lý giải tại sao chúng tôi luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm hết mình và nỗ lực để lan tỏa rộng rãi những hình ảnh cao đẹp, ý nghĩa về Bác kính yêu và công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng. Ảnh: DƯƠNG THU
PV: Với vị trí đặc biệt quan trọng đó, việc tăng cường các hoạt động tham quan, học tập truyền thống cho nhân dân, lan tỏa hình ảnh về Bác đã được BTL Lăng quan tâm ra sao, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng: Lăng Bác, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh tạo thành quần thể di tích Cụm di tích Lịch sử-Văn hóa Ba Đình đặc biệt giữa lòng Thủ đô. Những năm qua, nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ, thu hút đông đảo đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế đến viếng Bác, sinh hoạt chính trị, tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước nhu cầu và tình cảm của đồng bào, bạn bè quốc tế dành cho Bác, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ BTL Lăng coi đó là thành công cũng là động lực để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đặc biệt của mình.
BTL Lăng đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chủ động phối hợp với TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị, địa phương trong tuyên truyền, đón tiếp, nhất là với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, học sinh, sinh viên, thiếu niên, nhi đồng và coi đó là một cách tri ân với các thế hệ đi trước, bồi dưỡng những thế hệ mầm non-tương lai của đất nước; phối hợp với TP Hà Nội bảo đảm cơ sở hạ tầng, đón tiếp, cấp nước uống, bánh mì, sữa miễn phí cho khách vào dịp lễ, tết... với mong muốn khách đến viếng Bác nhận được sự đón tiếp chu đáo, trọng thị, văn minh, lịch sự, an toàn.
Trong nội dung tuyên truyền, đơn vị đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành quyết định phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”; Kết luận số 308-KL/QUTW ngày 9-9-2022 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 122-NQ/QUTW ngày 8-3-2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Chúng tôi cũng chủ động đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như lắp đặt màn hình led, ki-ốt điện tử, xây dựng nội dung phù hợp để giúp du khách cập nhật, tra cứu thông tin; nâng cao hiệu quả hoạt động trang tin điện tử của Ban Quản lý Lăng; ký kết quy chế tuyên truyền với nhiều địa phương, cơ quan báo đài trong và ngoài Quân đội. Qua đó, vừa phát huy thế mạnh của các cơ quan truyền thông, vừa gắn trách nhiệm, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền của đơn vị.
BTL Lăng cũng chú trọng tôn tạo, duy trì cảnh quan trong khu vực cụm di tích, khẳng định Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là điểm nhấn, điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, mà còn là đài hoa vĩnh cửu, “trái tim của trái tim”-nơi hội tụ tình cảm, bồi đắp lý tưởng, niềm tin cho đồng bào, là biểu tượng của văn hóa Việt Nam.
Chiến sĩ tiêu binh Đoàn 275, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nghi lễ thượng cờ. Ảnh: THU GIANG
“Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”
PV: Thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ở nơi đặc biệt như đồng chí nói là “Trái tim của trái tim”, biểu tượng của dân tộc, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ BTL Lăng có gì đặc biệt?
Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng: Phải khẳng định rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện toàn diện bằng các kế hoạch, nội dung cụ thể. Nhưng như tôi đã nói ở trên, niềm vinh dự, tự hào là đơn vị được thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt; được gần Bác, bên Bác hằng ngày đó chính là niềm cảm hứng, thôi thúc mỗi người tự học theo Bác hiệu quả nhất.
Dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 vừa qua, trong đoàn người xếp hàng dài vào Lăng viếng Bác, tôi gặp một thanh niên từng là chiến sĩ vệ binh của BTL Lăng đã ra quân 10 năm. Không chỉ riêng đồng chí ấy, mỗi thế hệ chiến sĩ từng rèn luyện tại đơn vị, sau khi xuất ngũ, khi có dịp vẫn về Lăng viếng Bác như một sự nhắc nhớ về quãng thời gian vô cùng vinh dự, tự hào khi được trực tiếp canh gác bên Lăng Bác. Tôi tin rằng, dù công tác lâu dài hay từng trải qua thời gian nghĩa vụ quân sự ngắn ngủi ở cạnh Bác, thì tình cảm đặc biệt dành cho Bác, tấm gương của Bác vẫn sẽ tiếp tục được bồi đắp trong mỗi người để tu dưỡng bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức các sinh hoạt chính trị văn hóa, như lễ báo công của các đơn vị, nhà trường, lễ hứa quyết tâm của học sinh, sinh viên. Nhiều địa phương cũng thường tổ chức cho thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ về viếng Bác, hứa với Bác hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các đoàn trước khi lên đường đi làm nhiệm vụ quốc tế, thi đấu thể thao, thi học sinh giỏi và sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về cũng đến viếng Bác báo công...
“Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”, tôi cho rằng đó là nét đẹp văn hóa của người Việt. Và không chỉ với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đang công tác tại BTL Lăng, mà thực tế, tới thăm Bác, nghĩ về Bác, cũng là một phương thức truyền lửa, khích lệ tinh thần học tập và làm theo Bác của mỗi người dân.
PV: Theo đồng chí trước nhiệm vụ và trách nhiệm thiêng liêng đã đặt ra yêu cầu gì cho BTL Lăng cũng như mỗi cán bộ, chiến sĩ để hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả trước Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân?
Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng của Người là nhiệm vụ chính trị đặc biệt thiêng liêng. Cho đến nay, chúng tôi đã và đang tiếp tục hợp tác với các chuyên gia của nước Nga trong nghiên cứu, tiếp nhận, từng bước làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ từ y tế đến kỹ thuật; đồng thời từ đó góp phần củng cố quan hệ truyền thống, đối ngoại quân sự, chính trị của Đảng, Nhà nước.
Đơn vị quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương về xây dựng Quân đội, trong đó tập trung xây dựng Viện 69 là viện chính quy, chuyên ngành, hiện đại; Đoàn 275 tiêu biểu về điều lệnh và nghi lễ trong toàn quân; Đảng bộ Đoàn 969 là Đảng bộ tiêu biểu trong Đảng bộ Quân đội. Mỗi đơn vị dù có nhiệm vụ đặc thù riêng nhưng đều liên quan mật thiết và luôn hỗ trợ phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, đoàn kết nỗ lực góp sức hoàn thành toàn diện nhiệm vụ.
Bên cạnh việc phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng, chúng tôi xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi đắp lòng trung thành, khơi dậy niềm tự hào, vinh dự, trách nhiệm cao cả; để mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ phải là những tấm gương tiêu biểu về đạo đức, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, là những tuyên truyền viên, báo cáo viên phổ biến đến đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế về thân thế, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người và ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYÊN THẮNG - THU HÒA (thực hiện)
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)