Đảng ta luôn nắm vững và phát huy bài học kinh nghiệm là thường xuyên tự đổi mới để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Trong bối cảnh hiện nay có nhiều thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, vị thế, vai trò, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng càng được khẳng định thông qua đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành của cấp ủy các cấp, trong các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Trong giai đoạn 2021-2025, Cảng Quy Nhơn sẽ được đầu tư mở rộng lên gần 90ha (gấp 3 lần) để đáp ứng vai trò cảng cửa ngõ khu vực kinh tế trọng điểm miền trung.
(Ảnh NGUYỄN PHAN DŨNG NHÂN)
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. Nửa nhiệm kỳ vừa qua, thực tiễn tại các địa phương, đơn vị ghi nhận các giải pháp hướng tới thực hiện yêu cầu này đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tạo sức mạnh hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Rõ trách nhiệm, cụ thể giải pháp
Năm 2023, cùng với việc duy trì và nâng cao chất lượng giao ban định kỳ với các ban đảng, đảng ủy, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương, lần đầu tiên đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì các hội nghị giao ban công tác với Ban Cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng các bộ, ngành, với các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và đại diện một số hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. |
Các cuộc giao ban này cũng sẽ được tổ chức định kỳ để đồng chí Thường trực Ban Bí thư trực tiếp nắm tình hình, chia sẻ các vấn đề, chỉ đạo công tác đối với các cơ quan, đơn vị, qua đó nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Với tính chất là cuộc giao ban, các đại biểu tham dự được đề nghị không đọc văn bản, không kể lể, không báo cáo thành tích và mỗi người được giới hạn thời gian trao đổi ngắn gọn các vấn đề nổi bật của ngành, địa phương, đơn vị, nói thẳng những tồn tại, hạn chế, khó khăn.
Tại Hội nghị giao ban với các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy diễn ra ngày 28/7/2023, sau khi lãnh đạo các địa phương báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu của nhiệm kỳ, đồng chí Trương Thị Mai trao đổi sâu làm rõ hơn các vấn đề có khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời đề nghị địa phương nêu biện pháp giải quyết hoặc đề xuất Trung ương tháo gỡ. Nội dung trao đổi yêu cầu các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy phải nắm chắc tình hình thực tiễn, các vấn đề của địa phương, có quan điểm, chủ trương giải quyết rõ ràng và phương án, thời hạn thực hiện.
Báo cáo tình hình địa phương và rút kinh nghiệm về một số vấn đề ở cơ sở, nhất là vụ việc mất an ninh, trật tự xảy ra hôm 11/6/2023, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận định: Công tác nắm bắt tình hình của hệ thống chính trị ở cơ sở hạn chế. Năng lực giải quyết công việc của cán bộ xã, thôn, buôn chưa đáp ứng yêu cầu… Từ nay đến hết nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh xác định bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; tăng cường công tác quản lý, giải quyết đồng bộ các vấn đề về đất đai, rừng, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Kinh nghiệm của Đắk Lắk là bài học chung đối với các địa phương, nhất là những địa bàn chiến lược.
Tham dự hội nghị này có đại diện Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành để cùng trao đổi, tháo gỡ các vấn đề liên quan. Đây là sự đổi mới rõ nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Qua giao ban công tác, nhiều vấn đề được xem xét, giải đáp, xin ý kiến trực tiếp nhằm góp phần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách; siết chặt quan hệ phối hợp công tác giữa bộ, ngành, địa phương, giảm các thủ tục hành chính mang tính hình thức.
Việc Trung ương mở rộng đối tượng giao ban công tác, đặt yêu cầu cao về trách nhiệm báo cáo, giải trình trực tiếp của người đứng đầu đã tác động đổi mới tác phong công tác, tư duy chỉ đạo, điều hành ở cấp ủy, chính quyền các cấp. |
Việc Trung ương mở rộng đối tượng giao ban công tác, đặt yêu cầu cao về trách nhiệm báo cáo, giải trình trực tiếp của người đứng đầu đã tác động đổi mới tác phong công tác, tư duy chỉ đạo, điều hành ở cấp ủy, chính quyền các cấp. Mới đây, lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với 350 cán bộ, công chức là trưởng, phó phòng các Ban Đảng của Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh giải đáp các vấn đề đại biểu quan tâm, nêu câu hỏi, thông qua đó nắm bắt tình hình đội ngũ, tâm tư, nguyện vọng để có biện pháp, chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.
Khảo sát tại nhiều địa phương, các cuộc giao ban của Thường trực Tỉnh ủy với Bí thư huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND huyện, thành phố có chuyển biến về chất lượng. Việc kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ đi vào chiều sâu, mổ xẻ trực tiếp các vấn đề tồn tại; qua trao đổi cởi mở, thẳng thắn đã thúc đẩy tinh thần chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm của cán bộ các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; là biểu hiện sinh động nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong thực tiễn.
Phát huy tinh thần năng động, tự chủ
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng ta đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao... Yêu cầu đó đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và hành động, trước hết từ các cấp ủy đảng. Khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố, ghi nhận tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển bằng những mục tiêu cụ thể.
Nghị quyết số 03 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 của Tỉnh ủy Vĩnh Long đề ra mục tiêu chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Các địa phương trong tỉnh từng bước tiến hành việc chuyển đổi này, có nơi chậm, nơi nhanh do tư duy và năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền. Huyện Bình Tân là vùng chuyên canh cây khoai lang, trong đó khoảng 80% diện tích trồng khoai lang tím để xuất khẩu. Bà con nông dân trong huyện có đời sống khấm khá từ cây trồng chủ lực này. Tuy nhiên, qua đại dịch Covid-19, việc xuất khẩu khoai theo đường tiểu ngạch bị ngưng trệ cho thấy sự bấp bênh trong sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền kịp thời nắm bắt tình hình, quyết định cơ cấu lại vùng trồng theo hướng sản xuất gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, khẩn trương áp dụng các biện pháp kỹ thuật để sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Trong thời gian ngắn, diện tích trồng khoai bị giảm mạnh do không bán được đã nhanh chóng được khôi phục; khoảng 220 ha có chứng nhận VietGAP; đẩy mạnh sản xuất theo hướng sinh thái; tiến hành gắn mã số vùng trồng… Cuối tháng 4/2023, lần đầu tiên huyện xuất khẩu chính ngạch 28 tấn khoai lang sang thị trường Trung Quốc, đánh dấu bước tiến trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế nông nghiệp ở địa phương.
Trong khi nhiều tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng thấp do ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới và hậu quả của đại dịch Covid-19, Bình Định vẫn đạt mức tăng trưởng 8,57% vào năm 2022, cao nhất từ trước tới nay; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,46%.
Đồng chí Lê Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh cho biết, Tỉnh ủy chỉ đạo hạ tầng phải "đi trước", từ cấp tỉnh đến các địa phương đã huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối. Sự đột phá về hạ tầng cùng với các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng đã tạo làn sóng đầu tư mạnh mẽ, tạo đà cho tỉnh bứt phá. Từ đầu năm đến nay, Bình Định thu hút 2 dự án FDI đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư là 114.816 USD và 65 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 14.249,1 tỷ đồng, vượt 8,3% kế hoạch năm.
Quá trình hiện thực hóa chủ trương, định hướng phát triển của Đảng gắn với thực tiễn sinh động ở mỗi địa phương thể hiện năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; khơi dậy và phát huy sự năng động, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những cán bộ lãnh đạo có năng lực, phẩm chất, thể hiện qua phong cách chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ. |
Bảo đảm thực thi quyền lực có hiệu quả
Năng lực cầm quyền của Đảng cũng thể hiện ở năng lực kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên trong thực thi quyền lực nhà nước. Cùng với việc thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, Đảng ta yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực của người đứng đầu, bảo đảm quyền lực được thực thi có hiệu quả. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều giải pháp đang được thực thi, hướng tới đạt được mục tiêu Đại hội XIII đề ra.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đang được thực hiện quyết liệt, toàn diện và đồng bộ; tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, nhất là ở những ngành, lĩnh vực, khu vực dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc, sự việc nổi cộm dư luận xã hội quan tâm. Trung ương quán triệt xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, xác định rõ quyền và trách nhiệm của tập thể, của cá nhân người đứng đầu; tăng cường phân cấp, phân quyền theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có cơ chế, chế tài cụ thể xác định, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi có khuyết điểm, vi phạm.
Kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, ngày càng đi vào chiều sâu, với quyết tâm đấu tranh "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Cùng với việc thành lập các ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" và nhấn mạnh quan điểm phòng ngừa bằng việc ngăn chặn những hành vi tiêu cực, Trung ương ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 1/8/2022 chỉ ra những biểu hiện, hành vi tiêu cực để nhận diện. Trong đó, rõ nét nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.
Những văn bản mới được Bộ Chính trị ban hành như Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ; Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ... đều hướng đến mục tiêu tăng cường quản lý cán bộ và kiểm soát quyền lực.
Vẫn còn lỗ hổng lớn trong kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, nhất là ở khía cạnh người đứng đầu với quyền lực của mình đề xuất, vận động, gợi ý, gây sức ép, hướng lái tập thể lãnh đạo theo ý đồ, tự ý quyết định hay áp đặt theo chủ ý của mình. Điều này làm tê liệt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, vô hiệu hóa nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc kiểm soát quyền lực cần gắn với phát huy vai trò của người đứng đầu. Tiến sĩ Đỗ Văn Quân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh |
Theo Tiến sĩ Đỗ Văn Quân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, vẫn còn lỗ hổng lớn trong kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, nhất là ở khía cạnh người đứng đầu với quyền lực của mình đề xuất, vận động, gợi ý, gây sức ép, hướng lái tập thể lãnh đạo theo ý đồ, tự ý quyết định hay áp đặt theo chủ ý của mình. Điều này làm tê liệt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, vô hiệu hóa nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc kiểm soát quyền lực cần gắn với phát huy vai trò của người đứng đầu. Cụ thể, trao quyền phù hợp với trách nhiệm để phát huy vai trò của người đứng đầu. Trao quyền cho người đứng đầu mà không tương thích với trách nhiệm (quyền lớn hơn trách nhiệm) dễ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, làm trái, bất chấp nguyên tắc, quy chế, quy trình, nhất là trong công tác cán bộ. Cần xây dựng được hệ tiêu chí, tiêu chuẩn có thể sàng lọc, lựa chọn được người có năng lực, tố chất, khả năng, ý chí, nhu cầu tự kiểm soát quyền lực của bản thân để bồi dưỡng đào tạo cán bộ từ xa, từ sớm. Cần xây dựng chương trình, kế hoạch và nội dung để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này tương xứng, ngang tầm với nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bảo đảm sự thống nhất đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể chính trị-xã hội đối với người đứng đầu; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị-xã hội trong phát huy vai trò và kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.
Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng đối với khả năng thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn và sứ mệnh của Đảng. Thể hiện quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; năng động, sáng tạo, có những đổi mới phù hợp để phát huy mọi nguồn lực, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn; đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với phát huy sức mạnh đồng bộ của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương; thực hiện tốt sự phối, kết hợp trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; tạo đột phá để phát triển là những giải pháp hiệu quả để hiện thực hóa định hướng lớn của Đảng.
(Còn nữa)
----------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4, 5/10/2023.
NHÓM PHÓNG VIÊN XÂY DỰNG ĐẢNG
Theo Báo Nhân Dân
Bùi Hảo (st)