Sức mạnh của Đảng là sự vững mạnh của mỗi chi bộ và từng đảng viên. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị.
Lãnh đạo Quận ủy Hai Bà Trưng (Hà Nội) dự sinh hoạt chi bộ tại tổ dân phố số 3,
phường Đống Mác. (Ảnh DUY LINH)
Bài 4: Tăng cường vai trò mỗi chi bộ và đảng viên
Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc ở cơ sở, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đề cao tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng và đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Cấp ủy các cấp đã triển khai thực hiện những yêu cầu này với nhiều cách làm sinh động, sáng tạo, hiệu quả trong thực tiễn tại cơ sở.
Hướng về cơ sở, linh hoạt cách làm
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”. Chi bộ có nhiệm vụ quán triệt và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng; phát triển, quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên; đưa đường lối của Đảng vào nhân dân, nâng cao nhận thức chính trị, định hướng suy nghĩ và hành động của nhân dân theo đường lối, quan điểm của Đảng, làm tăng uy tín chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng trong nhân dân.
Khảo sát thực tiễn tại các địa phương cho thấy, các cấp ủy đảng đều coi trọng việc củng cố, nâng cao chất lượng chi bộ, phát huy vai trò hạt nhân chính trị tại cơ sở. Từng chi bộ, tổ chức cơ sở đảng qua công tác hằng ngày đã khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường và nguồn lực nội sinh, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, từ đó nâng cao chất lượng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, chính là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Ngày 20/4/2021, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TU về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định 11 nhiệm vụ, giải pháp như: bồi dưỡng lý luận chính trị, nâng cao nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên; đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; đánh giá tổ chức đảng, đảng viên;…
Đến nay, đã có 16/25 chỉ tiêu thuộc 8 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, chất lượng hoạt động của các chi bộ có chuyển biến tích cực, góp phần thể hiện sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Đảng bộ tỉnh có 359 chi bộ (chiếm 12,4%) đăng ký xây dựng mô hình “Chi bộ kiểu mẫu”; theo lộ trình, đã có 30 chi bộ được công nhận là “Chi bộ kiểu mẫu”, là những điển hình tiêu biểu trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị.
Những năm gần đây, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành nhiều kết luận, đề án nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Ngày 22/11/2019, Tỉnh ủy ban hành Quy định số 1375-QĐ/TU, trong đó có yêu cầu cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở đều phải định kỳ dự sinh hoạt với các chi bộ ở cơ sở, thôn, tổ dân phố.
Quá trình thực hiện, theo đánh giá của Tỉnh ủy, cán bộ đến dự sinh hoạt với chi bộ đã theo dõi, kịp thời rút kinh nghiệm về phương pháp lãnh đạo, nội dung, việc ra nghị quyết, hình thức sinh hoạt chi bộ; gợi ý hướng khắc phục, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gợi mở ý kiến phát biểu thảo luận của đảng viên; giám sát, kiểm tra việc thực hiện nền nếp và chất lượng sinh hoạt chi bộ thông qua báo cáo, sổ ghi nghị quyết, kiểm tra đột xuất, sổ tay đảng viên hoặc phỏng vấn đảng viên.
Các đợt kiểm tra cho thấy hầu hết các chi bộ, nhất là chi bộ thôn, bản, khu phố có chất lượng lãnh đạo được nâng lên; thực hiện hiệu quả chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về lãnh đạo, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, củng cố mô hình tự quản về an ninh trật tự, phát huy dân chủ ở cơ sở...
|
Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, đến 31/12/2022, toàn Đảng có hơn 5,3 triệu đảng viên, sinh hoạt tại gần 52 nghìn tổ chức cơ sở đảng, độ tuổi trung bình là 45,2. Trong đó, có 36,51% đảng viên nữ, đảng viên là đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chiếm 18,34%, đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 12,56%.
Ban Tổ chức Trung ương đánh giá, trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ đảng viên mới ngày càng được nâng cao; cơ cấu đảng viên có chuyển biến theo hướng tích cực, đảng viên mới là nữ tăng nhanh; việc phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo được quan tâm; tỷ lệ đảng viên là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh trên tổng số đoàn viên có xu hướng tăng.
Năm 2022, toàn Đảng kết nạp 147.510 đảng viên mới, tăng 5,54% so với năm 2021. Có 16 đảng bộ trực thuộc Trung ương có số đảng viên mới kết nạp tăng hơn 10%; trong đó một số đảng bộ có số tăng khá cao là Đồng Tháp 108,08%; Quảng Ngãi 46,86%; Điện Biên 40,97%; Sóc Trăng 37,55%; Hưng Yên 30,28%...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TU ngày 4/8/2021 về “Tiếp tục tăng cường xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”.
Cán bộ và người dân xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) trao đổi kinh nghiệm liên kết sản xuất, tiêu thụ chuối.
Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Đình Thi, nghị quyết có 5 giải pháp đột phá là đổi mới công tác tuyên truyền; đẩy mạnh phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên, đoàn viên; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy, cán bộ đoàn thể trong doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế đặc thù. Đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ đã thành lập mới 28 tổ chức đảng với 250 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Trong 3 năm gần đây, thành phố Hải Phòng kết nạp 989 học sinh, sinh viên vào Đảng, góp phần đưa kết quả kết nạp đảng viên đạt 64,2% chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ thành phố đề ra; bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng nhất là những khu vực còn trống tổ chức đảng, đảng viên.
Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ, từ kết quả này, Thành ủy Hải Phòng sẽ ban hành đề án đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên giai đoạn 2023-2030, trong đó có điểm mới là tập trung tạo nguồn kết nạp đảng viên là học sinh, sinh viên.
Chú trọng chất lượng cấp ủy và cán bộ cơ sở
Tìm hiểu tại nhiều địa phương, ghi nhận thực tế là bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng của đội ngũ cấp ủy viên có vai trò quyết định trong việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy các cấp. Khi đội ngũ cấp ủy viên có chất lượng cao; nội bộ cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đoàn kết, thống nhất; năng lực lãnh đạo và kỹ năng nghiệp vụ công tác đảng tốt thì uy tín, vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được khẳng định và phát huy.
|
Thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU ngày 12/10/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái, đến nay đã có 5.753 lượt cấp ủy viên cấp cơ sở, cấp ủy viên cấp trên trực tiếp cơ sở và cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp ở tỉnh Yên Bái được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Tỉnh ủy có Quy định số 09-QĐ/TU về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Quy định số 16-QĐ/TU về thực hiện văn hóa, đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị. Vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ngày càng được phát huy.
Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Chu Đình Ngữ, sau hai năm thực hiện, số cán bộ, đảng viên và số cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương đều vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Ngày 28/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi bộ trong giai đoạn mới. Nghị quyết đề ra giải pháp nghiên cứu thí điểm việc lựa chọn bí thư chi đoàn thôn, tổ dân phố bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có năng lực, triển vọng làm phó bí thư chi bộ. Quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ để cán bộ Đoàn, người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia cấp ủy, làm bí thư, phó bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Đội ngũ cấp ủy viên nâng cao năng lực, khả năng phát hiện những vấn đề khó, vấn đề mới nảy sinh từ cơ sở, bám sát tình hình, đánh giá, lựa chọn đúng vấn đề trọng tâm cần giải quyết để tập trung lãnh đạo. Những giải pháp này khởi nguồn từ thực tiễn việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ góp phần tăng cường ý thức, trách nhiệm của đảng viên và đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của chi bộ.
Cán bộ, công chức xã Việt Thành, huyện Trấn Yên được đánh giá là một trong những điển hình tiêu biểu về đội ngũ cán bộ cơ sở “vừa hồng vừa chuyên” của tỉnh Yên Bái. 100% bà con đến bộ phận một cửa UBND xã Việt Thành đều nhận xét tốt về tinh thần, thái độ, chất lượng công việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Bài học của Đảng bộ xã Việt Thành là quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đảng ủy xã triển khai nhiều kế hoạch bồi dưỡng kiến thức và động viên anh em tự học; đến nay 100% cán bộ, công chức xã có trình độ đạt chuẩn. Từ một xã nghèo, Việt Thành đã vươn lên thành xã khá của huyện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 56,2 triệu đồng, tăng 46,2 triệu đồng so với năm 2010. Năm 2022, Việt Thành là một trong 4 xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhiều địa phương tập trung công tác điều động, luân chuyển cán bộ cơ sở, tạo môi trường rèn luyện, thử thách cán bộ, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, từ đó khẳng định uy tín của cán bộ và năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng |
Khảo sát thực tế, nhiều địa phương tập trung công tác điều động, luân chuyển cán bộ cơ sở, tạo môi trường rèn luyện, thử thách cán bộ, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, từ đó khẳng định uy tín của cán bộ và năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng. Tại Phú Thọ, từ năm 2022 đến nay toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển 165 lượt cán bộ. Trong đó, luân chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã 25 đồng chí; từ cấp xã lên cấp huyện 9 đồng chí; từ xã này sang xã khác 53 đồng chí.
Tỉnh ủy Phú Thọ đánh giá, những nơi có cán bộ chủ chốt được điều động, luân chuyển đến không phải là người địa phương đã tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp xã; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Gắn việc bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ kết hợp phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, góp phần đánh giá đúng cán bộ là giải pháp được nhiều cấp ủy đảng triển khai quyết liệt trong nửa nhiệm kỳ qua. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc có quy định thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Tỉnh ủy Quảng Ninh hằng năm xác định việc khó, việc mới giao cho cấp ủy các cấp và người đứng đầu.
Tỉnh ủy Bắc Giang có chỉ thị về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ với phương châm dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tỉnh ủy Tuyên Quang từ năm 2022 đến nay đã giao 219 việc đột phá cho 77 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Các cấp ủy trực đã giao 731 việc đột phá cho 565 cán bộ.
Ở nhiều địa phương, việc đột phá không chỉ được giao cho người đứng đầu, lãnh đạo quản lý mà giao cho tất cả công chức, viên chức, cán bộ. Như ở xã Nhân Lý huyện Chiêm Hóa, 47 cán bộ công chức, viên chức, cán bộ bán chuyên trách đều được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ đột phá.
Vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng đối với xã hội được khẳng định bằng phẩm chất, năng lực, trình độ của mỗi đảng viên và sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức cơ sở đảng. Những giải pháp hiệu quả của cấp ủy các cấp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ở cơ sở.
Khi Đảng trong sạch, vững mạnh từ mỗi chi bộ và đảng viên, hệ thống chính trị được lãnh đạo toàn diện về thể chế, tổ chức, phương thức hoạt động và kiểm soát quyền lực, phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc tổ chức thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần vào việc vận hành tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. |
Khi Đảng trong sạch, vững mạnh từ mỗi chi bộ và đảng viên, hệ thống chính trị được lãnh đạo toàn diện về thể chế, tổ chức, phương thức hoạt động và kiểm soát quyền lực, phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc tổ chức thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần vào việc vận hành tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
(Còn nữa)
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4, 5, 6/10/2023.
NHÓM PHÓNG VIÊN XÂY DỰNG ĐẢNG
Theo Báo Nhân Dân
Bùi Hảo (st)