van ban thang 10

1. Nghị định số 60/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2023

Theo đó, Nghị định quy định ô tô thuộc diện phải triệu hồi gồm: (1) Ô tô triệu hồi theo công bố của nhà sản xuất; (2) Ô tô triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Việc yêu cầu triệu hồi của cơ quan kiểm tra được thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu.

Trường hợp các ô tô đã đưa ra thị trường có lỗi kỹ thuật phải triệu hồi, người nhập khẩu phải thực hiện các công việc sau đây: (1) Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu không bán ra thị trường các ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được khắc phục; (2) Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải gửi tới cơ quan kiểm tra báo cáo bằng văn bản các nội dung sau: nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật; biện pháp khắc phục; số lượng ô tô phải triệu hồi; kế hoạch triệu hồi phù hợp; (3) Chủ động thực hiện và tuân thủ theo đúng kế hoạch triệu hồi, đồng thời người nhập khẩu phải công bố thông tin về kế hoạch triệu hồi và danh sách ô tô phải triệu hồi trên trang thông tin điện tử của người nhập khẩu, các đại lý bán hàng một cách kịp thời, đầy đủ.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra: (1) Thông báo bằng văn bản cho người nhập khẩu về việc tiếp nhận kế hoạch triệu hồi và các yêu cầu bổ sung đối với chương trình triệu hồi (nếu có). (2) Yêu cầu người nhập khẩu phải thực hiện việc triệu hồi; thông tin về ô tô bị triệu hồi trên trang thông tin điện tử của Cơ quan kiểm tra; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện triệu hồi của người nhập khẩu theo kế hoạch. (3) Tạm dừng các thủ tục chứng nhận chất lượng đối với người nhập khẩu ô tô không thực hiện trách nhiệm theo quy định. (4) Cơ quan kiểm tra sẽ xem xét dừng thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các ô tô của cùng nhà sản xuất nếu người nhập khẩu cung cấp được bằng chứng nhà sản xuất đó không phối hợp để thực hiện kế hoạch triệu hồi. (5) Đối với ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được Cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận, Cơ quan kiểm tra thông báo tới cơ quan hải quan nơi mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu cho phép người nhập khẩu tạm giải phóng hàng để người nhập khẩu thực hiện việc khắc phục các xe thuộc diện triệu hồi. Sau khi người nhập khẩu cung cấp danh sách các ô tô đã được khắc phục lỗi theo quy định của nhà sản xuất, Cơ quan kiểm tra tiếp tục thực hiện thủ tục kiểm tra, chứng nhận theo quy định.

Nghị định số 60/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/10/2023 và áp dụng đối với ô tô kể từ ngày 01/8/2025.

2. Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2023

Đối tượng và điều kiện vay vốn được quy định tại Điều 3 Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, bao gồm:

*Đối tượng vay vốn: (1) Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; (2) Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

*Điều kiện vay vốn: (1) Người chấp hành xong án phạt tù: Có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận theo Mẫu số 01 kèm theo Quyết định này. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm; (2) Cơ sở sản xuất kinh doanh: Được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm a khoản này và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận theo Mẫu số 02 kèm theo Quyết định này.

*Người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật.

3. Thông tư số 06/2023/TT-BTNMT ngày 31/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2023

Theo đó, hướng dẫn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch.

(1) Chiến lược, quy hoạch phải thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm: Chiến lược khai thác, sử dụng tài nguyên cấp quốc gia; Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng; Quy hoạch quốc gia; Quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

(2) Nội dung lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật Bảo vệ môi trường.

(3) Đối với chiến lược, quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập, điều chỉnh trước ngày 01/10/2023 thì thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm phê duyệt nhiệm vụ lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch.

(4) Đối với chiến lược, quy hoạch đã lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu được phê duyệt trước ngày 01/10/2023, kể từ ngày 01/10/2023 mà điều chỉnh chiến lược, quy hoạch thì phải thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định tại Thông tư 06/2023/TT-BTNMT đối với nội dung điều chỉnh của chiến lược, quy hoạch.

(5) Đối với chiến lược, quy hoạch chưa lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu được phê duyệt trước ngày 01/10/2023, kể từ ngày 01/10/2023 mà điều chỉnh chiến lược, quy hoạch thì phải thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-BTNMT.

4. Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2023

Thông tư này hướng dẫn một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự, bao gồm: (1) Việc đăng tải, cập nhật, bổ sung, sửa đổi, quản lý, khai thác, sử dụng và cung cấp thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án trên Trang thông tin điện tử Cục Thi hành án dân sự và Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (Trang/Cổng thông tin điện tử thi hành án dân sự); (2) Thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính trong thi hành án dân sự, gồm: giao nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản kê biên, tạm giữ; thu, chi tiền thi hành án; chế độ kiểm tra và báo cáo về thi hành án dân sự; (3) Lập, sử dụng, bảo quản và lưu trữ sổ, hồ sơ thi hành án; các loại biểu mẫu nghiệp vụ; việc quản lý, sử dụng biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự.

Về nguyên tắc công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án: Theo quy định, việc công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án phải bảo đảm chính xác, minh bạch, đầy đủ nội dung, đúng hình thức và thời gian quy định. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin được công khai. Việc công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án theo các bản án, quyết định của Tòa án quân sự được thực hiện theo đề nghị của các cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

Nội dung, hình thức công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án: Thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án gồm: tên, địa chỉ của người phải thi hành án; bản án, quyết định phải thi hành; quyết định thi hành án; nghĩa vụ chưa có điều kiện thi hành án, lý do chưa có điều kiện thi hành án. Thông tin về người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án được công khai bằng hình thức đăng tải trên Trang/Cổng thông tin điện tử thi hành án dân sự.

Về trình tự, thủ tục công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự lập danh sách gửi Cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự lập danh sách của Cục Thi hành án dân sự và tổng hợp danh sách của các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc để thực hiện đăng tải công khai theo quy định.  Danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thực hiện theo mẫu tại Phụ lục VII Thông tư này.

Về trình tự thay đổi, chấm dứt công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thông tin của người phải thi hành án đã công khai có thay đổi, Cục Thi hành án dân sự cập nhật thay đổi thông tin của người phải thi hành án thuộc trách nhiệm của Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc. Chi cục Thi hành án dân sự kịp thời gửi thông tin cho Cục Thi hành án dân sự để cập nhật việc thay đổi. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi hành án hoặc người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án hoặc có quyết định tiếp tục thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải chấm dứt việc công khai thông tin.

5. Thông tư số 16/2023/TT-BYT ngày 15/08/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc đăng ký lưu hành đối với thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2023

Thông tư này quy định chung về đăng ký lưu hành thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam; hồ sơ, thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung, thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ (thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu) tại Việt Nam.

Trong đó, Thông tư quy định rõ về đăng ký lưu hành thuốc gia công. Cụ thể, thuốc gia công khi đăng ký lưu hành được phân loại như sau:

- Thuốc gia công có cùng các nội dung so với thuốc đặt gia công, bao gồm: Công thức bào chế thuốc; quy trình sản xuất; tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu; tiêu chuẩn chất lượng thuốc thành phẩm; tên thương mại.

Trường hợp thuốc đặt gia công là thuốc đã được Bộ Y tế công bố biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu và thuốc gia công có thay đổi so với thuốc đặt gia công về ít nhất một trong các tiêu chí tại điểm này (không bao gồm thay đổi tên thương mại) hoặc các thay đổi khác liên quan đến chất lượng thuốc, các thay đổi này phải được phê duyệt bởi cơ quan quản lý dược nước sản xuất hoặc cơ quan quản lý quy định tại khoản 9 Điều 2 Thông tư số 08/2022/TT-BYT đã cấp phép lưu hành thuốc đó hoặc cơ sở đăng ký phải cung cấp dữ liệu chứng minh thuốc gia công tương đương về chất lượng so với thuốc đặt gia công.

- Thuốc gia công khác không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a nêu trên.

Thông tư cũng nêu rõ, đối với thuốc gia công có lộ trình gia công các công đoạn sản xuất tại Việt Nam, định kỳ hằng năm kể từ ngày được cấp giấy đăng ký lưu hành, cơ sở đăng ký thuốc gia công hoặc cơ sở nhận gia công thuốc quy định tại điểm a nêu trên phải báo cáo tiến độ thực hiện gia công các công đoạn của quy trình sản xuất thuốc thành phẩm tại Việt Nam về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) theo Mẫu 04/TT Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc gia công được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Thông tư số 08/2022/TT-BYT. Thời gian nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc gia công thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư số 08/2022/TT-BYT.

6. Thông tư số 18/2023/TT-BKHCN ngày 15/08/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu ban hành kèm theo Thông tư 01/2015/TT-BKHCN, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2023

Theo đó, để được xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu thì nhà khoa học phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn sau:

- Được tổ chức, cá nhân đề cử và gửi hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng theo quy định.

- Có kết quả nghiên cứu cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn sau: (1) Được thực hiện tại Việt Nam. (2) Được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế ít nhất một (01) năm và không quá bảy (07) năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng. (3) Được đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật trong trường hợp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.

- Có đóng góp quan trọng nhất đối với kết quả nghiên cứu cơ bản.

- Không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ.

Cơ cấu Giải thưởng Tạ Quang Bửu từ ngày 01/10/2023 có tối đa năm (05) Giải thưởng chính, trong đó không quá ba (03) giải thưởng đối với nhóm lĩnh vực khoa học tự nhiên; khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y, dược; khoa học nông nghiệp hoặc nhóm lĩnh vực khoa học xã hội; khoa học nhân văn.

Tối đa ba (03) Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ). Trong đó không quá hai (02) giải thưởng đối với các nhóm lĩnh vực khoa học tự nhiên; khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y, dược; khoa học nông nghiệp hoặc nhóm lĩnh vực khoa học xã hội; khoa học nhân văn.

7. Thông tư số 54/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài chính trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực tài chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2023

Thông tư này ban hành Danh mục 101 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài chính:

- 30 vị trí việc làm ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện: Chuyên viên về quản lý tài sản công; Chuyên viên về quản lý giá; Chuyên viên về quản lý tài chính doanh nghiệp; Chuyên viên về bảo hiểm…

- 71 vị trí việc làm ở cấp tổng cục, cấp cục, cấp chi cục: Chuyên viên về quản lý thuế; Nhân viên về giám sát quản lý hải quan; Kiểm tra viên về điều tra chống buôn lậu; Kiểm tra viên về quản lý rủi ro hải quan…

Trong đó, nội dung mô tả công việc của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài chính bao gồm:

- Tên vị trí việc làm;

- Mục tiêu vị trí việc làm;

- Các công việc và tiêu chí đánh giá;

- Các mối quan hệ công việc;

- Phạm vi quyền hạn;

- Yêu cầu về trình độ năng lực.

Bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm của đơn vị xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm tại Phụ lục III Thông tư này.

Trường hợp công chức đang ở ngạch cao hơn so với ngạch công chức tương ứng của vị trí việc làm được phân công đảm nhiệm thì được bảo lưu ngạch hiện giữ cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.

8. Thông tư số 12/2023/TT-BNV ngày 08/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ bãi bỏ một số Thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2023

- Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

- Thông tư số 05/2012/TT-BNV ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

- Thông tư số 06/2013/TT-BNV ngày 17 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ bãi bỏ Điều 19 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

- Thông tư số 03/2015/TT-BNV ngày 10 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

- Thông tư số 05/2017/TT-BNV ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09 tháng 10 năm 2014 và Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức.

- Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.

- Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

- Thông tư số 04/2015/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

- Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11 tháng 4 năm 2001 của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

- Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

9. Nghị định số 62/2023/NĐ-CP ngày 18/8/2023 của Chính phủ bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực từ ngày 05/10/2023

Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng ở nơi có cảng hàng không, sân bay và các công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng theo quy định của Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không.

10. Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở ban hành, có hiệu lực từ ngày 06/10/2023

Thông tư số 56/2023/TT-BTC quy định rõ nguồn kinh phí cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở được bố trí thực hiện theo phân cấp ngân sách bao gồm:

- Chi thường xuyên ngân sách trung ương để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở của các bộ, cơ quan ở trung ương và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ;

- Chi thường xuyên ngân sách địa phương để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở của địa phương và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện, Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện theo phân cấp ngân sách nhà nước;

- Kinh phí từ nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, một số mức chi cụ thể được điều chỉnh tăng lên 1,5 lần so với quy định trước đây; hòa giải viên cơ sở được hưởng thêm 20% mức thù lao nhận được; đồng thời Thông tư cũng sửa đổi cập nhật việc dẫn chiếu các văn bản quy định về kinh phí đối với các nhiệm vụ chi có tính chất tương tự trong công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở.    

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06/10/2023 và thay thế Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

11. Thông tư số 05/2023/TT-BTP ngày 24/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp tại chính quyền địa phương, có hiệu lực từ ngày 07/10/2023

Theo đó, danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp tại chính quyền địa phương gồm:

(1) Lĩnh vực lý lịch tư pháp: Giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

(2) Lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch:

- Giải quyết các thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.

- Giải quyết việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch.

- Giải quyết hồ sơ xin nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; giấy xác nhận là người gốc Việt Nam.

(3) Lĩnh vực nuôi con nuôi: Giải quyết việc nuôi con nuôi thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

(4) Lĩnh vực công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, thừa phát lại:

- Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng; hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng.

- Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

- Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, thu hồi, thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản.

- Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, thu hồi, thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài; Chi nhánh Trung tâm trọng tài, Chi nhánh Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

- Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, thu hồi, thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại, Chi nhánh Trung tâm hòa giải thương mại, Chi nhánh, văn phòng đại diện Trung tâm hòa giải thương mại thành lập ở nước ngoài.

- Thẩm định hồ sơ và thực hiện thủ tục trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập, chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của Văn phòng thừa phát lại.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là 5 năm. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm được phân công làm việc ở vị trí công tác đó theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

12. Thông tư số 07/2023/TT-BLĐTBXH ngày 28/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/10/2023

Cụ thể, viên chức được xếp lương vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:

Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp - Mã số: V.09.02.01, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3 nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 - 8,00, tương đương 11,16 - 14,4 triệu đồng/tháng.

Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính - Mã số: V.09.02.02, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 - 6,78, tương đương 7,92 - 12,204 triệu đồng/tháng.

Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết - Mã số: V.09.02.03, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 - 4,98, tương đương 4,212 - 8,964 triệu đồng/tháng.

Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành - Mã số: V.09.02.04, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 - 4,89, tương đương 3,78 - 8,802 triệu đồng/tháng.

Giáo viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp - Mã số: V.09.02.05, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3 nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 - 7,55, tương đương 10,35 - 13,59 triệu đồng/tháng.

Giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính - Mã số: V.09.02.06, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 - 6,78, tương đương 7,92 - 12,204 triệu đồng/tháng.

Giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết - Mã số: V.09.02.07, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 - 4,98, tương đương 4,212 - 8,964 triệu đồng/tháng.

Giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành - Mã số: V.09.02.08, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 - 4,89, tương đương 3,78 - 8,802 triệu đồng/tháng.

Giáo viên giáo dục nghề nghiệp - Mã số: V.09.02.09, được áp dụng hệ số lượng của viên chức loại B từ hệ số lương 1,86 - 4,06, tương đương 3,348 - 7,308 triệu đồng/tháng.

13. Thông tư số 59/2023/TT-BTC ngày 30/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2023

Thông tư số 59/2023/TT-BTC quy định người nộp phí trong lĩnh vực y tế là tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các công việc thẩm định, bao gồm: Thẩm định cấp tiếp nhận, nhập khẩu, xuất khẩu, xác nhận trong lĩnh vực chế phẩm diệt côn trùng diệt khuẩn trong gia dụng và y tế; thẩm định cấp giấy phép lưu hành, nhập khẩu, xuất khẩu, công bố trang thiết bị y tế; thẩm định hoạt động, tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề thuộc lĩnh vực y tế.

Đồng thời, từ ngày 16/10/2023, tăng 20% một số mức thu phí trong lĩnh vực y tế như:

- Mức thu phí thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị loại C, D: tăng từ 5 triệu đồng lên 6 triệu đồng/hồ sơ;

- Mức thu phí thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh: tăng từ 360.000 đồng/lần lên 430.000 đồng/lần…

Thông tư thay thế Thông tư số 278/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế và Thông tư số 11/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 278/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

14. Thông tư số 60/2023/TT-BTC ngày 07/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 22/10/2023

Theo đó, Thông tư số 60/2023/TT-BTC quy định một số nội dung như sau:

(i) Thay đổi mức thu lệ phí cấp lần đầu chứng nhận đăng ký kèm theo biển số tại khu vực I (Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội):

- Xe ô tô (trừ xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống; Rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời): 500.000 đồng/lần/xe (Hiện hành là từ 150.000 - 500.000 đồng/lần/xe).

- Xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả xe con pick-up): 20 triệu đồng/lần/xe (Hiện hành là từ 2.000.000 - 20.000.000 đồng)

- Rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời: 200.000 đồng/lần/xe (Hiện hành là từ 100.000 - 200.000 đồng/lần/xe).

- Xe mô tô: Trị giá đến 15 triệu đồng: 01 triệu đồng/lần/xe (Hiện hành là từ 500.000 nghìn đồng - 01 triệu đồng/lần/xe).

 Trị giá trên 15 - 40 triệu đồng: 02 triệu đồng/lần/xe (Hiện hành là từ 01 - 02 triệu đồng/lần/xe).

Trị giá trên 40 triệu đồng: 04 triệu đồng/lần/xe (Hiện hành là từ 02 - 04 triệu đồng/lần/xe).

(ii) Miễn lệ phí đăng ký, cấp biển xe mô tô ba bánh chuyên dùng cho người khuyết tật từ ngày 22/10/2023, cụ thể:

Theo quy định của Thông tư số 229/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định phí đăng ký xe, cấp biển số xe mô tô ba bánh cho người khuyết tật là 50.000 đồng. Tuy nhiên, kể từ ngày 22/10/2023, Thông tư số 60/2023/TT-BTC đã miễn lệ phí đăng ký xe, cấp biển số xe mô tô ba bánh chuyên dùng cho người khuyết tật.

(iii) Bổ sung quy định mức lệ phí cấp chứng nhận đăng ký tạm thời và biển số tạm thời bằng kim loại:

So với quy định tại Thông tư số 229/2016/TT-BTC thì Thông tư số 60/2023/TT-BTC đã bổ sung quy định mức lệ phí cấp chứng nhận đăng ký tạm thời và biển số tạm thời bằng kim loại là 150.000 đồng/lần/xe.

Thông tư số 60/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 22/10/2023 và bãi bỏ Thông tư số 229/2016/TT-BTC; bãi bỏ Điều 4 Thông tư số 43/2023/TT-BTC ngày 27/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình và khai thông tin về đăng ký sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú khi thực hiện các chính sách hoặc thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính./.

Bảo Ngọc (tổng hợp)

Bài viết khác: