luat dien tu

Thực hiện Công văn số 3148/HĐPH ngày 24/7/2023 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương về việc phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5; Quyết định số 1198/QĐ-TTg ngày 13/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15, đồng thời bảo đảm quyền được thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ, người lao động theo quy định, trân trọng giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 như sau:

Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Luật gồm 8 chương, 53 điều (kế thừa có sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005). Theo đó, Luật có những nội dung cơ bản sau:

Chương 1: Những quy định chung gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6). Chương này quy định về những vấn đề chung trong phòng thủ dân sự, gồm:  Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động, chính sách của Nhà nước; thông tin về sự cố, thảm họa; các cấp độ phòng thủ dân sự, hợp tác quốc tế và các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự.

Chương 2: Thông tin dữ liệu gồm 15 điều chia thành 3 mục.

Mục 1 (Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu - từ Điều 7 đến Điều 13), quy định về hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu, giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc, thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ, chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu và hình thức lưu trữ thông điệp dữ liệu.

Mục 2 (Gửi, nhận thông điệp dữ liệu - từ Điều 14 đến điều 18), quy định về người khởi tạo thông điệp dữ liệu, thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu, nhận thông điệp dữ liệu, thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu và gửi, nhận tự động thông điệp dữ liệu.

Mục 3 (Chứng thư điện tử - từ Điều 19 đến Điều 21), quy định về  giá trị pháp lý của chứng thư điện tử, chuyển giao chứng thư điện tử và  yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử

Chương 3: Chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy gồm 12 điều chia thành 2 mục. Mục 1 (Chữ ký điện tử - từ Điều 22 đến Điều 27) quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ, sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn, Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài, Chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế. Mục 2 (Dịch vụ tin cậy- từ Điều 28 đến Điều 33) quy định cụ thể về dịch vụ tin cậy, Điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy, Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy, Dịch vụ cấp dấu thời gian, Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

Chương 4: Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử gồm 5 điều (từ Điều 34 đến Điều 38). Chương này quy định về hợp đồng điện tử; giao kết, nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

Chương 5: Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước gồm 4 điều (từ Điều 39 đến Điều 44). Chương này quy định về các loại hình giao dịch điện tử; quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung; tạo lập, thu thập dữ liệu; kết nối, chia sẻ dữ liệu; dữ liệu mở của cơ quan nhà nước và hoạt động của cơ quan nhà  nước trên môi trường điện tử.

Chương 6: Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử gồm 4 điều (từ Điều 45 đến Điều 48), quy định về hệ thống thông tin, tài khoản giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin; báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Chương 7: Quản lý nhà nước về giao dịch điện tử gồm 2 điều (Điều 49 và Điều 50) quy định về nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Chương 8: Điều khoản thi hành gồm 3 điều (từ Điều 51 đến Điều 53). Chương này quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

Câu 1: Giao dịch điện tử là gì và phạm vi điều chỉnh của giao dịch điện tử bao gồm những đối tượng nào?

Trả lời:  

Điều 3 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã quy định khái niệm giao dịch điện tử giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử, trong đó Môi trường điện tử là môi trường mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin.

Điều 1 của Luật đã quy định phạm vi của giao dịch điện tử cụ thể như sau:

(1) Luật này quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.

(2) Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch.

(3)  Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực

hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Đây chính là điểm mới trong Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã giúp nhiều luật hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số.

Câu 2: Khái niệm chữ ký số, chữ ký điện tử đã được bổ sung cụ thể như thế nào trong Luật Giao dịch điện tử năm 2023?

Trả lời:

Theo khoản 11, 12 Điều 3 Luật Giao dịch điện tử 2023 đã quy định:

 Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.

Chữ ký số là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu. Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu…

Câu 3: Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử được thể hiện như thế nào trong Luật Giao dịch điện tử năm 2023?

Trả lời:

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã quy định chi tiết cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ luật.

Cụ thể, Điều 6 Luật Giao dịch điện tử 2023 đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn về những hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng luật.

Các hành vi bị cấm bao gồm:

(1) Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

(2) Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

(3) Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

(4) Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

(5) Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

(6) Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

(7) Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

(8) Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định.

Câu 4: Thông điệp dữ liệu được thể hiện thông qua hình thức nào?

Trả lời:

Điều 7 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định cụ thể về hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu như sau:

(1) Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử, tài liệu điện tử, chứng thư điện tử, chứng từ điện tử, hợp đồng điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và hình thức trao đổi dữ liệu điện tử khác theo quy định của pháp luật.

(2) Thông điệp dữ liệu được tạo ra, phát sinh trong quá trình giao dịch hoặc được chuyển đổi từ văn bản giấy.

Câu 5: Các giá trị mà thông điệp dữ liệu thể hiện được quy định trong Luật giao dịch điện tử như thế nào?

Trả lời:

Thông điệp dữ liệu có giá trị được thể hiện thông qua các hình thức được quy định trong Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Luật Giao dịch điện tử năm 2023

a) Đối với thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản

(1) Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu thông tin trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu.

(2) Trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng; chứng thực theo quy định của Luật này và pháp luật về chứng thực.

b) Đối với thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc

Thông điệp dữ liệu được sử dụng và có giá trị như bản gốc khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

(1) Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh.

(2) Thông tin trong thông điệp dữ liệu được xem là toàn vẹn khi thông tin đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu;

(3) Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh.

c) Đối với thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ:

(1) Thông điệp dữ liệu được dùng làm chứng cứ theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng.

(2) Giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo, gửi, nhận thông điệp dữ liệu và các yếu tố phù hợp khác.

Câu 6: Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu cần đáp ứng những yêu cầu nào?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử năm 2023, thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

(1) Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy;

(2) Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu;

(3) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;

(4) Trường hợp văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản này và phải có chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu.

Theo khoản 2 Điều 12 của Luật, văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

(1) Thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu;

(2) Có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu;

(3) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;

(4) Trường hợp thông điệp dữ liệu là chứng thư điện tử thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản này và phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy.

Câu 7: Chứng thư điện tử có giá trị pháp lý như thế nào theo quy định của Luật?

Trả lời:

Theo Điều 19 Luật Giao dịch điện tử năm 2023, thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

(1) Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành theo quy định của Luật này;

(2) Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh;

(3) Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian.

Chứng thư điện tử do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội diễn ra toàn trình.

Câu 8: Chữ ký điện tử được phân biệt như thế nào và phải đáp ứng những yêu cầu gì theo quy định của Luật Giao dịch điện tử?

Trả lời: 

Về chữ ký điện tử, Luật Giao dịch điện tử cơ bản không thay đổi về nguyên tắc, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số. Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài....

Chữ ký điện tử được phân loại theo phạm vi sử dụng bao gồm:

(1) Chữ ký điện tử chuyên dùng là chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ;

(2) Chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng;

(3) Chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công vụ và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Tiếp theo, chữ ký điện tử chuyên dùng phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

(1) Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu;

(2) Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chuyên dùng chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận;

(3) Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chuyên dùng chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký;

(4) Hiệu lực của chữ ký điện tử chuyên dùng có thể được kiểm tra theo điều kiện do các bên tham gia thỏa thuận.

Chữ ký số là chữ ký điện tử đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

(1) Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu;

(2) Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận;

(3) Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký;

(4) Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện;

(5) Phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số. Trường hợp chữ ký số chuyên dùng công vụ phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Trường hợp chữ ký số công cộng phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;

(6) Phương tiện tạo chữ ký số phải bảo đảm dữ liệu tạo chữ ký số không bị tiết lộ, thu thập, sử dụng cho mục đích giả mạo chữ ký; bảo đảm dữ liệu được dùng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất; không làm thay đổi dữ liệu cần ký.

Việc sử dụng các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu mà không phải là chữ ký điện tử thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

Câu 9: Chữ ký điện tử có giá trị pháp lý được quy định cụ thể như thế nào trong Luật?

Trả lời:

Theo Điều 23 của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử thì:

(1) Chữ ký điện tử không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì được thể hiện dưới dạng chữ ký điện tử.

(2) Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số có giá trị pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân đó trong văn bản giấy.

(3) Trường hợp pháp luật quy định văn bản phải được cơ quan, tổ chức xác nhận thì yêu cầu đó được xem là đáp ứng đối với một thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số của cơ quan, tổ chức đó.

Câu 10: Theo Luật Giao dịch Điện tử năm 2023, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ được quy định như thế nào?

Trả lời:

Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ được quy định cụ thể tại Điều 24 của Luật như sau:

1. Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ là dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động công vụ.

2. Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ được quản lý, cung cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật về cơ yếu.

3. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ thực hiện các hoạt động sau đây:

(1) Phát hành chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ để xác nhận và duy trì trạng thái hiệu lực chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ của chủ thể ký thông điệp dữ liệu;

(2) Thu hồi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ;

(3) Kiểm tra hiệu lực chữ ký số chuyên dùng công vụ và duy trì trạng thái hiệu lực của chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ; không sử dụng rào cản kỹ thuật, công nghệ để hạn chế việc kiểm tra hiệu lực chữ ký số chuyên dùng công vụ;

(4) Cung cấp thông tin cần thiết để chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ;

(5) Liên thông với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia để bảo đảm cho việc kiểm tra hiệu lực chữ ký số chuyên dùng công vụ;

(6) Cấp dấu thời gian trong hoạt động công vụ.

Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ, chữ ký số chuyên dùng công vụ phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật đối với chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo quy định của pháp luật.

Câu 11: Dịch vụ cấp dấu thời gian là gì?

Trả lời:

Dịch vụ cấp dấu thời gian đã được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2023 như sau::

(1) Dịch vụ cấp dấu thời gian là dịch vụ để gắn thông tin về thời gian vào thông điệp dữ liệu.

(2) Dấu thời gian được tạo ra dưới dạng chữ ký số.

(3) Thời gian được gắn vào thông điệp dữ liệu là thời gian mà tổ chức cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian nhận được thông điệp dữ liệu đó và được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian.

(4) Nguồn thời gian của tổ chức cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian phải theo quy định của pháp luật về nguồn thời gian chuẩn quốc gia.

Câu 12: Hợp đồng điện tử là gì và giao kết hợp đồng điện tử được quy định như thế nào?

Trả lời:

Nội dung đã được quy định cụ thể và rõ ràng trong Điều 35 và Điều 36 của Luật Giao dịch Điện tử năm 2023 như sau

a) Về hợp đồng điện tử:

(1) Hợp đồng điện tử được giao kết hoặc thực hiện từ sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động với người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể do các hệ thống thông tin tự động thực hiện hay vào hợp đồng.

(2) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

b) Về giao kết hợp đồng điện tử:

(1) Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử.

(2) Đề nghị giao kết và chấp nhận giao kết hợp đồng điện tử được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Câu 13: Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 36 của Luật quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử:

(1) Các bên có quyền thỏa thuận sử dụng thông điệp dữ liệu, phương tiện điện tử một phần hoặc toàn bộ trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.

(2) Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Câu 14: Việc quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia được quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia được quy định trong Khoản 3 Điều 40 của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 như sau:

(1) Cơ sở dữ liệu quốc gia chứa dữ liệu chủ làm cơ sở tham chiếu, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương;

(2) Dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy được cơ quan có thẩm quyền cung cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

(3) Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia được chia sẻ với Bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội;

(4) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia. Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia phải thể hiện được các nội dung cơ bản sau đây: tên cơ sở dữ liệu quốc gia; mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; phạm vi dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia; thông tin về dữ liệu chủ của cơ sở dữ liệu quốc gia được lưu trữ và chia sẻ; đối tượng và mục đích sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia; nguồn thông tin được xây dựng và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia; phương thức chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia;

(5) Chính phủ quy định việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia; quy định việc chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia với cơ sở dữ liệu của cơ quan khác của Nhà nước.

Câu 15: Việc quản lý cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương được quy định như thế nào trong Luật?

Trả lời:

Việc quản lý cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương được quy định tại  Khoản 3 Điều 40 của Luật Giao dịch điện tử năm 2023  như sau:

(1) Cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương là tập hợp thông tin dùng chung của Bộ, ngành, địa phương;

(2) Dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương có giá trị sử dụng chính thức, tương đương văn bản giấy do Bộ, ngành, địa phương cung cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

(3) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định danh mục cơ sở dữ liệu; việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương mình. Danh mục cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương phải thể hiện được các nội dung cơ bản sau đây: tên cơ sở dữ liệu; mô tả mục đích, phạm vi, nội dung của từng cơ sở dữ liệu; cơ chế thu thập, cập nhật, nguồn dữ liệu được thu thập của từng cơ sở dữ liệu; liệt kê các hạng mục dữ liệu bao gồm dữ liệu mở và dữ liệu được chia sẻ.

Câu 16: Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước được quy định trong Luật Giao dịch điện tử cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Về dữ liệu mở, Điều 43 của Luật quy định, Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ. Cơ quan nhà nước công bố dữ liệu mở để cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Câu 17: Hoạt động của cơ quan nhà nước được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2023 cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Về hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, Điều 44 của Luật quy định như sau:

Cơ quan nhà nước phải bảo đảm kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc kết quả hoạt động công vụ khác không thuộc phạm vi bí mật nhà nước đều có văn bản điện tử có giá trị pháp lý như văn bản giấy, có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh. Cơ quan nhà nước phải tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Các lĩnh vực hoạt động của cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm: cung cấp dịch vụ công; công tác quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Cơ quan nhà nước phải sẵn sàng phương án trong tình huống khẩn cấp, trong tình huống xảy ra sự cố gián đoạn hoạt động trên môi trường mạng trực tuyến và phương án ứng cứu, khắc phục sự cố, duy trì hoạt động giao dịch bình thường.
Cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của pháp luật để tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu; thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.

Câu 18: Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã có những thay đổi gì về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử so với phiên bản năm 2005?

Trả lời:

Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử so với Luật Giao dịch điện tử (năm 2005), Luật Giao dịch điện tử mới đã bổ sung quy định tại Điều 45 của Luật cụ thể các loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; tài khoản giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quán hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử đặc biệt là với các nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử có quy mô, số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập hằng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam lớn và rất lớn...

Theo đó, Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử được phân loại theo chủ quản hệ thống thông tin; chức năng, tính năng của hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; quy mô, số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập hằng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam.

Câu 19: Luật Giao dịch Điện tử năm 2023 đã quy định về tài khoản giao dịch điện tử như thế nào?

Trả lời:

Về tài khoản giao dịch điện tử Luật quy định trong Điều 46 như sau: Tài khoản giao dịch điện tử được sử dụng để thực hiện giao dịch điện tử, nhằm lưu trữ lịch sử giao dịch và bảo đảm chính xác trình tự giao dịch của chủ tài khoản, có giá trị chứng minh lịch sử giao dịch của các bên tham gia theo quy định tại khoản 4 Điều này. 

Câu 20: Quản lý nhà nước về giao dịch điện tử bao gồm những hoạt động gì?

Trả lời:

Nội dung quản lý nhà nước về giao dịch điện tử đã được quy định cụ thể trong Điều 49 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 như sau:

(1) Xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển giao dịch điện tử; văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong giao dịch điện tử.

(2) Quản lý công tác báo cáo, đo lường, thống kê hoạt động giao dịch điện tử; quản lý việc giám sát an toàn hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của chủ quản hệ thống thông tin.

(3) Quản lý dịch vụ tin cậy.

(4) Quản lý, tổ chức việc xây dựng, khai thác và phát triển hạ tầng chứng thực điện tử quốc gia; việc phát hành, thu hồi chứng thư chữ ký số.

(5) Quy định việc liên thông giữa các hệ thống cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng công vụ.

(6) Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong giao dịch điện tử.

(7) Quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia trong giao dịch điện tử.

(8) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử.

(9) Hợp tác quốc tế về giao dịch điện tử.

Câu 21: Trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử thuộc về những cơ quan nào?

Trả lời:

Theo Điều 50 Luật Giao dịch điện tử năm 2023, trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử được quy định như sau:

(1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

(2) Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

(3) Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

(4) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật./.

Bảo Ngọc (tổng hợp)

Bài viết khác: